Bạn có quyền được buồn

ban-co-quyen-duoc-buon

Một trong những áp lực nặng nề và dai dẳng nhất mà chúng ta chịu đựng là áp lực phải “ổn”.

Một trong những áp lực nặng nề và dai dẳng nhất mà chúng ta chịu đựng là áp lực phải “ổn”. Trừ những tình huống cực kỳ khắc nghiệt, ta luôn phải chứng tỏ rằng mình đang xoay xở ổn thỏa, rằng mình đang đi đúng hướng, rằng mọi thứ với ta căn bản đều ổn. Ta buộc phải mỉm cười để khẳng định mình vẫn là một phần của thế giới này.

Không phải là ta không muốn trung thực về những lúc buồn bã, mất động lực hay tuyệt vọng; chỉ là ta không muốn phải trả giá cho việc đó. Ta giả vờ vui vẻ để tránh phải chịu thêm nỗi buồn từ những phản ứng không như ý của người khác. Nếu ta thật sự bộc lộ nỗi lòng, ta biết rằng một số thành viên gia đình sẽ hoảng sợ, đồng nghiệp có thể không bao giờ nhìn ta như trước nữa, và bạn bè thân thiết sẽ đối xử như thể ta đang rơi vào một cơn khủng hoảng sống động cần phải nhanh chóng giải cứu – thay vì hiểu rằng ta chỉ đang ở trong một trạng thái bình thường, chỉ cần sự cảm thông và một chút chia sẻ nhẹ nhàng.

Xã hội tất nhiên vẫn cho phép ta được suy sụp, thậm chí cho phép ta điên cuồng một thời gian. Nhưng chỉ với điều kiện: rằng ta sẽ phục hồi. Nỗi buồn chỉ được chấp nhận như một màn mở đầu cho sự tái sinh và vươn lên. Văn hóa Mỹ – nơi ảnh hưởng lớn đến quan điểm của cả thế giới – đặc biệt rạch ròi trong quan điểm này. Ly hôn, nghiện ngập, đổ vỡ gia đình, phá sản… tất cả đều có thể được chấp nhận, nhưng phải nằm trong một câu chuyện vượt qua và chiến thắng. Cuộc đời phải được “làm mới” và khoe lên mạng xã hội: ta sẽ tham gia chương trình 12 bước, rời bỏ người bạn đời “tự ái” vốn dĩ, học cách đặt ra “giới hạn” và nói lời tạm biệt với những “mối quan hệ độc hại” đang được gọi tên nhiều nhất hiện nay.

Thế giới từng thông thái hơn. Dù hiện nay ta vẫn cúi đầu ngưỡng mộ đạo Phật, ta lại chẳng mấy ai có thời gian để thấm được thông điệp cốt lõi của Đức Phật: đời là bể khổ. Nói cách khác, nỗi buồn của ta không phải chỉ từ một vài trắc trở bất chợt trên con đường thành công, mà từ tận gốc rễ. Ta khổ vì bản chất yếu đuối, mù mờ, vô phương tự vệ của con người, bị giới hạn trong khoảng thời gian ngắn ngủi trong một vũ trụ ngẫu nhiên, vô tâm, rồi cuối cùng cũng bị cuốn vào sự khắc nghiệt nào đó khi vũ trụ quyết định. Nếu nhìn bằng con mắt thấu đáo, điều kỳ diệu không phải là ta thường buồn, mà là ta vẫn còn có lúc không buồn.

Chúng ta – những kẻ trầm uất – đừng tiếp tục chịu đựng sự hành hạ của những người lúc nào cũng phơi phới niềm vui. Ta không cần được phép để buồn, cũng chẳng cần biện minh lý do. Chỉ riêng việc tồn tại đã là quá đủ. Với hầu hết những nỗi buồn, chẳng có cách nào sửa chữa được – chỉ có vài sự an ủi: vài nụ cười đen tối, một bồn nước nóng, những người bạn bi quan đồng cảm, chút sô-cô-la, âm nhạc, và bạn đồng hành là thú cưng hay những đứa trẻ dưới năm tuổi.

Đừng để nỗi buồn thêm sâu khi nghĩ rằng nó là vô lý hay khác thường. Đằng sau những nụ cười, có nhiều người còn buồn hơn những gì họ dám thừa nhận. Một xã hội thật sự tiến bộ là xã hội cho phép bi kịch có đủ thời gian và sự chú ý mà nó xứng đáng, không bắt ép hạnh phúc lên những tâm hồn yếu đuối và những người vẫn âm thầm chịu đựng đau khổ của riêng mình.

Nguồn: YOU HAVE PERMISSION TO BE MISERABLE - The School Of Life

menu
menu