Tôi sẽ sống tiếp!
Vào tháng 10 năm 1976, một trong những ca khúc pop vĩ đại nhất của thế kỷ 20 lần đầu vang lên: I Will Survive (Tôi Sẽ Sống Tiếp) của Gloria Gaynor.
Vào tháng 10 năm 1976, một trong những ca khúc pop vĩ đại nhất của thế kỷ 20 lần đầu vang lên: I Will Survive (Tôi Sẽ Sống Tiếp) của Gloria Gaynor. Ban đầu, ca khúc chỉ được phát hành ở mặt B của đĩa đơn, nhưng rất nhanh chóng, nó đã trở thành một trong những bài hát bán chạy nhất mọi thời đại, nhờ vào sức mạnh chạm đến điều gì đó sâu sắc và phổ quát trong tâm hồn con người.
Gloria Gaynor không tự viết bài hát này. Phần lời thực chất được sáng tác bởi Dino Ferkaris, một nhạc sĩ chuyên nghiệp khá thành công nhưng đang trong thời gian thất vọng vì vừa bị sa thải khỏi hãng Motown Records.
Bài hát một phần kể lại nỗi đau khi bị chà đạp, bị coi thường, nhưng trọng tâm không nằm ở việc người khác đã làm tổn thương chúng ta. Nó là một lời tự thú trung thực về cách chúng ta đã cho phép họ làm điều đó, bởi vì chính ta chưa đủ mạnh mẽ để đứng về phía bản thân mình.
"Ban đầu, tôi đã sợ hãi, tôi đã hoang mang
Cứ nghĩ rằng mình sẽ không thể sống nếu không có bạn bên cạnh..."
Không nghi ngờ gì, người kia đã gây tổn thương cho ta, nhưng vấn đề sâu xa hơn chính là ta không biết cách trân trọng bản thân đủ để ngăn họ làm điều đó. Họ nghĩ rằng ta sẽ sụp đổ, sẽ nằm dài và chết dần trong đau khổ. Và thật ra, họ có lý – bởi ta đã từng như vậy, rất nhiều lần trước đây.
Cái đẹp của bài hát nằm ở chỗ nó không phủ nhận rằng ta đã tự mình trở thành nạn nhân trong những lần bị đối xử tệ bạc. Ta đồng cảm với nhân vật trong bài hát bởi cô ấy đủ thẳng thắn để thừa nhận rằng chính cô đã là kiến trúc sư của sự hạ thấp và tủi nhục của mình.
Gloria thấu hiểu phần yếu đuối và dễ phục tùng bên trong mỗi chúng ta. Nhưng cũng chính vì cô ấy hiểu rõ những xu hướng này, mà lời động viên mạnh mẽ của cô – một tiếng “cút đi” dứt khoát gửi tới thế giới – trở nên đầy cảm hứng. Đây không phải là giọng nói của một người chưa từng bị tổn thương, mà là tiếng lòng của một người yếu đuối và nhút nhát, giờ đây quyết định không để nỗi sợ hãi chi phối cuộc đời mình nữa.
Sự phản kháng không có nghĩa là khẳng định rằng ta biết mình sẽ sống sót. Khi ta cất giọng hát vang bài ca này trên sàn nhảy hay (nhiều khả năng hơn) trong bếp, ta không thực sự biết điều gì sẽ xảy ra. Những nỗi sợ vẫn còn nguyên vẹn, thô ráp. Có thể ta đã bị bắt nạt trong suốt các mối quan hệ hoặc những năm tháng ấu thơ, có thể ta chỉ mới gửi email yêu cầu ly hôn hoặc đối đầu với một đồng nghiệp. Khi hòa mình vào điệp khúc, ta đang thực hiện một cú nhảy đầy dũng cảm. Cuối cùng, ta đang khẳng định rằng khả năng đối mặt và vượt qua của ta lớn hơn những gì quá khứ từng khiến ta tin tưởng.
Gloria đang tiếp thêm sức mạnh để ta đạt được điều có thể gọi là “tốc độ thoát ly cảm xúc” (emotional escape velocity). Cô khơi gợi – bằng những giai điệu tưởng chừng đơn giản nhưng mê hoặc – trạng thái tâm trí để ta dám đối mặt với những kẻ đã làm tổn thương mình.
Tất nhiên, thái độ phản kháng không phải là tất cả những gì ta cần. Để mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, ta cũng phải nhờ đến những đức tính trưởng thành như sự hòa giải, thỏa hiệp, chấp nhận và bao dung – những điều giữ cho cuộc sống dù không hoàn hảo vẫn tiếp tục vận hành. Nhưng hiện tại, đây chưa phải lúc cho điều đó. Ngay bây giờ, ta cần chuẩn bị cho một cuộc chiến. Và chính trong thời điểm này, giọng hát của Gloria Gaynor không chỉ là một dấu son trong lịch sử nhạc pop, mà còn là âm thanh mà tâm hồn ta cần.
Đó là âm thanh cứu ta thoát khỏi phần yếu đuối – nhưng đầy quen thuộc – trong bản chất của mình, phần đã từng từ bỏ hy vọng tự do quá sớm, quá nhiều lần, để rồi giờ đây, lần đầu tiên, ta biết cách đứng lên, và tuyên bố một cách kiêu hãnh:
Tôi sẽ sống tiếp!
Nguồn: I WILL SURVIVE