Nghệ thuật của trẻ thơ

nghe-thuat-cua-tre-tho

Suốt gần như toàn bộ chiều dài lịch sử nhân loại, thật khó mà tưởng tượng rằng một người trưởng thành, sáng suốt và đáng tin cậy lại có thể gắn bức vẽ của một đứa trẻ sáu tuổi lên tường văn phòng hay phòng ngai vàng của mình.

Suốt gần như toàn bộ chiều dài lịch sử nhân loại, thật khó mà tưởng tượng rằng một người trưởng thành, sáng suốt và đáng tin cậy lại có thể gắn bức vẽ của một đứa trẻ sáu tuổi lên tường văn phòng hay phòng ngai vàng của mình. Cho đến tận thế kỷ 20, nghệ thuật được trân trọng và ngưỡng mộ thường là những tác phẩm thể hiện kỹ năng điêu luyện và sự tái hiện tinh tế vẻ đẹp thực tế của thế giới.

Nghệ thuật trẻ thơ trong văn phòng: người tiên phong Bobby Kennedy vào đầu những năm 1960

Vậy điều gì ở trẻ em — thể hiện qua những nét vẽ dày dạn, táo bạo, méo mó và xiêu vẹo — lại khiến chúng ta ngày nay nhìn thấy một giá trị đặc biệt như thế? Chúng ta thường cho rằng trẻ em và tranh vẽ của chúng "thật ngọt ngào". Nhưng đằng sau hai chữ “ngọt ngào” ấy ẩn chứa điều gì? Và vì sao chúng ta lại cần đến vẻ đẹp ấy đến vậy trong thời đại này?

Bức tranh dưới đây là của Noah, một cậu bé năm tuổi rưỡi sống ở Durham, Anh. Cha của Noah, một quản lý vùng của chuỗi siêu thị, treo bức tranh này nổi bật trong góc làm việc của mình. Tranh vẽ mẹ, bố, Noah và em trai James. Trời mưa, như thường thấy ở vùng đất đó. Nhưng tâm trạng bức tranh lại tươi sáng và đầy lạc quan. Người họa sĩ nhỏ bé ấy dường như rất tin tưởng và lạc quan vào bản chất tốt đẹp của cuộc đời.

Quý giá hơn cả nàng Mona Lisa

Điều chạm đến trái tim ta trong những bức tranh của trẻ nhỏ là những phẩm chất quý giá mà đời sống trưởng thành đang dần đánh mất, nhưng chúng ta vẫn vô thức nhận ra chúng là chìa khóa cân bằng tâm hồn và nuôi dưỡng sự an yên bên trong. Cái "ngọt ngào" ấy chính là phần hồn ta đang bị lưu đày.

Một trong những nét đặc trưng của tranh trẻ thơ chính là niềm tin. Khi mọi thứ diễn ra tương đối suôn sẻ, trẻ em tin vào bề nổi của cuộc sống: nếu mẹ cười, nghĩa là mẹ ổn. Ở độ tuổi này, thật may mắn khi không có chỗ cho sự nhập nhằng, hoài nghi. Trẻ em không bận tâm dò tìm bên dưới bề mặt mọi thứ, nơi ẩn chứa những thỏa hiệp và né tránh của người lớn. Nghệ thuật của trẻ thơ như một liều thuốc cần thiết để chữa lành sự hoài nghi đã quá bão hòa trong tâm hồn ta.

Người lớn hiếm khi cho phép mình sống mà không cảnh giác. Chúng ta luôn chờ đợi rắc rối ập đến từ mọi hướng, nhận thức rõ sự mong manh của hạnh phúc và cách nó dễ dàng tan biến. Việc trải qua 15 phút không bị nhấn chìm trong làn sóng âu lo mới thực sự hiếm hoi. Vì thế, ta dễ dàng tìm thấy sự nhẹ nhõm khi nhìn vào niềm tin vô tư lự của những họa sĩ bé nhỏ ấy — những người tài ba trong việc vực dậy tinh thần ta, dù chúng có thể chẳng biết vẽ một cái cây hay khuôn mặt người cho chính xác.

Bức tranh của Noah nhắc nhở ta điều ta đang thiếu thốn đến nhường nào. Trước hết, ta cần học cách tin tưởng rằng hầu hết con người đều tốt bụng. Một chút hoài nghi có thể hữu ích, nhưng đáng buồn là chúng ta đã tôn sùng sự hoài nghi đến mức lấn át những gì trái tim ta cần. Và tranh của trẻ nhỏ chính là cách thế giới hiện đại âm thầm đưa những điều đó trở lại cuộc sống của chúng ta.

Một phẩm chất khác trong nghệ thuật trẻ thơ khiến ta xúc động chính là sự… thiếu chính xác. Từ lâu, chúng ta luôn mặc định rằng vẽ đẹp nghĩa là phải gạt bỏ cái tôi để chăm chú tái hiện thế giới một cách trung thực và tỉ mỉ. Nghệ sĩ phải quan sát thật kỹ và khiêm nhường đặt mình sang một bên.

Nhưng với cậu bé họa sĩ này, điều đó dường như chẳng đáng bận tâm. Noah chẳng hề lo lắng về việc cái lá phải trông như thế nào hay cành cây gắn vào thân ra sao. Sự tự do đầy dũng cảm ấy — sự không bận tâm đến chuyện “đúng” hay “sai” — mới thực sự đáng yêu. Và điều đó lại một lần nữa gợi nhắc ta rằng: chúng ta cũng cần chút liều lĩnh ấy trong cuộc đời mình, nhưng thật khó để tự mình đòi hỏi nó.

Hiển nhiên là khi trưởng thành, chúng ta học cách thích nghi với thực tế và nhu cầu của những người xung quanh. Nhưng đôi khi, ta lại quá mải mê với điều đó đến nỗi tâm hồn mình khô héo lúc nào không hay.

Bức vẽ kỳ công này được thực hiện bởi John Ruskin, một họa sĩ và nhà phê bình nghệ thuật thế kỷ 19 người Anh. Với Ruskin, vẽ tranh là quá trình để con người thực sự chiêm ngưỡng và trân trọng sự độc đáo của vạn vật. Ông tin rằng một nghệ sĩ vĩ đại là người không ích kỷ, quan tâm đến hình hài một chiếc lá hơn là những đòi hỏi từ bản ngã của mình. Ruskin muốn trẻ em phải học vẽ "đúng chuẩn" từ rất sớm (bốn tuổi là đã muộn trong mắt ông). Ông không mảy may công nhận giá trị của những nét vẽ tự nhiên, ngẫu hứng. Ở một góc nhìn nào đó, ông đã đúng, nhưng đồng thời, lại sai lầm một cách sâu sắc...

Trẻ em đôi khi trở nên đáng yêu nhất khi chúng đưa ra những ý tưởng mà người lớn biết thừa là không tưởng. Một cậu bé năm tuổi nghĩ rằng sẽ thật tuyệt nếu mình vừa là phi hành gia, vừa là đầu bếp nấu ăn cho mẹ. Cô em gái mơ sẽ nuôi một con voi trong vườn. Một cậu bé khác muốn cưới anh trai của mình, còn một đứa trẻ lại khao khát chế tạo một cỗ máy quay ngược thời gian. Thay vì gạt phăng những ý tưởng này là ngây ngô hay viển vông, chúng ta thường bị cuốn hút bởi sự hồn nhiên và chân thành trong những kế hoạch cải tạo thế giới của lũ trẻ.

Điều ngọt ngào ấy nằm ở chỗ suy nghĩ của chúng chưa bị thử thách bởi hiện thực khắc nghiệt. Chúng vẫn có thể tung cánh bay vào những miền utopia (không tưởng) mà không tự giới hạn hay phán xét bản thân. Niềm vui của chúng ta khi nghe trẻ nói về những dự định như xây cây cầu lớn nhất thế giới bằng Lego hay chế tạo chiếc máy bay chạy bằng nước chính là một dấu hiệu cho thấy chúng ta, những người lớn, đã tự tước đi sự tự do bay bổng này trong chính mình quá lâu.

Thực ra, không có gì lạ khi chính giai đoạn này của lịch sử loài người lại là lần đầu tiên con người thực sự quan tâm đến vẻ đẹp ngọt ngào của trẻ thơ.

Xã hội thường trở nên nhạy cảm với những điều mà nó đang thiếu. Chúng ta sống trong một thế giới của công nghệ phức tạp, khoa học chính xác đến tột cùng, bộ máy hành chính khổng lồ, bất an triền miên và sự cạnh tranh khốc liệt trong xã hội trọng thành tích. Để tồn tại, ta buộc phải trở thành những con người đầy tính kỷ luật, biết nhìn xa trông rộng, lý trí và thận trọng. Thế nhưng, chúng ta lại hiếm khi trực tiếp thừa nhận rằng mình đang thiếu thứ gì. Rất ít người sẽ nói: “Tôi cần thêm chút mơ mộng, thêm chút niềm tin ngây thơ, thêm chút dũng cảm bỏ qua những kỳ vọng…”. Ta thậm chí còn quên mất rằng mình từng khao khát những điều ấy. Và vì vậy, khi bắt gặp chúng, được gói ghém một cách trọn vẹn và hồn nhiên trong những nét vẽ nguệch ngoạc của một đứa trẻ, ta thấy lòng mình xao động.

Nghệ thuật của trẻ nhỏ là cơ hội để ta nhìn lại chính nhu cầu của mình. Theo cách nào đó, những bức tranh ấy chính là những tuyên ngôn nho nhỏ, những “bản yêu sách” cô đọng về những điều mà cuộc sống người lớn hiện đại, đầy lo âu và thỏa hiệp, đang thiếu hụt trầm trọng.

Trong bối cảnh đó, nghệ thuật trẻ thơ không chỉ đáng yêu, mà còn trở thành một điều không thể thiếu.

Nguồn: ON CHILDREN’S ART – The School Of Life

menu
menu