6 lý do tại sao cha mẹ không nên la hét con

6-ly-do-tai-sao-cha-me-khong-nen-la-het-con

Sau đây là những gì thực sự xảy ra khi chúng ta la hét con, tại sao điều đó lại phản tác dụng và thay vào đó nên làm gì. 

NỘI DUNG BÀI VIẾT

  • Giận giữ là một cảm xúc thường xuyên xảy ra
  • 6 lý do tại sao cha mẹ không nên la hét con
    • 1. Trẻ không thể học trong “trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy” 
    • 2. La hét có thể khiến trẻ cảm thấy bị hạ thấp giá trị
    • 3. La hét có thể gây lo lắng, trầm cảm và hạ thấp lòng tự trọng
    • 4. La hét có thể cản trở sự gắn kết
    • 5. La hét trong thời gian dài có thể tác động tiêu cực đến trẻ
    • 6. La hét không phải là cách giao tiếp hiệu quả
  • Phải làm gì với cơn giận thay vì la hét

Giận giữ là một cảm xúc thường xuyên xảy ra

Trong quá trình nuôi con, các bậc phụ huynh đôi khi lên giọng cao hơn so với ý muốn. Việc giải thích lý do tại sao cha mẹ la hét và việc này có thể ảnh hưởng đến con cái như thế nào là điều cần thiết. 

Bác sĩ Joseph Shrand, giảng viên bộ môn Tâm thần học tại trường Y Harvard, tác giả cuốn sách "Outsmarting Anger: 7 Steps for Defusing our Most Dangerous Emotion" (Tạm dịch: "Dẹp cơn giận dữ: 7 bước để xoa dịu cảm xúc nguy hiểm nhất của chúng ta") cho biết: “Mọi người la hét vì đó là phản ứng của họ khi họ tức giận”.

Tiến sĩ Shrand cũng lưu ý rằng, việc này không có gì sai khi cảm thấy tức giận. Ông nói: "Điều quan trọng là chúng ta làm gì với sự tức giận đó”.

Giận giữ, xét cho cùng, là một cảm xúc thường xuyên xảy ra khi chúng ta muốn mọi thứ khác đi. 

Theo Tiến sĩ Shrand, chúng ta cảm thấy tức giận vì chúng ta muốn con cái dừng lại hoặc bắt đầu làm điều gì đó. Ví dụ: "Tôi muốn con gái tôi không đánh em gái nhỏ của mình", hoặc "Tôi muốn con trai tôi nói cho tôi biết sự thật về con đã đi tối qua". Đó là những hành vi mà cha mẹ muốn thay đổi ở con cái mình và có thể dẫn đến sự bùng nổ tức giận.

La hét có thể khiến trẻ cảm thấy bị hạ thấp giá trị (Ảnh: Pinterest).

Nhưng một số nỗ lực để thay đổi hành vi có hiệu quả hơn bất kỳ nỗ lực nào khác. Đồng thời những bậc cha mẹ khi nhận ra được tác dụng ngược của việc la mắng sẽ có nhiều khả năng xử lý theo một hướng tốt hơn.

Nếu cha mẹ thấy mình la hét nhiều hoặc gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình, thì điều quan trọng là phải lên lịch kiểm tra với bác sĩ, bởi vì đối với một số người, các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng sau sinh có thể dẫn đến những thay đổi hành vi như la hét nhiều hơn, cáu kỉnh và khó kiểm soát cảm xúc.

Nuôi dạy con cái là một thử thách vô cùng khó khăn và điều quan trọng là phải đảm bảo rằng, tất cả các ô sức khỏe của bạn đều được kiểm tra trước khi quá tự trách mình về những thách thức mà bạn đang phải đối mặt.

Sau đây là những gì thực sự xảy ra khi chúng ta la mắng con cái, tại sao điều đó lại phản tác dụng và thay vào đó nên làm gì. 

6 lý do tại sao cha mẹ không nên la hét con

1. Trẻ không thể học trong “trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy” 

Tiến sĩ Laura Markham, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của "Peaceful Parent, Happy Kids" (Tạm dịch "Bố mẹ bình tĩnh, con cái vui vẻ"): Làm sao dừng việc rầy la và bắt đầu kết nối, cho biết: "La hét là để giải tỏa cơn giận; đó không phải là cách hiệu quả để thay đổi hành vi" . 

Tiến sĩ Markham cho rằng, khi một đứa trẻ sợ hãi, chúng sẽ chuyển sang trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy và các trung tâm học tập trong não của con ngừng hoạt động.

Phản ứng chiến đấu hoặc bỏ chạy là một phản ứng sinh lý xảy ra khi chúng ta trải nghiệm điều gì đó mà bộ não của chúng ta cho là đe dọa.

Như vậy, con bạn không thể học khi bạn la mắng chúng, bởi vì não của chúng nói với chúng rằng, người to lớn đang la mắng chúng là một mối đe dọa và tắt các phần khác của não không dành riêng cho việc bảo vệ và phòng thủ. 

Mặt khác, theo Tiến sĩ Markham, giao tiếp nhẹ nhàng và bình tĩnh giúp trẻ cảm thấy an toàn và khiến con dễ tiếp thu bài học mà chúng ta đang dạy hơn.

2. La hét có thể khiến trẻ cảm thấy bị hạ thấp giá trị

Tiến sĩ Shrand nói: “Sợi chỉ chung gắn kết tất cả mọi người lại với nhau là mong muốn cảm thấy được trân trọng”.

Cảm thấy được người khác coi trọng thường là cách chúng ta xác định giá trị bản thân và tầm quan trọng của mình với thế giới xung quanh. Khi bị nạt nộ, chúng ta thấy mình kém cỏi và nghi ngờ về khả năng của mình.

Ông nói thêm: “La hét là một trong những cách nhanh nhất để khiến ai đó cảm thấy họ không có giá trị”. Tiến sĩ Markham chia sẻ: "Khi chúng ta tức giận và bắt đầu la hét, chúng ta coi mình là một cái búa và mọi người xung quanh là một cái đinh". Trong tình trạng như vậy, con cái chúng ta giống như kẻ thù và không giống như những con người mà chúng ta quý trọng và yêu thương. 

3. La hét có thể gây lo lắng, trầm cảm và hạ thấp lòng tự trọng

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ bị la mắng dễ bị lo lắng và có mức độ trầm cảm cao hơn. Tiến sĩ Markham nhấn mạnh rằng, trẻ em cảm nhận được sự lo lắng của cha mẹ và cách mà một phụ huynh phản ứng với bất kỳ sai lầm nào của chúng "hoặc là làm dịu trẻ em hoặc kích thích sự lo lắng của chúng". 

Tác giả của cuốn sách "There When He Needs You: How to Be an Available, Involved, and Emotionally Connected Father to Your Son" (Tạm dịch: "Ở đó khi con cần bạn: Làm thế nào để trở thành một người cha luôn sẵn sàng, quan tâm và kết nối tình cảm với con trai mình"), Tiến sĩ Neil Bernstein chỉ ra rằng, lo lắng và trầm cảm phát triển mạnh từ sự tiêu cực. 

Bị quát mắng tạo ra rất nhiều điều tiêu cực, kéo dài trong một thời gian dài và có thể góp phần vào sự phát triển của chứng lo âu và trầm cảm.

4. La hét có thể cản trở sự gắn kết

Tiến sĩ Markham giải thích: “Việc la hét sẽ làm giảm sự gắn kết giữa cha mẹ và con”. Khi đó, việc tạo ra sự đồng cảm giữa hai thế hệ là một thách thức và còn khiến con cảm thấy rằng, cha mẹ không ủng hộ chúng. Do đó, trẻ em luôn lựa chọn việc chạy trốn cũng như không còn cởi mở để thay đổi, tiếp thu và hàn gắn sau trận la mắng.

Tiến sĩ Bernstein chia sẻ: “Trong 40 năm làm nhà tâm lý học, tôi đã chứng kiến ​​hàng nghìn đứa trẻ và chưa từng có đứa nào nói với tôi rằng chúng cảm thấy gần gũi với cha mẹ hơn sau khi bị la mắng”.

5. La hét trong thời gian dài có thể tác động tiêu cực đến trẻ

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc la hét gây hại cho trẻ em như thế nào. Trong đó, một nghiên cứu chỉ ra rằng, “la hét hoặc quát tháo” như một phép đo của “kỷ luật khắc nghiệt” trong gia đình và kết luận rằng, những đứa trẻ trong hoàn cảnh như vậy sẽ có “thành tích học tập kém, có vấn đề về hành vi… và thậm chí là phạm pháp”. 

Một nghiên cứu khác đã chứng minh, la hét có tác động không tốt đối với trẻ em tương tự như hình phạt về thể xác. Theo nghiên cứu trong Thư viện Y học Quốc gia, lạm dụng việc la mắng thường xuyên có thể thay đổi cách phát triển não bộ của trẻ. 

Tuy nhiên, các nghiên cứu trên đã xem xét các kiểu lạm dụng việc quát mắng trong thời gian dài, điều quan trọng là cha mẹ cần quản lý những cơn bộc phát không đáng có. 

6. La hét không phải là cách giao tiếp hiệu quả

Theo tiến sĩ Markham, nếu cha mẹ không dạy con cách quản lý cảm xúc, trẻ sẽ khó có thể tự học. 

Nếu cha mẹ thường xuyên la hét mỗi khi khó chịu, điều đó có thể vô tình dạy con cái họ phản ứng theo cách tương tự khi gặp tình huống khó khăn. Điều này có nghĩa là cha mẹ la mắng có thể vô tình dạy con cái họ trở thành người la hét.

Phải làm gì với cơn giận thay vì la hét

Bước đầu tiên có thể là tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý. 

Bạn có thể gặp một số vấn đề góp phần thúc đẩy cảm xúc tiêu cực của bạn, chẳng hạn như thiếu vitamin, rối loạn tuyến giáp, mất cân bằng hormone hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần sau sinh. 

Qua đó, bạn cũng có thể xác định được các tác nhân do ảnh hưởng từ hoàn cảnh lớn lên trong gia đình bị la hét thường xuyên, hoặc phải trải qua bất kỳ hình thức lạm dụng tinh thần hoặc thể chất nào.

Bước thứ hai để thay đổi cách xử lý cảm xúc của bạn là phải nhận ra cảm giác giận dữ và thừa nhận nó. Đây là một bước quan trọng, giúp thay đổi trạng thái não của bạn.

Tiến sĩ Shrand giải thích: "Lúc bạn nhận ra cảm giác giận dữ, bạn kích hoạt vùng não trước trán và ngắt đứt những cảm xúc quay cuồng". Đó là việc đưa não của bạn từ chế độ cảm xúc sang chế độ suy nghĩ.

Theo các chuyên gia, có một số cách để làm điều này:

  • Lấy hơi thở sâu.
  • Đếm ngược.
  • Chạy tại chỗ.
  • Lắc tay.
  • Nói càng ít càng tốt cho đến khi bạn bình tĩnh lại.
  • Nghĩ đến những ý nghĩ tích cực giúp bạn thoát khỏi nguy cơ la hét (tức là "Con đang cần mình giúp ngay bây giờ").
  • Đặt tay dưới vòi nước chảy.
  • Ngay cả khi gượng cười hay cười lớn cũng có thể gửi thông điệp đến não của bạn rằng tình huống này không phải là trường hợp khẩn cấp.

Hãy tiếp cận tình huống khiến mình khó chịu ngay từ đầu một cách bình tĩnh, nhờ đó cha mẹ sẽ sẵn sàng xoa dịu tình hình thay vì làm trầm trọng thêm.

Không la hét đòi hỏi nhiều công sức và thực hành nhiều lần để từ bỏ hành vi tiêu cực này. Tuy nhiên, nếu cha mẹ và con cái đã thiết lập được mối quan hệ vững chắc, từ bỏ việc rầy la  sẽ dễ dàng hơn. 

 An Nguyễn dịch - Theo treemvietnam.net.vn

Theo Parents

menu
menu