Vì sao cảm nhận về thời gian thay đổi theo tuổi tác

Vì sao thời gian dường như trôi chậm hơn khi ta còn nhỏ.
Cảm nhận của chúng ta về thời gian thật kỳ lạ. Cơ thể con người không có cơ quan chuyên biệt để đo lường thời gian như cách ta cảm nhận âm thanh, mùi hương hay hình ảnh. Không hề tồn tại ảo giác hay ảo ảnh về thời gian theo cách mà ta có thể trải nghiệm chúng qua thị giác hay thính giác. (Dù có người cho rằng toàn bộ trải nghiệm về dòng chảy của thời gian chỉ là một ảo ảnh vĩ đại, nhưng ta không cần bận tâm đến điều đó lúc này.)
Lý do ta không gọi những biến chuyển về cảm nhận thời gian là “ảo giác” hay “ảo ảnh” không phải vì cảm nhận ấy luôn chính xác; mà bởi khi thời gian có vẻ trôi nhanh hay chậm hơn thực tế, ta không mặc định đó là một sự sai lệch. Dù thời gian vẫn đều đặn trôi qua từng giờ một, ta lại hiển nhiên chấp nhận rằng cảm giác về nó không phải lúc nào cũng nhất quán.
Nói cách khác, có một thứ gọi là thời gian, và một thứ khác là trải nghiệm của ta về thời gian, và hai điều đó không nhất thiết phải trùng khớp. Nhưng vì sao lại như thế?
Source: makabera/Pixabay
Trong suốt một ngày
Cảm nhận của ta, có lẽ điều hiển nhiên nhất, phụ thuộc vào việc ta đang làm gì và tâm trạng ta ra sao. Khi hoàn toàn đắm chìm trong một việc gì đó và đạt tới trạng thái mà một số nhà tâm lý học gọi là “dòng chảy” (flow), thời gian dường như vụt trôi rất nhanh. Ngược lại, khi buồn chán, ta thấy thời gian lê thê, và khi lo lắng, thời gian lại như rút ngắn.
Hãy ngẫm về đoạn văn này trong tiểu thuyết Núi thần của Thomas Mann:
“Có một nhóm thợ mỏ bị vùi lấp, hoàn toàn bị cắt đứt khỏi mọi dấu hiệu phân biệt ngày đêm. Khi được giải cứu, họ nói rằng họ ước tính thời gian sống trong bóng tối, chập chờn giữa hy vọng và sợ hãi, khoảng chừng ba ngày. Nhưng thực tế đã là mười ngày. Trạng thái hồi hộp cao độ đáng lý khiến họ cảm thấy thời gian dài hơn thực tế, vậy mà lại chỉ thấy nó ngắn bằng chưa tới một phần ba.”
Nghiên cứu khoa học đã xác nhận điều này: lo âu khiến ta cảm nhận như thể thời gian đang trôi nhanh hơn. Có thể vì lo âu không tương thích với sự buồn chán, và khi ta lo lắng, thời gian dường như bị “co lại”, giống như khi ta chìm đắm trong một công việc nào đó. Trái lại, thời gian như ngưng đọng khi ta chờ đợi trong nôn nóng. (Những người hành thiền có lẽ có khả năng tự đưa bản thân vào trạng thái tập trung sâu, từ đó xoa dịu sự thiếu kiên nhẫn, đồng thời làm lắng dịu tâm trí lo âu, thay thế cảm giác căng thẳng và bồn chồn bằng sự chú tâm tĩnh lặng vào một đối tượng trung tính.)
Trong một tai nạn kinh hoàng
Cũng tồn tại một hiện tượng kỳ lạ gọi là “giãn nở thời gian” hay cảm giác thời gian chuyển động chậm lại thường xuất hiện trong những khoảnh khắc sợ hãi và đe dọa tính mạng. Trường hợp này thật sự rất đáng chú ý. Tôi biết một người từng trải qua cảm giác ấy trong một tai nạn nghiêm trọng, và anh ấy kể rằng kiểu “chậm lại” đó hoàn toàn khác với cảm giác thời gian chậm chạp khi buồn chán, như lúc phải xếp hàng mà không có gì làm. Thay vào đó, anh nói đó là cảm giác mọi thứ đang xảy ra như trong một cuộn băng được phát ở tốc độ nửa chậm, mọi hành động như đang diễn ra trong chế độ quay chậm.
(Thú vị thay, kiểu trải nghiệm này đôi khi cũng được khắc họa trong các bộ phim, chẳng hạn, một nhân vật nhìn thấy vật thể đe dọa đang lao đến, và cảnh phim sẽ cho thấy vật thể ấy chuyển động chậm hơn bình thường.)
Câu hỏi vì sao và bằng cách nào điều đó xảy ra là những thắc mắc đầy hấp dẫn, và đã có nhiều giả thuyết khác nhau được đưa ra. Một giả thuyết cho rằng trong những tình huống như vậy, ta suy nghĩ nhanh hơn bình thường, và chính điều đó khiến ta có cảm giác thời gian như chậm lại. Một giả thuyết khác lại cho rằng, con người tiếp nhận rất nhiều ký ức mới trong khoảnh khắc đó, khiến họ ghi nhớ trải nghiệm của chính mình một cách sai lệch.
Riêng tôi, tôi ngờ rằng việc thời gian dường như chậm lại trong các tình huống bất khả kháng là một cơ chế bảo vệ tự nhiên, giúp chúng ta bình tĩnh lại, hành động sáng suốt và không rơi vào hoảng loạn. Nhưng tôi xin dành phần lý giải sâu hơn cho một dịp khác.
Cảm nhận về thời gian trong suốt cuộc đời
Có một quy luật khá rõ ràng trong cách ta cảm nhận về thời gian – một quy luật có lẽ phổ quát với tất cả mọi người: thời gian dường như trôi chậm hơn khi ta còn bé. Dù ta làm gì, dù tuổi thơ có thú vị hay không so với tuổi trưởng thành, thì theo thời gian, ai cũng cảm thấy thời gian trôi nhanh hơn khi lớn lên. Vì sao vậy?
Tôi muốn đưa ra ba lý do chính.
Lý do đầu tiên là người lớn thường xuyên “du hành trong tâm trí”, ta luôn nghĩ về quá khứ hoặc tương lai, còn hiện tại thì cứ thế trôi qua mà ta chẳng mảy may để ý.
Trong tác phẩm Những suy tưởng, Pascal cũng từng viết: “Thử quan sát tư tưởng của mỗi người xem, họ sẽ thấy đầu óc mình hoàn toàn hướng về quá khứ hoặc tương lai. Ta hầu như không bao giờ nghĩ đến hiện tại, và nếu có nghĩ đến, thì cũng chỉ để xem hiện tại soi sáng gì cho những dự định tương lai mà thôi.”
Có rất nhiều điều đáng nói về việc thói quen này ảnh hưởng ra sao đến khả năng cảm nhận hạnh phúc của chúng ta, nhưng đó là chuyện tôi đã bàn tới ở nơi khác. Điều cần nhấn mạnh ở đây là: trẻ con, nhìn chung, không mấy khi hồi tưởng quá khứ hay mường tượng về tương lai. Vì đơn giản, chúng chưa có nhiều ký ức để nhớ, và cũng chưa nắm quyền quyết định tương lai hay có khái niệm rõ ràng về điều gì đang đón chờ mình phía trước.
Lý do thứ hai: một năm chiếm tỉ lệ rất lớn trong cuộc đời của một đứa trẻ so với người lớn. Điều này cũng tương tự như cách kích thước cơ thể ta ảnh hưởng đến cảm nhận về kích thước của những thứ xung quanh. Một hồ bơi nhỏ có thể trông như sân vận động Olympic trong mắt một bé mẫu giáo, vì với bé, mọi thứ đều rất to lớn. Tương tự vậy, một năm đối với đứa trẻ sáu tuổi là 1/6 quãng đời bé đã sống, trong khi với người sáu mươi tuổi, đó chỉ là 1/60. Điều đó tạo nên khác biệt. Ta chính là thước đo cho mọi sự vật, và từ đó, là thước đo cho cả kích thước của thời gian.
Lý do cuối cùng khiến người lớn và trẻ nhỏ cảm nhận thời gian khác nhau là: một đứa trẻ thường không có những kế hoạch cuộc đời mà nó cảm thấy buộc phải hoàn thành trước khi qua đời, nên nó chẳng cần vội vã. Trẻ không cảm thấy áp lực phải “đánh dấu” những điều đã làm được trong đời, không cảm thấy mình cần phải “phát huy tiềm năng” hay “làm nên điều gì đó”. Một bậc phụ huynh quá tham vọng có thể nghĩ rằng con mình đang bị “tụt lại” so với bạn bè, nhưng một bé mẫu giáo thì chẳng bao giờ nghĩ vậy.
Một đứa trẻ nhỏ thường háo hức chờ đợi đến tuổi thiếu niên hay trưởng thành, mơ hồ tin rằng lúc đó mình sẽ được quyền lựa chọn và thực hiện những điều mình mong muốn. Người lớn thì khác, họ không háo hức gì với tuổi già, không chỉ bởi tuổi già nghe chẳng vui như tuổi trẻ, mà còn vì họ thường cảm thấy mình đang bị chậm trễ. Hầu như chẳng ai trong chúng ta, dù ít tham vọng đến đâu, có thể nói rằng mình đã làm được hết những điều mình muốn trong quãng đời đã sống. Ta không chỉ cảm thấy chậm trễ trong một vài việc, mà còn là với cả cuộc sống.
Tôi nhớ một ông thợ may già mà tôi thường đến, có lần nói: cuộc đời giống như một cuộn giấy vệ sinh, những vòng quay đầu tiên thì chậm rãi, nhưng càng về sau càng quay nhanh hơn, khi số giấy còn lại ngày càng ít. Tôi hiểu rất rõ điều ông nói. Có lẽ bạn cũng vậy.
Tệ hơn nữa là, việc ta nghĩ về thời gian trôi nhanh đến mức nào… lại chính là điều làm tiêu tốn thời gian. Ý nghĩ ấy, một điều mà trẻ con không có, khiến ta xao nhãng khỏi hiện tại, vừa cướp đi cơ hội để sống trọn khoảnh khắc, vừa khiến chính khoảnh khắc ấy vụt qua mà ta chẳng kịp nhận ra. Thời gian luôn trôi rất nhanh khi ta không còn nhiều. Và sẽ chẳng bao giờ là “nhiều” cả, nếu phần lớn quỹ thời gian ta có, lại bị tiêu tốn trong nỗi lo mình không còn bao nhiêu nữa.
Nguồn: Why Our Perception of Time Changes With Our Age | Psychology Today