Những quyết định tâm lý khiến bạn hối hận cả đời
Không cho mình cơ hội, luôn tự cao... là những quyết định sai lầm đôi khi khiến bạn phải hối hận mãi.
Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có lúc nhìn lại và cảm thấy hối hận về một hay vài quyết định bạn đã làm hay chính xác là những quyết định mà bạn chưa làm.
Dưới đây là những điều bạn nên tránh để không phải hối hận cả đời theo tổng hợp của trang Business Insider.
1. Chọn nỗi đau thay vì chịu đặt mình vào khuôn khổ
Hối hận là một trong những cảm giác tồi tệ nhất và khi đó hầu hết chúng ta thốt lên rằng "Giá như mà...". Bạn hối hận khi nghĩ lại về những điều bạn muốn nhưng đã không làm, hồi tưởng giấc mơ 5 - 10 năm trước không có thời gian để ý hay những khoảng thời gian bạn đã lãng phí... Vậy có biện pháp nào cho vấn đề này?
Lời khuyên đưa ra đó là, bạn cần tự thúc đẩy mình làm việc mình mong muốn và tập trung vào quá trình hơn là đích đến.
Sau khi tiến hành một vài nghiên cứu, James Clear - tác giả của cuốn sách “Thay đổi thói quen của bạn” cho rằng: "Việc đặt nặng mục đích thậm chí lại có tác dụng ngược khiến chúng ta khó thành công hơn".
Theo anh, mục đích làm giảm mức độ hạnh phúc với công việc mình làm. Khi bạn cố gắng làm việc vì một mục đích nào, nhiều người thường có suy nghĩ “giờ ta chưa giỏi nhưng khi đạt đến mục đích, ta sẽ giỏi” và kết quả là càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Mục tiêu quá gần cũng dễ khiến bạn nhanh chóng tự hài lòng và không tiếp tục cố gắng, trong khi mục tiêu quá xa lại làm bạn dễ dàng bỏ cuộc. Quá bó buộc vào mục đích nhất định sẽ khiến chúng ta quên rằng còn nhiều thứ hơn là chỉ nỗ lực có thể giúp bạn thành công.
Chính vì vậy hãy tập trung vào quá trình làm việc của mình, vượt qua từng khó khăn nhỏ và tự thúc đẩy mình thực hiện chúng. Bạn sẽ đạt đến đích trước khi kịp nhận ra.
2. Chọn sự hèn nhát thay vì dũng cảm
Dũng cảm không có nghĩa là bạn không sợ - trên thực tế, nó lại chỉ ra rằng bạn đang mang trong mình một nỗi sợ lớn. Sự thật là lòng can đảm không đi kèm với suy nghĩ thì chỉ đơn giản là liều lĩnh mà thôi.
Các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Harvard cho biết, người dũng cảm không phải không có nỗi sợ, họ chỉ đơn giản tìm thấy ở vấn đề đó nhiều thứ hơn cả sự sợ hãi. Thay vì run rẩy, chối bỏ nỗi sợ, họ sẽ chọn cách đối diện và vượt qua nó.
Ví dụ khi bắt đầu khởi nghiệp, thay vì lo sợ sẽ lỗ, bạn sẽ tìm hiểu kỹ thị trường và tự tin đối đầu với thử thách. Có như vậy, bạn sẽ thành công.
3. Không nói “Tôi sẽ làm”
Chúng ta thường gặp khó khăn trong việc quyết định làm một việc mới mẻ hay đối mặt với công việc khó khăn. Cách con người thường sử dụng nhất trong trường hợp này đó chính là nói “tôi sẽ thử”- một câu trả lời nước đôi và không đảm bảo kết quả.
Nhưng chính sự dễ dãi của câu nói sẽ khiến chúng ta có suy nghĩ “Chỉ là thử thôi” và “thất bại cũng không sao”. Thay vì nói “Tôi sẽ thử”, hãy nói “Tôi sẽ làm”.
Khi đó, quan điểm của bạn sẽ thay đổi. Những gì trước đây có vẻ như không thể vượt qua sẽ không còn chỉ là vấn đề của vận may nữa mà trở thành kết quả của thời gian, sự nỗ lực và kiên trì.
4. Không cho bản thân cơ hội
Tài năng, kinh nghiệm và các mối quan hệ đều quan trọng nhưng điều này cũng chỉ thực sự có ích khi bạn cho bản thân cơ hội. Người bỏ cuộc sớm luôn là người phải hối hận.
Thomas Edison là một ví dụ điển hình. Ông là người nổi tiếng với 10.000 lần thất bại trong quá trình tạo ra bóng đèn. Thay vì nghĩ về thất bại của mình, ông nói “Tôi đã tìm ra 10.000 cách để bóng đèn không hoạt động. Tôi không nản lòng, vì mọi phép thử sai lại là một bước tiến về phía trước”.
Điều này cho thấy, việc thử nghiệm nhiều lần, cho mình thêm cơ hội, bạn sẽ thu lượm được kinh nghiệm bổ ích. Điều này có nghĩa tỉ lệ thành công của bạn sẽ cao hơn. Càng nhiều lần mạo hiểm, đặt khả năng của mình ra thử nghiệm, số kinh nghiệm và khả năng bạn có được lại càng lớn.
Do đó, không có sự thành công chắc chắn nhưng nếu bạn không thử, bạn chắc chắn sẽ thất bại.
5. Luôn ngồi ì một chỗ
Không gian quen thuộc tạo ra sự thoải mái nhưng đây lại là kẻ thù của sự tiến bộ. Được ở gần gia đình, được chiều chuộng sẽ khiến bạn sợ phải di chuyển.
Nhưng sự thật là không gian mới sẽ đi cùng những cơ hội mới và cách nhìn nhận mới về thế giới. Di chuyển là học hỏi, và đừng lo vì nếu mọi việc không diễn ra một cách tốt đẹp.
Nghiên cứu của ĐH Sussex (Anh) cũng ủng hộ quan điểm nêu trên. Theo tính toán của Hiệp hội khí tượng Mỹ năm 2011, nhiệt độ, tốc độ gió, độ ẩm… cũng tác động nhiều tới cảm giác hạnh phúc của con người. Nhiệt độ hoàn hảo giúp thúc đẩy cảm xúc tích cực là khoảng 14 độ C. Trong thực tế, 20 phút đi dạo là đủ để có cảm xúc dễ chịu, thoải mái hơn ở phòng kín.
6. Không nói lời xin lỗi
Chúng ta đều từng mắc sai lầm, vì vậy ai cũng có điều cảm thấy có lỗi - từ lời nói, hành động, đến sự thiếu sót...
Nhưng điều cần làm là nuốt nỗi sợ hãi hoặc cái tôi của bạn để nói lời xin lỗi. Một lời xin lỗi thực sự được cho đi và nhận lại là một trong những tương tác sâu sắc nhất của con người văn minh.
Theo một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu trường Đại học Miami, lời xin lỗi làm tăng khả năng tha thứ và giảm cảm giác giận dữ của một người bị hại.
Họ cho rằng, lời xin lỗi khiến kẻ phạm tội trở nên “có giá trị” hơn và mang địa vị ngang bằng với nạn nhân của mình. Từ đó dẫn đến việc nạn nhân sẽ giảm lo lắng về việc sẽ bị tổn thương một lần nữa.
7. Không xây dựng “kế hoạch B”
Kế hoạch dự phòng có thể giúp bạn an tâm hơn nhưng nó cũng có thể biến thành cái cớ để chạy trốn mỗi khi gặp khó khăn.
Bạn sẽ cố gắng nhiều hơn và lâu hơn nếu bạn chỉ có một kế hoạch duy nhất và không còn sự lựa chọn nào khác. Cam kết hoàn toàn mà không có kế hoạch dự phòng sẽ thúc đẩy bạn làm việc chăm chỉ hơn bạn có thể tưởng tượng.
Sau đó, nếu bằng cách nào đó việc tồi tệ nhất xảy đến, hãy tin rằng bạn sẽ luôn tìm được cách để khắc phục. Miễn là bạn tiếp tục làm việc chăm chỉ và học hỏi từ sai lầm của mình, thành công sẽ tìm đến bạn.
8. Luôn tỏ ra tự cao
Sự quá tự tin, không tự nhận ra sai lầm hay luôn nhờ cậy đến sự giúp đỡ của người khác khiến cho bạn trở nên tự cao, tự mãn.
Nghiên cứu mới của Juliana Breines và Serena Chen thuộc trường Đại học Berkeley, lòng tự trọng cao không đồng nghĩa với năng suất và chất lượng công việc mà lòng tự trắc ẩn mới là chìa khóa. Theo đó những người biết tự nhận ra khuyết điểm và chấp nhận nó có tinh thần lạc quan, hạnh phúc và ít lo âu, trầm cảm hơn.
Đừng sợ thất bại sẽ làm hỏng danh tiếng của bạn, hãy cứ thất bại và đứng lên sau đó. Bằng cách đó bạn sẽ không bao giờ bị thua.
9. Vô tâm với tất cả mọi người
Bị từ chối, sự buồn bã, thất bại, tất cả đều đáng sợ và gây ra sự tổn thương rất lớn. Nhưng nếu để tránh bị tổn thương mà bạn không quan tâm đến mọi việc xung quanh lại là một quyết định sai lầm.
Nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng một cuộc sống năng động có tương quan mạnh mẽ với mức độ hạnh phúc. Theo giáo sư Ruut Veenhoven - Giám đốc cơ sở dữ liệu nghiên cứu điều kiện xã hội của hạnh phúc con người, sự vô tâm không chỉ không kéo bạn ra khỏi nỗi đau cô độc mà còn tước đi của bạn trải nghiệm của niềm vui kết nối, hạnh phúc và thành công.
Chính vì vậy hãy chọn cách quan tâm đến mọi việc để cảm nhận được hương vị cuộc sống.
10. Níu giữ nỗi buồn
Nỗi buồn, sự oán giận và ghen tuông giống như liều thuốc độc của bản thân. Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Pittsburgh đã tìm ra rằng, chất lượng các mối quan hệ của một người liên quan trực tiếp đến sức khỏe.
Theo đó, những người có một mối quan hệ không mấy tốt đẹp có đến 8,5% nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ lớn hơn người bình thường.
Cuộc sống là quá ngắn để bực tức với tất cả những người có thể gây tổn thương cho bạn. Bỏ qua cảm xúc đó và dành thời gian trân trọng những người yêu quý bạn, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Nguồn: Business Insider, Wikipedia
BÍCH ĐÀO, THEO TRÍ THỨC TRẺ