Vì sao nhiều người cảm thấy mình không quan trọng

Hiện tượng "thiếu hụt cảm giác được trân trọng" đang âm thầm tiếp tay cho nỗi cô đơn và tuyệt vọng lan rộng khắp nơi.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Cảm giác mình không quan trọng có liên hệ chặt chẽ với mức độ căng thẳng, trầm cảm và lo âu cao hơn.
- Cảm giác này kéo dài còn có thể bào mòn sức khỏe thể chất của chúng ta.
- Khi trưởng thành, bản năng sinh tồn khiến ta cần được xem trọng sẽ tiến hóa thành nhu cầu cốt lõi: được nhìn thấy, lắng nghe và trân quý.
Tôi đã trải qua một điều mà suốt đời này chắc chắn không thể nào quên, trong căn phòng bệnh viện cách đây mười năm. Đó là lúc con trai đầu lòng của tôi vừa chào đời. Cô y tá dẫn tôi vào gặp con. Bé bứt rứt và khóc lóc, đôi tay nhỏ xíu vung lên tìm kiếm điều gì đó. Tôi cúi xuống, đưa ngón tay ra, và những ngón tay bé xíu ấy bám lấy ngón tay tôi, nắm chặt, không chịu buông. Ngay lúc đó, con ngừng khóc. Cơ thể nhỏ bé ấy dịu lại, lặng đi trong bình yên.
Lúc ấy, tôi chưa nhận ra rằng mình vừa chứng kiến một điều đã được nhào nặn suốt sáu triệu năm tiến hóa. Các nhà khoa học gọi đó là phản xạ nắm, một hành vi tự động được sinh ra một phần để đảm bảo mối gắn kết đầu tiên, mối gắn kết sống còn. Từ hơi thở đầu tiên, sự tồn tại của ta phụ thuộc vào việc ta có là người quan trọng với ai đó hay không.
Khi lớn lên, bản năng sống còn ấy dần chuyển hóa thành một nhu cầu cốt lõi hơn: được nhìn thấy, được lắng nghe, được trân trọng. Khi nhu cầu đó được đáp ứng, ta cảm nhận được điều mà các nhà tâm lý học gọi là cảm giác mình có ý nghĩa, một cảm giác cho ta biết rằng mình có giá trị trong mắt người khác. Cảm giác này sâu sắc và căn bản hơn cả “thuộc về” hay “được bao gồm”. “Thuộc về” là khi ta được chào đón, được chấp nhận trong một nhóm. “Bao gồm” là khi ta được mời tham gia và có vai trò trong nhóm ấy. Nhưng được xem là quan trọng mới là khi ta biết mình thật sự có ý nghĩa với những người trong đó.
Khi con người cảm thấy mình có giá trị, họ sẽ nở hoa. Các nghiên cứu cho thấy họ sống có động lực hơn, kiên cường hơn và khỏe mạnh hơn. Nhưng khi ai đó cảm thấy mình chẳng đáng kể gì, họ bắt đầu héo úa. Sự cô lập, buông xuôi, lo âu và trầm cảm thường sẽ kéo theo sau.
Hãy thử hình dung cảm giác hoảng loạn của một đứa trẻ sơ sinh đưa tay ra tìm mà không chạm được vào ai. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng rất nhiều người trong chúng ta hiện nay đang sống trong một trạng thái căng thẳng mất phương hướng tương tự, cảm giác bị bỏ rơi, bị lãng quên, cảm giác mình không là gì cả. Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng thiếu hụt cảm giác có ý nghĩa, một nguyên nhân âm thầm nhưng vô cùng mạnh mẽ đứng sau làn sóng cô đơn, thờ ơ và suy giảm sức khỏe tâm thần đang lan rộng khắp nơi.
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của cuộc khủng hoảng này chính là sự cô đơn ngày một gia tăng. Người ta ước tính rằng cứ ba người thì có một người luôn cảm thấy cô đơn. Lời khuyên đầy thiện chí mà ta thường nhận được là “hãy kết nối nhiều hơn”, như thể trách nhiệm xóa bỏ sự cô lập này hoàn toàn nằm ở mỗi cá nhân, rằng chỉ cần mở lòng, liên lạc lại, kết nối lại, thì mọi chuyện sẽ ổn.
Trong các tổ chức, điều này đã dẫn đến việc có thêm vô số cuộc họp, cùng hàng loạt nền tảng trực tuyến hứa hẹn mang lại cảm giác cộng đồng. Người trưởng thành trung bình mỗi ngày gửi từ 30 đến 40 tin nhắn bằng chữ. Chúng ta chưa bao giờ kết nối nhiều đến thế, nhưng cũng chưa bao giờ cô đơn đến vậy.
Ta đã bỏ lỡ điều gì?
Nghiên cứu của nhà tâm lý học Alexander Danvers, cũng là cộng tác viên của Psychology Today, cho thấy rằng số lượng tương tác không giúp giảm bớt sự cô đơn. Điều thực sự tạo nên khác biệt chính là chất lượng của những kết nối. Không phải sự thiếu vắng giao tiếp khiến người ta cảm thấy cô đơn, mà là cảm giác mình không có giá trị trong mắt người khác. Vì vậy, điều đối lập với cô đơn không phải là có nhiều người xung quanh hơn, mà là cảm giác mình thật sự có ý nghĩa với những người đang ở bên mình.
Một phản ứng phổ biến khác trước cảm giác mình không quan trọng là sự thu mình, và điều này biểu hiện thành triệu chứng thứ hai của cuộc khủng hoảng thiếu hụt cảm giác được trân trọng: sự thờ ơ.
Cách đây vài năm, tôi được mời làm việc với một nhóm công nhân bảo trì tòa nhà, những người được cho là đang "mất tinh thần làm việc". Một người trong nhóm phụ trách lau rửa cửa kính tầng trệt mỗi sáng vào mùa hè. Nhưng rồi cô ấy nhận ra một điều kỳ lạ. Mỗi ngày vào lúc 3 giờ chiều, hệ thống phun nước tưới cây sẽ tự động bật lên. Vấn đề là nó bị lắp sai hướng, nên nước văng thẳng vào cửa kính, để lại những vệt nước khô loang lổ. Chính vì vậy mà nhóm của cô cứ phải lau lại kính suốt.
Cô đề xuất chỉnh lại hệ thống phun nước để tiết kiệm thời gian cho những công việc khác, nhưng người quản lý đáp lại: “Đó là việc của bên kỹ thuật nước. Còn việc của cô là lau kính.” Từ hôm đó, cô chỉ đến, chấm công, và làm đúng phần việc được giao, không hơn, không kém. Cô nói với tôi: “Tôi thấy mình vô nghĩa. Làm chi cho phí công?” Rồi cả nhóm dần rơi vào im lặng. Họ đã học được cảm giác bất lực.
Cô không phải là một nhân viên "lười biếng" hay "vô trách nhiệm". Cô đang trải nghiệm điều mà nhà tâm lý học Gordon Flett gọi là chống lại cảm giác có ý nghĩa, tức là cảm giác mình bị phớt lờ, không được lắng nghe, không được trân trọng. Cảm giác này có liên hệ mạnh mẽ với những hành vi né tránh trong các mối quan hệ.
Câu chuyện của người lao công ấy, về việc cảm thấy mình chẳng có giá trị gì trong một tương tác rất đời thường, là điển hình cho nguyên nhân khiến con người ngày càng rút lui, thờ ơ và vô cảm. Tháng Một vừa qua, Gallup công bố báo cáo cho thấy mức độ gắn kết của nhân viên đang ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm, dù các doanh nghiệp vẫn đổ hàng tỷ đô vào các chương trình phúc lợi và “chăm sóc nhân viên”.
Hai con số nổi bật trong khảo sát đó: chỉ 4 trên 10 nhân viên thực sự đồng ý rằng có người ở nơi làm việc quan tâm đến họ như một con người, và chỉ 30% tin rằng tiềm năng của mình được ghi nhận và đầu tư phát triển. Một khảo sát khác còn cho thấy 30% người tham gia cảm thấy “mình vô hình” ở nơi làm việc.
Nhìn lại, không có gì khó hiểu khi cụm từ “quiet quitting” – tạm dịch là “nghỉ việc trong im lặng”, lan truyền mạnh mẽ khắp thế giới, hay phong trào “nằm thẳng” của giới trẻ Trung Quốc bùng nổ như một lời kháng cự với môi trường làm việc kiệt sức và thiếu sự công nhận. Đây không phải là dấu hiệu của sự lười biếng. Mà là phản ứng dễ hiểu trước cảm giác bị xem là không quan trọng, mãi mãi là người ngoài cuộc.
Có lẽ, hậu quả đáng lo ngại nhất của tình trạng thiếu hụt cảm giác được trân trọng chính là tác động của nó đến sức khỏe của chúng ta.
Năm 2022, nhà nghiên cứu Amanda Krygsman thuộc Đại học Ottawa đã theo dõi hơn 450 người trưởng thành trong suốt bốn năm. Bà phát hiện ra một vòng luẩn quẩn: cảm giác mình không có giá trị tiên đoán nguy cơ trầm cảm trong tương lai, và các triệu chứng trầm cảm lại tiếp tục dẫn đến cảm giác bản thân không được trân trọng. Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho hàng loạt nghiên cứu dài hạn trước đó, tất cả đều chỉ ra mối liên hệ rõ ràng giữa cảm giác bị xem thường và các vấn đề tâm lý ngày càng nặng nề.
Nhưng tổn thương không chỉ nằm ở tinh thần. Việc cảm thấy mình không có giá trị kéo dài còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất. Năm 2019, nhà xã hội học John Taylor cùng nhóm nghiên cứu đã khảo sát một nghìn người. Họ phát hiện ra rằng những ai cho biết mình không có ý nghĩa với người khác thì thường có huyết áp cao hơn và mức hormone căng thẳng cũng tăng cao hơn, chính những chất này kích hoạt phản ứng “chiến đấu hay bỏ chạy” trong cơ thể.
Đó chính là áp lực của sự vô hình, của việc đưa tay ra… mà chẳng ai đáp lại.
Nhưng tin tốt là: ta có thể thay đổi điều này. Hãy thử nhớ lại – khi nào bạn thật sự cảm thấy mình có ý nghĩa với ai đó?
Nếu bạn giống như hầu hết những người mà tôi và nhóm của mình từng đặt câu hỏi này, bạn sẽ không nghĩ đến những cử chỉ to tát như được tặng quà, được thăng chức hay nhận thêm tiền thưởng. Thứ hiện lên trong tâm trí bạn có lẽ là những điều nhỏ bé hơn: ai đó hỏi thăm bạn đúng lúc, giúp bạn vượt qua một điều khó khăn, dành thời gian để lắng nghe bạn, cảm ơn bạn vì điều gì đó, gọi tên tiềm năng trong bạn, hay đơn giản là cho bạn thấy họ tin cậy bạn.
Cảm giác mình có ý nghĩa được tạo ra từ những khoảnh khắc giản dị. Những cuộc phỏng vấn cho thấy ba yếu tố thường xuất hiện trong những khoảnh khắc ấy: được chú ý, được công nhận, và được cần đến.
Ta có thể rèn luyện khả năng chú ý bằng cách sống chậm lại, tập lại thói quen quan sát sâu sắc và để tâm đến những chi tiết trong cuộc sống của người khác, từ người giao hàng đến người thân trong gia đình hay đồng nghiệp nơi công sở. Ta có thể công nhận người khác bằng cách nói ra sự khác biệt mà họ tạo ra cho mình, và gọi tên những phẩm chất riêng biệt mà họ mang đến cho cuộc đời hay công việc của ta. Ta có thể cho họ thấy ta tin cậy họ bằng một lời như: “Nếu không có bạn thì…”, nhắc họ nhớ rằng họ là phần không thể thiếu.
Chúng ta sẽ không thể xoa dịu nỗi cô đơn, sự thờ ơ và khủng hoảng sức khỏe tinh thần chỉ bằng những chương trình, nền tảng hay chiến dịch. Ta chỉ có thể làm được điều đó bằng cách hiện diện trong từng tương tác, và đảm bảo rằng người đối diện cảm nhận được: Họ đang được nhìn thấy. Được lắng nghe. Và được trân quý.
Một câu ngạn ngữ của người Navajo về lòng hiếu khách đã nói thay điều ấy thật đẹp: “Hãy luôn giả định rằng người khách của bạn đang mệt, đang đói và đang lạnh, và cư xử sao cho tương xứng.”
Và có lẽ, với những gì ta đang chứng kiến hôm nay, ta nên có một quy tắc bất thành văn cho tất cả chúng ta: Hãy luôn mặc định rằng những người xung quanh đang cảm thấy vô hình, không được lắng nghe và không được trân trọng, và hãy cư xử sao cho thật xứng đáng với điều đó.
Tác giả: Zach Mercurio Ph.D.
Nguồn: Why So Many People Feel Like They Don’t Matter | Psychology Today