Biến hiệu suất thành thói quen

Hãy tưởng tượng một người cực kỳ hiệu quả. Cuộc sống của họ tràn đầy những thói quen lý tưởng. Họ luôn dành buổi chiều thứ Tư để nghỉ ngơi
Hãy tưởng tượng một người cực kỳ hiệu quả. Cuộc sống của họ tràn đầy những thói quen lý tưởng. Họ luôn dành buổi chiều thứ Tư để nghỉ ngơi (trừ khi có khủng hoảng) và chơi tennis hoặc đi bơi. Họ luôn ngồi vào bàn làm việc lúc 8 giờ 30. Họ luôn gửi lời cảm ơn lịch sự khi nhận được sự giúp đỡ tận tình hay khi ai đó cố gắng hết mình vì họ. Họ luôn dành thời gian để chỉnh sửa khung chính của một tài liệu trước khi phát triển chi tiết. Họ luôn đọc kỹ lại tin nhắn để kiểm tra lỗi chính tả hoặc nội dung trước khi gửi. Họ luôn lưu trữ các tài liệu quan trọng ngay sau khi nhận được hoặc hoàn thành. Họ có những ngày cố định để dọn dẹp tất cả các tệp của mình.
Ta thường có xu hướng xem những người như thế là một kiểu tính cách đặc biệt, như thể họ sinh ra đã thế. Ta tưởng tượng rằng từ thời mẫu giáo, họ đã luôn cởi giày trái trước giày phải; rằng họ vừa đáng ngưỡng mộ (vì cuộc sống của họ có vẻ yên bình hơn), vừa kỳ dị đến khó gần. Ta nghĩ không thể học hỏi gì từ họ, chỉ có thể quan sát và trầm trồ.
© flickr/becky wetherington
Thực ra, con người vốn rất giỏi trong việc hình thành thói quen. Vấn đề là nhiều yếu tố văn hóa đã vô tình làm cho việc xây dựng thói quen trở thành một điều nhạt nhẽo và kém hấp dẫn. Đôi khi, “thói quen” thậm chí còn bị coi như một từ tiêu cực – gợi lên hình ảnh đáng thương, tẻ nhạt, và có phần đáng chê trách. Hình tượng về một người sống theo thói quen là ông già ngồi bên lò sưởi, đi đôi dép cũ, phì phèo điếu thuốc tẩu, mỗi ngày đều đọc cùng một trang báo, và bật ti vi đúng giờ bản tin quen thuộc.
Muốn giỏi hơn trong việc xây dựng thói quen, ta cần:
1. Đánh giá cao giá trị của thói quen
Đừng xem thói quen như một cánh cửa đóng kín, một dấu chấm hết cho tự do, hay sự chiến thắng của cái tầm thường trước cá tính. Đúng là có những thói quen tẻ nhạt, vô ích, điều đó không sai. Nhưng bản thân việc biến một điều gì đó thành thói quen – nhờ đó trở nên dễ dàng và đáng tin cậy – không hề là điều xấu. Thực tế, thói quen có thể trở nên quyến rũ, nếu đó là những thói quen có ích.
2. Đặt thời gian cụ thể
Nhà thơ lãng mạn Wordsworth từng viết rất nhiều về vẻ đẹp của mặt trăng:
“Hỡi kìa, mặt trăng giăng khắp trời,
Theo con đường hạnh phúc rạng ngời.
Khi ẩn khuất, khi tỏ hiện,
Mây tan, dung nhan bừng sáng chói ngời.”
Wordsworth hy vọng mọi người sẽ chia sẻ trải nghiệm của mình, thường xuyên ngắm nhìn mặt trăng, có thể vào một buổi tối dạo bước trên đồi (hay chỉ là ghé qua tiệm tạp hóa) và ngước mắt lên trời.
Nhưng ông không thể khiến chúng ta yêu mến mặt trăng lâu dài, vì ông không chú trọng đến việc tạo thói quen. Ông để sự quan tâm của ta với mặt trăng phụ thuộc vào cảm hứng thoáng qua của mỗi cá nhân.
Ngược lại, người Nhật có một nghi lễ ngắm trăng mang tên Tsukimi, được ấn định vào các ngày cụ thể: ngày 15 tháng 8 và ngày 13 tháng 9 theo âm lịch. Bạn không cần chờ đợi cảm hứng bất chợt, cũng không cần tình cờ bắt gặp một bài thơ để khơi gợi cảm xúc. Lịch trình đã lo liệu tất cả: bạn phải dành thời gian chiêm ngưỡng mặt trăng.
Cách tiếp cận này nghe có vẻ ít lãng mạn hơn, nhưng lại phù hợp với bản chất con người. Sự thật là chúng ta thường cần những lời nhắc nhở và thúc giục để làm việc gì đó. Và điều này hoàn toàn không có gì đáng xấu hổ. Bạn đặt lịch, viết vào sổ tay, và coi đó như một cuộc hẹn với chính mình.
Khi một hoạt động được lặp lại đủ thường xuyên, nó sẽ trở thành thói quen. Sau khoảng sáu tuần, bạn sẽ không còn cần phải nhìn vào lịch, mà sẽ tự nhớ. Mỗi lần sau đó, việc lặp lại càng trở nên dễ dàng, tự nhiên, và hành vi ấy dần được củng cố như một phần của bạn.
© flickr/ryan ozawa
3. Có người kiểm tra
Thói quen cuối cùng sẽ trở thành bản năng thứ hai, bạn làm mọi việc mà không cần nghĩ ngợi nhiều. Nhưng để đạt được điều đó, ta cần vượt qua giai đoạn đầu đầy khó khăn, khi ta phải ép mình làm những điều ngược lại với bản năng. Ta phải buộc mình ra khỏi giường sớm hơn, hoặc làm việc ngoại tuyến thay vì lướt mạng. Lúc này, sự cám dỗ để từ bỏ rất lớn – nhất là khi ta cảm thấy kiệt sức.
Quân đội từ lâu đã khai thác hiệu quả của việc kiểm tra trong quá trình rèn luyện thói quen. Ban đầu, khi bạn còn lưỡng lự là ủi quần hay đánh bóng giày, sẽ có người đến kiểm tra. Và người đó thường khó tính. Nhưng không phải kiểm tra mãi mãi. Qua thời gian, hầu hết mọi người đều tự nội tâm hóa những tiêu chuẩn ấy. Thậm chí khi đã rời quân ngũ, họ vẫn tiếp tục là ủi quần với những nếp ly sắc nét và đánh giày bóng loáng.
Việc phải báo cáo cho ai đó mang lại một động lực nhỏ nhưng cần thiết, giúp ta bám trụ khi dễ dàng nhất để buông bỏ. Và chính điều này cho thói quen thêm thời gian để ăn sâu vào nếp sống.
Cách rèn luyện thói quen hiệu quả đôi khi sẽ trông hơi kỳ lạ, nhưng điều đó không sao cả. Nó chỉ cho thấy ta đang vượt qua những quan niệm sai lầm nhưng phổ biến về cách mọi việc được thực hiện. Trong một thế giới mà sự kém hiệu quả là tiêu chuẩn, để trở thành một người hiệu quả, bạn cần học cách hành động khác biệt – thậm chí có phần lập dị.
Nguồn: HOW TO MAKE EFFICIENCY A HABIT – The School Of Life