Cái giá của lao động cảm xúc trong các mối quan hệ

Một góc nhìn cá nhân: Việc này khiến người phụ nữ kiệt sức và dường như đã trở thành thói quen.
Lao động cảm xúc là những chăm sóc, an ủi, và hỗ trợ vô hình mà ta dành cho người khác, không được trả công, và thường bị xem nhẹ với cái giá là sự thoải mái của chính mình.
Khi ta vỗ về đứa con đang ốm, hoặc âm thầm đặt lịch tiêm dị ứng hàng tháng cho chú chó mà bạn đời chẳng bao giờ nhớ dù nó đã sống cùng cả ba năm trời, đó chính là ta đang bỏ ra lao động cảm xúc. Có thể đó là việc làm vừa lòng gia đình bên chồng, đặt bàn trước cho cả nhà, hay giải thích vì sao một câu đùa lại khiến người khác tổn thương.
Nơi công sở cũng đầy rẫy thứ lao động vô hình này, ta là người kết nối mọi người, là người nhớ sinh nhật, người mua thiệp cho cả văn phòng. Và nếu bạn làm việc ở nơi có khẩu hiệu “khách hàng luôn đúng”, thì bạn đang bỏ ra không ít lao động cảm xúc mỗi ngày.
Đã bao giờ bạn lịch sự phục vụ một người thô lỗ? Tìm cách giải quyết vấn đề, hoàn tiền vì lỗi của khách, hay gửi tài liệu hai lần chỉ vì ai đó “chưa kịp xem qua”, tất cả với nụ cười gượng gạo dán trên mặt?
Chúng ta đã đi đến đây như thế nào?
Vấn đề không nằm ở việc muốn an ủi người khác. Tôi thật lòng muốn ở bên con gái khi con buồn, chẳng phiền khi phải gọi bác sĩ thú y hay gửi tấm thiệp chúc mừng. Vấn đề nảy sinh khi chỉ có mình tôi là người luôn làm điều đó. Khi nó biến thành “công việc thứ hai” của tôi. Với phụ nữ và các nhóm yếu thế, loại lao động này thường được mặc định là phần việc của họ và hiếm khi được công nhận. Nó còn đè nặng lên vai chúng ta, bên cạnh những trách nhiệm công việc và cả những nhu cầu cá nhân bị gác lại.
Xã hội vẫn ngầm mặc định rằng việc này là của phụ nữ, của người chăm sóc, của nhân viên dịch vụ, và của những người dễ bị thiệt thòi khác. Bạn từng bị phân biệt chủng tộc tinh vi? Có phải bạn là người phải giải thích, phải hướng dẫn lại cho người vừa vô tình xúc phạm? Đó chính là lao động cảm xúc. Và nó mệt mỏi đến rã rời.
Hệ thống này vẫn chưa được gọi tên đúng mức. Không ai nói trắng ra: “Đó là việc của phụ nữ.” Nhưng điều đó vẫn tồn tại trong những lời như “phụ nữ thường chu đáo hơn”, hay “vợ tôi làm mấy chuyện đó giỏi lắm.”
Source: Brooke Lark/Unsplash
Kế thừa qua nhiều thế hệ
Thật ra, chúng tôi “giỏi” cũng phải thôi, bởi chúng tôi đã quá quen làm những việc này. Nó không được dạy bài bản, mà được truyền qua cách sống, qua hình mẫu. Vậy nên hầu hết chúng tôi đã trở thành chuyên gia trong việc làm cho người khác thấy dễ chịu, dù điều đó khiến bản thân kiệt sức.
Giờ đây, khi tôi có thể gọi đúng tên nó, “lao động cảm xúc”, thì tôi thấy dễ thở hơn, và hợp lý hơn để nói ra. Tôi hiểu được vì sao mình lại kiệt quệ đến vậy, dù chỉ là sau những việc tưởng chừng đơn giản nhất. Không phải chỉ một việc, mà là chuỗi suy nghĩ, sự chuẩn bị, sắp xếp, xử lý, tất cả chồng chất lên nhau.
Lấy ví dụ nhé, vì sao chỉ là việc đặt lịch khám nhi khoa cho con thôi mà cũng mệt đến vậy? Bởi vì tôi phải nhớ lịch học sau giờ của con, gọi đến phòng khám, ngồi chờ máy, đọc thông tin bảo hiểm, điền đơn từ, xin phép nghỉ học, sắp xếp thời gian nghỉ việc của mình, v.v… Bạn hiểu chứ? Tôi tin là bạn hiểu.
Giờ thì tôi đã lớn tuổi hơn. Con gái tôi sắp bước vào đại học, và tôi đã mệt rồi. Tôi không thể và sẽ không làm hết mọi thứ nữa. Dĩ nhiên, loại lao động này đã thành thói quen khó bỏ. Mọi người đã quen với việc tôi lấp vào những khoảng trống, và thành thật mà nói, tôi làm nhanh hơn, bởi vì tôi đã làm suốt bao năm. Tôi còn thuộc cả số điện thoại phòng khám.
Chúng ta nên làm gì?
Tạo lại sự cân bằng.
Hãy nói chuyện thẳng thắn. Khi tôi đủ bình tĩnh để diễn đạt rõ ràng cảm xúc thay vì chỉ than phiền, thì gia đình tôi đã có những cuộc trao đổi rất sâu sắc. Dù, không dễ chút nào.
Chúng ta ai cũng có hình dung riêng về “người mẹ” và điều đó cần được thay đổi. Làm mẹ không có nghĩa là duy nhất người biết điền đơn, người lo bữa ăn dã ngoại, hay người mua thiệp sinh nhật hằng năm.
Chồng tôi và tôi đều sẵn lòng chia sẻ việc nhà, cùng hỗ trợ nhau và chăm lo gia đình. Khác biệt nằm ở chỗ, tôi luôn là người khởi xướng. Tôi là “người phụ nữ với kế hoạch.” Nhưng giờ, tôi cần để trống một vài khoảng, để những việc đó có thể xảy ra theo cách không cần đến tôi. Và phần khó nhất: không cằn nhằn. Không ai cần điều đó.
Chúng tôi cũng đã nói chuyện thẳng thắn về cách mà lao động cảm xúc bào mòn con người. Chồng tôi thường đi siêu thị. Trước khi đi, anh ấy hay hỏi tôi: “Lên danh sách giúp anh nhé?” Thành thật mà nói, thật kiệt sức khi tuần nào cũng phải dừng lại mọi thứ, nghĩ ra thực đơn, kiểm tra lịch cả nhà rồi mới biết cần mua gì. Anh ấy cũng sống trong nhà này bao năm, anh biết chúng tôi ăn gì mà. Giờ thì anh tự lên danh sách. Còn tôi? Tôi chỉ góp ý nếu muốn làm món gì đặc biệt. Mọi việc vẫn trôi chảy. Và tôi phải công nhận anh chọn bơ rất chuẩn.
Những thay đổi nhỏ
Tất cả những điều này chỉ là những việc nhỏ, rất nhỏ trong cuộc sống thường nhật. Nhưng, khi bạn là người gánh phần lớn hoặc toàn bộ lao động cảm xúc, những điều nhỏ đó sẽ tích tụ, và trở thành căng thẳng, mâu thuẫn, kiệt quệ trong mối quan hệ.
Việc có thể gọi tên cảm giác này là “lao động cảm xúc” đã giúp tôi hiểu mình hơn. Không cần đổ lỗi, chỉ cần nhìn rõ. Việc nói ra theo một cách mới đã giúp tôi điều chỉnh cách phản ứng, và chính điều đó lại dẫn đến nhiều thay đổi khác.
“Tối nay ăn gì vậy?” – anh nhắn cho tôi vào thứ Tư, khi tôi đang bận rộn ở chỗ làm.
“Không gì cả.” – tôi nhắn lại. “Thật sự em chưa có phút nào để nghĩ đến chuyện đó.”
“Thế anh định làm gì?” – tôi hỏi lại.
Không thấy hồi âm. Nhưng không lâu sau, khi anh về đến nhà, tôi thấy anh đang xé vụn phô mai… chuẩn bị làm taco.
Tài liệu tham khảo:
The Sociology of Emotional Labor, August 2009, Annual Review of Sociology
Nguồn: How Emotional Labor Taxes Relationships | Psychology Today