Sự chú ý là đơn vị tiền của thành công

su-chu-y-la-don-vi-tien-cua-thanh-cong

Mọi thứ bạn làm đều có chi phí cơ hội. Khi bạn quyết định dừng làm một việc gì đó để check mạng xã hội hay email, chi phí cơ hội là sự mất mát về chiều sâu và sự tập trung.

Như ta thấy trong cụm từ “dành sự chú tâm”, khi tập trung, bạn phải bỏ ra một loại “tiền” nhận thức hạn chế, đó chính là năng lực trí tuệ và bạn phải dùng nó hợp lý vì nó rất quý giá. – Winifred Gallagher, Rapt

Sau gần một thập kỉ kiếm sống bằng những công việc sáng tạo, tôi nhận ra rằng những hoạt động đòi hỏi chiều sâu, sự tập trung và chú ý sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với những công việc đòi hỏi sự hời hợt.

Sự hời hợt và phân tán so với sự tập trung và chiều sâu 

Mọi thứ bạn làm đều có chi phí cơ hội. Khi bạn quyết định dừng làm một việc gì đó để check mạng xã hội hay email, chi phí cơ hội là sự mất mát về chiều sâu và sự tập trung. Bạn có được sự thư giãn tạm thời bằng cách xem tin nhắn hay xem ai đã bình luận về dòng status mới nhất của mình.

Với chiều sâu, ta trải nghiệm một kiểu vui thú khác, nó nuôi dưỡng ta, tạo cảm hứng cho ta đặt bút để viết, cầm cọ lên vẽ, và cho ta động lực để theo đuổi bất kì dạng thức sáng tạo mà tâm hồn ta khao khát. Trong trạng thái tư duy sâu, ta tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, tạo ra những đế chế tỉ đô và để lại dấu chân của mình trên thế giới này. Trong trạng thái tư duy đơn giản, chúng ta quan sát thay vì sáng tạo, ta chỉ ở ngoài lề thay vì tham gia cuộc chơi.

Nghịch lý trong nguồn cơn của sự mất tập trung là nó cần chiều sâu để tạo ra chúng nhưng chúng ta có thể sử dụng chúng trong trạng thái hời hợt điên cuồng.

Ta có thể dành nhiều ngày trong trạng thái tư duy sâu đầy cảm hứng hoặc sự hời hợt nhàm chán. Tư duy hời hợt cho ta ảo ảnh về sự thỏa mãn nhất thời. Nhưng cuối cùng trạng thái tư duy thiếu chiều sâu này chẳng đem lại kết quả nào đáng nói cả.

Độ tập trung quan trọng hơn là lượng thời gian bỏ ra

Mỗi ngày chúng ta có hàng trăm việc cần dành sự chú ý: email, tin nhắn và mạng xã hội chỉ là phần nổi của tảng băng. Mạng Internet có thể còn nhanh chóng mang cho ta nhiều nguồn gây mất tập trung hơn. Mặc cho điều đó, chúng ta lại đang đạt được những thành tựu chưa từng có trong lịch sử:

  • Những công ty tỉ đô đang được thành lập trong những garage và phòng trọ.
  • Những họa sĩ đang xóa bỏ những giới hạn về những điều không tưởng khi làm những điều điên rồ như vẽ ra những nấc thang bằng pháo hoa trên bầu trời
  • Các vận động viên đạt được những thành tích phi thường như cưỡi trên con sóng cao hàng trăm mét.

Sao chúng ta làm được như vậy?

Vài ngày trước, tôi hết sách để đọc. Vậy nên tôi lướt qua giá sách xem có quyển nào đáng đọc lại không. Và đó là quyển “Deep Work” (Nhập tâm làm việc) của Cal Newport. Điều đáng nói nhất về cuốn sách là phép toán mà ông đưa ra:

Làm việc chất lượng = Thời gian x Độ tập trung  

Bạn có thể chọn để tăng thời gian hoặc tăng độ tập trung. Hãy xem xét việc này thông qua một bài toán nhỏ:

1 (Thời gian) x 10 (Độ tập trung) = 10 (Đánh giá chất lượng công việc)

1 (Thời gian) x 5 ( Độ tập trung) = 5 (Đánh giá chất lượng công việc)

Nhập tâm làm việc rõ ràng là hiệu quả hơn và mang lại kết quả tốt hơn. Khi tăng độ tập trung, bạn nhận được thành quả tăng theo cấp số nhân. Mức độ tập trung đem tới sự thấu hiểu và thấu hiểu gia tăng hiệu suất làm việc.

Xây dựng môi trường gia tăng độ tập trung 

Nếu bạn muốn đạt được điều gì đó trong cuộc sống, bạn phải thiết kế một môi trường giúp bạn trở thành người bạn muốn. Nếu bạn định dùng ý chí, nhiều khả năng bạn sẽ thất bại. Nếu bạn từng ngồi xuống làm việc và 10 phút sau thấy mình đang lướt Facebook thì hẳn bạn đã hiểu được sự thiếu hiệu quả khi dựa vào ý chí. Môi trường luôn có tác động mạnh nhất.

Khi tôi thức dậy vào buổi sáng, một trong những điều đầu tiên tôi làm là dùng ứng dụng Calm để thiền. Vậy nên tôi phải dùng điện thoại. Sau đó, tôi đeo tai nghe triệt tiêu tiếng ồn, bật lặp lại một bản nhạc techno, và cất điện thoại vào tủ.

Tôi luôn đọc trước khi viết và thường sẽ viết về thứ mình vừa đọc. Sau khi mở máy tính, tôi dùng Rescuetime để tránh mất tập trung trong 90 phút. Sau đó tôi viết cho tới khi tôi đạt được chỉ tiêu về lượng từ của một ngày.

Rèn luyện khả năng tập trung của bạn 

Trái với điều mọi người thường nghĩ, nó không đòi hỏi những nguyên tắc hà khắc. Bạn có thể rèn luyện trong suốt cả ngày.

Hãy bỏ điện thoại của bạn trong xe khi bạn phải xếp hàng ở đâu đó: Sự mất tập trung giống như thói quen. Lướt điện thoại khi xếp hàng đã trở thành bản năng của chúng ta. Khi làm như vậy, ta liên tục luyện cho não mình tin rằng ta không thể đi đâu quá 5 phút mà không có điện thoại. Bỏ điện thoại lại trong xe là một cách để ép cho ta tập không lấy điện thoại ra mỗi khi thấy chán.

Trong thời đại mà lúc nào cũng có thứ khiến ta xao lãng, để tinh thần lành mạnh ta phải gạt bỏ chúng ra, bắt đầu với những thiết bị liên lạc của chính mình. Tuy nhiên, không dễ để từ chối lời mời gọi của những máy móc này khi chúng làm ta lầm tưởng có những tin tức về việc làm ăn cần cập nhật. - Winifred Gallagher,

Tắt các thiết bị trong một khoảng thời gian vào mỗi ngày: Tắt các thiết bị của bạn đi là cách tốt nhất để tạo ra một môi trường hoàn toàn tập trung. Bởi vì mọi thứ đã được tắt, sự chú ý của bạn sẽ không bị chuyển hết từ chỗ này sang chỗ khác. Tôi đã thử tắt các thiết bị từ 7 đến 9 giờ tối. Kết quả là tôi ngủ ngon hơn và sáng hôm sau tôi cũng tập trung hơn.

Thiền định: Tôi đã viết rất nhiều trong những bài trước về tác dụng của thiền định. Sau 17 ngày liên tục dùng ứng dụng Calm, tôi bị thuyết phục về tác dụng mạnh mẽ của thiền định đối với khả năng tập trung. Dĩ nhiên, nó đòi hỏi nhiều cố gắng hơn một chút so với giải pháp ở trên.

Thay vì cố tập thiền trong thời gian dài, hãy bắt đầu từ từ. Lúc đầu có thể là 2 phút. Sau đó thử 5 phút. Hãy tăng dần thời lượng cho đến khi bạn thực sự cảm thấy tác động của nó lên khả năng tập trung của mình. Vào ngày mà tôi viết phần này, tôi đã đạt tới 15 phút. Trong khoảng 90 phút, tôi đọc 100 trang và viết hơn 1500 từ. Đó không phải là một kết quả tồi khi đầu tư 15 phút ngồi nhắm mắt.

Những “sự can thiệp nhỏ này” sẽ tích tiểu thành đại. Những việc nhỏ mà ta làm liên tục sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc sống của mình.

Một môi trường tập trung mở ra những lợi ích xuất phát từ thứ mà Cal Newport gọi là làm việc nhập tâm.

Lưu ý: Nếu bạn gặp rắc rối với mất tập trung do công nghệ thông tin, Cẩm nang tránh mất tập trung có thể có ích với bạn.

Làm việc nhập tâm thay đổi não bộ 

Năm ngoái tôi có một chuyến đi trượt tuyết với một người bạn đại học. Anh ấy nói rằng có vẻ như khả năng tập trung của tôi đã tăng lên trong vài năm qua. Là một nhà phỏng vấn, chú tâm và lắng nghe một cách cẩn thận đã trở thành một phần quan trọng trong quá trình sáng tạo của tôi. Là một tác giả, tôi nhập tâm làm việc hầu như mỗi này.

“Khi chúng ta phải vất vả để học một nhạc cụ mới, một ngôn ngữ mới, một hành vi mới, chúng ta sẽ tạo ra một kết đoạn neuron mới. Khi chúng ta thực hành hành vi đó nhiều hơn và vượt qua khó khăn, quá trình myelin hóa sẽ xảy ra. Nó giống như dây điện được bọc một lớp vỏ. Myelin tiếp nhận những hành vi và đoạn neuron mới và biến chúng từ dây đồng thành cáp quang” - Christine Comaford

Từ những điều trên, không có gì ngạc nhiên khi khả năng tập trung của tôi đã tăng lên. Làm việc nhập tâm thực sự thay đổi não bộ.

Làm việc nhập tâm tăng hiệu quả công việc 

Là một người tốt nghiệp đại học với GPA 2.97 và bị sa thải ở hầu như mọi công việc từng có, tôi không phải mẫu người được gọi là tập trung, kỷ luật và kiên trì. Nhưng là một tác giả, tôi không có cách nào ngoài phát triển những thói quen, phong thái và lối tư duy này. Tập trung là bắt đầu của nhịp điệu và nhịp điệu là bắt đầu để làm chủ những sản phẩm của mình.

Làm việc nhập tâm giúp chúng ta hạnh phúc hơn 

Đây có thể là điểm thường bị bỏ qua nhất khi làm việc nhập tâm. Trong trạng thái nhập tâm, chúng ta chú ý đến hiện tại, không bị đắm vào quá khứ hay lo về tương lai. Ta không bị phân tán bởi tiếng thông báo, những câu status và hay những thứ lặt vặt và không quan trọng. Niềm vui khi nhập tâm giúp công việc của bạn ý nghĩa hơn và cải thiện cả đời sống cá nhân lẫn công việc của bạn. Sự tập trung này giúp bạn dễ làm việc chăm chỉ hơn và cố làm những gì tốt nhất.

3 điểm lưu ý 

Chúng ta đều có những lúc đạt hiệu suất tốt nhất trong ngày

Đây là điểm độc đáo của chúng ta. Tôi tập trung nhất là khi vừa thức dậy buổi sáng. Nếu tôi check mail hay mạng xã hội thì nó sẽ làm một ngày của tôi đi lệch hướng.

Thử xét Gretchen Rubin. Rõ ràng tập trung là rất quan trọng với cô ấy. Cô ấy đã viết 4 cuốn sách. Nhưng cô ấy phải check mail và mạng xã hội trước khi viết.

Tại sao lại vậy? Với một số người, việc mở mail rồi sẽ phải trả lời và làm phân tán sự tập trung của họ. Đóng chúng lại giúp họ tập trung vào công việc hơn. Đôi khi những thói quen nhỏ có thể giúp ta làm việc tốt hơn.

Nhưng nhớ rằng đừng bỏ qua một thứ nào đó khi nó thực sự cấp thiết.

Lợi nhuận suy giảm 

Lợi nhuận suy giảm là một khái niệm kinh tế học. Tại một điểm nhất định, đầu vào không đổi sẽ không còn cho đầu ra như cũ. Không phải mọi giờ trong ngày đều như nhau. Đây là lý do vì sao 3 giờ đầu tiên trong ngày có thể dự báo ngày hôm đó của bạn.

Ý chí 

Công trình của Roy Baumeister cho ta biết mọi quyết định đều làm giảm ý chí của chúng ta. Nếu dùng hết ý chí cho việc vô bổ thì ta sẽ không còn ý chí cho những việc ý nghĩa hơn.

Tôi đọc và viết đầu tiên trong buổi sáng vì đây là hai việc tiêu tốn ý chí nhất.

Nếu bạn đang lập thời gian biểu, hãy xếp chúng theo thứ tự ý chí cần thiết.

"Tiền tệ" của sự chú tâm 

Sự chú tâm là thứ có hạn. Nhưng ta lại dùng nó như thể vô hạn, từ chỗ này sang chỗ khác, click, lăn chuột, lướt và nhắn tin cho đến khi ta dùng hết nó. Ta chỉ tự hỏi sao mình chẳng làm xong việc gì khi ta đã dùng hết nguồn lực cho việc đó. Nếu ta cũng tiêu tiền như vậy, tán gia bại sản là rất dễ. Sức tập trung vô hạn là ảo ảnh khiến ta cứ đăng status, đăng ảnh và lướt newsfeed.

Khác vơi những đơn vị tiền, sự chú tâm dựa trên một nghịch lý.

Nếu mỗi ngày bạn có 10 đơn vị tập trung. Việc vặt làm tốn 10 đơn vị này còn việc quan trọng chỉ tốn 1 đơn vị. Nếu lãng phí hết vào việc vặt, bạn chẳng còn gì để làm việc quan trọng.

Một cách nữa để xem xét việc này là qua thu nhập. Giống việc không phải mọi giờ đều như nhau, không phải mọi công việc đều giá trị như nhau. Cụ thể hơn, hãy xét những con số:

Việc quan trọng = 1000$/h

Việc vặt = 1$/h

Hai tiếng làm việc quan trọng cho bạn 2000$. 8 tiếng làm việc vặt cho bạn 8 $. Nếu bạn muốn tối đa thu nhập thì đáp án có rồi đấy. Đây là điều Cal Newport gọi là lý thuyết nguồn vốn của tập trung:

Trong các công việc trí óc ngày nay, tài sản quan trọng nhất là não bộ con người hay cụ thể hơn là khả năng tạo ra giá trị bằng sự tập trung liên tục.

Những cái giá của sự phân tán 

Cái giá của những việc vặt không chỉ là giảm năng suát và khả năng tập trung. Nó làm ta mất đi niềm hạnh phúc. Tập trung vào những mặt hào nhoáng trong cuộc sống người khác làm ta khó thấy giá trị bản thân vì nguồn tập trung để làm việc đó đã bị sử dụng mất rồi.

Không có sự tập trung, ta mất khả năng nhìn nhận ra rằng sự nhàm chán của chúng ta thường chứa đựng mầm mống cho chính sự tỏa sáng.

Chính trong sự nhàm chán của mình ta tìm đến những nơi xa xôi chưa được khám phá và mọi thứ đều có thể xảy ra. Đây là nơi những ý tưởng độc đáo nhất, hiệu quả nhất xuất hiện. Khi ta không nhập tâm, ta mất đi phần “con người” của mình.

Trong kinh tế học, cung cầu quyết định giá. Nếu cung có hạn và cầu nhiều thì giá sẽ tăng mạnh. Khả năng tập trung của chúng ta rõ ràng rất đáng giá và nó đã làm cho những người tạo ra những nguồn làm ta mất tập trung trở nên rất giàu có.

Nếu sự chú ý là đơn vị tiền của thành công, ta nên cẩn thận trong cách tiêu dùng nó.

Khi bạn bỏ việc lặt vặt để đổi lấy sự tập trung, những thứ tiêu khiển nhẹ nhàng sẽ mất sức hấp dẫn của nó và được thay thế bởi một cái gì đó sâu sắc khiến bạn đắm chìm. Cái gì đó làm cho thế giới xung quanh bạn biến mất và thời gian vừa đứng yên mà vừa bay vụt qua. Bạn gieo mầm cho cảm giác hài lòng và thỏa mãn và nó sẽ nâng đỡ bạn và đồng hành cùng bạn. Bản thân công việc trở thành phần thưởng của bạn và bạn sẽ trải nghiệm niềm vui từ việc thể hiện sự sáng tạo của mình, ngay cả khi người duy nhất hưởng lợi từ nó là bạn, ngay cả khi bạn chỉ có một khán giả.

Khi nuôi dưỡng khả năng tập trung, ta mở ra cánh cửa cho một đời sống phong phú cả trong nội tâm lẫn bên ngoài. Chúng ta băng qua những con đường đến với trí tưởng tượng và sự tò mò. Thay vì lòng vòng với thế giới xung quanh, chúng ta trở nên gắn bó với nó hơn, để cho cuộc trò chuyện của chúng ta kéo dài đến khi chúng ta là những người duy nhất còn lại trong nhà hàng hoặc khi quầy bar yêu thích sắp đóng cửa.

Nhìn lại những cuộc trò chuyện sâu sắc và có ý nghĩa nhất của tôi, hàng trăm cuốn sách tôi đã đọc, và hai cuốn sách tôi đã viết, ở sâu trong tất cả là sự chú tâm quý giá.

Khi tôi du học ở Brazil năm 2008, điện thoại thông minh chưa trở nên phổ biến. Tôi hay ngồi với bạn bè trong một bữa ăn tối chậm rãi, cười nói và chuyện trò, bên những chai bia và caipirinhas, cho đến khi bốn tiếng đồng hồ trôi qua.

Dù có nhiều đêm say rượu, chúng tôi bước ra khỏi một quán bar lúc bình minh, đó vẫn là những bữa tối chậm rãi đã làm tình bạn của chúng tôi thêm bền chặt.

Sự chú tâm không chỉ giúp chúng ta thành công. Nó giúp chúng ta kết nối, tham gia vào thế giới xung quanh và vui chơi như những lời súc tích từ một trong những triết gia vĩ đại của thời chúng ta, Ferriss Bueller:

Cuộc sống trôi đi rất nhanh. Nếu bạn không thi thoảng dừng lại và nhìn xung quanh, bạn có thể bỏ lỡ nó.

 

----------
Tác giả: Srinivas Rao

Link bài gốc: Why Attention Is The Currency Of Achievement? 

Dịch giả: Nguyễn Hoàng Phương - ToMo: Learn Something New

menu
menu