Những phép tính âm thầm quyết định liệu bạn có bật khóc hay không

nhung-phep-tinh-am-tham-quyet-dinh-lieu-ban-co-bat-khoc-hay-khong

Chúng ta thường nghĩ nước mắt là sự tràn trề cảm xúc, nhưng dưới lăng kính tiến hóa, đó lại là một hình thức giao tiếp xã hội đầy lý trí.

Có lẽ bạn từng thấy mình rơi nước mắt khi xem một bộ phim cảm động, hoặc sau khi nghe một tin tức chấn động. Và có lẽ bạn cũng từng vội vàng lau khô dòng lệ ấy, sợ rằng người khác sẽ nghĩ mình quá đa cảm. “Khóc lóc chẳng ích gì đâu,” câu hát jazz xưa cũ vẫn ngân vang như thế. Nhưng liệu những giọt nước mắt xúc động có thực sự là dấu hiệu của sự yếu mềm, thiếu lý trí?

Sinh học tiến hóa hiện đại đưa ra một góc nhìn mới cho câu hỏi này: nước mắt cảm xúc cũng giống như tư duy lý trí và các đặc điểm tinh thần khác, đã được chọn lọc tự nhiên liên tục mài giũa nhằm phục vụ mục tiêu sinh tồn và duy trì nòi giống. Nói một cách nào đó, nước mắt của bạn rất hợp lý. Chúng là những đặc điểm thích nghi, mang lại lợi thế trong một số hoàn cảnh nhất định và vì thế, chúng hợp lý về mặt sinh thái, được định hình bởi những tính toán chiến lược tinh vi.

Để hiểu vì sao nước mắt lại mang lại những lợi ích ấy, các nhà khoa học tiến hóa thực hiện điều mà họ gọi là “phân tích thích nghi”, một dạng tính toán chi phí - lợi ích (tôi và Asmir Gračanin gần đây đã công bố một mô hình phân tích chính thức về điều này trên tạp chí Evolution and Human Behavior). Giống như một doanh nghiệp, tiến hóa vận hành dựa trên nguyên tắc hiệu quả tối đa. Mọi đặc điểm sinh học, từ sự hình thành cho đến duy trì và vận hành, đều tiêu tốn vật chất và năng lượng. Nếu những “cỗ máy sinh học” này tạo ra lợi ích vượt trội so với chi phí, chúng sẽ được giữ lại trong cấu trúc giống loài. Nếu không, chọn lọc tự nhiên sẽ loại bỏ chúng, giống như cách loài cá trong hang tối đã dần mất đi đôi mắt vì chúng không còn cần đến ánh sáng.

Khoảng 360 triệu năm trước, loài lưỡng cư bắt đầu phát triển khả năng tiết nước mắt để tránh khô mắt khi sống trên cạn. Việc giữ cho đôi mắt hoạt động ổn định, được bôi trơn và nuôi dưỡng bằng nước mắt cơ bản và phản xạ, vốn đã là điều rất có ích. Nhưng nước mắt cảm xúc thì sao? Chúng đem lại lợi ích gì để bù đắp cho những chi phí của mình?

Đám đông lặng lẽ dõi theo đoàn xe tang của Nữ hoàng Elizabeth II tại Windsor, nước Anh. Ảnh: Mary Turner / Panos Pictures

Có vẻ như nước mắt cảm xúc là sự “tái sử dụng” của nước mắt cổ xưa, giờ đây mang vai trò mới: truyền tín hiệu xã hội. Chúng có nhiều đặc điểm khiến chúng trở thành công cụ giao tiếp hiệu quả: chúng không xuất hiện thường trực; chúng xuất hiện rồi biến mất nhanh chóng, nên rất phù hợp để biểu thị những trạng thái hay biến cố thoáng qua; và đặc biệt, chúng thu hút sự chú ý, bởi con người thường tập trung vào gương mặt người khác, nhất là đôi mắt. Là dấu hiệu của nỗi đau thể xác, nước mắt có thể dễ nhận ra hơn nhiều so với các tín hiệu khác bên trong hay bên ngoài cơ thể. Chính những điều kiện nền tảng đó có thể đã khiến bộ não con người tiến hóa để tạo ra nước mắt như một cách biểu đạt sự đau khổ, và để người quan sát nhận biết được nỗi đau thể xác hay tinh thần của người khác qua những giọt nước mắt đó.

Việc nước mắt cảm xúc đóng vai trò như một tín hiệu phi ngôn ngữ cho thấy rõ qua những điều thường khiến ta bật khóc: các sự kiện tiêu cực, đang diễn ra, sắp xảy ra, đã xảy ra, hay chỉ là tưởng tượng, như cái chết, chia ly, bị từ chối, tổn thương hay đói khát. (Tất nhiên, ta cũng có thể rơi nước mắt trước những điều tích cực như lễ cưới, sự ra đời của một đứa trẻ, lễ kỷ niệm, hành động tử tế, thành tựu đạt được hay một màn trình diễn nghệ thuật, ta sẽ quay lại với hiện tượng này ngay sau đây.)

Một dấu hiệu nữa cho thấy nước mắt cảm xúc đóng vai trò giao tiếp, đó là chúng thường xuất hiện khi có người khác bên cạnh. Ví dụ, như các bậc cha mẹ đều biết, con người thường trì hoãn việc khóc cho đến khi có người thân yêu hay ai đó ủng hộ ở gần. Thêm vào đó, những người đang trong mối quan hệ tình cảm có xu hướng khóc nhiều hơn người độc thân. Người cô đơn dù báo cáo mức độ hạnh phúc thấp hơn, lại khóc ít hơn những người cảm thấy gắn bó xã hội. Những sự thật này cho thấy nước mắt cảm xúc không chỉ đơn thuần là biểu hiện của nỗi đau, mà còn là một cách “lặng lẽ” để cầu cứu. Khiến người khác ngừng đối xử tệ, hay khiến họ cho bạn thức ăn, giúp đỡ, hoặc đứng về phía bạn trong một cuộc xung đột, có thể chính là những cách mà nước mắt “trả công” cho chính nó.

Giọt nước mắt lăn trên má con bạn mang đầy ý nghĩa, trong khi những giọt nước mưa chảy trên kính xe lại hoàn toàn vô nghĩa.

Để được duy trì qua nhiều thế hệ, một tín hiệu phải “lọt mắt xanh” của người nhận. Nếu người khác không coi nước mắt cảm xúc là tín hiệu đáng tin cậy cho điều người kia muốn truyền đạt (chẳng hạn như nỗi đau), thì nước mắt sẽ không mang lại lợi ích ròng nào, và theo thời gian, có lẽ sẽ bị chọn lọc tự nhiên loại bỏ. Có thể nước mắt cảm xúc vẫn giữ được độ tin cậy phần lớn là nhờ… khó giả vờ. (Dù vậy, những diễn viên được đào tạo bài bản và người có xu hướng thao túng vẫn có thể làm được.) Hơn nữa, dù khóc có thể giúp ta nhận được sự giúp đỡ, nhưng nếu khóc quá thường xuyên, người khác sẽ nhìn ta như một kẻ yếu đuối, thiếu năng lực, không mấy hấp dẫn trong mắt xã hội, đặc biệt là khi đã trưởng thành. Trong tiếng Anh, có vô số cách gọi miệt thị những người hay khóc: “ẻo lả”, “đào mỏ”, “mít ướt”, “mỏng manh dễ vỡ”… Vì thế, trong mỗi người luôn tồn tại một động lực ngầm để không “lạm dụng” nước mắt. Ngoài ra, khi khóc, tầm nhìn của ta bị mờ, khiến ta khó chiến đấu hay bỏ chạy nếu có xung đột, đây có thể được xem là một dạng “chi phí tự nhiên”, hay gọi theo thuật ngữ sinh học là một “gánh nặng tín hiệu”. Tất cả những yếu tố này góp phần giữ cho nước mắt cảm xúc luôn là một tín hiệu đáng tin.

Thông điệp mà nước mắt truyền tải, xét cho cùng, luôn xoay quanh điều có giá trị, cụ thể là cách người khóc đánh giá các sự kiện bên trong hoặc bên ngoài có ảnh hưởng đến mình. Hãy nghĩ lại xem điều gì thường khiến bạn rơi lệ. Bạn có thể khóc nếu người bạn đời bỏ rơi bạn (nhưng không phải khi họ chỉ ra ngoài mua đồ), hoặc nếu mất điện khiến bạn phải vứt đi 800 đô tiền thực phẩm đông lạnh (chứ không phải chỉ 2 đô), hay khi bạn bị gãy xương đùi (chứ không phải khi chỉ trầy xước nhẹ ở chân). Những đánh giá tiêu cực khiến ta bật khóc thường phải vượt qua một ngưỡng nhất định. Với cảm xúc tích cực cũng tương tự. Bạn có thể khóc nếu con bạn đạt được một cột mốc phát triển mang ý nghĩa văn hóa (chứ không phải khi bé chỉ học được một từ mới nho nhỏ).

Những điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng chỉ bởi con người sở hữu một hệ thống đánh giá và giao tiếp vô cùng tinh vi, và vì ta mặc định rằng ai cũng như vậy. Cũng bởi lý do đó mà bạn cảm thấy giọt nước mắt lăn dài trên má con mình là điều thiêng liêng, còn giọt nước mưa lăn trên kính xe chỉ là chuyện tầm thường.

Nước mắt truyền đạt cách người khóc nhìn nhận sự việc, không chỉ để “giãi bày”, mà còn để đạt được điều gì đó: thay đổi suy nghĩ và hành vi của người khác theo hướng có lợi cho mình. Ví dụ, bạn khóc có thể khiến người yêu ngừng làm điều khiến bạn tổn thương. Và việc khóc khi nàokhóc trước ai cũng là một phép tính phức tạp đầy tinh tế.

Phải có nhiều điều kiện phù hợp thì người rơi lệ mới thật sự nhận được sự giúp đỡ. Để nói rõ hơn: những tính toán này không diễn ra một cách có ý thức hay chủ đích, như khi ta giải một bài toán. Nhưng bộ não vẫn thực hiện chúng một cách tự động, tương tự như cách hệ thống thị giác dùng chênh lệch thị giác hai mắt để tính toán độ sâu từ hình ảnh hai chiều trên võng mạc, mà ta chẳng cần nỗ lực hay ý thức gì cả.

Một tình huống đặc biệt thú vị là khi người mà nước mắt nhắm đến cũng chính là nguồn cơn gây ra nỗi đau.Trong trường hợp ấy, người đang chịu tổn thương có thể không đủ sức ép để buộc người kia dừng lại nếu mình yếu thế hơn. Nhưng không phải là hoàn toàn tuyệt vọng. Người yếu thế vẫn có thể “lay chuyển” đối phương bằng một lời đe dọa gián tiếp, dịu dàng qua nước mắt, như thể đang thì thầm: “Hãy bớt gây tổn thương cho tôi (hoặc hãy giúp đỡ tôi nhiều hơn), bởi vì cuộc đời ta có phần ràng buộc với nhau, và nếu tôi tiếp tục đau khổ, thì cuối cùng, anh/chị cũng sẽ đau theo.”

Đây là một lời cầu cứu kỳ lạ, và để người khóc thực sự nhận được sự giúp đỡ, cần hội tụ rất nhiều điều kiện. Người chứng kiến giọt lệ ấy phải tin rằng nó chân thật, phải thấy người đang khóc thực sự không đủ khả năng tự giải quyết vấn đề của mình, phải có khả năng giúp đỡ, và trên hết, phải thực lòng quan tâm đến phúc lợi của người đang khóc. Ngoài ra, họ còn phải tin rằng việc ra tay giúp đỡ sẽ mang lại lợi ích cho chính mình nhiều hơn là bỏ mặc.

Hiện nay đã có khá nhiều nghiên cứu về việc rơi lệ, và kết quả cho thấy con người thực sự chỉ khóc trong những hoàn cảnh như vậy. Ví dụ, các nghiên cứu cho thấy chúng ta dễ rơi nước mắt hơn khi cảm thấy mình đang phải gánh chịu tổn thất lớn hơn. Trong một nghiên cứu ở Thái Lan, các y tá thường rơi lệ nhiều hơn khi cảm thấy bị quá tải bởi trách nhiệm chăm sóc bệnh nhân. Tương tự, người quan sát cũng đánh giá nỗi đau của người khác là nghiêm trọng hơn khi thấy họ khóc. Trong các phiên tòa, người ta có xu hướng tin rằng những đứa trẻ có nước mắt đã thực sự bị lạm dụng tình dục, nhiều hơn hẳn so với những đứa trẻ không khóc. Một số nghiên cứu khác cho thấy tầm quan trọng của giá trị mối quan hệ: con người có xu hướng hỗ trợ bạn bè đang khóc nhiều hơn là người lạ. Người đang khóc dường như cảm nhận được điều này, nên họ cũng thường hạn chế rơi nước mắt trước những người không có phản ứng gì. Ví dụ, trẻ em thường thể hiện nỗi buồn, bao gồm cả khóc, khi ở gần cha mẹ nhiều hơn là khi ở bên bạn bè, bất kể chúng dành bao nhiêu thời gian cho mỗi nhóm.

Vậy còn những giọt nước mắt hạnh phúc thì sao? Chúng chiếm một phần không nhỏ trong số các lần khóc. Những giọt lệ này có thể không nhằm mục đích kêu gọi hành động tức thời, mà thiên về việc đánh dấu điều gì đó mang giá trị đặc biệt với người đang khóc. Nói cách khác, nước mắt không chỉ biểu đạt nỗi đau mà còn truyền tải sự biết ơn, niềm tự hào hay một mối kết nối xúc cảm sâu sắc. Thậm chí, nước mắt hạnh phúc cũng có thể mang lại lợi ích cụ thể cho chính người rơi lệ. Bằng cách “gắn mác” một trải nghiệm là sâu sắc và giàu ý nghĩa, những giọt nước mắt ấy giúp người khác hiểu rõ hơn về giá trị và ưu tiên của người đang khóc, từ đó khơi dậy những hành vi đáp ứng như tặng quà phù hợp, nâng đỡ tinh thần hay khẳng định mối quan hệ, tất cả đều giúp củng cố sợi dây gắn kết giữa con người với nhau.

Người quan sát thường có thể phân biệt được nước mắt vui hay buồn qua hoàn cảnh. Ví dụ, nếu bạn thấy một người bạn rưng rưng nước mắt khi đang thưởng thức một màn trình diễn nghệ thuật, hay đứng lặng trước vẻ hùng vĩ của hẻm núi Grand Canyon, thì khả năng cao đó là giọt lệ của sự thán phục và hoan hỉ.

Chúng ta cũng có thể dùng cách tiếp cận thích nghi để lý giải những câu hỏi khác về nước mắt. Chẳng hạn, vì sao có người dễ khóc hơn người khác? Góc nhìn tiến hóa cho rằng, những người có ít khả năng phòng vệ hay gây áp lực bằng sức mạnh thì có xu hướng khóc nhiều hơn. Thực tế, phụ nữ ở mọi nền văn hóa đều có xu hướng khóc nhiều hơn nam giới, và trẻ em khóc nhiều hơn người lớn.

Có một nghịch lý thú vị: nước mắt kìm nén đôi khi lại khiến người khác cảm thông nhiều hơn là nước mắt cứ thế tuôn rơi. Vậy còn những âm thanh khi con người khóc như nấc nghẹn, thút thít, sụt sịt thì sao? Khi chứng kiến một người rơi nước mắt, người quan sát thường sẽ tự hỏi: người ấy đang phải chịu đựng mức tổn thất thế nào, và nếu giúp thì bản thân sẽ phải trả giá bao nhiêu? Nhưng người đang khóc cũng có phép tính của riêng mình. Họ muốn biết liệu người kia có nhìn thấy giọt nước mắt của mình không, và có nhận ra đó là tín hiệu kêu gọi giúp đỡ hay không. Nếu không, “lời cầu cứu” ấy cần được điều chỉnh, hoặc gia tăng cường độ. Những âm thanh phát ra khi khóc có thể chính là công cụ khuếch đại tín hiệu ấy.

Nếu việc khóc và rơi lệ thực sự mang chức năng xã hội như ta đang bàn đến, thì câu hỏi đặt ra là: tại sao đôi khi con người lại khóc khi chỉ có một mình? Thực tế, nhiều đặc điểm tiến hóa phục vụ cho mục đích xã hội, như ngôn ngữ, hay những cảm xúc như giận dữ và xấu hổ, vẫn có thể được kích hoạt ngay cả khi ta ở trong trạng thái cô độc. Việc tưởng tượng, chuẩn bị cho tình huống hoặc điều chỉnh cảm xúc có thể là những lý do khiến các cơ chế đó, bao gồm cả nước mắt cảm xúc, được “kích hoạt” khi chỉ có một mình. Ví dụ, việc hình dung sống động một biến cố đau thương có thể làm dấy lên nỗi buồn và khiến ta bật khóc, dù không có ai bên cạnh.

Chức năng xã hội của nước mắt cũng gợi lên một câu hỏi khác: vì sao đôi khi ta cố kìm nén giọt lệ của mình?Câu trả lời là: con người rất phức tạp. Trong khi nước mắt có thể giúp ta nhận được sự hỗ trợ, chúng cũng có thể khiến người khác nhìn ta như kẻ yếu đuối và bất lực. Ngoài ra, người chứng kiến có thể sẵn lòng giúp đỡ, nhưng cũng muốn chắc chắn rằng họ không đang bị lợi dụng bởi một lời cầu cứu giả tạo. Như đồng nghiệp của chúng tôi, David Pinsof, từng nhận xét, việc kìm nén nước mắt có thể giúp người đang khóc che giấu ý định lợi dụng lòng tốt của người khác. Mặc dù hiện chưa có dữ liệu cụ thể về điều này, nhưng rất có thể nước mắt bị kìm nén lại khiến người khác cảm thông và sẵn lòng giúp đỡ hơn cả những giọt lệ tuôn trào không kiểm soát.

Vì thế, lần tới nếu bạn thấy mình rưng rưng trong rạp phim, hoặc thấy ai đó khóc vì một tin dữ, hãy dành chút thời gian để trân trọng sự phức tạp thầm lặng ẩn sau những giọt nước mắt ấy. Chúng là kết tinh của những hệ thống cảm xúc và đánh giá đã được tiến hóa từ xa xưa, giúp con người ứng xử một cách linh hoạt và thích nghi. Ở cấp độ sinh học thuần túy, nước mắt chỉ là hỗn hợp của nước, điện giải, chất nhầy, dầu và enzym. Nhưng sâu xa hơn thế, chúng là một phần của hệ thống tín hiệu xã hội tinh vi, thứ đóng vai trò sống còn trong việc nuôi dưỡng, bảo vệ và làm phong phú các mối quan hệ con người.

Tác giả:

Daniel Sznycer là phó giáo sư tại Khoa Tâm lý học, Đại học Bang Oklahoma. Ông là một trong những tác giả đóng góp cho The Oxford Handbook of Evolution and the Emotions (2024).

Debra Lieberman là giáo sư tại Khoa Tâm lý học, Đại học Miami. Bà là đồng tác giả của cuốn sách Objection: Disgust, Morality and the Law (2018), và hiện là tổng biên tập của tạp chí Evolution and Human Behavior.

Biên tập: Christian Jarrett

Nguồn: The hidden calculations that determine whether you will cry | Psyche.co

menu
menu