Nietzsche và lòng đố kỵ
Trong những khoảnh khắc tối tăm và trung thực nhất, ta dễ dàng nhận ra – với nỗi đau đớn tột cùng – rằng cuộc đời ta thiếu thốn quá nhiều điều.
Trong những khoảnh khắc tối tăm và trung thực nhất, ta dễ dàng nhận ra – với nỗi đau đớn tột cùng – rằng cuộc đời ta thiếu thốn quá nhiều điều. Sự nghiệp mà ta từng khao khát vẫn mãi ngoài tầm tay. Những mối quan hệ thân mật để lại trong ta sự trống rỗng. Những sai lầm nghiêm trọng đã được gây ra, và không bao giờ có thể sửa chữa. Vẻ ngoài của ta ngày càng xuống cấp, đáng xấu hổ. Và vì thế, lòng đố kỵ trong ta trỗi dậy, mãnh liệt như một vết cắt không bao giờ lành.
Không triết gia nào từng nhìn nhận lòng đố kỵ một cách sâu sắc hơn Friedrich Nietzsche. Nhà triết học người Đức thế kỷ 19 coi đây là cảm xúc quan trọng nhất, vận hành trong đời sống cá nhân và tập thể. Trong các tác phẩm của mình, Nietzsche sử dụng một từ mượn tiếng Pháp để mô tả lòng đố kỵ: ressentiment – nhấn mạnh cảm giác tủi nhục khi đối diện với những gì ta khao khát nhưng không thể có được.
Trong tác phẩm Về nguồn gốc của đạo đức xuất bản năm 1887, Nietzsche đã đưa ra một phân tích đầy đột phá về lòng đố kỵ. Ông bắt đầu bằng một giả thuyết lịch sử về cách các khái niệm thiện và ác được hình thành – và vai trò thiết yếu của lòng đố kỵ trong quá trình này. Nietzsche lập luận rằng, ở thời cổ đại, những gì được coi là tốt hoặc xấu được định nghĩa một cách đơn giản bởi những kẻ nắm quyền. Những người có sức mạnh quân sự, tài chính và chính trị – chẳng hạn tầng lớp quý tộc thời đỉnh cao của đế chế La Mã – chính là người quyết định điều gì được ngưỡng mộ.
Vì những mối bận tâm và sở thích của giới quý tộc, "tốt đẹp" trở thành từ đồng nghĩa với những giá trị quý tộc như chiến thắng, kiếm tiền, sự tự tin trong tình dục, tri thức phong phú và danh tiếng lẫy lừng. Với niềm tin mãnh liệt vào đức hạnh của chính mình, những kẻ mạnh thời cổ đại ngủ rất ngon giấc, chẳng hề bị ám ảnh bởi sự phán xét.
Nhưng quyền thống trị của quý tộc không kéo dài mãi. Có quá nhiều người yếu đuối, vô quyền bị chà đạp – một đám đông mà Nietzsche, với sự châm biếm táo bạo và đầy chủ ý, gọi là “những kẻ nô lệ,” “đám tiện dân” hoặc “bầy đàn.” Họ ngày càng nung nấu ý định trả thù kẻ quyền thế. Song, họ không có bất kỳ công cụ thực tế nào để làm điều đó, bởi họ thiếu cả tiền bạc lẫn quyền lực chính trị.
Rồi họ nảy ra một ý tưởng thiên tài: họ sẽ lật đổ kẻ mạnh và chiếm quyền thống trị bằng một đòn phản công tài tình: khiến kẻ quyền thế cảm thấy tội lỗi. Họ không thể tấn công trực tiếp vào thể xác kẻ mạnh, nhưng họ có thể khiến những người này không còn ngủ yên mỗi đêm – một chiêu thức tinh vi và cuối cùng hiệu quả hơn rất nhiều. Họ sẽ phá hủy những kẻ thống trị bằng vũ khí của lương tâm.
Một vũ khí chủ chốt trong cuộc tấn công trả thù này – theo Nietzsche – chính là hệ tư tưởng mà ngày nay ta biết đến dưới cái tên Cơ đốc giáo. Với nhà triết học, Cơ đốc giáo là một công cụ báo thù đầy thông minh và hiểm độc do những kẻ yếu đuối tạo ra để khiến những kẻ mạnh cảm thấy tội lỗi vì những lợi thế mà họ sở hữu. Chiến lược của Cơ đốc giáo là đổi tên tất cả những gì từng gắn liền với giá trị quý tộc thành điều xấu xa, trong khi nâng tầm mọi thứ gắn với “bầy đàn” thành điều tốt đẹp.
Trong hệ giá trị đạo đức mới của Cơ đốc giáo, việc không có tiền được gọi là “sự nghèo khó cao quý,” thiếu học vấn được ngợi ca là “sự chân thành,” thiếu thốn tình dục trở thành “đức khiết tịnh.” Và như Nietzsche viết, “không thể trả thù” lại hóa thành “sự tha thứ.” Vì ghen tỵ với những gì họ không thể có, những tín đồ Cơ đốc khiến những kẻ quyền thế ngập chìm trong tội lỗi, đồng thời khẳng định rằng vương quốc của Chúa thuộc về những người yếu đuối, hiền lành, trong sạch, nghèo khó và bị áp bức… Nhưng trong suốt quá trình ấy, họ phủ nhận việc mình chỉ đang tái định nghĩa hệ giá trị xã hội theo cách thuận tiện cho tâm lý của mình. Thay vào đó, họ khăng khăng rằng những gì họ làm đơn thuần là khách quan sử dụng khái niệm thiện và ác, chứ không phải hành động trá hình do lòng đố kỵ dẫn dắt.
Nietzsche gần như khâm phục sự táo bạo của chiến lược này, nhưng đồng thời ông cho rằng nó chịu trách nhiệm cho sự giả dối đáng sợ và sự suy thoái của nền văn minh châu Âu. Trong giọng văn bực dọc, ông viết:
“Kẻ mang lòng ressentiment không ngay thẳng, cũng chẳng ngây thơ hay trung thực với chính mình. Linh hồn hắn méo mó; trí óc hắn yêu thích những góc tối, những lối đi bí mật và những cửa sau đầy toan tính.”
Với Nietzsche, sức khỏe tâm lý của một con người hay một xã hội phụ thuộc vào khả năng chống lại sự cám dỗ bôi nhọ những gì mà ta khát khao nhưng không thể đạt được. Điều này đòi hỏi ta phải dũng cảm đối diện với khoảng trống trong cuộc đời mình thay vì phủ nhận nó vì sự tiện lợi nội tại. Theo ông, luôn tốt hơn khi ta thành thật thừa nhận điều mình mong muốn hoặc điều mình khao khát có được, thay vì xoay chuyển toàn bộ bản ngã để trốn tránh sự bất an. Sự trưởng thành, Nietzsche khẳng định, nằm ở khả năng đối diện và trung thực với những bất hạnh của chính mình.
Dù dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu Cơ đốc giáo, Nietzsche hiểu rằng khát vọng tái định nghĩa giá trị dựa trên lòng đố kỵ bị dồn nén có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Những lời chỉ trích của ông có thể nghe có vẻ gay gắt, thậm chí như một sự bảo vệ phi lý cho các giá trị thô thiển của tầng lớp thượng lưu. Nhưng điều quan trọng cần nhớ là Nietzsche không phải một quý tộc. Ông thiếu thốn mọi thứ: tiền bạc, tình yêu, khán giả, bạn bè. Nhưng ông cam kết sống trung thực với chính mình, không lảng tránh việc thừa nhận rằng, trong những khoảnh khắc nhất định, ông khao khát trở nên anh hùng hơn, viên mãn hơn, can đảm hơn – nhưng lại thiếu tài năng để đạt được những điều ấy.
Thông điệp của Nietzsche là: một trong những hành động trưởng thành nhất mà ta có thể làm là thừa nhận sức mạnh của lòng đố kỵ và sự to lớn của những hối tiếc trong đời – mà không rơi vào những triết lý phòng vệ phủ nhận bản thân, dù chúng có tinh vi và biến hóa đến mức nào.
Nguồn: NIETZSCHE AND ENVY - The School Of Life