Về sự tự thương hại

Chúng ta học cách tự thương hại bản thân từ khi còn nhỏ. Dù trên lý thuyết, ai cũng ghét điều đó.
Đó là một chiều Chủ nhật đầy nắng. Bạn chín tuổi. Bố mẹ không cho bạn ăn kem nếu chưa làm xong bài tập toán. Thật là bất công đến nhói lòng. Trong khi đó, mọi đứa trẻ khác trên thế giới này đều đang đá bóng hay xem tivi. Không ai có người mẹ nào tàn nhẫn như mẹ bạn. Thật là khủng khiếp.
Chúng ta học cách tự thương hại bản thân từ khi còn nhỏ. Dù trên lý thuyết, ai cũng ghét điều đó. Sự tự thương hại mang vẻ xấu xí, vì nó phô bày cái tôi dưới dạng nguyên thủy nhất: một sự thất bại trong việc đặt nỗi đau của mình vào bức tranh lớn hơn của lịch sử nhân loại. Nó cho thấy việc ngón chân mình bị đau có thể quan trọng hơn cả triệu người chết ở một miền đất xa xôi.
gustave courbet, the desperate man, 1845
Không ai dễ dàng thừa nhận rằng mình đang tự thương hại bản thân. Nhưng nếu chúng ta thành thật, thì ở một mức độ nào đó, cảm giác ấy vẫn âm ỉ trong ta rất lâu, và điều đó hoàn toàn dễ hiểu. Sự tự thương hại phản ánh một nghịch lý tất yếu: ta phải học cách chăm sóc chính mình, phải đứng về phía mình, dù rằng không phải lúc nào ta cũng là người xứng đáng nhất hay đáng thương nhất.
Khi đối diện với sự tự thương hại – dù ở bạn bè, người thân, hay chính bản thân mình – ta thường có xu hướng trở nên nghiêm khắc. Xã hội xem tự thương hại là một khuyết điểm tồi tệ, và những ai bị cuốn vào cảm giác ấy cần được nhắc nhở thẳng thừng rằng họ thực ra may mắn đến mức nào. Làm sao họ dám than vãn về việc phải làm bài tập toán? Họ không biết rằng có những đứa trẻ mắc bệnh hiểm nghèo vẫn ước ao được ngồi làm toán sao? Chưa có công việc như ý? Đừng kêu ca nữa: hãy nghĩ đến những người đang làm việc trong hầm vàng Ndassima ở Cộng hòa Trung Phi.
Nhưng để đối phó với sự tự thương hại (dù ở chính mình hay người khác), ta cần nhớ một điều mà chiến lược trên, dù thiện chí, lại hoàn toàn bỏ sót: sự tự thương hại thực ra là một thành tựu quan trọng. Hãy thử tưởng tượng nếu chúng ta không thể cảm thấy thương hại bản thân thì sẽ ra sao. Khi bạn nghĩ về một bậc cha mẹ an ủi con mình, họ thực chất đang dạy đứa trẻ cách tự chăm sóc bản thân. Dần dần, chúng ta học cách nội tâm hóa thái độ ấy và tự cảm thấy tội nghiệp cho mình khi chẳng ai làm điều đó thay. Điều này không hẳn hoàn toàn hợp lý, nhưng nó là một cơ chế đối phó, một lớp vỏ bảo vệ đầu tiên mà ta phát triển để ứng phó với những thất vọng và khó khăn khổng lồ mà cuộc đời ném vào mình. Thái độ phòng thủ của sự tự thương hại không phải lúc nào cũng đáng khinh. Nó bắt nguồn từ một điều gì đó rất đáng yêu và hữu ích.
raphael, madonna in the meadow, 1506
Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta cố gắng né tránh những sự thật đau đớn về sự bất toàn và thất bại của mình. Nhưng vấn đề là làm thế nào để dần dần vượt qua cảm giác tự thương hại, và câu trả lời luôn luôn là: thông qua một bầu không khí hỗ trợ và dịu dàng. Rất ít người trong chúng ta cải thiện bản thân nhờ những lời la mắng. Sự tự thương hại nên được giải quyết không phải bằng sự chỉ trích gay gắt, mà bằng cách nhẹ nhàng hướng ta đến một góc nhìn tốt hơn, một sự phê bình công bằng: có lẽ ta đã làm sai một chút, có lẽ vấn đề này ngày mai sẽ không còn quá nghiêm trọng… Nếu những điều đó có thể thấm nhuần, thì nhu cầu né tránh thất bại hay trốn tránh trách nhiệm sẽ giảm bớt. Sự tự thương hại không còn cảm thấy cần thiết nữa. Chúng ta học được qua sự an ủi, chứ không phải qua những lời trách cứ gay gắt – cho dù lời chỉ trích ấy có chính xác đến đâu.
Lối thoát khỏi sự tự thương hại chính là một quá trình trưởng thành. Ta dần nhận ra rằng, người khác không phải lúc nào cũng khắt khe quá mức khi chỉ ra khuyết điểm của ta. Và ta cũng hiểu rằng, những đau khổ của mình chỉ là một phần trong bức tranh rộng lớn của nỗi buồn nhân loại. Điều này không có nghĩa là nỗi đau của ta không quan trọng. Ngược lại, mọi nỗi đau đều quan trọng và có thể kết nối những con người đau khổ thành một cộng đồng lớn. Khi đủ thời gian để nhìn lên khỏi nỗi buồn của mình, ta có thể cảm nhận sự cảm thông lẫn nhau.
Nỗi đau không nhất thiết phải khiến ta cô lập; nó cũng có thể đưa ta đến gần người khác hơn. Khi ta rời xa sự tự thương hại, ta bước vào một thế giới mà khổ đau là điều không thể tránh khỏi, và thất bại là điều bình thường. Ta không phải là người duy nhất bị chọn ra để chịu đựng. Thực ra, khi nhìn lại từ một góc độ cao hơn, ta thậm chí có thể không còn thấy sự tự thương hại là điều gì quá kỳ lạ hay đáng chê trách. Cơ chế phòng vệ thô sơ ấy – đổ lỗi cho người khác và phóng đại nỗi đau của mình – cũng xứng đáng nhận được một chút cảm thông: xứng đáng được thương hại.
Đó chính là tiến bộ thật sự, một trạng thái tâm hồn có thể được tôn vinh bằng một cái tên đặc biệt: ý thức cao hơn.
Nguồn: ON SELF-PITY