10 Cách Giúp Tăng Năng Lực Trí Tuệ

10-cach-giup-tang-nang-luc-tri-tue

Ngày nay, có rất nhiều người nói về năng lực trí tuệ, nhưng dường như không ai thực sự hiểu rõ về nó.

Chắc chắn là, có những bài kiểm tra đo chỉ số IQ của bạn và thậm chí có những bài kiểm tra để giúp xác định chỉ số EQ của bạn, nhưng bản thân trí thông minh, không thể giới hạn ở bất kỳ đặc điểm nào mà chúng ta thường gắn cho nó.

Để xác định được các cách thức giúp tăng năng lực trí tuệ của chúng ta, trước tiên chúng ta nên thống nhất về ý nghĩa thực sự của năng lực trí tuệ.

Từ "trí tuệ" (intellectual) bắt nguồn từ tiếng La tinh Intellectus có nghĩa là hiểu biết.

Ngày nay, tâm lý học phân biệt nhiều loại trí thông minh khác nhau tùy thuộc vào đối tượng mà một loại trí thông minh cụ thể cần phải nắm bắt được.

Howard Gardener, một nhà tâm lý học phát triển người Mỹ đã chỉ ra 9 loại trí thông minh như sau:

  1.           Naturalist (Trí thông minh thiên nhiên)
  2.           Musical (Trí thông minh âm nhạc)
  3.           Logical-mathematical (Trí thông minh Lôgic-toán học)
  4.           Existential (Trí thông minh hiện sinh)
  5.           Interpersonal (Trí thông minh tương tác giữa các cá nhân)
  6.           Bodily-kinesthetic (Trí thông minh cơ thể-vận động)
  7.           Linguistic (Trí thông minh ngôn ngữ)
  8.           Intra-personal (Trí thông minh nội tâm)
  9.           Spatial (Trí thông minh không gian)

Bây giờ, vấn đề của sự hiểu biết là không có một cách chính xác nào để xác định xem liệu một người có hiểu điều gì đó hay không.

Không chỉ là việc không thể đánh giá xem một người có hiểu điều gì đó hay không… mà chúng ta cũng không thể đánh giá xem một người có thể hiểu điều gì đó đến mức nào, và điều đó khiến cho các bài kiểm tra IQ trở nên vô dụng… và chúng ta hãy xem tại sao lại như vậy.

Chúng ta thường đo lường trí thông minh (hoặc độ hiểu biết) thông qua hiệu quả giải quyết vấn đề. Hơn nữa, năng lực giải quyết vấn đề của chúng ta được thể hiện qua hành vi của chúng ta.

Mọi chuyện sẽ đều tốt đẹp nếu hành vi của chúng ta hoàn toàn được quyết định bởi lý trí và khả năng hiểu biết của mình. Tuy nhiên, chúng ta không phải là những không phải là những con người hoàn toàn lý trí. Ngược lại là đằng khác!

Hành vi của chúng ta cũng được xác định bởi các yếu tố phi lý trí. Con người chúng ta hành động không chỉ đơn thuần dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết.

Hành vi của chúng ta được thúc đẩy bởi sức mạnh ý chí. Bên cạnh các khía cạnh lý trí, con người chúng ta còn có các: cảm xúc, ham muốn, sự thôi thúc, động lực, những mối lo ngại, v.v. Tất cả những điều đó có thể tác động đến khả năng nhận thức của chúng ta theo cách tích cực hoặc tiêu cực.

Hơn nữa, bản thân sự nhận thức là một vấn đề phức tạp. Sự hiểu biết không chỉ là việc kết nối các mẩu thông tin thành những dữ liệu mới.

Nói về việc hình thành cơ sở dữ liệu, trước tiên bạn cần phải có dữ liệu. Sau đó bạn phải thêm vào đó các yếu tố nhận thức, ghi nhớ, bản tính riêng, v.v.

Như bạn có thể thấy trí thông minh không phải là một thứ có thể dễ dàng xác định được cũng như việc tăng cường năng lực trí tuệ cũng chẳng phải là một chuyện đơn giản.

Mỗi tính cách đặc trưng mà bạn có, đều có tác dụng xác định năng lực trí tuệ của bạn.

Và giờ thì, nếu bạn đã sẵn sàng cố gắng hết sức để trở thành một con người tốt hơn và một phiên bản thông minh hơn của chính mình, thì hãy cùng xem làm thể nào để có thể giúp nâng cao năng lực hiểu biết hay còn gọi là năng lực trí tuệ của bạn nhé?

BƯỚC 1: HỌC CÁCH SUY NGHĨ

Nói thì nghe có vẻ dễ nhưng thực tế thì không phải vậy.

Tư duy là một trong những quá trình phức tạp nhất mà trí óc con người có thể thực hiện được. Việc này cần dùng đến hầu như là tất cả các loại năng lực của chúng ta, vì vậy, thực sự rất khó để định nghĩa nó hoặc tìm cách để thực hiện nó một cách tốt hơn.

Nhận thức phản biện hoặc tư duy phản biện là những từ khóa ở đây. Đừng coi đó là điều hiển nhiên. Hãy tiếp cận vấn đề từ những nghi ngờ. Và tự hỏi bản thân những câu hỏi như:

Có phải là nó không? Nó là gì? Nó như thế nào? Tại sao lại như vậy? Ở đâu? Khi nào? Để làm gì? Điều gì gây ra nó? Liệu có thể khác đi không và làm thế nào? vv.

Về cơ bản, tư duy là việc hiểu được các tác nhân kích thích và xử lý nó thành các thông tin, sau đó kết nối các phần thông tin đó thành dữ liệu mới.

Để có thể hiểu được điều gì đó, thì bạn phải chú tâm vào điều đó.

Hãy học cách hình dung những gì bạn đang nghĩ đến. Cố gắng xem xét nó từ tất cả các khía cạnh mà bạn có thể nghĩ đến. Hãy cố gắng suy nghĩ một cách trung lập và khách quan.

Hãy học cách phân tích. Phân tích về cơ bản là chia nhỏ các hiện tượng và xem làm thế nào mà các yếu tố hình thành nên tổng thể và chúng tương ứng với nhau như thế nào.

Việc cần làm tiếp theo là học cách tổng hợp. Tháo dỡ một cỗ máy để xem nó hoạt động như thế nào là một chuyện, và ghép nó lại với nhau, làm cho nó hoạt động và có thể sử dụng tốt là một chuyện hoàn toàn khác.

Xem xét lại tất cả các tiêu chuẩn và mục đích của bạn một cách thực tế thay vì những thành kiến. Học cách giảm bớt tính chủ quan của bạn và cách đưa ra các kết luận hợp lý. Tìm hiểu tất cả những gì bạn có thể về các ngụy biện trong lập luận và tránh mắc phải chúng.

Sẽ rất tốt nếu bạn có thể thông qua lịch sử triết học để biết được lịch sử của các tư tưởng và từ đó bạn có thể hình dung được sơ đồ tổng quát về hình thái tư duy của người tinh khôn (homo sapiens).

Điều đó đưa chúng ta đến một bước khác

BƯỚC 2: HỌC CÁCH ĐỌC VÀ BẮT ĐẦU ĐỌC

Như bạn thấy, bước thứ 2 chính là đọc. Hãy đọc càng nhiều càng tốt, càng thường xuyên, càng sâu càng tốt.

Tất nhiên yếu tố quan trọng ở đây là việc lựa chọn tài liệu cũng như chất lượng quá trình đọc của bạn.

Không phải tất cả các cuốn sách đều giống nhau. Bạn phải học cách đi sâu tìm hiểu từng câu từng chữ trong đó. Bạn biết điều đó có nghĩa là gì mà, phải không?

Hãy cố nắm bắt những điều mà tác giả ĐÃ KHÔNG NÓI. Chỉ khi bạn tổng hợp lại những gì người viết đã nói và những gì họ đã bỏ qua, bạn mới biết được ý nghĩa thực sự đằng sau những ngôn từ đó.

Và giờ thì, khi đọc bạn phải suy nghĩ. Thực ra, tất cả các bước mà bạn đọc được trong bài viết này đều bổ sung cho nhau. Bạn không thể đọc mà không suy nghĩ và việc đọc mang lại cho bạn nguyên liệu để suy nghĩ.

Khi bạn đọc tiểu thuyết, giống như bạn đang trải qua quá trình mô phỏng cuộc sống, do đó bạn có được kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống và bạn bị lôi cuốn vào việc xem xét các sự kiện của nó từ vô số các quan điểm khác nhau được áp đặt cho các quan điểm của bạn. Đó là cách bạn học được tính linh hoạt và cách quan điểm của bạn được chọn lọc.

Bạn cũng có thể đọc những cuốn sách khác như sách tự lực (self-help) và sách về phát triển bản thân.

Không chỉ là việc ai đó đã có kinh nghiệm trong một số hoàn cảnh nào đó và đã giải quyết được vài vấn đề mà họ sẽ chia sẻ những lời khuyên thiết thực trong những cuốn sách, mà họ còn dạy bạn cách tự mình suy nghĩ và giải quyết vấn đề.

Đọc sách cũng sẽ giúp bạn khám phá tâm lý của nhiều nhân vật khác nhau, điều này sẽ cải thiện đáng kể trí thông minh cảm xúc của bạn.

Bạn nên đọc mọi thứ và đọc tất cả các thể loại, nhưng về mặt chất lượng, hãy nhắm đến những gì tốt nhất và chỉ nhắm đến những gì liên quan đến bạn. Nếu bạn không thích nó, hãy bỏ qua nó.

Cuộc sống quá ngắn ngủi để mất thời gian cho những cuốn sách không thể truyền đạt được đủ rõ ràng cho bạn. Dù sao thì bạn cũng sẽ không thể đọc hết mọi thứ mà bạn nên đọc, vì vậy đừng lãng phí thời gian để đọc những thứ không phù hợp với bạn.

Nghĩa là, khi bạn đọc, bạn nên cố gắng hết sức có thể để lọc tách từng phần thông tin từ các câu, từ và từng câu chuyện.

Điều đó có nghĩa là nếu đoạn văn có thể được hiểu theo nhiều cách, thì hãy đọc cho đến khi bạn diễn giải được nó theo tất cả các cách mà bạn có thể nghĩ ra.

Ví dụ: từ đầu tiên có thể có hai nghĩa, từ thứ hai có thể có 3 nghĩa, từ thứ ba có thể có 5 nghĩa và khi bạn kết hợp chúng với nhau, trường diễn giải sẽ mở rộng đến mức bạn sẽ chìm đắm ở một câu trong một giờ.

Và đó chính là cái mà bạn gọi là sự uyên bác.

Mỗi từ ngữ, mỗi dấu câu, đều mang trong mình một tiềm năng ngữ nghĩa mà bạn nên khai thác.

Hãy đọc cho đến khi mỗi từ kết hợp được với tất cả các từ khác theo mọi cách mà nó có thể.

Hãy cố gắng hình dung mọi thứ nhiều hơn. Hãy cố gắng để có thể thực sự hình dung được một cách sinh động trong tâm trí bạn tất cả các không gian và những đặc điểm mà văn bản đem đến cho bạn.

Bằng cách đó, bạn sẽ cải thiện trí tưởng tượng của mình, từ đó giúp làm tăng năng lực trí tuệ của bạn vì chúng ta thường suy nghĩ bằng lời nói hoặc hình ảnh. Hình ảnh là biểu hiện ẩn dụ của các suy nghĩ.

Nói về phép ẩn dụ, bạn sẽ học cách rút ra các kết nối mới giữa các ý tưởng, cách thể hiện các phần thông tin mới được đưa ra cho bạn theo những cách mới, cách mọi thứ có thể hoạt động để đưa ra bất kỳ điều gì và cách chuyển đổi hình thái của các khái niệm. Nó giống như bài tập nhào lộn dành cho trí óc, vì vậy hãy tập luyện một cách nghiêm túc.

Xin lưu ý rằng mọi thể loại đều có những lợi ích và những khó khăn riêng mà bạn phải giải quyết, vì vậy, tất cả kho tài liệu khổng lồ về các thể loại trên toàn thế giới đều chứa những tiềm năng phát triển rất lớn.

Bằng cách đọc lịch sử triết học và văn học cổ điển, bạn chắc chắn sẽ biết được một số ý tưởng đột phá nhất trên thế giới và được tham gia vào cuộc đối thoại với một số người thông minh nhất thế giới. Những điều như vậy luôn để lại ấn tượng mạnh.

BƯỚC 3: HỌC CÁCH NÓI VÀ CÁCH KỂ CHUYỆN

Chính xác, bạn đã nghe đúng rồi đấy! Học cách nói! Đó là gì, bạn nghĩ rằng mình đã biết cách nói chuyện rồi đúng không? Nhưng bạn có biết là trước khi nói thì phải suy nghĩ không?

Nói mà không suy nghĩ chỉ là nói bừa và chúng ta không học cách nói bừa, phải không?

Mọi người đều có thể làm vậy, nhưng để học cách nói cho rõ ràng và thể hiện chính xác suy nghĩ và cảm xúc của bạn cũng như cách giao tiếp, truyền đạt và thể hiện những ý muốn của bạn một cách đầy đủ là một điều hoàn toàn khác.

Đọc là một bước quan trọng để học cách nói.

Bằng cách đọc, bạn sẽ làm tăng khả năng hùng biện, bạn biết thêm từ vựng và các quy luật kết hợp giữa chúng.

Chúng tôi nói rằng hầu hết các suy nghĩ được thực hiện bằng lời nói bởi vì từ ngữ chính là biểu hiện của các ý nghĩa/ hiện tượng.

Đó là lý do tại sao bằng việc học cách nói, bạn sẽ học được cách suy nghĩ và ngược lại.

Lời nói là vũ khí/ công cụ của suy nghĩ. Nếu bạn để ý, bạn sẽ thấy rằng hầu hết những lúc bạn đang suy nghĩ, thực ra là bạn đang nói chuyện với chính mình. Không, đừng lo lắng ... nó không khiến cho bạn phát điên đâu ... chưa đâu.

Bằng cách học cách xác định, mô tả hoặc nói rõ một cách chính xác những suy nghĩ và cảm xúc của mình, bạn sẽ học được cách kiểm soát chúng và đó là điều cần phải chú ý.

Tuy nhiên, có một kim chỉ nam về giá trị mà bạn luôn luôn phải tuân thủ trong quá trình định hình suy nghĩ của mình. Đó là tôn trọng sự thật.

Bạn cần phải làm cho suy nghĩ và lời nói của mình luôn cố gắng để đạt được đến sự đúng đắn và rõ ràng nhất mà bạn có thể làm được. Nếu không, bạn chỉ đang đánh lừa chính mình mà thôi.

Học cách nói là học cách giao tiếp, với cả bản thân và những người khác, điều đó có nghĩa là bạn sẽ có thể thực hiện phép ngoại suy với nhiều dữ liệu hơn từ các cuộc đối thoại khi các cuộc đối thoại của bạn trở nên tinh tế, sâu sắc và phức tạp hơn.

Bạn cũng sẽ học cách khẳng định bản thân hiệu quả hơn bởi vì mặc dù con người không phải luôn luôn đúng, nhưng tính hợp lý luôn được coi trọng.

Hãy có chừng mực và không ai có thể coi thường bạn khi bạn nói như vậy.

SỨC MẠNH CỦA MỘT CÂU CHUYỆN

Một phương pháp phụ của việc học cách nói là học cách kể những câu chuyện và tất cả đều đi đôi với bước 1 và 2. Bạn cần hiểu rằng câu chuyện là cách chúng ta sắp xếp những kiến thức thành các mối quan hệ nhân quả.

Những câu chuyện là những cấu trúc được mã hóa, là tấm bản đồ và cách sắp xếp ý nghĩa mà người ta có thể rút ra từ chúng bằng cách diễn giải. Vì vậy câu chuyện của bạn phải mạch lạc. Đó là cách bạn định hình cá tính của mình và thể hiện nó với người khác.

Bạn đang ở đâu đó trong việc xác định xem bạn nghĩ mình là ai, cách người khác nhìn nhận bạn và những gì thực sự là chính bạn. Vì vậy, theo một cách nào đó, bạn được định hình bởi câu chuyện mà bạn kể cho bản thân và những người khác về chính mình.

Đó là các tập lệnh, mã nguồn, thuật toán xác định danh tính của bạn. Đó là lý do tại sao hầu hết những người có quyền lực trên thế giới đã ca ngợi cuốn sách “Sức mạnh của huyền thoại” (“The Power of Myth) của Joseph Campbell.

Huyền thoại là những câu chuyện cổ xưa nhất của loài người chúng ta trong đó mã hóa trải nghiệm chung của chúng ta thành những câu chuyện có thật mà từ đó chúng ta đúc kết được kinh nghiệm.

Bằng cách sắp xếp kiến ​​thức thành các câu chuyện, bạn sẽ thực sự rút ra mối liên hệ nhân quả giữa các sự kiện.

Bằng cách rút ra những mối liên hệ đó, bạn học được về các quy luật nhân quả về cơ bản được tích hợp vào nhận thức và cách suy nghĩ của chúng ta.

BƯỚC 4: GHI LẠI NHẬT KÝ

Khi bạn suy nghĩ quá nhiều (vâng, có một điều gọi là suy nghĩ quá nhiều), những suy nghĩ của bạn có thể vượt lên trước bạn. Nó có thể trở nên thực sự lộn xộn.

Đó là lý do tại sao đôi khi việc đưa những suy nghĩ đó thành hình thù rõ ràng trên giấy lại thực sự hữu ích…

Nó giúp bạn theo dõi mọi thứ bạn cần xử lý và nó khiến cho các vấn đề đang được xử lý trở nên rõ ràng hơn.

Có hai điều bạn có thể làm để có cái nhìn rõ ràng hơn về vị trí của mình - viết tự truyện và lập kế hoạch cho tương lai của bạn.

Những điều này sẽ giúp bạn bao quát cả quá khứ và tương lai và khi bạn dung hòa những điều đó với thời điểm hiện tại mà bạn đang sống, bạn sẽ có được sức mạnh của tư duy.

Nếu bạn trung thực, một cuốn tự truyện sẽ tiết lộ cho bạn điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì, những sai lầm bạn có xu hướng lặp lại trong cuộc sống và những xu hướng tinh thần nào có thể khiến bạn dễ mắc phải những sai lầm đó.

Nói một cách đơn giản, bạn sẽ hiểu rõ bản thân hơn và hiểu rõ bản thân là yếu tố quan trọng để tăng năng lực tinh thần. Bạn phải biết ai đang tăng cường cái gì, phải không?

Để có thể tự mình làm chủ, bạn phải biết xác định ai là người làm thuê và ai là ông chủ, có thể nói như vậy.

Từ khóa ở đây là nhận thức và ý thức.

Bạn có thể nói rằng trong bối cảnh này, nhận thức hoạt động để nắm được các dữ liệu từ môi trường, trong khi ý thức là lực lượng chuyển đổi tích cực liên kết dữ liệu đó với nhận thức về bản thân bạn.

Vì vậy, chức năng của nhận thức là tiếp nhận một cách thụ động, trong khi chức năng của ý thức là tổ chức, mô hình hóa, kết nối và biến đổi với tư cách là người chuyển đổi và hợp nhất lại mọi thứ thành một thể thống nhất.

Kế hoạch cho tương lai của bạn sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng về con đường bạn đang đi và mục tiêu mà bạn đang hướng tới. Bạn phải biết mình đang nhắm tới mục tiêu gì thì mới có thể đạt được điều đó.

Việc này cũng sẽ tập trung vào năng lực tinh thần của bạn và cung cấp cho bạn sự ổn định cảm xúc, ý thức cần có về mục đích và cá tính mạnh mẽ.

Việc có một danh sách rõ ràng của các mục tiêu, từ những mục tiêu hàng ngày đến kế hoạch dài hạn cũng sẽ giúp bạn duy trì nó và giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát. Bạn sẽ biết chính xác mình đang đạt được bao nhiêu tiến bộ và tại sao… hoặc tại sao không.

Ghi lại các hành trình và nhật ký cũng sẽ cho phép bạn phân tích tình trạng hiện tại của các vấn đề trong cuộc sống của bạn, bản thân bạn, những người khác, hành động, động cơ, giá trị của họ và bản chất của… bất cứ điều gì bạn đang thắc mắc.

Đừng quên viết, đọc và suy nghĩ cũng như tăng cường các trải nghiệm thực tế trong cuộc sống.

Tư duy cung cấp cho bạn một hệ quy chiếu, một hệ thống để đối mặt với thế giới và thế giới thực sẽ thách thức các hệ thống của bạn, chỉ ra những điểm bất cập của chúng và thúc đẩy sự hoàn thiện của chúng.

Trong khi bạn hoàn thiện quan niệm của mình về thế giới, năng lực trí tuệ của bạn phát triển, nhưng đừng coi nhẹ việc luôn phải suy nghĩ trong suốt cuộc đời mình.

BƯỚC 5: THIỀN, THIỀN, THIỀN

Như cách diễn đạt của Zen: “Nếu bạn không có thời gian để thiền 10 phút mỗi ngày, bạn nên thiền 20 phút mỗi ngày.”

Thiền là một bài tập rất cần thiết cho cả não bộ và tâm trí của bạn.

Có nhiều kiểu thiền khác nhau, nhưng một trong những kiểu cơ bản nhất và hữu ích nhất là thiền chánh niệm mà chúng tôi sẽ mô tả cho mục đích của bài viết này.

Bí quyết đằng sau thiền chánh niệm là chỉ quan sát và nhận thức một cách thụ động, cả thế giới bên trong bạn và thế giới bên ngoài.

Bạn nên CHÚ Ý ĐẾN những suy nghĩ, cảm nhận, cảm xúc, ham muốn, thôi thúc, cảm giác thể chất, v.v. của mình. Trong khi đó, bạn nên tách mình ra khỏi việc đồng nhất với những hiện tượng đó. Chỉ quan sát một cách thụ động như thể đó là sự đoản mạch tự phát của não bộ.

Mục tiêu ở đây là ngừng việc tự chỉ trích bản thân. “Nhà phê bình nội tâm” của bạn là tiếng nói thường xuyên bên trong đầu bạn, là cỗ máy luôn chuyển động trong tâm trí bạn. Bạn không thể khởi động cỗ máy đó cũng như không thể dừng nó lại và điều đó về cơ bản có nghĩa là nó nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Ý tưởng đằng sau chánh niệm là hãy cảnh giác với thực tế rằng vì hoạt động của trí óc về cơ bản là một phản xạ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, nên đó không phải là con người thật của bạn.

Đó là ý thức nhìn nhận trong tâm trí rằng đó chính là bạn và ý thức đó không phán xét những gì nó nhận thức được. Nó chỉ theo dõi thôi.

Một ý tưởng khác đằng sau chánh niệm là tâm trí của bạn là một người giải quyết vấn đề và khi không có vấn đề gì để giải quyết, nó tự tạo ra chúng chẳng để làm gì ngoại trừ việc khiến bạn gặp rắc rối và khiến bạn kiệt sức để rồi khi bạn đối mặt với những vấn đề thực sự, bạn sẽ không còn năng lượng để giải quyết chúng.

Bạn hãy nghĩ là, ngay cả khi bạn nằm mơ, tâm trí của bạn vẫn mô phỏng một số vấn đề để bạn giải quyết và các tình huống để bạn vượt qua.

Ý tưởng thứ ba đằng sau chánh niệm là có một thực thể tự động hoặc một cấu trúc bên trong chúng ta được gọi là Bản ngã. Bản ngã hoạt động như một đầu mối của tất cả các chức năng trí tuệ. Nó gắn kết chúng với nhau. Nó là trung tâm nơi tất cả chức năng trí tuệ gặp nhau, nhưng bản ngã về bản chất là một ảo ảnh về con người của chúng ta.

Giả sử, để gắn kết mọi thứ với nhau, chúng ta phải tạo ra một hình ảnh về bản thân, sự xuất hiện của một tính cách bao gồm tất cả các hoạt động khác nhau của tâm trí chúng ta, tất cả kinh nghiệm của chúng ta, v.v.

Vấn đề là ý thức về bản thân của chúng ta bị sai lệch và không thể hiện đầy đủ những gì thực sự là chính ta. Bằng cách nhìn thế giới qua lăng kính của Bản ngã, chúng ta bóp méo hình ảnh thực sự của mình.

Đó là lý do tại sao chánh niệm loại bỏ thực thể giống kẻ giả mạo này và khuynh hướng của chúng ta đối với những nhận thức thiên lệch.

Một số người nghĩ rằng mục tiêu của chánh niệm là ngừng suy nghĩ hoàn toàn, điều này có thể khiến bạn rơi vào một vòng lặp suy nghĩ về việc bạn nên ngừng suy nghĩ như thế nào và sau đó tuyệt vọng vì không thể thực hiện được.

Mục tiêu của kiểu thiền này là giúp bạn thư giãn phần nào khỏi những suy nghĩ.

Đừng quá gắn bó với chúng, nhưng hãy cảnh giác với chúng. Tập trung vào chúng. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy có bao nhiêu ý nghĩ trong số đó bị quên lãng khi không được chú ý và bao nhiêu phần trăm các chương trình trong đầu bạn thực sự là bán tự động và vô thức.

Bằng cách thực hành chánh niệm, bạn sẽ trở nên bình tĩnh hơn và điều đó sẽ tăng khả năng đưa ra kết luận hiệu quả về những gì đang xảy ra và có hành động phù hợp.

Chánh niệm cũng sẽ cải thiện đáng kể sự tập trung của bạn và ổn định động lực cảm xúc của bạn, điều này chắc chắn có ích trong việc tăng năng lực trí tuệ tổng thể của bạn.

Vấn đề là năng lực trí tuệ có thể được phân chia thành khả năng nhận biết, xử lý và phát ra/ truyền dữ liệu (về cơ bản là việc phản ứng).

Theo một cách nào đó, thiền chánh niệm là để ý và ghi nhận mọi thứ.

Tập trung sức lực của bạn vào việc nhận biết, sau đó chú ý đến cách bạn nhận thức, cách bạn xử lý và cách bạn thể hiện ra.

Tất cả những điều đó sẽ cho phép bạn có quan điểm vô tư mà từ đó bạn có thể trình bày rõ các quy trình của mình một cách hiệu quả hơn.

Nhân tiện, đơn giản là bạn sẽ cảm thấy tốt hơn đến 70% khi chỉ xem xét và ngừng phán xét mọi thứ.

BƯỚC 6: TOÁN HỌC, LOGIC, THUẬT HÙNG BIỆN, NHỮNG ĐIỀU HƯ CẤU, BÍ ẨN, KỸ THUẬT GHI NHỚ

Chúng tôi đã đề cập đến Logic và Hùng biện ở một mức độ nào đó ở đây. Đối với toán học, nó hoạt động giống như một ngôn ngữ ngoại trừ nó ít thiên lệch hơn với các nghĩa rộng, cảm giác, liên tưởng, phép loại suy mà chúng ta rút ra và phản ánh sự tồn tại trên thế giới của chúng ta.

Theo một cách nào đó, nó là một ngôn ngữ chắt lọc trình bày các hoạt động chính thức của suy nghĩ mà tâm trí chúng ta có thể thực hiện cũng như biểu thị các mối quan hệ có thể đo lường được của các hiện tượng vật lý đang tồn tại.

Đó là cách giải quyết vấn đề cơ bản, phổ quát mà không có các thuộc tính cụ thể của một vấn đề hoặc của người giải quyết.

Toán học mang đến cho bạn những vấn đề cần giải quyết. Bạn càng giải quyết được nhiều vấn đề, bạn càng trở nên giỏi hơn trong việc giải quyết chúng.

Trí nhớ là một loại năng lực khác giúp xác định năng lực trí tuệ tổng thể của bạn.

Để đưa ra kết luận, kết nối thông tin và thực hiện chuỗi hoạt động phức tạp, trước tiên bạn phải nhớ tất cả các bước và dữ liệu trước đó, phải không?

Vì vậy, bạn càng nhớ nhiều, bạn càng có nhiều nền tảng để hình thành thứ gì đó từ chúng.

Vấn đề là trí nhớ có thể được hoàn thiện bằng kỹ thuật ghi nhớ.

Một số trong đó chỉ là những cách suy nghĩ về những gì sẵn có để sắp xếp nó cho tốt hơn và tạo ra liên tưởng như một phần dấu vết để hướng dẫn bạn đến với những gì được giấu kín trong tâm trí của mình. Những thứ khác thì không giống như vậy.

Những điều bí ẩn và bất kỳ loại tiểu thuyết nào (cho dù đó là văn học, phim ảnh hay một bài nói chuyện) cũng đều thực sự có chức năng tương tự như toán học.

Chúng cung cấp cho bạn những vấn đề trừu tượng để giải quyết và trang bị cho tâm trí bạn những công cụ hữu ích khi gặp phải những loại vấn đề tương tự.

BƯỚC 7: TƯỞNG TƯỢNG VÀ ƯỚC MƠ SÁNG SUỐT

Có rất nhiều cách lạ lùng mà bạn có thể làm để nâng cao năng lực trí tuệ của mình.

Lấy trí tưởng tượng làm ví dụ. Đó là khả năng phân tách, chuyển đổi và kết hợp các ý tưởng và các kết nối của bạn thành những ý tưởng mới. Cái này để làm gì?

Có rất nhiều giả thuyết về điều đó, nhưng hãy lấy ví dụ, trí tưởng tượng, tương tự như tiểu thuyết, hoạt động như một mô phỏng trải nghiệm cuộc sống, nơi bạn có thể thực hành cách xử lý các tình huống mà sẽ là quá nguy hiểm nếu thử nghiệm trong cuộc sống thực.

Trí tưởng tượng cũng là thứ bao gồm những dự báo trừu tượng về thực tế, theo một cách nào đó, nó giúp bạn lập kế hoạch và nhắm đến sự tồn tại cũng như định hướng trong đó.

Bạn tưởng tượng và lưu giữ trong tâm trí càng nhiều không gian hư cấu thì trí thông minh không gian của bạn càng tốt lên. Không chỉ vậy, trí nhớ của bạn sẽ được cải thiện và bạn sẽ có các hệ quy chiếu để giúp bạn hình thành khái niệm về nơi bạn đang hướng tới trong cuộc sống.

Trí tưởng tượng về cơ bản là sự hình dung và có rất nhiều cách thiền mà bạn có thể làm để thực hiện khả năng này.

Bạn cũng có thể luyện tập để tạo ra giấc mơ, đây là một trong những quá trình phức tạp nhất mà tâm trí bạn có thể thực hiện được. Đặc biệt là giấc mơ sáng suốt có thể mở ra một lĩnh vực về khả năng thử nghiệm cho bạn tham gia.

Chúng tôi sẽ nói ngắn gọn và lưu ý rằng có nhiều cách bạn có thể tạo ra giấc mơ sáng suốt.

Ví dụ, bạn có thể hình thành thói quen tự hỏi mình có phải bạn đang mơ không và thỉnh thoảng kiểm tra xem chúng có thực không ngay khi đó.

Bằng cách đó, khi bạn mơ, bạn sẽ làm những gì đã được lập trình trong lúc đầu óc tỉnh táo sẽ làm và khi bạn tự hỏi mình điều này có thật không, bạn sẽ nhận thấy một số điểm mâu thuẫn mà dựa vào đó bạn sẽ biết rằng mình đang mơ.

Đó là nơi mà niềm vui bắt đầu. Vấn đề với những giấc mơ là chính tiềm thức của bạn đang nói chuyện với bạn bằng các ký hiệu… hãy lắng nghe những gì nó nói, diễn giải nó và bạn có thể sẽ làm tăng năng lực trí tuệ của mình lên gấp mười lần.

Trên thực tế, bất cứ điều gì bạn học được đều giúp bạn lý giải thế giới, tăng năng lực trí tuệ của bạn nên hãy chú ý nhé.

Bạn càng tạo ra nhiều mối liên hệ giữa các hiện tượng, mạng lưới ý tưởng và quan niệm mà bạn có thể nắm bắt thế giới càng lớn, thì năng lực trí tuệ của bạn càng cao.

BƯỚC 8: CẢM NHẬN ÂM NHẠC

Bạn đã bao giờ nghe nói về hiệu ứng Mozart chưa? Về cơ bản, một lý thuyết cho rằng nghe một số loại nhạc nhất định có thể kích hoạt hoạt động thần kinh của bạn để năng lực trí tuệ của bạn được nâng cao.

Hoạt động của não trong khi nghe nhạc thực sự là điều đáng chú ý và âm nhạc tự có cách của nó trong việc định vị các phần tiềm thức của tâm trí chúng ta và hoạt động theo quy luật riêng và nói ngôn ngữ riêng của chúng.

Theo một cách nào đó, chúng ta có thể nắm bắt được nó mặc dù chúng ta không hiểu nó… Việc chúng ta không hiểu nó không có nghĩa là nó không thể giúp chúng ta hiểu những thứ khác.

Điều quan trọng cần lưu ý là có rất nhiều đầu dây thần kinh trong ngón tay của chúng ta vì chúng ta sử dụng các ngón tay để thực hiện một số hoạt động phức tạp nhất mà người tinh khôn có khả năng thực hiện.

Di chuyển các ngón tay của bạn giúp kích thích hoạt động thần kinh trong hệ thống thần kinh trung ương của bạn. Bây giờ hãy tưởng tượng xem thứ gì đang chơi nhạc trong não của bạn.

Bạn cũng phải khiến cho bán cầu trái và phải hoạt động cân bằng vì bạn phải học cách kiểm soát những gì mỗi tay của bạn đang làm cùng một lúc.

Nghĩ về điều này, bạn cũng có thể luyện viết bằng tay không thuận để phát triển bán cầu não không thuận của mình.

BƯỚC 9: NOOTROPICS VÀ CÁC CHẤT THỨC THẦN

Bạn đã xem bộ phim Limitless chưa? Nếu chưa, hãy xem qua và bỏ qua một hoặc hai đoạn tiếp theo. Vì chúng tiết lộ nội dung phim.

Tóm lại, cốt truyện là có một anh chàng đang mắc kẹt trong cuộc sống và phát hiện ra một loại thuốc cải thiện trí óc giúp tăng năng lực nhận thức của anh ta theo cách giúp anh ta trở nên xuất sắc trong cuộc sống.

Bạn có thể cho rằng có một loạt vấn đề đi kèm với nó, nhưng mấu chốt của câu chuyện là có những loại thuốc cải thiện trí óc như vậy.

Thật khó để dự đoán tất cả những ưu và nhược điểm của việc sử dụng chúng vì tâm lý học vẫn chưa được cao cấp được đến mức có thể biết được mọi thứ. Nói một cách đơn giản, có những mặt tiêu cực đối với mọi đặc điểm tích cực mà bạn có thể có được.

Hầu như tất cả các loại thuốc này, về mặt hóa học thần kinh, tuyệt đối an toàn vì chúng không gây ra bất kỳ tổn thương não nào.

Giờ đây, không phải tất cả các nootropic (theo nghĩa đen là kích thích tâm trí) đều là thuốc kích thần, nhưng các loại thuốc kích thần chứa một lượng nootropic đáng kể vì chúng thực sự mở ra cánh cửa tiềm thức cho bạn và cho phép bạn mạo hiểm và khám phá các giới hạn của tâm trí, các kết luận, thực tế… vì vậy có lẽ chúng có khả năng giúp bạn mở rộng những giới hạn đó.

Mẹo: Nếu bạn đang tìm đến thuốc kích thần, nấm psilocybin có thể là vũ khí tốt nhất và an toàn nhất mà bạn lựa chọn.

BƯỚC 10: NGỦ VÀ TẬP LUYỆN

Bạn có thể coi nó là ngớ ngẩn, nhưng đó là một trong những bước cần thiết nhất để nâng cao năng lực trí tuệ của bạn.

Đối với bài tập thể dục, sự phát triển thần kinh của bạn đi đôi với các chức năng vận động và nhận thức thể chất của bạn, sẽ được nâng cao và duy trì tốt hơn khi bạn có vóc dáng.

Người Latinh xưa nói: Mens Sano in corpore sano - Trí óc khỏe mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh ... và về mặt tinh thần và thể chất, sức khỏe có thể bao hàm sự phát triển không ngừng vì đối lập với nó là sự thoái hóa. Giờ thì bạn không muốn điều đó xảy ra, phải không?

Đối với giấc ngủ, như chúng tôi đã nói trước đây, đó là một trong những câu đố khoa học phức tạp nhất. Không ai biết chính xác điều gì đang diễn ra trong cơ thể và làm thế nào & tại sao nó tái tạo trong khi ngủ và điều đó đặc biệt là đối với hoạt động của não.

Tuy nhiên, những gì các nhà khoa học chắc chắn đã biết là các nhận thức và chức năng nhận thức của bạn sẽ giảm đi nếu bạn không ngủ đủ giấc vào ban đêm.

Đúng vậy, chúng ta đang nói về giấc ngủ ban đêm vì cơ thể có đồng hồ sinh học riêng và hầu hết melatonin (hormone giấc ngủ) của bạn sẽ được tiết ra trong khoảng thời gian từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng. Ngủ vào ban ngày thậm chí không thể bắt đầu bù đắp cho việc thiếu chất lượng của giấc ngủ ban đêm.

Giờ đây, melatonin giúp điều chỉnh các trung tâm khác của não, về cơ bản chính là điều chỉnh sức mạnh ý chí của bạn, vì vậy nếu bạn không có đủ động lực hoặc không thể khiến bản thân làm bất cứ điều gì hữu ích trong ngày, thì có thể là do bạn không có một giấc ngủ đủ chất lượng vào đêm hôm trước.

KẾT LUẬN

Năng lực trí tuệ là một công cụ để tham gia vào các tình huống thực tế và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống thực, vì vậy đừng quên mang nó ra ngoài thực tế để thực hành.

Trí thông minh không phải là thứ mà bạn có thể có được chỉ bằng cách đọc và suy nghĩ một cách trừu tượng… Mục đích và bài kiểm tra cuối cùng của nó được thiết kế để đo lường nó là trải nghiệm thực tế.

Như đã nói, trí thông minh là tổng hợp tất cả các khả năng của tâm trí bạn bao gồm nhận thức, ý thức, sự tập trung, cảm giác, trí tưởng tượng, cảm xúc, nhận thức, ý chí, v.v.

Tất cả phụ thuộc vào những gì bạn chọn làm với nó bởi vì hành động mà không có sự hiểu biết là có hại (mặc dù đôi khi là tất yếu) và hiểu biết mà không hành động là vô ích.

Hành vi của bạn là những gì sẽ thể hiện năng lực trí tuệ của bạn và quyết định sự phát triển và phát triển (hoặc giảm sút) tinh thần trong tương lai của bạn ở mọi lĩnh vực khác của cuộc sống.

Chúng tôi có thể nói rằng bước cuối cùng để nâng cao năng lực trí tuệ của bạn là đọc lại bài viết này và thực sự áp dụng một số mẹo này trong các tình huống thực tế. Vì vậy, hãy thoải mái lên!

Có rất nhiều mẹo khác như tập kiềm chế cảm xúc, tăng cường ý chí, ăn chay và tu khổ hạnh, v.v.

Tuy nhiên, nếu bạn đọc kỹ bài viết, bạn sẽ thấy rằng tất cả các loại thông minh và cách cải thiện nó đã được đề cập trong những phần trên. Phần còn lại là tùy thuộc vào bạn

----------

Tác giả: Anastasia Belyh

Link bài gốc: 10 Ways to Increase Your Intellectual Capacity

Dịch giả: ChamNguyen - ToMo - Learn Something New 

menu
menu