Nỗi sợ trở thành người nguy hiểm hoặc vô đạo đức có thể tiếp sức cho rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

noi-so-tro-thanh-nguoi-nguy-hiem-hoac-vo-dao-duc-co-the-tiep-suc-cho-roi-loan-am-anh-cuong-che-ocd

Những ý nghĩ bất chợt về việc làm điều sai trái là điều thường gặp, nhưng với người mắc OCD, chúng gây ra nỗi sợ hãi sâu sắc về chính bản thân mình.

Bài viết của Richard Moulding và Kelvin (Shiu Fung) Wong, các nhà tâm lý học lâm sàng

Với những ai chưa từng nghe đến rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hoặc chỉ biết đến qua phim ảnh và truyền hình, căn bệnh này có thể trông giống như một tập hợp những thói quen kỳ lạ, những hành vi lặp đi lặp lại hay sự ám ảnh quá mức với việc sắp xếp trật tự. Nhưng trên thực tế, người mắc OCD như đang bị cầm tù trong chính tâm trí của mình. Họ bị dày vò bởi những ý nghĩ, hình ảnh và thôi thúc mà chính họ cũng thấy vô lý, nhưng lại cảm thấy buộc phải phản ứng. Chẳng hạn, một người lo sợ về vi trùng trong thức ăn có thể chỉ dám ăn vài món nhất định, thực hiện những nghi thức cầu kỳ trước khi ăn, và rửa tay đến mức da đỏ ửng, trầy xước. Một người khác lại luôn hoài nghi về sự an toàn, “Nhỡ đâu mình quên khóa cửa thì sao?”, khiến họ liên tục kiểm tra và khóa đi khóa lại cánh cửa nhiều lần.

Một dạng OCD khác cũng phổ biến nhưng ít người biết đến hơn, là khi người bệnh bị ám ảnh bởi những ý nghĩ và hình ảnh đi ngược lại hoàn toàn với đạo đức, khiến họ vô cùng ghê sợ. Những nội dung này thường xoay quanh chủ đề tình dục, bạo lực hoặc tôn giáo. Dù cố gắng xua đuổi hay thay thế chúng bằng những ý nghĩ khác, người bệnh vẫn không thể thoát khỏi chúng. Ví dụ, một người vừa làm cha mẹ có thể thường xuyên bị những ý nghĩ kinh hoàng về việc làm hại đứa con nhỏ. Điều này có thể khiến họ hành động theo kiểu cưỡng chế, như liên tục tìm kiếm sự trấn an rằng mình không bao giờ có thể làm điều đó, hoặc thậm chí tránh ở một mình với con.

Không phải những ý nghĩ kiểu này chỉ xảy ra với người mắc OCD. Thực ra, đã có bằng chứng cho thấy hầu như ai trong chúng ta cũng từng trải qua những ý nghĩ xâm nhập giống OCD, chỉ là ít người nhắc đến mà thôi. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy khoảng một nửa số người tham gia từng có những ý nghĩ không mong muốn như bẻ lái xe vào dòng giao thông ngược chiều, hay tưởng tượng người có quyền lực đang khỏa thân. Trong một nghiên cứu khác của nhóm chúng tôi, được thực hiện với sinh viên đại học tại 13 quốc gia, có hơn 90% người tham gia cho biết họ từng có những ý nghĩ tương tự như vậy. Các phương pháp điều trị tâm lý cho OCD cho rằng điều phân biệt giữa người mắc rối loạn này với người bình thường không phải là việc có những ý nghĩ không mong muốn, mà là cách họ phản ứng trước chúng. Trong khi phần lớn mọi người cảm thấy những ý nghĩ này chỉ hơi khó chịu và có thể gạt bỏ, thì người mắc OCD lại cảm thấy như có trách nhiệm phải hành động, như thể làm vậy mới tránh được hiểm họa.

Ảnh: Salwan Georges/The Washington Post/Getty Images

Những nội dung của các ý nghĩ xâm nhập này không phải ngẫu nhiên; chúng thường gắn liền với mối quan tâm về đạo đức hoặc trách nhiệm cá nhân. Trên thực tế, người mắc OCD thường là những người nhân hậu và cẩn trọng, sở hữu điều mà nhiều nhà chuyên môn gọi là một “lương tâm mềm yếu”. Các triệu chứng cụ thể ở mỗi người thường liên quan đến những chủ đề chạm đúng nỗi sợ sâu kín nhất trong họ. Như một bệnh nhân từng nói: OCD “đánh trúng ngay điểm yếu của bạn”. Với người luôn trăn trở về việc làm cha mẹ tốt, có thể họ sẽ bị ám ảnh bởi ý nghĩ làm tổn hại đến con mình. Một người sùng đạo có thể mắc kẹt trong những ý nghĩ hoặc hình ảnh mà họ cho là phạm thượng. Còn với người luôn lo lắng về lòng chung thủy, những ý nghĩ tình dục không mong muốn lại trở thành nỗi ám ảnh hàng đầu.

Những quan sát như vậy đã đưa chúng tôi, cùng nhiều nhà nghiên cứu khác, đi sâu tìm hiểu vai trò của mối bận tâm về cái tôi trong rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). Chúng tôi dựa trên một nền tảng phong phú của các nghiên cứu trong tâm lý học xã hội, vốn từng tập trung vào trầm cảm và lo âu nói chung. Những công trình này cho thấy, khi hình ảnh một người nhìn nhận về chính mình khác xa với con người lý tưởng mà họ mong muốn trở thành (những khao khát và ước vọng), điều đó có thể dẫn đến sự bất mãn và trầm cảm. Ngược lại, khi hình ảnh về bản thân không đạt được những gì mà họ nghĩ rằng mình phải là (những nghĩa vụ và trách nhiệm), điều này thường dẫn đến lo âu. Thế nhưng, trong OCD, chúng tôi nhận thấy điểm khác biệt nằm ở chỗ: trọng tâm không còn là việc trở thành người mình mong muốn hay người mình nghĩ mình nên là, mà là tránh trở thành người mình sợ nhất: cái tôi đáng sợ.

Những ý nghĩ, hình ảnh và thôi thúc ám ảnh người mắc OCD không bắt nguồn từ thực tế. Nhưng với người đang hứng chịu chúng, chỉ cần cảm giác có thể chúng là thật, hoặc mang một ý nghĩa nào đó về con người thật của mình, cũng đủ để gây ra nỗi thống khổ dữ dội. Những phản ứng của họ có thể được hiểu như một nỗ lực để chạy trốn khỏi cái tôi đáng sợ ấy. Quay lại ví dụ ở phần trước: một người cha nhân hậu, mang nỗi sợ rằng mình là, hoặc có thể trở thành người bạo lực, có thể đột ngột xuất hiện một ý nghĩ không mong muốn về việc làm hại con mình. Ý nghĩ này lại càng làm nỗi sợ của anh thêm dữ dội. Anh có thể cưỡng chế phản ứng bằng cách cố thay thế ý nghĩ ấy bằng một ý nghĩ khác, rời khỏi căn phòng có đứa trẻ, hoặc gặng hỏi chính mình để khẳng định chắc chắn rằng mình không thực sự bạo lực. Anh cũng sẽ cảnh giác cao độ với bất kỳ ý nghĩ nào xuất hiện trong tương lai. Thế nhưng trớ trêu thay, chính sự cảnh giác đó lại có thể khiến những ý nghĩ đáng sợ ấy xuất hiện thường xuyên hơn, gây ra nhiều đau khổ hơn và khiến những nỗ lực xua tan chúng càng trở nên vô vọng.

Có khoảng 80% người tham gia nghiên cứu cho biết từng trải qua những ý nghĩ xâm nhập giống OCD

Một nghiên cứu ban đầu về chủ đề này đã đặt câu hỏi với ba nhóm: người mắc OCD, người mắc các dạng lo âu khác và một nhóm người tham gia bổ sung, tất cả đều được hỏi về hình ảnh “cái tôi có thể trở thành” của họ. Những người mắc OCD nổi bật hơn cả bởi họ đồng nhất mình với một hình ảnh “cái tôi nguy hiểm”, tức là luôn mang nỗi sợ về khả năng đánh mất kiểm soát, hoặc vô tình gây hại cho người khác, dù trực tiếp hay gián tiếp (chẳng hạn, vì đã không ngăn chặn được điều đó). Điều này cho thấy họ luôn nghi ngờ rằng bản thân có thể là người xấu, độc ác, nguy hiểm, vô đạo đức hoặc điên loạn, dù không có bằng chứng nào cho điều đó là đúng. Hiện nay đã có nhiều nghiên cứu chứng minh tầm quan trọng của “cái tôi đáng sợ” trong OCD. Ngay cả với những người không được chẩn đoán mắc bệnh, nỗi sợ về cái tôi mà họ có thể trở thành cũng có liên hệ chặt chẽ với các triệu chứng OCD.

Tuy nhiên, vẫn có thể đặt câu hỏi: liệu chính cái tôi đáng sợ này có thực sự là nguyên nhân khiến các triệu chứng OCD bùng phát, hay chỉ đơn giản là hệ quả của những ý nghĩ gây đau khổ? Một số nghiên cứu gần đây của chúng tôi đã nhằm tìm lời giải cho câu hỏi đó. Trong một nghiên cứu, chúng tôi gửi cho người tham gia những câu hỏi nhắc nhở qua điện thoại thông minh suốt hai tuần, hỏi họ về trải nghiệm với những ý nghĩ xâm nhập. Dù nghiên cứu không chỉ tập trung vào người mắc OCD, khoảng 80% người tham gia cho biết họ từng trải qua những ý nghĩ giống OCD, bao gồm nghi ngờ, sợ nhiễm bẩn, ý nghĩ làm hại người khác, hoặc những nội dung liên quan đến tình dục, đạo đức hay tôn giáo.

Chúng tôi nhận thấy rằng những người càng tin tưởng mạnh mẽ vào hình ảnh “cái tôi đáng sợ” (chẳng hạn như: “Tôi sợ mình sẽ trở thành một con người tồi tệ nếu không thật cẩn thận”) thì càng có nhiều ý nghĩ giống OCD hơn, đồng thời cũng trải qua mức độ đau khổ lớn hơn trước những ý nghĩ đó, cảm thấy thôi thúc phải phản ứng với chúng nhiều hơn, và có nhu cầu kiểm soát chúng mạnh mẽ hơn. Khi chúng tôi đưa ra các lời nhắc hằng ngày cho người tham gia, trong đó một số người được nhắc nhớ về “cái tôi đáng sợ” còn một số khác thì chỉ được hỏi về thể thao, thì những người được nhắc về cái tôi đáng sợ sau đó cho biết họ có xu hướng muốn phản ứng với các ý nghĩ xâm nhập nhiều hơn. Nghiên cứu này, cùng với nhiều nghiên cứu khác, đang dần củng cố bằng chứng cho thấy: chính hình ảnh “cái tôi đáng sợ” khiến trải nghiệm về những ý nghĩ xâm nhập trở nên tồi tệ hơn, chứ không chỉ đơn thuần là hệ quả phản chiếu từ chúng.

Các nhà nghiên cứu cũng đang tiếp tục khám phá mối liên hệ giữa “cái tôi đáng sợ” và những niềm tin khác trong OCD, nhằm hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của chứng rối loạn phức tạp này; tìm hiểu cách “cái tôi đáng sợ” gắn với các biểu hiện khác nhau của OCD; và thậm chí là mối liên hệ giữa nó với các rối loạn khác như rối loạn ăn uống hay rối loạn mặc cảm ngoại hình. Những người mắc các rối loạn này có thể hạn chế ăn uống hoặc liên tục soi gương tìm khuyết điểm trên cơ thể, một phần bởi vì họ đang cố gắng tránh xa cái tôi mà họ tưởng tượng ra: một hình hài méo mó, dị dạng nào đó mà họ sợ trở thành.

Điều đáng mừng là, khi nỗi sợ về bản thân giảm đi, các triệu chứng OCD cũng thuyên giảm theo, đặc biệt là những triệu chứng liên quan đến các nội dung “ghê tởm” như ý nghĩ phạm thượng, bạo lực hay tình dục. Điều này gợi ý rằng: nếu điều trị tập trung trực tiếp vào “cái tôi đáng sợ”, ta có thể mang lại sự nhẹ nhõm thực sự cho những người mắc OCD hoặc có triệu chứng tương tự. Dù vẫn cần thêm nghiên cứu để hiểu rõ cách tốt nhất để làm điều này, một số phương pháp hiện tại đã cho thấy nhiều triển vọng.

Trong công việc trị liệu, chúng tôi nhận thấy rằng việc cùng người bệnh suy ngẫm về khái niệm “cái tôi đáng sợ” có thể giúp họ hiểu vì sao một số ý nghĩ ám ảnh lại bám riết lấy họ, và từ đó chất vấn lại niềm tin rằng những ám ảnh đó đồng nghĩa với việc họ là người xấu xa, tha hóa hay nguy hiểm. Việc này cũng giúp họ đặt lại ý nghĩ ám ảnh trong một bối cảnh mới: không còn là sự thật về bản thân, mà chỉ là những câu chuyện sai lệch xoay quanh hình ảnh cái tôi đáng sợ. Họ cũng dần giảm bớt động lực thực hiện những hành vi cưỡng chế, vì giờ đây họ nhận ra rằng: những hành vi đó không thật sự loại bỏ nguy hiểm nào trong thực tế, mà chỉ là nỗ lực để thoát khỏi hình ảnh bản thân họ đang sợ hãi. Với sự đồng hành của nhà trị liệu, người bệnh có thể học cách chịu đựng sự bất định về bản thân, thử thách những niềm tin đạo đức cứng nhắc trắng – đen, và dần trở nên bao dung hơn với chính mình.

Một cách tiếp cận khác để hóa giải “cái tôi đáng sợ” là gieo nghi ngờ vào chính khả năng tồn tại của nó, giúp người bệnh xem xét cẩn thận các bằng chứng ủng hộ và phản bác sự hiện diện của hình ảnh đó, nhưng không rơi vào vòng xoáy cưỡng chế. Đây là một kỹ thuật phổ biến trong liệu pháp hành vi – nhận thức (CBT), mang tên “tái cấu trúc nhận thức”. Liệu pháp CBT dựa trên suy diễn, được phát triển riêng cho người mắc OCD, cũng có những cách tiếp cận nhằm làm giảm tính thuyết phục của “cái tôi đáng sợ”, bằng cách giúp người bệnh hiểu rằng chính họ đã tạo ra câu chuyện ấy quanh hình ảnh bản thân, thông qua lý trí và trí tưởng tượng. Sau cùng, mục tiêu là giúp họ nhận ra rằng: “cái tôi đáng sợ” kia thực chất chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mà ta có thể kể về chính mình.

-------------------------

Richard Moulding là nhà tâm lý lâm sàng và giáo sư tại Học viện Cairnmillar, Úc.
Kelvin (Shiu Fung) Wong là nhà tâm lý lâm sàng và giảng viên cao cấp về tâm lý học lâm sàng tại Đại học Công nghệ Swinburne, Úc.

Biên tập: Matt Huston

Nguồn: https://psyche.co/ideas/fears-about-being-a-dangerous-or-immoral-person-can-fuel-ocd

menu
menu