7 bài tập trị liệu cho cặp đôi nên thử cùng bạn đời

7-bai-tap-tri-lieu-cho-cap-doi-nen-thu-cung-ban-doi

Đối với nhiều cặp đôi, việc tìm đến những liệu pháp trị liệu sẽ nảy sinh nỗi sợ về tranh cãi và xung đột trước sự chứng kiến của nhà điều trị,

Đối với nhiều cặp đôi, việc tìm đến những liệu pháp trị liệu sẽ nảy sinh nỗi sợ về tranh cãi và xung đột trước sự chứng kiến của nhà điều trị, người mà sẽ phải phân xử đúng sai về các mặt của một vấn đề. Điều này xuất phát từ những kinh nghiệm trước đây, khi nhà trị liệu tâm lý không có kỹ năng trong việc hướng dẫn những phương pháp mới để giao tiếp và xử lý mâu thuẫn hiệu quả.

Bên cạnh việc chỉ dẫn các cặp đôi cách tăng cường những hành vi tích cực trong mối quan hệ thường ngày, nhà trị liệu nên hướng dẫn và giải thích rõ hơn về các bài tập giúp họ hiểu được giao tiếp hiệu quả là như thế nào, đặc biệt khi xảy ra xung đột.

Dưới đây là 7 bài tập trị liệu dành cho các cặp đôi mà bạn có thể áp dụng cùng với người bạn đời của mình, để loại bỏ kiểu giao tiếp không lành mạnh và những mâu thuẫn có thể nảy sinh trong hôn nhân.

1. Áp Dụng Kỹ Thuật “Gương Soi”

Kỹ thuật “gương soi” đã được mô tả và được sử dụng theo nhiều cách từ trong kinh doanh, trong bán hàng, đến giải quyết xung đột. Khi được áp dụng trong trị liệu cho cặp đôi, nó nhằm mục đích giúp ngăn chặn sự phòng thủ khi xung đột xảy ra, và cho phép mỗi người cảm thấy như thể họ đang được lắng nghe.

Khi sử dụng kỹ thuật “gương soi” nghĩa là để cho đối phương được nói lên suy nghĩ và cảm xúc của họ về một vấn đề nào đó. Sau đấy, chúng ta sẽ “lặp lại chính xác” lại những gì mà mình nghe thấy và mong muốn được làm rõ nếu có điều gì không hiểu đúng. Điều này sẽ khiến cả hai không cảm thấy khó chịu.

Việc lặp lại nguyên văn những câu từ mà người bạn đời của bạn đã sử dụng là vô cùng quan trọng, vì tránh được việc chúng ta tự diễn giải, hoặc thêm vào cách giải thích cũng như ý kiến cá nhân của mình.

TUY NHIÊN khi sử dụng kỹ thuật "gương soi" cần phải lưu ý một điều quan trọng! Nếu bạn không thể áp dụng phương pháp này theo cách chân thành đến từ sự thấu hiểu, mà thực hiện một cách rập khuôn, thì sẽ bị cho là đang mỉa mai hoặc đang ra vẻ, nó sẽ không đúng với mục đích ban đầu là giải quyết vấn đề và sẽ khiến cho xung đột càng thêm gia tăng.

2. Sử Dụng Phương Pháp Tiếp Xúc Vật Lý Thể Hiện Sự Quan Tâm, Khi Thảo Luận Những Chủ Đề Khó Nhằn

Đề cập những vấn đề nhạy cảm với người bạn đời là một chuyện không mấy dễ dàng, dù cho cuộc hôn nhân ấy có lành mạnh đến đâu, hoặc mối quan hệ của cả hai đã kéo dài bao lâu. Có thể nó sẽ chạm đến một mức độ tổn thương khi nói về những điều nhạy cảm, và đối mặt với nguy cơ bị từ chối, bị chỉ trích và bị phán xét bởi chính người bạn đời của mình. Vì lẽ đó mà nhiều cặp đôi đã chọn chôn vùi những vấn đề quan trọng để tránh xảy ra điều tiêu cực.

Những gì thường xảy ra khi một người có đủ can đảm để thảo luận về chủ đề phức tạp, là họ khơi mào vấn đề với cách tiếp cận thận trọng, chuẩn bị tinh thần cho bất kỳ phản ứng tiêu cực nào có thể xảy ra từ người còn lại.

Những phản ứng này có thể biểu lộ thông qua những dấu hiệu phi ngôn ngữ, chẳng hạn như thái độ phòng thủ, nét mặt giận dữ, và giọng điệu gay gắt. Rõ ràng khi được nhắc đến những điều nhạy cảm, bất kỳ ai cũng sẽ có phản ứng phòng thủ.

Khi chọn nói ra những vấn đề rắc rối với người bạn đời của mình, thì những hành động tiếp xúc vật lý thể hiện tình yêu thương như cái nắm tay, hay liên tục ôm lấy đối phương là điều rất quan trọng. Hành động này sẽ hạn chế sự phòng thủ để vừa định hướng được cuộc trò chuyện, vừa tạo điều kiện thuận lợi để nói ra những vấn đề khó khăn.

3. Thể Hiện Rõ Lập Trường Trước Người Bạn Đời Trong Cuộc Tranh Luận

John Gottman, một nhà nghiên cứu về hôn nhân, khuyên các cặp đôi nên thể hiện rõ ràng lập trường của mình trong một cuộc tranh luận, trước khi cố gắng giải quyết xung đột, bất kể cả hai có đồng ý với quan điểm của nhau hay không. Nếu không xác định điều này ngay từ đầu, có nguy cơ xung đột sẽ bùng phát khi mỗi người đều ra sức đấu tranh cho quan điểm của mình và không còn đủ tỉnh táo để giải quyết vấn đề.

Nên bắt đầu cuộc trò chuyện giải quyết mâu thuẫn bằng cách nói ra suy nghĩ của mình về vị trí của người bạn đời là gì, và mong muốn được làm rõ vấn đề giữa cả hai với cách trò chuyện cởi mở cũng như thấu hiểu cần thiết. Điều này cũng sẽ mở ra một cuộc trò chuyện bình đẳng hơn là châm ngòi cho ngọn lửa tranh luận.

4. Sử Dụng Kỹ Thuật Làm Nguôi Giận

David Burns, tác giả của The Feeling Good Handbook - tạm dịch là Quyển Cẩm Nang Về Cảm Xúc Tuyệt Vời, đã liệt kê một danh sách Những Kỹ Thuật Làm Nguôi Giận là một trong Năm Bí Quyết Của Giao Tiếp Hiệu Quả. Ông định nghĩa Kỹ Thuật Làm Nguôi Giận là “tìm ra sự thật trong những gì người khác đang nói, ngay cả khi nó có vẻ sai trái rành rành, phi logic, hoặc quá cường điệu”.

Đây có thể là một phương pháp có tác động mạnh mẽ và hiệu quả, để thể hiện sự quyết đoán trong cuộc xung đột với người bạn đời, và tránh gây hiểu lầm, tạo sự phòng thủ, hoặc thể hiện sự oán giận.

Hãy nhớ rằng bạn có thể không đồng ý với tất cả những gì mà người bạn đời đang nói, nhưng hãy tập trung tìm kiếm sự thật ẩn chứa trong lời nói của họ, dù cho nó là một điều rất nhỏ. Có thể đó là việc bạn đồng ý rằng mình cảm thấy tổn thương và tức giận, nếu nhìn nhận tình huống theo cách tương tự như đối phương đang làm.

Sử dụng kỹ thuật này ngay lập tức để làm nguôi giận, và khiến đối phương không có nhu cầu sử dụng “sự tức giận” để tự vệ hoặc tấn công lại bạn. Nó khiến cho mọi việc được giảm căng thẳng, và mở ra cơ hội để cuộc đối thoại được tiếp diễn sau đó.

5. Tái Diễn Những Gì Đang Diễn Ra Đúng Hướng Và Thừa Nhận Sự Cải Thiện

Chúng ta tập trung vào điều gì thì điều đó sẽ phát triển, và quy tắc này cũng đúng khi áp dụng lên mối quan hệ. Nếu các cặp đôi luôn tập trung vào những vấn đề đã xảy ra, phần lớn mối quan hệ của họ sẽ luôn có vấn đề và nó ngày càng gia tăng.

Thật vậy, trong hôn nhân sẽ luôn có vấn đề xảy ra theo một cách tự nhiên nào đó. Tuy nhiên, việc nghiền ngẫm các vấn đề có thể mang lại cảm giác sợ hãi và tuyệt vọng, theo thời gian chính những cảm xúc này sẽ huỷ hoại mối quan hệ giữa hai người.

Năm 1986, David Cooperrider đã công bố với thế giới về khái niệm được tạm dịch là “tìm hiểu và đánh giá cao” (Appreciative Inquiry), nghĩa là chuyển sự thay đổi của một cơ cấu từ cách tiếp cận dựa trên khuyết điểm, sang cách tiếp cận hướng đến ưu điểm và điều tích cực. Áp dụng phương pháp này vào trong các tổ chức, sẽ giúp chúng ta tập trung vào việc khám phá và đánh giá cao bản chất đúng của một sự việc nào đó và chỉ nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề.

Cách tiếp cận này có thể được áp dụng trực tiếp vào hôn nhân, khi các cặp đôi cố gắng thay đổi và phát triển cùng nhau theo hướng tích cực. Sau đó, áp dụng phương pháp “tìm hiểu và đánh giá cao” vào hôn nhân để giúp cả hai tập trung vào những gì đang diễn ra đúng hướng trong mối quan hệ của họ, giấc mơ nào họ muốn thực hiện cùng nhau, từ đó sẽ cùng tạo dựng nên một vận mệnh lý tưởng.

Khi áp dụng vào những cuộc trò chuyện giữa hai người, bạn nên tập trung vào những gì mà bạn và người ấy đã cùng nhau làm thành công, những cách nào giúp hai bạn trở thành một đội ăn ý, và nhắc lại những ước mơ chung của cả hai là gì.

6. Theo Đuổi Sự Thấu Hiểu, Không Phải Để Được Hiểu

Trong quyển sách của Erich Fromm với tựa đề “The Art of Loving - Nghệ Thuật Yêu”, tác giả nói rằng có 3 yếu tố cần tồn tại để kết hợp tình yêu giữa hai người là Tôn trọng - Quan tâm - Hiểu biết.

Thấu hiểu người bạn đời của mình là một phần rất quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin và gắn kết yêu thương cùng nhau, để đạt được điều này cần đến rất nhiều thời gian và nỗ lực.

Tìm cách thấu hiểu những suy nghĩ, niềm tin và cảm xúc của đối phương, sẽ khiến cả hai trở thành những đồng đội ăn ý khi cùng nhau đối diện với những thách thức trong cuộc sống hay trong mối quan hệ. Từ việc thể hiện những cử chỉ quan tâm thực sự khi tìm hiểu về người bạn đời của mình, nó sẽ dẫn đến hai yếu tố còn lại mà tác giả Fromm đã nhắc đến, đó là quan tâm và tôn trọng lẫn nhau.

7. Dành Cho Nhau Một Khoảng Lặng Thích Hợp

Các cặp đôi đều biết về khái niệm “cho nhau một khoảng lặng” khi căng thẳng lên cao trào, để tránh nói ra hoặc hành động bất kỳ điều gì trong lúc tức giận rồi sau đó phải hối hận. Tuy nhiên, họ lại không được chỉ dẫn cách thực hiện phương pháp này một cách đúng đắn.

Cho nhau không gian riêng, nếu không được sử dụng đúng cách, sẽ trở thành một loại vũ khí hoặc cách thao túng khiến đối phương phải nhượng bộ hoặc để kiếm soát hành động của họ.

Các cặp đôi thường sẽ được hướng dẫn một vài từ ngữ hoặc cụm từ, để ra hiệu cho việc tạm dừng và sau đó mỗi người ở một góc cho đến khi nào bình tâm trở lại. Rất hiếm khi thủ thuật này mang lại thành công, và nó thường thường khiến cho cuộc tranh luận thêm gay gắt, đặc biệt nếu nó khiến cho một trong hai người cảm thấy bị từ chối giải quyết vấn đề, hoặc bị bỏ rơi trong mối quan hệ.

Lý do kỹ thuật này không hiệu quả, là vì nó sử dụng một giải pháp quá logic và lý trí trong một tình huống rất cảm xúc. Khi căng thẳng giữa cả hai đang tăng cao, sự lý trí sẽ bị gạt qua một bên, và rất khó để áp dụng các phương pháp có logic khi bộ não của chúng ta bị lấp đầy bởi cảm xúc.

Bộ não cảm xúc sẽ chiến đấu, bỏ chạy, hoặc đóng băng mỗi khi trải qua những cảm xúc mãnh liệt như thế này. Vậy nên, những từ ngữ để ra dấu hiệu cho sự dừng lại, sẽ không thể áp dụng hiệu quả trong những thời điểm như vậy.

Bởi những cảm xúc mãnh liệt sẽ ngăn cản sự lý trí của chúng ta, cách duy nhất để phá vỡ nó là sử dụng những cảm xúc mạnh mẽ tương tự, để kích hoạt sự thay đổi trong bộ não cảm xúc. Điều này sẽ giúp cho lý trí có thời gian để lấy lại quyền điều khiển và bắt đầu kiểm soát lại vấn đề.

Ví dụ, bạn nên sử dụng cảm xúc hài hước có mức độ mãnh liệt tương tự, để khiến bộ não thoát khỏi sự tức giận hoặc phòng thủ. Chẳng hạn như tạo ra một tín hiệu để tạm dừng bằng cách nhắc lại về lần họ cùng nhau bị bắt quả tang ở ngoài phòng khách sạn trong trang phục nội y có thể đủ để gây sốc, đó là một ví dụ để tạm dừng cuộc tranh luận, sau đó sẽ ra hiệu về việc cho nhau thời gian để giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.

Đôi Lời Cuối Cùng

Xung đột là điều không thể tránh khỏi trong một mối quan hệ, và có thể sau những trận cãi vã ấy tình cảm giữa cả hai sẽ thêm bền chặt và gắn bó hơn, nếu vấn đề được giải quyết và không tạo ra một vòng lặp rối loạn.

Liệu pháp cho các cặp đôi được thiết kế để hướng dẫn về kỹ năng giao tiếp, và cung cấp những phương pháp cần thiết để chuyển hoá mối quan hệ theo hướng kết hợp hiệu quả hơn.

Bảy bài tập trị liệu dành cho các cặp đôi được kể ở trên, thường được hướng dẫn và yêu cầu các cặp đôi thực hành ngay trước mặt nhà điều trị, thì nay bạn có thể áp dụng thử đối với người bạn đời của mình, và biết đâu sẽ là một khởi đầu cho việc thay đổi vòng lặp mà cả hai đang bị mắc kẹt.

(*) Tác giả: Tiến sĩ Ray Kadkhodaian

Dịch giả: Amy Cattuong - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ 

Link bài gốc: 7 Couples Therapy Exercises To Try With Your Spouse

menu
menu