Hiểu bản thân

hieu-ban-than

Người ta nói người Hy Lạp đã khắc dòng chữ “Hiểu bản thân” trên những ngôi đền cổ, kêu gọi mọi người dành một chút thời gian tự hỏi về động lực và hành động của họ. Mưu cầu tự hiểu bản thân là cốt lõi của đa số tôn giáo và triết lý triết học trên khắp thế

Người ta nói người Hy Lạp đã khắc dòng chữ “Hiểu bản thân” trên những ngôi đền cổ, kêu gọi mọi người dành một chút thời gian tự hỏi về động lực và hành động của họ. Mưu cầu tự hiểu bản thân là cốt lõi của đa số tôn giáo và triết lý triết học trên khắp thế giới. Có vẻ như một tác dụng phụ đáng buồn của khả năng tra vấn tuyệt vời của não bộ là khả năng tự đặt câu hỏi với chính bản thân bộ não.

“Tôi là ai? Tại sao tôi làm làm những việc tôi làm? Tôi có thể thay đổi không?” Đó là những câu hỏi luôn quấy rầy ta dưới nhiều dạng khác nhau. Và dù tôi không tin có một câu trả lời cố định cho những câu hỏi này, chúng ta vẫn có thể điều tra bản thân tốt hơn. (Nghe có vẻ thô bỉ.)

Thực chất tâm lý học đã khám phá ra rằng có rất nhiều cách mà niềm tin ở bản thân không chỉ ảnh hưởng đến hành vi mà còn đến thành công của chúng ta trên thế giới này. Người tin rằng họ thông minh hơn, trên thực tế sẽ làm kiểm tra tốt hơn, mặc dù họ không hề thông minh hơn thật hoặc không hề học nhiều hơn chút nào. Người tin rằng họ đã uống nước tăng lực có thể nâng tạ nặng hơn bình thường, dù nước họ uống không có gì cả. Người tin rằng họ cần ít thời gian ngủ thực chất có thể làm việc khi thiếu ngủ tốt hơn những người không có niềm tin đó. Niềm tin là sức mạnh. Chính vì vậy, chúng ta cần phải rèn luyện đầu óc duy trì và đặt câu hỏi với nó. Quyển ebook ngắn này gồm ba quan điểm được thiết kế để giúp bạn làm điều đó.

1. Hai tâm trí
2. Tin tưởng điều giúp được bạn, chứ không phải sự thật
3. Niềm tin cốt yếu

Tôi mong rằng khi đọc xong bài này, bạn sẽ thấy thoải mái hơn khi đặt câu hỏi với bản thân và mở lòng với những ý tưởng mới mẻ mà bạn chưa bao giờ nghĩ đến.

QUAN ĐIỂM 1: HAI TÂM TRÍ

Hãy nhắm mắt lại. Khoan đã, đừng nhắm vội. Đọc xong đoạn này đã rồi bạn hẵng nhắm. Được rồi, nhắm mắt lại và cố không nghĩ gì cả trong vòng 30 giây. Sẵn sàng chưa? Bắt đầu. (Chờ…) Không dễ chút nào phải không? Chắc hẳn có rất nhiều ý nghĩ và hình ảnh cứ không ngừng hiện lên trong đầu bạn. Bây giờ, tôi muốn bạn làm điều tương tự một lần nữa, lần này tôi muốn bạn chú ý vào một ý tưởng và hình ảnh hiện ra. Cố gắng lần theo chúng. Chú ý đến chúng, ghi nhớ lại chúng là gì, và rồi thả chúng trôi đi. Thử xem bạn có thể làm được điều đó trong một phút hay không. Sẵn sàng chưa? Bắt đầu. (Chờ…) Chúng là những gì? Có lẽ là cuộc cãi vã giữa bạn và anh trai vào ngày hôm trước. Hoặc là bài tập phải nộp vào ngày mai nhưng hiện tại bạn lại đang đọc bài viết này. Hoặc là bộ phim bạn xem gần đây, hoặc một câu chuyện tưởng tượng nào đó. Chắc hẳn bạn chỉ mới nhìn thấy chúng một lúc thôi nhưng rồi bạn nhanh chóng bị cuốn vào dòng suy nghĩ về chúng. Nếu bạn đã từng ngồi thiền, dù chỉ một chút thôi, bạn sẽ biết những trải nghiệm mà bạn vừa có. Bạn nhắm mắt lại và cố gắng ngừng suy nghĩ, dù chỉ trong 30 giây, và dù bạn có cố tới đâu thì những suy nghĩ vẫn không ngừng tuôn trào trong đầu bạn. Nếu bạn từng tham gia những hành trình thiền, giống như tôi dạo gần đây, họ nói rất nhiều về “tâm ngôn” (mind chatter) mà bạn đã trải qua.

Vấn đề là, “tâm ngôn” không bao giờ dừng lại. Nó luôn diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Triết học phương đông thường nhắm đến việc “tắt” tiếng nói ấy, và tôi nghĩ điều này cũng khá hữu dụng. Nhưng rồi tôi nhận ra luyện tập những phương pháp này còn mang lại lợi ích khác, một lợi ích mà tại phương Tây này đây các nhà tâm lý học đang theo đuổi và viết bài về nó. Lợi ích đó tôi gọi là “Hai tâm trí”. Khi bạn nhắm mắt hiển nhiên tâm trí bạn đang suy nghĩ. Nhưng nếu tâm trí bạn đang suy nghĩ, vậy thì ai đang theo dõi việc tâm trí bạn đang suy nghĩ?

Ôi… Khi bạn thực hiện phương pháp trên và tâm trí bạn cứ lởn vởn ở việc ngày mai đi làm bạn phải làm gì, là ai đã theo dõi tâm trí bạn suy nghĩ về công việc của ngày mai? Là tâm trí bạn đang theo dõi tâm trí bạn. Trong thiền họ gọi chúng là “Tâm Trí Suy Nghĩ” (Thinking Mind) và “Tâm Trí Quan Sát” (Observing Mind) – hai tâm trí. Đây là một khái niệm phổ biến trong Phật giáo, và những phương pháp trị liệu phương tây như Trị liệu Chấp nhận và Cam kết (Acceptance and Commitment Therapy – ACT) cũng học tập theo sự hữu dụng và cách nó giải quyết rất nhiều vấn đề cảm xúc thường ngày của chúng ta. Tôi sẽ nói sâu hơn về Hai tâm trí và cho bạn thấy nó được áp dụng thế nào trong việc giải quyết những vẫn đề cảm xúc chúng ta hay gặp hằng ngày trong cuộc sống. Vấn đề với Tâm Trí Suy Nghĩ là chúng ta không hoàn toàn điều khiển được nó. Bạn không tin? Tôi sẽ chứng minh.

Bạn làm gì cũng được, ĐỪNG nghĩ về con voi màu hồng. Đừng nghĩ về con voi màu hồng cầm chiếc dù màu xanh dương với cái vòi của nó. Đừng nghĩ về con voi màu hồng dù chỉ một lần trong vòng hai câu nữa. Được rồi, bạn không chỉ hình dung ra một con voi màu hồng cầm chiếc dù màu xanh dương, mà bạn còn thấy bản thân nghĩ về con voi màu hồng khi dòng hai câu vừa rồi. Tâm Trí Quan Sát của bạn đã theo dõi Tâm Trí Suy Nghĩ liên tục chìm đắm vào con voi màu hồng, mặc dù chính nó đã nói với Tâm Trí Suy Nghĩ rằng ĐỪNG nghĩ đến con voi kia. Tâm Trí Suy Nghĩ luôn riu ríu trong đầu bạn, khi bạn đang xếp hàng chờ, khi bạn nằm trên giường cố gắng ngủ, khi bạn “lơ đãng” khỏi cuộc trò chuyện với người khác, hay khi tâm trí bạn bắt đầu lan man khi đang đọc sách (tôi chắc chắn việc này xảy ra với tôi ít nhất một lần… đáng ghét).

Tâm Trí Suy Nghĩ của chúng ta giống như một con chó động dục có dây xích chỉ biết đuổi theo mọi thứ và nếu chúng ta không quen sử dụng Tâm Trí Quan Sát, thì Tâm Trí Suy Nghĩ sẽ kéo chúng ta cùng chạy theo. Nếu Tâm Trí Suy Nghĩ nhất quyết phải đạt cấp 30 trong Diablo hay xem đến tập của cuối của bộ Mad Men, Tâm Trí Quan Sát cũng đành bất lực không thể chế ngự. Cảm xúc cũng tương tự. Và đó cũng là nguồn cơn cho đa số những gì chúng ta đang phải chịu đựng – không phải tự bản thân những cảm xúc tiêu cực, mà là việc chúng ta hoàn toàn bị cuốn vào vào những cảm xúc tiêu cực ấy. Đa số áp lực tâm lý và cảm xúc của chúng ta là do Tâm Trí Suy Nghĩ và Tâm Trí Quan Sát “hợp nhất” khiến ta không thể nhận ra sự khác biệt. Người khác luôn hỏi tôi, “Làm sao để tôi hết ghen tỵ?” hay “Làm sao để hết nóng nảy?” hay “Làm sao để tôi không còn thấy hồi hộp trước tình huống tương tự?”. Câu trả lời là: không có cách nào. Bạn không thể điều khiển Tâm Trí Suy Nghĩ. Những cảm xúc này xuất hiện và sẽ tiếp tục xuất hiện.

Thủ thuật là đừng hợp nhất (fuse) vào những cảm xúc này khi chúng xuất hiện. Trong thiền, họ khuyên bạn thay vì nói “Tôi tức giận” hãy nói “Tôi cảm thấy sự tức giận”. Thay vì nói “Tôi hồi hộp” hãy nói “Tôi cảm thấy sự hồi hộp”. Thay vì nói “Tôi ghen tỵ” hãy nói “Tôi cảm thấy sự ghen tỵ”. Nghe có vẻ chẳng khác gì mấy, nhưng hãy thử đi. Hãy nghĩ về lúc mà bạn có cảm xúc tiêu cực gần đây, giận dữ hay hồi hộp hay thiếu tự tin. Giờ thì thay vì nghĩ “Tôi tức giận với em trai”, hãy nghĩ “Tôi có một sự tức giận đối với em trai”. Bạn có tức giận, nhưng bạn không bị cơn tức giận đó điều khiển. Cảm xúc không phải là một sự lựa chọn. Nhưng bạn có thể lựa chọn hành vi.

Người ta cũng thường hỏi tôi, “Làm sao để khống chế nỗi sợ thất bại?” hay “Làm sao để không lo lắng sẽ bị từ chối?”. Tôi giải quyết nỗi sợ và lo lắng bằng cách giải quyết nỗi sợ và lo lắng. (Tôi biết câu trả lời này rất gây khó chịu) Tôi cũng có những sợ hãi và lo lắng như người khác thôi; chỉ là tôi không đồng nhất hóa với chúng. Tôi chấp nhận và vượt qua những sợ hãi và lo lắng ấy. Khi tôi cảm thấy sợ hãi, tôi chọn cách mặc kệ. Khi tôi cảm thấy lo lắng, tôi chọn cách mặc kệ. Ví dụ, khi tôi phải ngồi xuống và viết rất nhiều (giống như viết bài PDF này), tôi thường hồi hộp. Tôi muốn viết một thứ gì đó thật hay vì tôi biết có cả ngàn người sẽ đọc nó. Một hậu quả của sự hồi hộp này là sự trì hoãn. Khi tôi còn trẻ tôi cũng gặp những tình huống mà tôi hồi hộp và trì hoãn (ví dụ như những bài luận dài ở trường), tôi sẽ quyết định, “Tôi không thể làm được vì tôi quá mệt mỏi” hay “Tôi không thể tập trung như người khác, chắc là tôi bị ADD hay gì ròi. (ADD – Attention Deficit Disorder – Rối loạn Giảm Chú ý)

Đó là tôi hợp nhất vào Tâm Trí Suy Nghĩ. Không hề có ranh giới giữa cảm xúc và lý trí. Tôi cảm thấy hồi hộp và có suy nghĩ “Tôi không làm được vì lý do X, Y hay Z gì đấy” và tôi chấp nhận nó. Tôi là nô lệ cho Tâm Trí Suy Nghĩ của mình, bị trói bởi dây xích đó. Ngày nay thì tôi thường có thể ngồi viết 5000 từ hoặc hơn trong một ngày. Tôi vẫn còn có những lo ngại tương tự. Tôi vẫn nghe những suy nghĩ giống như thế (“Phải ăn đã”, “Phải nghỉ ngơi đã”, “Đang không có hứng viết”) Nhưng bây giờ thay vì đồng nhất với những suy nghĩ ấy, tôi công nhận chúng: “Tôi cảm thấy hồi hộp khi viết bài hôm nay.” “Tôi có suy nghĩ là nên ăn trước.” “Tôi có suy nghĩ là nên nghỉ trước.” Rồi tôi quay sang Tâm Trí Suy Nghĩ và nói thẳng thừng rằng tất cả chỉ lý do lý trấu và tôi chả cần gì ngoài đặt mông xuống bắt đầu viết. Tất cả chúng ta đều vô thức đưa ra những lý do và cảm xúc tiêu cực. Thử đoán xem? Điều này không bao giờ thay đổi. Tôi không quan tâm bạn có bao nhiêu cảm xúc tích cực, bạn dùng các phương pháp trị liệu nào, hay những trò tâm linh thời đại mới mà bạn biết – suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực là một quá trình tự nhiên của não bộ con người. Bạn không thể tránh khỏi chúng. Không ai có thể. Điều bạn CÓ THỂ làm là chấp nhận chúng. Không bị đồng nhất với chúng. Và mặc kệ chúng. Khi có người đến hỏi tôi làm sao để “Ngưng tức giận” hay “Ngưng hồi hộp”, đó là vấn đề của họ. Khi bạn cố loại bỏ một suy nghĩ hay cảm xúc nào đó, bạn đang càng làm nó trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn càng chú tâm vào cảm xúc, cảm xúc càng mãnh liệt hơn.

Cảm xúc tiêu cực cũng tựa như cát lún: bạn càng vùng vẫy muốn thoát ra, bạn lại càng bị nhấn chìm sâu hơn. Có một cách là chấp nhận chúng và kệ chúng đi. Đây là một kỹ năng và là một quá trình, nhưng bạn không thể thực hiện nó nếu không nhận ra bạn có hai tâm trí và bạn chỉ có thể điều khiển được một. Dưới dây là một số bài tập bạn có thể thực hiện để giúp tách hai tâm trí ra và từ đó có thể điều khiển hành vi bất luận suy nghĩ và cảm xúc.

  1. Mỗi khi bạn cảm thấy có một suy nghĩ hay cảm xúc mạnh, tách bản thân ra khỏi chúng và chiếm lấy chúng. “Sếp của tôi không phải thằng ngốc. Nhưng tôi có suy nghĩ rằng sếp của tôi là thằng ngốc.” “Tôi không ghét bạn gái cũ. Tôi chỉ cảm thấy có sự căm ghét đối với bạn gái cũ.” “Tôi không cô đơn và trầm cảm. Tôi cảm thấy có sự cô đơn và sự trầm cảm.” Ngôn ngữ rất uy lực. Chú ý khi bạn tách bản thân ra khỏi những suy nghĩ và cảm xúc bằng cách này, điều đó 1) cho thấy đây chỉ là những trạng thái tạm thời và không phải điều kiện vĩnh viễn, 2) buộc bạn phải chịu trách nhiệm với chúng. Chúng không phải do ai mà ra, chúng chỉ đơn giản là thế thôi.
  2. Hãy cảm ơn Tâm Trí Suy Nghĩ của bạn vì những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Đây là một thủ thuật của trị liệu ACT và rất có tác dụng. Nghe có vẻ điên khùng, nhưng nó có tác dụng vì nó BUỘC bạn chấp nhận những cảm xúc tiêu cực thay vì đấu tranh với chúng. “Cám ơn Tâm Trí Suy Nghĩ vì đã cảm thấy hồi hộp trước buổi hẹn hò tối nay. Điều này sẽ giúp tôi cẩn thận!” “Cám ơn Tâm Trí Suy Nghĩ vì đã tức giận với sếp. Tôi rất cảm kích sự quan tâm của bạn.” Bạn sẽ thấy rất kỳ quái – bày tỏ lòng biết ơn đối với những cảm xúc tiêu cực. Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ nhận ra điều này giúp giảm bớt sức mạnh của suy nghĩ và cảm xúc theo thời gian và thực sự buộc bạn phải hành động không màng đến chúng.
  3. Cuối cùng, nếu có lúc bạn cảm thấy nóng máu, hay có điều gì đó quấy rầy bạn, hãy thử cái này. Nhớ về một điều gì đó làm bạn khó chịu gần đây và tập trung vào đó. Có thể là bạn gái bạn la mắng bạn. Có thể là bạn cảm thấy sợ khi lỡ thích cô bạn cùng lớp ngồi cạnh mình. Có thể là bạn thôi việc. Cắt nó ra thành từng câu đơn, ví dụ, “Tôi cảm thấy ngại phải thôi việc.” Hay “Tôi cảm thấy khó chịu với bạn gái.” Giờ hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng Bugs Bunny nói những câu đó, trong khi đang nhai cà rốt. Rồi đến chuột Mickey nói những câu đó, trong khi đang nhảy múa và nhào lộn. Giả vờ như nhóm Chipmunk đang hát cho bạn nghe dưới dạng bài hát Giáng sinh. Giờ thì biến chúng thành hình ảnh, có thể là cô bạn gái đang giận dữ, hoặc là cảnh bạn nghèo kiết xác đang ngồi trên lề đường. Đưa hình ảnh đấy vào màn hình TV. Chỉnh màu sắc cho vui nhộn vào, cho bạn mặc đồ chấm bi. Biến tóc của bạn gái thành một mớ kẹo. Làm cho suy nghĩ và cảm xúc ấy trở nên thật lố bịch trong đầu bạn. Dành một chút thời gian chơi đùa với chúng. Cố làm bản thân cười. Sau cỡ một hoặc hai phút thì dừng lại. Bạn cảm thấy thế nào? Chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy đỡ hơn rất nhiều và cảm xúc tiêu cực kia không còn mãnh liệt như trước đó. Tách Tâm Trí Quan Sát ra khỏi Tâm Trí Suy Nghĩ là một thói quen cần rèn luyện. Nhưng một khi bạn đã bắt đầu, bạn sẽ cảm thấy bản thân trở nên ít lệ thuộc vào suy nghĩ và cảm xúc. Bạn sẽ có thêm quyền hành điều khiển cuộc sống hằng ngày và cảm thấy tốt hơn về điều đó.

Theo tôi, đây là bước quan trọng nhất để phát triển kỷ luật tự giác và mặc kệ những rối loạn thần kinh chức năng hay những khó chịu tâm lý mà bạn phải chịu đựng. Một khi bạn đã phân biệt được hai tâm trí, bạn có thể bắt đầu suy xét suy nghĩ và cảm xúc từ một góc nhìn khách quan và lựa chọn cái nào hữu ích và cái nào gây tổn hại (chúng ta sẽ bàn về vấn đề này trong Quan điểm 3).

QUAN ĐIỂM 2: TIN TƯỞNG ĐIỀU CÓ ÍCH, CHỨ KHÔNG PHẢI SỰ THẬT

Hai người đàn ông trong một quán bar ở Alaska đang nhậu và bàn về Chúa (hai điều này thường hay đi đôi với nhau). Một người nói: “Trên đời chẳng có Chúa đâu và tôi sẽ chứng minh cho cậu thấy. Chỉ vài tuần trước thôi tôi bị kẹt trong trận bão tuyết mà không có tiếp tế gì cả. Tôi cứ đinh ninh là mình sẽ bị chết cóng. Rồi tôi quyết định thử mấy trò Chúa trời. Tôi quỳ xuống và cầu nguyện. Tôi nói với ngài rằng nếu ngài cứu tôi, tôi hứa sẽ luôn tin ở ngài.” Người kia nhìn bạn mình một cách khó hiểu, “Giờ cậu đang ngồi đây rồi còn gì? Ngài hiển nhiên là đã cứu cậu!” Người đàn ông trả lời, “Không hề. Vài phút sau một số người dân Eskimo đi ngang qua và đưa tôi về lại thị trấn. Chúa chẳng làm gì cả.” Câu chuyện này được truyền tai nhau như một ví dụ về việc hai người có hai cách hiểu đối lập nhau với cùng một câu chuyện. Cách bạn nhận thức về câu chuyện trên, hay bất kỳ câu chuyện nào, tùy thuộc vào niềm tin mà bạn chọn để chấp nhận. Cũng giống như ly nước nửa đầy nửa vơi vậy. Những người dùng internet lâu năm biết rằng điều gì cũng trở thành đề tài tranh luận được. Có thể bạn tin rằng cần phải có thành tích tốt khi học đại học để có được việc làm tốt. Niềm tin đó có thể được đưa ra tranh luận. Có thể bạn tin rằng mỗi tháng cần để dành một khoản tiền nhất định để đảm bảo cho tương lai. Điều đó cũng có thể gây tranh luận. Có thể bạn tin rằng tôn trọng và thành thật là cách tốt nhất để tạo mối quan hệ tốt đẹp với người khác, và ngay cả điều này cũng có thể gây tranh luận.

Một điều làm tôi thất vọng khi tôi đào sâu nghiên cứu tâm lý về sự lôi cuốn, hạnh phúc, thành công, động lực, tăng trưởng và phát triển, là dường như không bao giờ có sự nhất trí. Chỉ có dữ liệu. Và rất nhiều dữ liệu gây tranh cãi. Điều này tương tự như khi tôi nghiên cứu về tranh luận giới tính. Khác biệt thần kinh sinh học giữa nam và nữ là gì? Điểm nào trong vai trò giới tính là bấm sinh và điểm nào là do văn hóa? Không bao giờ có sự nhất trí. Chỉ có rất nhiều dữ liệu, và dữ liệu đó… ừ, bạn đoán đúng rồi đấy, đều gây tranh cãi. Vẫn có những khoảng cách rất lớn trong kiến thức giữa vật lý và sinh học. Ngay cả những nhà khoa học trong các ngành khoa học phức tạp nhất cũng ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm của mình bằng những định kiến vô thức. Niềm tin của chính họ ảnh hưởng đến kết quả mà họ muốn đạt được và dẫn đến việc họ vô thức ảnh hưởng đến cách thực hiện thí nghiệm. Và tôi không định đụng đến tôn giáo – nhưng cứ cho rằng khi “niềm tin” được coi là đức hạnh số một của bạn, thì bạn sống dựa trên niềm tin. Đôi lúc ta lựa chọn niềm tin một cách có ý thức vì lý do đặc biệt nào đó. Đôi lúc ta chọn một cách vô thức (do cha mẹ áp đặt, hoặc do chúng phù hợp với một nhu cầu vô thức nào đó của chúng ta). Tất cả những gì chúng ta nghĩ và tin ngày hôm nay được chúng ta quyết định áp dụng vào bản thân, quyết định điều đó đúng với bản thân, tại một thời điểm nào đó trước đây.

Điều này đúng với mọi trường hợp. Bạn và tôi chưa bao giờ thật sự chứng kiến Chiến tranh Napoleon. Chúng ta không chứng kiến Holocaust (cuộc tàn sát người Do Thái của Đức Quốc xã) hay sự kiện Đặt chân lên Mặt trăng. Chúng ta chỉ chấp nhận chúng đơn giản vì nhiều người nói rằng những điều đó đã xảy ra. (Và tất nhiên cũng có những kẻ điên rồ nghi ngờ liệu những sự kiện này có thật hay không. Họ, một lần nữa, chọn tin vào những niềm tin khác.) Gần như tất cả những gì chúng ta biết đều là gián tiếp và dựa trên niềm tin. Nhưng ngay cả những trải nghiệm trực tiếp mà ta có, nghiên cứu tâm lý học gần đây cho thấy nhận thức của chúng ta về những trải nghiệm của bản thân thường không đáng tin. Nhà tâm lý học Daniel Kahneman đã chứng minh chúng ta thực chất nhớ rất ít chi tiết về những trải nghiệm và sau này ta chỉ “chắp vá” trí nhớ bằng những giả định và, đúng vậy, niềm tin. Các nghiên cứu khác cũng đã chứng minh chúng ta thường chỉnh sửa niềm tin cho phù hợp với cảm xúc và sự thôi thúc của mình, chứ không phải dựa trên những gì thực sự diễn ra hay những bằng chứng có được. Thì đã sao? Tin vào những gì mình muốn có gì sai? Trí nhớ không chính xác và nhìn nhận những trải nghiệm theo cách mình muốn nhìn nhận mà không cần biết chắc có chính xác hay không thì có gì sai?

Tại sao chúng ta không cứ tin vào những gì ta muốn tin, vào những gì mà ta vẫn luôn tin tưởng? Vấn đề là không phải niềm tin nào cũng giúp được chúng ta. Và có một số niềm tin lại hại ta. Vấn đề này cũng là một khái niệm trong tâm lý học gọi là thiên kiến xác nhận (confirmation bias).

Thiên kiến xác nhận là khuynh hướng chỉ chú ý và quan sát những hiện tượng ủng hộ cho những niềm tin ta có trước đó. Ví dụ, một người Ấn Độ tin rằng người da trắng phân biệt chủng tộc sẽ chỉ chú ý đến những sự kiện người da trắng khiếm nhã đối với người thiểu số mà không quan tâm đến cả trăm sự kiện họ rất tử tế với người thiểu số. Họ không cố ý; đó chỉ là một thiên kiến vô thức. Một người tin rằng họ xấu sẽ chỉ chú ý những người phản ứng tiêu cực về diện mạo của họ mà không màng những người phản ứng tích cực. Một người nghĩ rằng họ ngu ngốc sẽ chỉ vùi đầu vào những sai lầm họ phạm phải thay vì chú ý và chấp nhận những công nhận và tán thưởng cho những việc thông minh mà họ đã làm. Tôi từng làm huấn luyện viên hẹn hò (người dạy bạn cách thành công trong việc hẹn hò và các mối quan hệ) trong một vài năm. Tôi đã gặp và giúp đỡ rất nhiều người trên khắp thế giới, đàn ông mọi chủng tộc, tuổi từ 18 đến 59. Có vô số lần khi khách hàng thuê tôi, tôi sẽ bay đến thành phố của anh ta và gặp nhau ở sân bay, còn anh ta: cao lớn, cằm góc cạnh, dáng người chuẩn, ăn mặc chỉnh tề. Anh ta đứng thẳng người và bắt tay tôi một cách mạnh mẽ. Anh ta là một kỹ sư phần mềm hoặc một luật sư hoặc một phân tích viên tài chính hoặc bất kỳ ngành nghề ấn tượng nào khác. Phản ứng đầu tiên của tôi là “Người này thì có vấn đề gì với phụ nữ?” Nhưng rồi tôi phát hiện ra, họ tin rằng họ không hấp dẫn.

Theo cách nghĩ của tôi, phụ nữ sẽ điêu đứng vì anh ta, tán tỉnh anh ta, chăm chú ngắm nhìn anh ta khắp gian phòng, mỉm cười với anh ta. Với tôi những dấu hiệu ấy rất rõ ràng. Nhưng trong tâm trí của bản thân thì anh ta xấu xí, kém hấp dẫn và không ai ưa, vì vậy những gì anh ta thấy chỉ là phụ nữ lịch sự với anh ta, chịu đựng sự có mặt của anh ta và không tỏ ra hứng thú gì với anh ta cả. Kết quả là không chỉ anh ta không nắm bắt được cơ hội với phụ nữ, mà thái độ của anh ta cũng sẽ trở nên tiêu cực làm phật lòng các cô gái. Tôi chứng kiến điều này thường xuyên. Đó là một bài học tuyệt vời về thiên kiến xác nhận mà tôi được biết đến. Tôi đã từng gặp những thiên kiến tiêu cực ở đàn ông về các vấn đề chủng tộc, chiều cao, tiền tài và cả tính cách. Ở mọi trường hợp, họ hủy hoại bản thân với những niềm tin nghèo nàn của mình. Tôi đã ngồi xuống và có những cuộc nói chuyện hấp dẫn, thú vị khoảng hai tiếng đồng hồ với những người đàn ông tự nhận mình không thể thu hút người khác trong một cuộc trò chuyện. Nhiều khi vấn đề của chúng ta không thực sự là vấn đề, mà chỉ là triệu chứng của những niềm tin không có ích. Tin rằng bạn xấu, hay không được ai ưa thích, hay không đủ thú vị – đây có thể đúng có thể sai trong một số trường hợp. Nhưng chúng không bao giờ có thể chứng minh chúng đúng hoặc sai hoàn toàn. Vậy tại sao chúng ta không cho rằng chúng đều sai? Chúng ta có gì để mất? Tôi nhận ra rằng lựa chọn điều gì để tin không đơn giản như lật mặt đồng tiền. Đó là một quá trình phức tạp hơn mà tôi sẽ đề cập vào dịp khác. Điều tôi đang muốn làm là gieo những hạt giống vào bạn.

Lần tới khi bạn cảm thấy ngu ngốc hoặc thiếu tự tin, hãy tự hỏi bản thân liệu đó có phải là một niềm tin có ích hay không. Lần tới khi bạn cảm thấy kém cỏi hoặc không có khả năng đạt được điều gì đó, hãy tự hỏi bản thân liệu đó có phải là một niềm tin có ích hay không. Lần tới khi bạn cảm thấy thiếu hấp dẫn hoặc không được yêu thích, hoặc một tình huống bất khả thi, hãy tự hỏi bản thân liệu đó có phải là một niềm tin có ích hay không. Bởi vì sự thật ra sao không quan trọng. Sự thật là điều luôn gây tranh cãi trong đa số trường hợp. Vậy tại sao lại không ủng hộ bên có lợi cho bạn?

QUAN ĐIỂM 3: NIỀM TIN CỐT YẾU

Vào giữa thế kỷ 19, một đứa bé trai được sinh ra trong một gia đình giàu có. Ngay từ những ngày đầu, cậu bé mắc những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng: bệnh về mắt khiến cậu bé bị mù tạm thời khi còn nhỏ, bệnh dạ dày buộc cậu bé phải ăn kiêng rất khắt khe, bệnh đau lưng sẽ theo cậu bé suốt đời. Mặc dù bị cha phản đối, cậu bé khao khát được trở thành một họa sĩ khi lớn lên. Cậu luyện tập rất nhiều, nhưng năm này qua năm khá mọi nỗ lực đều thất bại.

Trong khi đó, anh trai của cậu lại trở thành một tiểu thuyết gia nổi tiếng thế giới. Khi cậu bước vào tuổi trước thành, các vấn đề sức khỏe của cậu trở nên tồi tệ hơn, mối quan hệ giữa cậu và cha đổ vỡ, và chàng trai trẻ bắt đầu chật vật với chứng trầm cảm và những ý định tự tử. Mong muốn thay đổi tình hình của con trai, người cha tận dụng những mối quan hệ công việc của mình để giúp con được nhận vào Trường Y học Harvard. May mắn là chàng trai rất thông minh. Cậu ta có thể hoàn thành việc bài vở. Nhưng cậu chưa bao giờ cảm thấy thoải mái và thanh thản tại Harvard. Sau một chuyến tham quan bệnh viện tâm thần, chàng trai trẻ trầm ngâm trong nhật ký của mình rằng cậu cảm thấy mình cảm thông được với các bệnh nhân nhiều hơn các bác sĩ khác. Bất mãn với việc học y, chàng trai tìm kiếm những cơ hội khác trong học viện phù hợp với mình. Ý chí của cậu rất mãnh liệt. Cậu sẵn sàng thử bất kỳ điều gì, kể cả những thứ căn bản và hoàn toàn mới lạ. Ít lâu sau cậu biết đến cuộc hành trình nhân chủng học đến rừng nhiệt đới Amazon. Chàng trai đăng ký, hào hứng muốn giải thoát và bắt đầu cuộc sống mới, có thể để khám phá ra những điều mới và thú vị về thế giới và về chính bản thân cậu. Ngày đó, hành trình xuyên lục địa vẫn còn dài, khó khăn và hiểm trở. Nhưng chàng trai đã đến được Amazon. Tại đó cậu ngay lập tức bị mắc bệnh đậu mùa và suýt nữa chết một mình trong rừng. Cậu nhanh chóng được đưa về nhà dân và bị đoàn hành trình bỏ lại. Khi cậu ta khỏi bệnh đậu mùa, bệnh đau co thắt lưng của cậu tái phát và còn tệ hơn xưa. Căn bệnh khiến cậu trở nên tiều tụy, một mình mắc kẹt nơi xứ người mà không có cách nào để giao tiếp, và tiếp tục sống qua chuỗi ngày bị cơn đau hành hạ.

Chàng trai cuối cùng cũng có thể trở về nhà với người cha đang thất vọng tràn trề, gần 30 tuổi, không có việc làm, thất bại trong tất cả mọi thứ mà cậu từng thử sức, với một cơ thể phản chủ và không có dấu hiệu sẽ tốt hơn. Với tất cả những lợi thế và cơ hội mà cậu ta được ban tặng trong cuộc sống, cậu ta vẫn thất bại. Duy nhất một điều bất biến trong cuộc sống của cậu là những đau đớn và thất vọng. Chàng trai rơi vào trầm cảm nghiêm trọng và có ý định chấm dứt sinh mạng của mình.

Nhưng trước tiên, cậu ta có một ý tưởng. Cậu đồng ý với bản thân. Trong nhật ký của mình, cậu viết rằng sẽ thử một thí nghiệm. Cậu sẽ dành trọn một năm để tin rằng cậu ta chịu 100% trách nhiệm cho tất cả những gì xảy ra trong cuộc đời mình, dù có chuyện gì đi nữa. Trong khoảng thời gian này, cậu ta làm mọi thứ có thể để thay đổi tình cảnh, không cần biết kết quả. Nếu, cậu viết, sau một năm chịu trách nhiệm về mọi thứ trong cuộc sống và cố gắng cải thiện, nếu không có gì trong cuộc sống của cậu thực sự cải thiện, thì xem ra cậu ta hoàn toàn vô năng với tình cảnh xung quanh mình. Sau đó cậu sẽ tự tử. Chàng trai đó tên là William James, chả đẻ của ngành tâm lý học Mỹ và là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất trong 100 năm qua. Tất nhiên, lúc ấy cậu ta vẫn chưa là gì cả, nhưng cậu ta đã dùng thí nghiệm ấy để “tái sinh”, và tất cả những gì cậu ta đạt được sau này đều là nhờ váo đó. Có một sự nhận thức mà tất cả những phát triển cá nhân tiềm tàng sẽ bộc phát từ đó. Đó là một sự nhận thức rằng bạn chịu trách nhiệm cho tất cả những gì bạn làm trong cuộc sống, không màng đến tình cảnh bên ngoài.

Năm 1879, mười lăm năm sau thỏa thuận với bản thân ấy, William James có một bài diễn thuyết có lẽ là nổi tiếng nhất của ông, có tựa đề “Ý chí để Tin tưởng” (The Will to Believe). Trong bài diễn thuyết này ông cho rằng dù là sùng đạo hay vô thần, tư bản hay cộng sản, mọi người đều bị buộc phải áp đặt vào bản thân những chuẩn mực niềm tin nhất định. Ngay cả khi bạn không tin vào niềm tin, đó cũng là một chuẩn mực có được bằng niềm tin.

Tiếp theo ông nói rằng nếu tất cả chúng ta đều phải trân trọng một điều gì đó, có thể chúng ta sẽ hướng bản thân trân trọng điều gì có lợi nhất đối với mình và người khác. Khi chúng ta chịu trách nhiệm với những chuẩn mực của mình, chúng ta không còn phải chật vật làm cho thế giới trở nên hòa hợp với nhu cầu của mình, mà ta có thể làm cho những chuẩn mực của bản thân thích nghi với những hoàn cảnh ta gặp trên thế giới này. Chính sự lựa chọn chịu trách nhiệm với bản thân và những chuẩn mực bản thân đơn giản ấy sẽ khiến ta cảm thấy ta có thể điều khiển mọi thứ xảy đến với mình. Nó cho phép ta biến những trải nghiệm tiêu cực thành những trải nghiệm cho ta sức mạnh. Nghe có vẻ phản trực quan – việc chịu trách nhiệm với tất cả những bất hạnh tồi tệ được giáng xuống đầu ta có thể bằng một cách nào đó giải phóng ta khỏi những bất hạnh ấy – nhưng nó đúng. Trách nhiệm với bản thân có thể mang lại sự mãn nguyện sâu sắc hơn bằng cách cho phép chúng ta xem bất kể thứ gì ta gặp phải là những chuẩn mực thỏa mãn nhu cầu của chính mình. Những đứa trẻ ngỗ ngược cho chúng ta cơ hội trở thành người cha người mẹ tốt và dạy chúng về kỷ luật và trách nhiệm. Bị đuổi việc cho ta cơ hội thử nghiệm những con đường nghề nghiệp mới mà ta luôn mơ ước. Chia tay cho ta cơ hội nhìn nhận trung thực về bản thân và hành vi của ta ảnh hưởng đến mối quan hệ với người yêu như thế nào. Đúng, những trải nghiệm này vẫn rất đau đớn chết đi được. Nhưng trải nghiệm tiêu cực là một phần trong cuộc sống. Câu hỏi đặt ra không phải là ta có chúng hay không mà là ta làm gì với chúng. Trách nhiệm cho phép ta biến đau thương thành sức mạnh, biến mất mát thành cơ hội. James không hề ngốc. Ông biết những chuẩn mực không phải chỉ cần tin là được. Bạn không phải chỉ một buổi sáng đẹp trời thức dậy và quyết định, “Tôi là một người thành công hạnh phúc!” và sẽ trở thành người như thế. Chuẩn mực cần phải được tu dưỡng, thử thách và tôi luyện bằng kinh nghiệm. Chuẩn mực sẽ trở nên vô giá trị nếu không có những biểu hiện của đời thực, những lợi ích hữu hình dưới dạng trải nghiệm tích cực. Không phải lúc nào ta cũng điều khiển được điều gì xảy đến với mình. Nhưng chúng ta luôn điều khiển được:

a) cách ta hiểu những gì xảy ra với mình, và
b) cách chúng ta phản ứng lại những điều ấy.

Vì vậy, dù ta có nhận ra hay không, chúng ta luôn chịu trách nhiệm cho những trải nghiệm của mình.

Lựa chọn không hiểu những sự việc trong cuộc sống cũng là một cách hiểu những sự việc trong cuộc sống. Lựa chọn không phản ứng với các sự việc trong cuộc sống cũng là một phản ứng với các sự việc trong cuộc sống. Cho dù ta thích hay không, chúng ta luôn nắm vai trò chủ động đối với những gì xảy ra với chính mình. Chúng ta luôn đi tìm ý nghĩa của mỗi một khoảnh khắc và mỗi một sự việc. Chúng ta luôn tạo ra những chuẩn mực về bản thân và người khác. Và chúng ta luôn lựa chọn hành động dựa trên những chuẩn mực ấy. Luôn là thế. Dù ta có nhận ra hay không, ta đã lựa chọn hành động rồi. Chúng ta vốn đã chịu trách nhiệm cho những trải nghiệm tiêu cực của mình. Chỉ là không phải lúc nào ta cũng ý thức được điều đó.

 

Dịch: Hồng Phương
Nguồn: https://markmanson.net/self-knowledge-guide

menu
menu