6 bài học cuộc sống từ Inside out 2
Lần này, chúng ta sẽ theo chân Riley khi cô bé 13 tuổi, bước vào giai đoạn dậy thì, kèm theo những xáo trộn nội tâm.
Năm 2015, Inside Out đã chinh phục thế giới với cách kể chuyện dễ hiểu về những cảm xúc phức tạp qua lăng kính ma thuật của Pixar. 9 năm sau, Pixar có lẽ đã làm được điều đó một lần nữa với Inside Out 2. Lần này, chúng ta sẽ theo chân Riley khi cô bé 13 tuổi, bước vào giai đoạn dậy thì, kèm theo những xáo trộn nội tâm. Cùng với điều đó, ngoài những cảm xúc cơ bản: Niềm Vui, Nỗi Buồn, Sự Giận Dữ, Sợ Hãi và Chán Ghét thì có thêm sự gia nhập của những cảm xúc mới để đồng hành cùng Riley trong giai đoạn này: Lo Lắng, Ghen Tị, Chán Nản và Xấu Hổ. Tất cả những điều này diễn ra khi Riley tham gia vào một hội trại kỹ năng khúc côn cầu, nơi thử thách khả năng của cô bé và các cảm xúc trong một môi trường luôn có sự thay đổi.
Inside Out 2 đã kể một câu chuyện gần gũi, dễ hiểu với những gì mà nhiều thanh thiếu niên và thanh niên đang trải qua. Kèm theo đó là 6 bài học cuộc sống mà chúng ta mà chúng ta có thể cùng suy ngẫm (Lưu ý bài viết có kể lại một số tình tiết chính trong phim).
- ĐỪNG CỐ GẮNG LOẠI BỎ CÁC VẤN ĐỀ RA KHỎI TÂM TRÍ
Ngay từ đầu, bộ phim tiết lộ rằng Joy đã cố gắng ném những ký ức tồi tệ ra khỏi suy nghĩ của Riley. Tuy nhiên, điều đó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Riley sau này.
Thực tế thì cách chúng ta hành xử với các vấn đề bất như ý trong cuộc sống cũng tương tự như những gì bộ phim đã miêu tả. Chúng ta thường không muốn nghĩ đến hoặc từ chối đối mặt với những sự việc khó khăn, cố gắng gạt phăng nó ra khỏi tâm trí, và chỉ lục lọi lại mớ vấn đề khi chúng ta cảm thấy tiện tay để xử lý.
Nhưng dù cho đó chỉ là những phiền toái nhỏ nhặt, hay khởi đầu của một sự quan ngại nghiêm trọng thì việc loại bỏ chúng ra khỏi tâm trí không phải là một lựa chọn khôn ngoan. Một vấn đề nhỏ có thể tích tụ và trở nên to lớn, một sự quan ngại hay lo lắng hoàn toàn có thể thành hiện thực nếu chúng ta không dành thời gian và giải quyết chúng một cách phù hợp.
Nếu được chọn, chúng ta sẽ lựa chọn sự thư thái chứ đâu ai muốn đầu mình nặng trĩu những suy tư, phải không nào?
- CHÚNG TA ĐƯỢC PHÉP CẢM NHẬN TẤT CẢ CẢM XÚC CỦA MÌNH
Một trong những xung đột chính của Inside Out 2 là cách các cảm xúc cũ đối đầu với các cảm xúc mới về câu chuyện Riley nên cảm nhận thế nào là đúng, đặc biệt khi cô bé bước sang giai đoạn dậy thì. Nhưng các cảm xúc đã nhận ra rằng Riley không chỉ cần một bộ cảm xúc nhất định trong tâm trí. Cô bé cần tất cả để phát triển và trở thành một cá nhân toàn diện hơn.
Đừng e sợ việc cảm nhận tất cả các cảm xúc của bản thân, kể cả những cảm xúc khó chịu, vì điều đó sẽ giúp chúng xử lý và điều tiết cảm xúc tốt hơn. Ngay cả Joy, người lãnh đạo vui vẻ của nhóm, cũng có khoảnh khắc “bùng nổ” khi phải liên tục duy trì sự tích cực dù cho mọi thứ đang diễn ra đang theo hướng sai lầm.
Việc phủ nhận những cảm xúc mà bản thân không mong muốn có thể khiến chúng ta gặp phải ám ảnh hay thương tổn khi trưởng thành. Vậy nên, hãy đón nhận tất cả những cảm xúc, và chấp nhận nó như nó vốn là, vì đó là điều hoàn toàn bình thường và là con người thì ai cũng phải trải qua.
- ĐỪNG THAY ĐỔI BẢN THÂN CHỈ ĐỂ HÒA NHẬP
Giống như nhiều bạn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên, vấn đề chính của Riley trong Inside Out 2 là cố gắng hòa nhập và được chấp nhận bởi các đàn chị trong hội trại khúc côn cầu. Đây cũng là mục tiêu quan trọng của Anxiety (Lo Lắng), dẫn đến việc Anxiety cùng với Envy (Ghen Tị), Ennui (Chán Nản) và Embarrassment (Xấu Hổ) ra sức thay đổi Riley để trở thành người phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.
Điều này khiến Hệ Thống Niềm Tin (Belief System) của Riley, nơi giúp cô bé đưa ra quyết định và điều hướng thế giới, trở nên rối loạn khi các cảm xúc mới cố gắng thay thế những niềm tin sẵn có mà các cảm xúc cũ đã xây dựng cho Riley.
Trong quá trình đó, Riley đánh mất những người bạn cũ và cả chính bản thân mình, trở thành một người mà cô bé không muốn trở thành. Xung đột này dẫn đến một trong những cảnh cảm động nhất của bộ phim đó là lúc Riley xuất hiện một cơn hoảng loạn khi tất cả những niềm tin, cảm xúc và cảm giác khiến cô bé trở nên choáng ngợp. Cô bé không biết mình nên trở thành một người như thế nào.
Nếu xem xét kỹ, cuộc hành trình của Riley như một dấu hiệu cho thấy khi chúng ta thực sự được là chính mình sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều so với việc giả vờ trở thành một con người khác chỉ để hòa nhập và được chấp nhận.
- KHÔNG SAO CẢ NẾU CHÚNG TA KHÔNG "HOÀN HẢO"
Động lực chính khiến Anxiety kiểm soát tất cả mọi việc là muốn Riley được chấp nhận bởi các chị lớn khi cô bé bước vào trường trung học và gia nhập đội khúc côn cầu. Nhưng ý định làm cho Riley hoàn hảo trong mắt huấn luyện viên và đồng đội lại chính là nguyên nhân đẩy Riley đến “điểm vụn vỡ” khiến cô bé bắt đầu nghi ngờ bản thân.
Trong cuộc sống, chúng ta thường bị thúc ép bởi chính bản thân hay người khác rằng phải làm mọi thứ một thật hoàn hảo. Điều này đặc biệt đúng trong các gia đình châu Á, một số bậc cha mẹ kỳ vọng con mình phải thật xuất sắc, thậm chí xuất chúng. Nhưng sự thật thì không ai là hoàn hảo cả, và việc cố gắng trở nên hoàn hảo có thể khiến chúng ta quên đi lý do tại sao chúng ta lại muốn bắt đầu.
Trở nên hoàn hảo có ích lợi gì khi chúng ta đánh mất đi niềm vui và mục tiêu? Hãy nhớ rằng chúng ta hoàn toàn được phép mắc sai lầm, miễn là chúng ta “ngã ở đâu thì đứng lên ở đấy”, học hỏi và trưởng thành từ những va vấp, là chúng ta đang đi đúng hướng.
- LO LẮNG LÀ CÓ THẬT, NHƯNG ĐỪNG ĐỂ NÓ KIỂM SOÁT CUỘC SỐNG CỦA CHÚNG TA
Anxiety thực sự là một nhân vật “tròn vai” và mang lại sự đồng cảm nhất trong các bộ phim năm nay. Inside Out 2 đã miêu tả chính xác cách mà Anxiety chiếm lấy toàn bộ cuộc sống của chúng ta giống như đã làm với Riley.
Phần lớn công việc của Anxiety là tưởng tượng ra những kịch bản không mong muốn mà Riley có thể gặp phải và tìm cách để đảm bảo rằng cô bé không gặp đối mặt với chúng. Anxiety đã nói với các cảm xúc khác rằng Anxiety ở đó để bảo vệ Riley khỏi những mối đe dọa mà cô bé không thể thấy. Thậm chí có một phân cảnh Anxiety đã bắt ép trí tưởng tượng của Riley tạo ra những kịch bản giả định về cách mọi thứ có thể trở nên tồi tệ, khiến cô bé thức trắng đêm. Điều này thực sự rất là thực tế!
Lo lắng là bình thường, và ai cũng phải trải qua. Nhưng như những gì xảy ra trong Inside Out 2, nếu để lo lắng trở thành “người lãnh đạo” trong tâm trí, thì cuộc đời bạn có thể rơi vào chuỗi ngày thảm họa. Phim đã ví dụ cách mà lo lắng ảnh hưởng đến chúng ta và có thể khiến chúng ta cảm thấy suy sụp đến mức độ nào.
Giống như cô bé Riley, nhiều người trong chúng ta cảm thấy lo lắng khi nghĩ về tương lai, muốn hòa nhập hay cảm thấy bản thân chưa đủ tốt. Lo lắng sẽ dẫn dắt khiến chúng ta thực thi vì sợ chứ không phải vì thật sự là chúng ta muốn hành động.
Cuộc sống còn muôn vàn những điều thú vị khác chứ không chỉ có sự lo lắng, vì vậy đừng để nó kiểm soát chúng ta!
- TRƯỞNG THÀNH LÀM CHÚNG TA THAY ĐỔI VÀ ĐIỀU ĐÓ LÀ HOÀN TOÀN BÌNH THƯỜNG
Khi những cảm xúc cũ do Joy dẫn đầu, đấu tranh với những cảm xúc mới do Anxiety dẫn đầu, để kiểm soát tâm trí Riley, hai bên tranh cãi qua lại về những gì họ nghĩ là tốt cho Riley, và cô bé nên trở thành. Điều này thể hiện trong việc Cảm nhận về Bản thân, vốn là phần nội tâm cốt lõi và chân thật nhất của Riley. Đây chính là con người của Riley và là điều mà Joy và Anxiety tranh cãi.
Các cảm xúc cũ muốn Riley là “một người tốt”, trong những cảm xúc mới nghĩ rằng một Riley đã lớn hơn nên cần những cảm xúc phức tạp hơn. Cả hai nhóm cảm xúc đều đúng theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, đến cuối phim, các cảm xúc học được rằng họ đã sai khi áp đặt những kỳ vọng của mình vào Riley. Thay vào đó, hãy để Riley tự do quyết định tất cả những gì mà cô bé mong muốn trở thành. Khi Riley bước vào giai đoạn dậy thì, cảm xúc, cảm giác và niềm tin của cô bé có sự thay đổi. Điều này là hoàn toàn bình thường!
Những thay đổi lúc đầu có vẻ đáng sợ, nhưng nó là một phần của cuộc sống. Và thay đổi là dấu hiệu cho thấy rằng chúng ta cũng đang trưởng thành. Tuổi trẻ nên là thời gian để chúng ta trải nghiệm, tìm kiếm bản thân và trở thành người mà chúng ta muốn. Nếu chưa hiểu hết về bản thân hay đã có cho mình câu trả lời gần như hoàn chỉnh thì cũng không sao cả, đó là một phần trong hành trình trưởng thành của chúng ta. Vì vậy, đừng sợ khám phá và chấp nhận những khía cạnh mới của bản thân. Hãy nhớ rằng chúng ta không chỉ có một đặc điểm hay một cảm xúc, chúng ta sở hữu nhiều hơn như thế!
Nguồn bài viết: nylonmanila
Dịch và tổng hợp: Family & Child Psychology with Nguyen Minh Thanh
------------------
Nguyễn Minh Thành
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Tâm lý học (Bỉ)
Thạc sĩ Khoa học (MS) Tâm lý học Phát triển và Giáo dục (Trung Quốc)
Chuyên gia Tâm lý học Gia đình và Trẻ em