Chấm dứt vòng lặp của sang chấn truyền đời

Khi sự trưởng thành qua các thế hệ có thể vượt lên trên những tổn thương đời trước
Ý chính
- Sang chấn truyền đời mang theo những nỗi sợ và thói quen do gian khổ trong quá khứ gây ra, như tư duy khan hiếm.
- Sự trưởng thành truyền đời lan tỏa những giá trị và kỹ năng tích cực, tạo nên những làn sóng ảnh hưởng bền vững đến thế hệ mai sau.
- Theo đuổi đam mê giúp nuôi dưỡng khả năng phục hồi và để lại di sản phát triển cho những người khác.
Chúng ta thường nghe nói về sang chấn truyền đời, hiện tượng khi những trải nghiệm đau thương mà một thế hệ phải gánh chịu tiếp tục lan rộng, ảnh hưởng đến cả những thế hệ kế tiếp. Những câu chuyện về nghèo đói, thiếu thốn và những vết sẹo cảm xúc xuất hiện dày đặc trong các phương tiện truyền thông và tâm lý học đại chúng. Tuy nhiên, điều ít khi được nhắc đến hơn, chính là một thế lực không kém phần mạnh mẽ: sự trưởng thành truyền đời.
Sự trưởng thành truyền đời là mặt đối lập của sang chấn truyền đời. Đó là những giá trị sống tích cực, kỹ năng và tư duy được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một di sản của sự kiên cường, mục đích và mãn nguyện. Dù sang chấn có thể chiếm trọn tiêu đề của báo chí, thì sự trưởng thành cũng tác động không kém phần sâu sắc và có thể làm thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn. Để hiểu rõ sức mạnh của hai dòng chảy này, tôi muốn chia sẻ hai câu chuyện, một về sang chấn, và một về sự trưởng thành, để thấy rõ ảnh hưởng lâu dài mà chúng mang lại.
Source: Pexels / Pixabay
Gánh nặng của sang chấn truyền đời
Bà ngoại tôi sinh ra vào đầu những năm 1900 và rời Syria để sang Mỹ. Bi kịch ập đến trong đại dịch cúm năm 1918, khi mẹ của bà qua đời. Cha bà, kiệt sức trước gánh nặng phải nuôi dạy nhiều đứa trẻ một mình, đã đưa bà vào trại trẻ mồ côi, nơi bà sống suốt quãng đời còn lại của tuổi thơ. Thời điểm đó lại trùng với cuộc Đại Khủng Hoảng, một thời kỳ mà sự thiếu thốn bao trùm lên cuộc sống hằng ngày.
Trải nghiệm sống trong cảnh thiếu tiền, thiếu ăn đã ăn sâu vào cách nhìn đời của bà. Bà hình thành những thói quen và nỗi sợ xoay quanh sự khan hiếm và sinh tồn, rồi truyền lại cho các con mình, trong đó có mẹ tôi. Mẹ tôi nhớ rằng bà từng phát hiện những nơi giấu thức ăn và tiền trong nhà, những phòng bị mà bà ngoại để lại, vì sợ rằng tai ương có thể ập tới bất kỳ lúc nào.
Bi kịch lại một lần nữa tìm đến khi cha tôi qua đời đột ngột ở tuổi 40, để lại mẹ tôi một mình nuôi ba đứa con trai nhỏ. Điều này càng củng cố tư duy thiếu thốn của bà. Mẹ đã truyền sang tôi một nỗi sợ sâu sắc về việc cạn kiệt nguồn lực, dù đôi khi điều đó hoàn toàn vô lý. Tôi sau này trở thành bác sĩ, thu nhập đủ đầy để sống một cuộc sống ổn định, nhưng nỗi sợ đó vẫn đeo bám tôi. Dù đã có sự đảm bảo tài chính, tôi vẫn ngần ngại trong việc chi tiêu, luôn bị ám ảnh rằng mọi thứ có thể vụt mất bất cứ lúc nào. Sang chấn truyền đời, dù không được nói thành lời, vẫn len lỏi vào trong cách tôi nhìn nhận tiền bạc và sự an toàn.
Sức mạnh của sự trưởng thành truyền đời
Trong khi câu chuyện của bà ngoại tôi là biểu tượng của sang chấn, thì câu chuyện của ông ngoại lại là một minh chứng cho sự trưởng thành. Ông có một niềm đam mê sâu sắc với toán học, và ông theo đuổi điều đó bằng nghề kế toán viên công chứng. Những năm 1950, khi mẹ tôi còn là một cô bé, bà thường ngồi trong lòng ông khi ông làm việc với những bảng tính. Khi ấy chưa có máy tính, mọi thứ đều được viết tay bằng những ô vuông ngay ngắn. Ông chia sẻ niềm vui trong công việc ấy với mẹ tôi, kể cho bà nghe vì sao ông lại yêu nó đến vậy.
Niềm vui ấy đã lây lan. Mẹ tôi, cảm hứng từ ông, cũng nảy sinh tình yêu với toán học và trở thành kế toán viên công chứng. Giống như bao đứa trẻ khác, tôi từng thử “khoác lên mình” bản dạng của mẹ như một người yêu toán, nhất là khi tôi đang vật lộn với chính mình. Tôi bị một chứng rối loạn học tập khiến việc đọc trở nên rất khó khăn, trong khi các bạn đã đọc được sách thì tôi vẫn loay hoay với những quyển tô màu. Nhưng toán thì khác. Tôi giỏi toán, và thành công ấy giúp tôi tin rằng mình vẫn có thể học hỏi và trưởng thành, bất chấp mọi khó khăn.
Khi tôi trở thành bác sĩ, một công việc đòi hỏi sự chính xác như toán học, có một lần, tôi gặp một bệnh nhân cứ nhập viện liên tục, bị mất nước nghiêm trọng và cận kề cái chết. Cả nhóm bác sĩ đều bối rối, cho đến khi tôi nhận ra một mối liên hệ toán học giữa hai kết quả xét nghiệm của ông ấy. Mối liên hệ đó dẫn đến một chẩn đoán hiếm gặp, nhưng có thể điều trị bằng một loại thuốc đơn giản. Ông ấy bình phục và trở lại với công việc giảng đạo, giúp đỡ thanh thiếu niên vô gia cư bằng việc cung cấp nơi ở, dịch vụ xã hội và cơ hội việc làm.
Nhìn lại, tôi thấy rõ những vòng sóng của sự trưởng thành truyền đời. Tình yêu toán học của ông ngoại, truyền cho mẹ tôi, đã nuôi dưỡng kỹ năng và sự tự tin nơi tôi. Hàng chục năm sau, những kỹ năng ấy đã cứu sống một người, và gián tiếp giúp thay đổi cuộc đời của nhiều người khác qua công việc của ông ấy. Nó giống như khi ta thả một hòn sỏi xuống biển, gợn sóng ban đầu lan rộng, rồi âm thầm chạm đến những bờ xa, rất lâu sau khi hòn sỏi ấy đã chìm nghỉm.
Chọn trưởng thành thay vì sang chấn
Sang chấn truyền đời và sự trưởng thành truyền đời đều là những di sản mà ta nhận được và truyền lại. Nhưng ta có quyền lựa chọn cái nào sẽ được tiếp tục lan tỏa. Sang chấn thường mang cảm giác không thể tránh khỏi vì nó bắt nguồn từ nỗi đau và bản năng sinh tồn. Thế nhưng, sự trưởng thành cũng tự nhiên và mạnh mẽ không kém. Khi ta theo đuổi điều khiến mình bừng sáng, tôi hay gọi đó là "mục đích nhỏ p", ta đang tạo nên một di sản tích cực có thể lan tỏa qua các thế hệ.
Vậy, theo đuổi "mục đích nhỏ p" là gì? Đó là việc dấn thân vào những điều có ý nghĩa, dù là công việc, sở thích hay đam mê, miễn là nó mang lại cho ta niềm vui và sự mãn nguyện, kể cả khi chúng tưởng như nhỏ bé hay tầm thường. Với ông ngoại tôi, đó là toán học. Với người khác, có thể là hội họa, làm vườn, giảng dạy, hay đơn giản là sống tử tế. Những hành động nhỏ chứa đựng mục đích ấy có sức truyền cảm và nâng đỡ người khác, tạo nên một động lực truyền đời có thể hóa giải cả sang chấn.
Di sản ta để lại
Câu chuyện gia đình tôi cho thấy sang chấn truyền đời là có thật, nhưng đó không phải toàn bộ câu chuyện. Sự trưởng thành truyền đời cũng xứng đáng được nhắc đến, một hành trình của kiên cường, mục đích và hy vọng. Tất cả chúng ta đều có khả năng để lại những di sản tích cực, bằng cách sống với đam mê và chia sẻ nó cùng người khác.
Nếu sang chấn đòi hỏi sự chữa lành và công nhận, thì sự trưởng thành mời gọi ta kiến tạo và vun đắp. Nó nhắc ta rằng những vòng sóng từ hành động của mình có thể lan xa hơn cả cuộc đời này, chạm đến những con người và vùng đất mà ta không bao giờ biết tới. Khi chọn sự trưởng thành, ta đảm bảo rằng di sản mình để lại không chỉ là những khổ đau đã vượt qua, mà là niềm vui, tri thức và mục đích sống mà ta đã xây dựng nên.
Tài liệu tham khảo:
Yehuda, R., & Lehrner, A. (2018). Intergenerational transmission of trauma effects: Putative role of epigenetic mechanisms. World Psychiatry, 17(3), 243-257.
Nguồn: Breaking the Cycle of Generational Trauma | Psychology Today