Sức tàn phá của việc bị đối xử im lặng
Khi không hài lòng với vợ (chồng), bạn bè hay đồng nghiệp, nhiều người sử dụng chiêu bài phớt lờ, "chiến tranh lạnh" để trừng phạt họ.
Những thủy thủ lênh đênh trên biển có một cách để đối xử với những người họ ghét: im lặng. Họ sẽ phớt lờ người này trong nhiều tuần liền. Điều này nghe thì không ảnh hưởng gì nhưng thực tế là "sự đơn điệu của cuộc sống trên tàu đến mức khiến những người đàn ông mạnh mẽ phải khóc".
Không chỉ được các thủy thủ sử dụng, "chiến tranh lạnh" có thể gặp ở mọi nơi, từ gia đình đến công sở. Có những cặp vợ chồng chiến tranh lạnh nhiều năm tháng. Có những người đối xử im lặng với bạn bè lâu năm của mình. Người cha từ mặt con vài chục năm. Họ làm điều đó bởi biết nó có hiệu quả khủng khiếp.
Theo giáo sư tâm lý học Kipling Williams, Đại học Purdue, Mỹ, đa số chúng ta từng đối xử im lặng với người khác. Ông là chuyên gia nổi tiếng về hiện tượng này. Các nghiên cứu của ông tìm ra hai lý do chính việc một người đối xử im lặng với người khác, đầu tiên là để trừng phạt ai đó; tiếp đến là để tránh xung đột, cãi vã. Ngoài ra cũng có thể do cảm thấy mối quan hệ đã đi vào ngõ cụt, không còn gì để nói hay làm.
Williams và các đồng nghiệp ghi nhận trong một nghiên cứu rằng khoảng 1/4 số người coi đây là một chiến thuật hiệu quả. Những "nạn nhân" phải trải qua cảm giác đau đớn và oán giận vì bị tẩy chay. Giống như tất cả các hình thức lạm dụng, im lặng có thể làm suy giảm sự tự tin của nạn nhân, đồng thời có thể phá hủy các mối quan hệ.
Theo Viện Gottman, nơi tiến hành nghiên cứu về sự thành công và thất bại của các cuộc hôn nhân, hành động đối xử im lặng với bạn đời có thể góp phần dẫn đến ly hôn.
Các chuyên gia chỉ ra ba bài học để loại bỏ "chiến tranh lạnh" khỏi cuộc sống.
Illustration by Jan Buchczik
Sự im lặng có thể là hồi chuông cảnh báo
Dựa trên kinh nghiệm làm việc với nhiều thanh niên đang hẹn hò, Arthur C. Brooks, tác giả mục Sống hạnh phúc của tờ Atlantic khuyến khích mọi người nên cân nhắc rời bỏ mối quan hệ bị đối tác đối xử im lặng, như một cách tự vệ.
Đây là một hình thức tàn ác và có thể là lời cảnh báo sớm về một người bị tổn thương sẵn sàng làm tổn thương bạn. Đương nhiên, việc thoát ra nhanh chóng không thể xảy ra trong một số mối quan hệ, ví như cha mẹ và con cái. Nhưng ít nhất, những nạn nhân nên chỉ ra đang bị đối xử im lặng và tác hại của việc này không khác gì bị đánh đập hay chửi bới.
Phớt lờ có thể "di truyền"
Nhiều nghiên cứu đã tìm ra mối liên hệ đáng kể giữa việc áp dụng phương pháp đối xử im lặng của cha mẹ và việc con cái đã trưởng thành áp dụng nó. Nếu bạn thấy mình lạnh lùng với những người quan tâm mình khi buồn, bạn có thể tự hỏi bản thân xem có thấy điều này khi còn nhỏ hay không; có lẽ bố mẹ bạn đã làm điều đó với nhau. Lúc này bạn nên phá vỡ vòng luẩn quẩn của thói quen tai hại này.
Hãy nói những gì bạn nghĩ
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện những người hay suy nghĩ về xung đột với bạn đời có xu hướng thực hiện các hành động trừng phạt, bao gồm cả việc đối xử im lặng.
Nếu bạn thấy mình trong đó, thay vì áp dụng "chiến tranh lạnh", hãy nói ra suy nghĩ của mình. Có thể bạn không thoải mái khi bày tỏ sự không hài lòng, điểm yếu hay con người thật của mình. Nhưng việc kéo dài sự phớt lờ chỉ làm khổ sở cả hai và đẩy các bạn xa nhau.
Bảo Nhiên (Theo Atlantic)/VNE