Mặt tối của "Trẻ ngoan"

mat-toi-cua-tre-ngoan

Những nỗi đau khổ thầm kín và khó đoán trong tương lai của một đứa trẻ ngoan bắt nguồn từ nhu cầu bên trong của chúng đối với việc tuân thủ quy tắc quá mức.

Mặt tối của "Trẻ ngoan"

Các em làm bài tập đúng giờ, chữ viết ngay hàng thẳng lối, phòng ngủ sắp xếp gọn gàng. Các em thường hơi dè dặt, muốn giúp đỡ bố mẹ, bóp thắng xe khi chạy xuống đồi.

Vì các em không thể hiện nhiều vấn đề trực tiếp nên ta hay cho rằng mọi thứ đều ổn với những đứa trẻ ngoan. Các em không nhận được sự quan tâm "đặc biệt" mà bọn trẻ hay "vẽ bậy" trong đường hầm nhận được. Người ta nghĩ rằng trẻ ngoan thì ổn, vì trẻ làm mọi thứ mà người khác kì vọng ở chúng. Và tất nhiên, đó chính là vấn đề.

Những nỗi đau khổ thầm kín và khó đoán trong tương lai của một đứa trẻ ngoan bắt nguồn từ nhu cầu bên trong của chúng đối với việc tuân thủ quy tắc quá mức. Đứa trẻ ngoan không ổn vì xu hướng trớ trêu này khiến chúng không thể trở thành bất cứ ai khác. Chúng ngoan ngoãn vì không còn lựa chọn nào khác. Sự ngoan ngoãn này là bắt buộc thay vì một lựa chọn.

Nhiều trẻ cư xử ngoan ngoãn vì yêu thương người cha người mẹ hay muộn phiền, người đã cho chúng biết rằng họ không thể chịu nổi bất cứ rắc rối và khó khăn nào nữa. Hoặc có thể, chúng ngoan vì muốn xoa dịu bậc cha mẹ hay nổi giận, những người có thể trở nên cực kì đáng sợ khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào của sự kém hoàn hảo. Kiểu đè nén những cảm xúc khó khăn hơn này, dù khiến đứa trẻ vâng lời trong một thời gian, lại làm tích tụ nhiều khó khăn mà trẻ phải đối mặt sau này.

Các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh nên nhận biết những dấu hiệu của sự lịch sự thái quá và xử lý nó như một hiểm nguy chết người, đúng với bản chất của nó.

Trẻ ngoan trở thành một người nắm giữ quá nhiều bí mật và giao tiếp cực kỳ kém về những chuyện không được ưa thích nhưng quan trọng. Chúng hay nói lời ngọt ngào, giỏi thoả mãn kỳ vọng của người khác nhưng lại chôn giấu suy nghĩ và cảm xúc thật sự của mình. Và rồi gây ra các triệu chứng thần kinh, sự cắn rứt, sự bùng nổ bất chợt, và sự cay đắng. Căn bệnh của những đứa trẻ ngoan là chúng chưa từng trải nghiệm tình huống người khác chịu đựng được sự hư hỏng của chúng. Chúng bỏ lỡ một đặc quyền quan trọng dành cho những đứa trẻ khoẻ mạnh, đó là được thể hiện sự ghen tỵ, tham lam, ích kỷ, và vẫn được yêu thương.

Những người tốt thường có những vấn đề nhất định về chuyện tình dục. Lúc nhỏ, có thể họ được khen ngợi vì sự ngây thơ và trong sáng. Tuy nhiên, khi trở thành người lớn, cũng như tất cả chúng ta, họ khám phá ra sự thăng hoa của tình dục, nó có thể hấp dẫn khó cưỡng và cực kỳ trần tục.

Nhưng điều này có thể hoàn toàn trái ngược với hình ảnh về những thứ mà họ tin rằng mình được phép thích. Họ có thể phản ứng lại bằng cách từ chối những ham muốn của mình, trở nên lạnh lùng và mất kết nối với cơ thể của mình, hoặc có lẽ là đầu hàng trước những ham muốn gây hại cho những khía cạnh khác trong cuộc sống của họ, khiến họ cảm thấy ghê tởm và sợ hãi.

Ở công sở, người tốt cũng có những vấn đề. Khi còn nhỏ, họ tuân thủ các quy tắc, chưa từng gây rắc rối và cẩn thận không làm phiền tới ai. Nhưng việc tuân thủ quy tắc sẽ không đưa bạn đi xa trong thế giới người lớn. Gần như mọi việc thú vị, đáng để làm hoặc quan trọng đều phải đối mặt với sự phản đối nhất định. Một ý tưởng tuyệt vời sẽ luôn làm một số người khó chịu, nhưng nó rất xứng đáng để theo đuổi. Trẻ ngoan bị gắn với một sự nghiệp tầm thường và thói quen làm hài lòng người khác.

Một người trưởng thành thực sự sẽ có một mối quan hệ thẳng thắn và không lo sợ có những mặt tối, sự phức tạp và tham vọng. Trưởng thành liên quan đến việc hiểu rằng không phải điều gì khiến ta vui cũng làm người khác vui, hay ta sẽ được xã hội xem là "tốt", mà là ta vẫn nên khám phá và trân trọng điều ta thích dù thế nào đi nữa.

Khao khát làm người tốt là một trong những khao khát đáng yêu nhất trên đời, nhưng để có một cuộc sống thật sự tốt, đôi khi ta cũng cần (theo tiêu chuẩn của một đứa trể ngoan) dũng cảm "nổi loạn" một cách tích cực.


Dịch: Ubrand.global
Nguồn: http://www.thebookoflife.org/the-dangers-of-the-good-child/

menu
menu