Hối tiếc – Cái giá của sự an toàn

hoi-tiec-cai-gia-cua-su-an-toan

Góc nhìn cá nhân: Chúng ta chờ đợi quá lâu để sống một cuộc đời có ý nghĩa.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Nhiều người hối tiếc vì đã không làm điều khiến họ rực sáng khi còn có thể.
  • Tiền bạc giúp ích, nhưng để sống có mục đích, ta cần sáng tạo hơn là cần tiền.
  • Thiếu thời gian thường chỉ là cảm giác, không hẳn là sự thật.
  • Sống có mục đích đòi hỏi dũng khí hơn là thời gian, tiền bạc hay năng lượng.

Là một bác sĩ chăm sóc giảm nhẹ, tôi may mắn được hiện diện bên giường bệnh của những người đang bước vào cõi vĩnh hằng. Suốt bao năm qua, tôi đã có vô số cuộc trò chuyện về những cuộc đời trọn vẹn, và thường hơn cả là về những điều chưa kịp làm. Nhiều bệnh nhân của tôi bày tỏ một nỗi niềm giống nhau đến kinh ngạc:

"Tôi thật sự hối tiếc vì đã không có đủ năng lượng, tiền bạc hay thời gian để…"

Phần sau của câu nói thì mỗi người một khác. Có người tiếc vì chưa từng viết một cuốn sách. Người khác lại ao ước được đặt chân đến một vùng đất xa xôi. Có người ước gì mình đã dành thời gian luyện tập cho môn thể thao yêu thích. Những điều cụ thể có thể thay đổi, nhưng ẩn sâu bên dưới tất cả là một điểm chung: họ đã bỏ lỡ điều mà tôi gọi là “mục đích viết thường”, nghĩa là, kiểu mục đích gắn liền với hành trình hơn là đích đến, thứ đến từ những điều khiến nội tâm ta bừng sáng.

Sự thật đau lòng về những khoảnh khắc ngộ ra trước khi nhắm mắt là: người sắp từ giã cuộc đời không còn đủ quyền chủ động để sửa chữa. Họ đã cạn kiệt thời gian, hay sức lực, hoặc cả hai. Điều họ từng có thể làm, giờ đây đã vượt khỏi tầm tay.

Một phần lớn công việc của tôi, cả trong nghề y lẫn những cuốn sách tôi viết, là cố gắng thuyết phục những người đang còn sống hãy sống với một cái nhìn khác, trước khi quá muộn. Tôi muốn mang đến cho họ lăng kính của người sắp ra đi, như một cuốn cẩm nang chỉ đường cho cách sống trọn vẹn ngay bây giờ.

Source: pixabay / anonymous

Chúng ta phải sống như thể cái chết chỉ cách ta một hơi thở.

Vậy mà, hết lần này đến lần khác, tôi vẫn nghe đi nghe lại những lý do quen thuộc cho việc tại sao con người không ưu tiên sống có mục đích trong cuộc đời thường nhật của mình.

Tôi không đủ năng lượng

Lý do này rất phổ biến, nhất là ở những người trẻ, đang quay cuồng với sự nghiệp và con cái. Họ cảm thấy cạn kiệt hoàn toàn trước guồng quay công việc và gia đình. Ý nghĩ dành chút năng lượng còn sót lại cho điều gì đó chỉ vì bản thân mình nghe thật nực cười.

Thế nhưng, nghiên cứu lại hé lộ điều ngược lại. Các nghiên cứu về động lực và vận động thể chất cho thấy, những người có cảm giác sống có mục đích lại thường thấy mình tràn đầy sinh lực hơn. Họ gặp ít trở ngại hơn trong việc hành động, và có nhiều động lực nội tại để sống tích cực hơn.

Nói cách khác, năng lượng không nhất thiết là một chiếc bánh có kích thước cố định. Nó có thể sinh sôi, đặc biệt là khi ta làm những điều thật sự có ý nghĩa với mình.

Và “mục đích” không cần phải là lập ra một tổ chức từ thiện hay khởi nghiệp triệu đô. Mục đích viết thường nhẹ nhàng hơn, đơn sơ hơn. Có thể là đọc một cuốn sách hay, tản bộ bên hồ, hay mày mò với một thú vui thuở bé. Không phải hành động lớn hay nhỏ, mà là điều đó có làm trái tim bạn rực lên không.

Tôi không đủ tiền

Vâng, tiền là một công cụ và là công cụ mạnh mẽ. Nhưng không phải là công cụ duy nhất.

Ta thường bỏ qua nhiều nguồn lực khác có thể mở rộng biên độ cho cuộc sống của mình. Hãy nghĩ đến một người mẹ đi làm, có con nhỏ, lại bận rộn với công việc. Có thể hiện tại chị không có nhiều tiền hay năng lượng, nhưng chị có một người chị gái sống gần đó. Liệu chị có thể nhờ trông con vài tiếng để được tham gia câu lạc bộ sách? Liệu cộng đồng quanh chị có thể giúp đỡ nhiều hơn nếu chị mở lời?

Khi ta nhìn lại kỹ càng “hộp đồ nghề” mình đang có, đam mê, các mối quan hệ, kỹ năng, sức trẻ, vốn hiểu biết – ta thường nhận ra mình có nhiều hơn mình tưởng. Ít nhất, đủ để bắt đầu.

Tôi không đủ thời gian

Lý do này nghe có vẻ rất thật. Không thể phủ nhận rằng chúng ta bận rộn hơn bao giờ hết, bị cuốn vào guồng quay của công việc, gia đình, tin nhắn, email và mạng xã hội. Đây là một trong những lý do phổ biến nhất mà tôi thường nghe thấy.

Nhưng dữ liệu lại kể một câu chuyện khác.

Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ thực hiện cuộc Khảo sát Sử dụng Thời gian Hằng năm, thu thập thông tin từ hàng ngàn người tham gia. Kết quả gần nhất cho thấy: trung bình, người Mỹ dành khoảng 5 tiếng mỗi ngày cho các hoạt động giải trí và thể thao. Không phân biệt giàu nghèo, có việc hay không, hầu hết mọi người đều có nhiều thời gian rảnh hơn họ nghĩ.

Vậy nên, nếu ta thật sự có thời gian, câu hỏi nên đặt ra là: điều gì mới thực sự ngăn cản ta?

Mục đích đòi hỏi dũng khí

Qua những năm tháng làm việc bên những người sắp từ biệt cuộc đời, tôi nghiệm ra một điều bất ngờ. Rào cản thật sự để sống có mục đích không phải là năng lượng, tiền bạc hay thời gian.

Mà là dũng khí.

Không phải kiểu can đảm mà ta thường hay nghĩ tới. Tôi đã có những cuộc trò chuyện như thế với các cựu binh từng ra chiến trường và các vận động viên liều lĩnh. Vấn đề không phải là nỗi sợ. Cũng không phải là kỹ năng. Tôi từng chăm sóc cho những nghệ nhân bậc thầy, những tác giả nổi tiếng. Họ không thiếu kiến thức – hầu hết đều rất rõ điều gì khiến họ cảm thấy sống.

Điều họ thiếu, là dũng khí để lựa chọn sống với những điều đó.

Dễ hơn nhiều khi ta tập trung vào kiếm tiền, phát triển sự nghiệp hay nuôi dạy con cái. Những điều ấy rất quan trọng, nhưng đồng thời cũng là “trái chín thấp” dễ hái, dễ được công nhận.

Còn quay trở lại với điều khiến bạn thật sự bừng sáng, điều đó thì đáng sợ hơn nhiều.

“Nếu tôi không đủ giỏi thì sao?”
“Nếu tôi thất bại thì sao?”
“Nếu kết quả không như tôi mong đợi thì sao?”
“Nếu người ta cười nhạo tôi thì sao?”

Danh sách những lý do để không theo đuổi mục đích của đời mình thì dài vô tận.,Nhưng chỉ cần một lý do để bạn nên làm điều đó: Bởi nếu không, bạn có thể sẽ hối tiếc khi nằm trên giường bệnh.

Tài liệu tham khảo:

Sutin, A. R., Luchetti, M., Stephan, Y., & Terracciano, A. (2021). Sense of purpose in life and motivation, barriers, and engagement in physical activity and sedentary behavior: Test of a mediational model. Journal of Health Psychology, 27(9), 2068–2078. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/34041939/

Sturm R, Cohen DA. Free Time and Physical Activity Among Americans 15 Years or Older: Cross-Sectional Analysis of the American Time Use Survey. Prev Chronic Dis 2019;16:190017. DOI: http://dx.doi.org/10.5888/pcd16.190017.

Tác giả: Jordan Grumet M.D.

Nguồn: Regret Is the Price of Playing It Safe | Psychology Today

menu
menu