Cuộc sống đức hạnh: Tĩnh tâm

cuoc-song-duc-hanh-tinh-tam

Đây là bài viết thứ 11 trong chuỗi bài viết về 13 đức tính đáng học tập của Benjamin Franklin.

SỰ ĐIỀM TĨNH. Đừng để những chuyện lặt vặt hay vài tai nạn vô ý làm bạn cảm thấy lo lắng”

Mỗi ngày chúng ta phải đối mặt với vô vàn điều khó chịu lặt vặt. Một tên ngốc cắt ngang xe bạn khi đang đi làm, xe bị xì lốp, ai đó lấy nhầm phần ăn trưa... Dù mỗi việc này nghe qua đều có vẻ không đáng nhưng chúng sẽ in hằn vào đầu bạn và lây lan ra. Sự bực bội tầm thường đe dọa không cho chúng ta tận hưởng cuộc sống và sẽ sớm nổ tung chỉ bởi những việc tưởng là cỏn con. Cuối cùng, chúng ta dần trở thành những người đáng ghét với bộ mặt luôn cáu kỉnh.

Trong văn hóa phương Tây, sự tức giận đôi lúc đi kèm với sự cứng rắn và thể hiện phần nào phẩm chất “đàn ông”. Mặc dù không nói ra nhưng chúng ta vẫn thường âm thầm tán thưởng những kẻ nóng nảy đã hết kiên nhẫn với bọn đại ngốc làm hắn điên đầu. Tuy vậy, trong hầu hết trường hợp, tính nóng giận thường chỉ là một vỏ bọc dữ dội được dùng để che dấu cho sự không an toàn và yếu ớt của những gã đàn ông thiếu đi chỗ dựa, không biết cách giải quyết vấn đề hay đưa ra quyết định của bản thân. Những gã đàn ông thực sự thường ứng xử với cái đầu lạnh và luôn điềm tĩnh trong mọi hoàn cảnh, dù chuyện gì xảy ra.

Có hai cách nguy hại tương đương nhau được rất nhiều đàn ông sử dụng khi giận dữ. Một vài người mặc kệ cho cơn giận tự bùng phát mà không tìm cách chế ngự chúng. Nhưng thực tế, cách làm này chỉ thổi phồng cơn giận và đem lại những hậu quả tiêu cực với cả họ và những người xung quanh. Một số khác lại cố thử dồn nén sự nóng giận đó vào trong. Việc này cũng không giúp gì hơn ngoài việc làm họ trông mệt mỏi phát ốm bởi phải chịu đựng quá nhiều thứ.

Tại sao cần tĩnh tâm?

Sự nóng giận là một trong những điều quan trọng nhất mà bạn phải học cách chế ngự. Việc điều khiển được cơn nóng giận sẽ cho bạn sức mạnh làm chủ tất cả những ham muốn nhất thời của bản thân. Hơn thế nữa, chúng còn giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Trong khi chúng ta vẫn còn nóng giận, hẳn nhiên chúng ta sẽ không thể suy nghĩ thấu đáo về bất cứ điều gì. Bởi vậy mà chúng ta dễ đưa ra những lựa chọn vội vàng, để rồi phải hối tiếc ngay sau đó.

Tuy nhiên, không phải mọi sự nóng giận đều không được hoan nghênh. Khi bạn học cách chế ngự cảm xúc tiêu cực này, bạn có thể bắt đầu học cách sử dụng chúng như một công cụ. Biết nóng giận một cách chính đáng, vì những lý do và nguyên nhân cụ thể, là động lực để chúng ta có thể lên tiếng trước những sai lầm của người khác. Nhưng nếu bạn đối mặt với những chuyện lặt vặt hay vài tai nạn vô ý, sự điềm tĩnh vẫn là lựa chọn tốt hơn cả.

Thường xuyên nóng giận không tốt cho sức khỏe của bạn. Chúng ta vẫn thường đánh giá sự nóng giận như một loại cảm xúc, nhưng đừng xem thường chúng. Cảm xúc này ảnh hưởng tới sức khỏe cũng nhiều như với tâm trí chúng ta vậy. Tôi không quan tâm tới lý do làm bạn trở nên nóng nảy, kệ cho nó có là điều gì thật sự đáng giận như bị đánh bởi một gã say hay chỉ vài chuyện vặt vãnh cỏn con kiểu hóa đơn điện thoại có lỗi. Dù là trường hợp nào thì não bộ của bạn cũng phản ứng theo cùng một cách:

Đầu tiên, nồng độ của các hormone như cortisol[1] tăng dần

Hơi thở của bạn gấp gáp hơn

Nhịp tim cũng tăng lên đáng kể

Huyết áp của bạn cao hơn bình thường

Bạn sẽ thấy cơ thể nóng lên và bắt đầu đổ mồ hôi

Con ngươi của bạn dần giãn ra

Và cuối cùng, bạn sẽ cảm nhận một cơn đau đầu đến rất đột ngột

Ở thời tiền sử, phản xạ cấp tính này cực kỳ hữu dụng. Chúng khiến bạn trở nên cảnh giác cao độ và sẵn sàng để phản ứng, dù là giơ nắm đấm lên chiến đấu hay cao chạy xa bay. Ngày nay, cơ thể bạn có thể bị kích thích cao độ nhưng không có một kênh nào để xả nguồn năng lượng này đi.

Lượng hormone tăng cao thường xuyên mỗi khi nóng giận sẽ có ảnh hưởng xấu tới tim của bạn. Một số nghiên cứu đáng tin cậy đã chỉ ra rằng, những người đàn ông có huyết áp bình thường nhưng lại dễ bị kích động thường có nhiều nguy cơ bị mắc bệnh động mạch vành hay các bệnh về tim hơn so với người khác. Nghiên cứu thậm chí còn cảnh báo, khả năng mắc bệnh của những người dễ nóng giận này cao gấp ba lần so với những người biết cách kiềm chế. Những chàng trai trẻ, kể cả được sinh ra trong gia đình không có bệnh di truyền về tim, nhưng lại dễ bị stress khi gặp chuyện bực mình, cũng đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim sớm cao gấp ba và nhồi máu cơ tim cao gấp năm những người bình thường. Họ cũng nhạy cảm hơn, dễ cảm thấy bối rối hay có những biểu hiện tiêu cực khác.

Sự nóng giận có thể làm tổn thương những người xung quanh bạn. Nếu bạn muốn người khác tôn trọng và tin tưởng mình, bạn phải học cách chế ngự được tâm trạng và cảm xúc của bản thân. Nếu bạn dễ dàng nổi đóa với bất cứ chuyện vặt nào, đồng nghiệp, bạn bè và cả gia đình của bạn cũng sẽ bắt đầu dè chừng với bạn. Hiển nhiên họ sẽ sợ phát khiếp mỗi khi bạn nổi nóng và cảm thấy mất an toàn với sự có mặt của bạn. Những tổn thương mà sự nóng giận có thể gây nên được mô tả qua một câu chuyện nhỏ như sau:

CÂU CHUYỆN VỀ CẬU BÉ VÀ TÚI ĐINH

Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé với tính cách hay nổi nóng. Một hôm, cha gọi cậu tới và đưa cho cậu một chiếc túi chứa đầy đinh và nói rằng:

- Mỗi khi con mất kiểm soát với cảm xúc của mình và tức giận với ai đó, hãy đóng một chiếc đinh lên hàng rào trước nhà.

Ngày đầu tiên, cậu bé đóng tổng cộng 37 chiếc đinh lên hàng rào. Nhưng dần dần, số đinh được đóng lên hàng rào giảm dần. Cậu nhận ra rằng việc kiềm chế cảm xúc dễ dàng hơn rất nhiều so với việc đóng những chiếc đinh lên hàng rào gỗ.

Cuối cùng thì cũng đến một ngày mà cậu không hề nổi nóng với bất cứ ai. Cậu bé ngay lập tức tự hào khoe với cha mình về điều đó. Lần này, cha cậu nói rằng:

- Bây giờ, mỗi ngày con không tức giận và có thể kiềm chế tốt cảm xúc của bản thân thì hãy nhổ một chiếc định ra khỏi hàng rào.

Thời gian cứ trôi, rồi cũng tới một ngày cậu nhổ hết những chiếc đinh mình từng đóng lên hàng rào. Người cha nói nhỏ nhẹ với cậu:

- Con đã làm rất tốt, nhưng con hãy nhìn những lỗ đinh con để lại trên hàng rào xem. Hàng rào đã không giống như xưa nữa rồi. Nếu con nói điều gì trong cơn giận dữ, những lời nói ấy cũng giống như những lổ đinh này, chúng để lại những vết thương khó rất khó lành trong lòng người khác. Cho dù sau đó con có nói xin lỗi bao nhiêu lần đi nữa, vết thương dù lành nhưng vết sẹo cũng còn để lại mãi mãi.

Chế ngự cơn nóng giận và rèn luyện cho bản thân sự điềm tĩnh

Rất nhiều những người có khả năng chế ngự cơn giận đã khuyên chúng ta rằng khi cơn giận đột ngột ập tới, hãy đếm từ 1 đến 100 hay hít thở thật sâu trước khi phản ứng lại. Thật sự thì tôi không nghĩ phương pháp này hiệu quả cho lắm. Một khi bạn đã bị kích động bởi sự nóng giận, thật không thể nào mà bình tĩnh ngồi xuống và thong thả đếm ngón tay trước khi có bất cứ hành động nào. Thay vào đó, tốt nhất là chúng ta nên rèn luyện cho tâm trí của mình biết cách giải quyết những cơn nóng giận này trước khi đối mặt với chúng. Ý tôi là chúng ta cần thay đổi hoàn toàn lối suy nghĩ. Nếu vậy, mỗi khi có ai đó làm bạn phát cáu, bạn sẽ biết chắc rằng mình đã sẵn sàng để chế ngự chúng.

Thay đổi cách nhìn cuộc sống. Mặc dù có thể bạn không ý thức rõ ràng điều này, nhưng lý do khiến bạn dễ nổi nóng nghe qua hơi khó tin một chút, đó là bởi bạn trông đợi rằng cuộc sống sẽ luôn xảy ra theo cách bạn mong muốn. Vậy nên khi mọi việc không như bạn tưởng tượng, bạn sẽ cảm thấy giống như mình đang đi chệch ra khỏi những gì đã lên kế hoạch. Thực tế là bạn nên chấp nhận rằng cuộc sống luôn xảy ra theo cách vô cùng hỗn loạn và không thể dự đoán trước – đó mới đúng là trật tự của thế giới. Hãy cố gắng từ bỏ hy vọng hão huyền của bạn về một cuộc sống có-thể-dự-đoán-trước và bạn sẽ thấy việc chế ngự cơn nóng giận giờ đây trở nên thật dễ dàng.

Thay đổi cả cách nhìn của bạn với bản thân. Trong khi một vài người cho rằng nguồn gốc của sự nóng giận chính là nỗi sợ hãi, tôi lại cho rằng chúng đến từ tính ích kỉ. Những gã đàn ông nóng tính không chỉ tin tưởng rằng mọi chuyện sẽ xảy ra một cách trôi chảy, anh ta còn ĐÒI HỎI điều đó. Những người như vậy luôn cảm thấy mình tốt hơn người khác và tin rằng việc mọi người đồng ý, tôn trọng, cảm kích và thực hiện theo những gì anh ta mong muốn là hiển nhiên. Bởi thế khi mọi việc đi theo một hướng khác, họ cảm thấy bị tổn thương và tự nhiên thể hiện sự thất vọng đó ra ngoài bằng bằng cơn tức giận. Những người dễ nóng giận cho rằng việc người khác phải chịu đựng khó khăn là điều đương nhiên, nhưng với bản thân anh ta thì lại khác. Vậy nên, để có thể làm chủ cảm xúc của mình, trước hết bạn cần đặt mình ở vị trí ngang với người khác đã.

Thay đổi cách nhìn của bạn với những người xung quanh. Khi bạn phát cáu lên rồi cư xử với người khác không được tốt, bạn thường cảm thấy buồn và cố tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân dẫn tới hành động đó.Trong đầu bạn sẽ hiện ra những ý nghĩ kiểu như “Oh, đáng ra mình không nên quát nạt anh ta như thế. Có lẽ là mình quá mệt mỏi bởi thức khuya đêm qua” hay “Mình không nên cắt ngang xe anh ta, nhưng mình cần phải tới cuộc họp đúng giờ nếu không sẽ bị đuổi mất”. Vậy đấy, và khi những người khác làm điều tương tự với bạn, thì bạn lại nổ tung lên với cơn tức giận mà không nghĩ rằng có lẽ họ cũng có những lý do chính đáng. Tất cả chúng ta đều phạm lỗi, bạn cũng không phải ngoại lệ. Tại sao bạn không thông cảm cho người khác như đã thông cảm cho chính bản thân mình? Thế nên hãy thôi nghĩ những điều làm bạn khó chịu chỉ là vấn đề của cá nhân bạn thôi nữa nhé.

Điều khiển cơn nóng giận một cách logic

Tức giận, ngay cả khi có lý do chính đáng, vẫn là điều không nên xảy ra. Bởi vậy, cách để chế ngự chúng đó là hãy suy nghĩ thật logic. Ý tôi là bạn cần rèn luyện cho trí óc của mình để luôn cân nhắc kỹ lưỡng những việc đang xảy ra trước khi có phản ứng với chúng.

Ý thức được sự nóng giận của bạn thân và tìm nguyên nhân gây ra chúng. Những cơn nóng giận thường làm bạn mất đi sự sáng suốt và quên đi đâu mới là chuyện thật sự khiến chúng ta phiền lòng. Chúng ta sẽ nổi xung lên với mục tiêu gần nhất hoặc nguyên nhân mới đây, trong khi lý do thật sự của sự việc vẫn ẩn giấu đâu đó. Bạn cần rèn luyện khả năng kiềm chế để ngồi xuống và sắp xếp lại mọi thứ. Một khi bạn đã phân tích cơn giận dữ một cách lý trí, bạn sẽ xác định được gốc rễ của vấn đề. Một phần nguyên nhân khiến chúng ta cáu bẳn là vì không thực sự hiểu được lý do. Hãy tưởng tượng lúc máy bay bị chậm. Khi chưa có lý do gì được đưa ra, hành khách sẽ thường khó chịu hơn là khi mọi chuyện đã rõ ràng. Hiểu được nguyên nhân gây ra sự giận dữ sẽ giúp chúng ta tháo ngòi nổ của nó. Một khi đã dò được đến tận cùng, bạn sẽ có thể giải quyết tình huống một cách chin chắn và dứt khoát.

Vui vẻ chấp nhận rằng đôi khi lý do của cơn nóng giận đến từ chính bạn. Lý do khiến bạn mắc kẹt trong vụ tắc đường thực ra là bởi bạn rời nhà muộn hơn bình thường 10 phút. Hay lý do mà bạn tức giận khi bị vợ mình cằn nhằn mãi vì chuyện không cắt cỏ, là bởi bạn thật sự đã quên làm chúng.

Học cách tự hỏi bản thân: Đây là tình huống mà tôi có thể hay không thể thay đổi? Nếu như trong trường hợp có ai đó làm bạn nổi giận vì những chuyện mà bạn hoàn toàn có thể thay đổi, vậy thì chẳng có gì phải nóng giận cả. Thay vì để đầu óc bốc hỏa, hãy dành năng lượng đó lên một kế hoạch làm việc để giải quyết vấn đề. Còn giả sử đó là chuyện mà bạn không thay đổi được, thì cũng chả khác là mấy, bạn vẫn chẳng cần phải nóng giận. Không có lý do gì mà bạn lại phải cố gắng thay đổi một thứ khỏi quỹ đạo của chúng. Đàn ông chúng ta bẩm sinh là những người giải quyết vấn đề, chúng ta muốn đưa ra giải pháp cho mọi thứ. Nhưng thực chất, trở thành đàn ông còn có nghĩa là chúng ta nên học cách chung sống hòa bình với những điều mình không thay đổi được.

 

Sources:

WebMD

APA

Menweb

Anger and Aversion

Dịch: http://bespokevn.blogspot.com/2015/03/xay-dung-cuoc-song-cua-ban-tinh-tam.html

Nguồn:  http://www.artofmanliness.com/2008/05/11/the-virtuous-life-tranquility/

menu
menu