Làm sao để công việc không nuốt chửng cuộc đời bạn (The School Of Life - bài dài 16.037 chữ)

lam-sao-de-cong-viec-khong-nuot-chung-cuoc-doi-ban-the-school-of-life-bai-dai-16-037-chu

4 giờ 30 chiều, thứ Năm. Chiếc máy bay vẫn còn nằm yên trên đường băng ở sân bay Milan-Linate,

©Flickr/Jean-Etienne Minh-Duy Poirrier

4 giờ 30 chiều, thứ Năm. Chiếc máy bay vẫn còn nằm yên trên đường băng ở sân bay Milan-Linate, chờ cất cánh về Heathrow. Ellie buộc mình mở laptop ra. Ngoài cửa sổ: phần đuôi của một chiếc Airbus A320 lấp lánh trong ánh sáng chiều; xa xa là một dải cây tối sẫm. Tập tài liệu về tiêu chuẩn môi trường của Tate and Lyle cần được chỉnh sửa nhiều sau cuộc họp về nhà máy ở Brindisi. Cô uống một ngụm nước khoáng. Sáng mai lại phải dậy sớm lần nữa.

Người ngồi phía trước (chỉ lấp ló thấy qua khe ghế) đang lật tạp chí, cứ mỗi lần lật trang lại liếm đầu ngón tay giữa. Có ba email liên quan đến hợp đồng ở Rotterdam, và một loạt ảnh từ bữa tiệc sinh nhật chị gái tối qua — Ellie đã lỡ mất, cách đó chừng 939 dặm.

Tiếp viên mang báo đến — cô thật ra không có thời gian đọc, chỉ liếc qua vài dòng tiêu đề của tờ Guardian: kinh tế Mexico không đạt kỳ vọng tăng trưởng, số vụ tố cáo hiếp dâm gia tăng ở Anh và xứ Wales, tranh chấp đất đai đang châm ngòi cho bạo lực đẳng cấp ở Ấn Độ. Một tin nhắn từ bạn trai: "Em đã đổi điều khoản bảo hiểm nhà chưa?" Chưa! (Và anh có thể thôi làm phiền em ngay cả khi em đang ở trên máy bay được không!)

Loa bắt đầu phát thông báo an toàn bay. Có người nhắc đến một anh bạn hồi đại học — giờ đang làm trong lĩnh vực bất động sản, nghe nói còn có cả máy bay riêng. Hồi ấy cô từng học một khoá về Hy Lạp và La Mã cổ đại, đã lâu lắm rồi cô không nghĩ đến những chiều dài của lịch sử nhân loại. Vì sao mối quan hệ giữa cô với X lại lặng lẽ chìm xuống, từ bốn năm trước? Những ước tính chi phí kia có chính xác không? Cô chưa có một phút nào cho riêng mình kể từ khi bước ra khỏi phòng tắm lúc 6 giờ 17 sáng nay. Từ đó đến giờ, chỉ toàn công việc.

Đây chính là một trong những khoảnh khắc mà ta cảm thấy: công việc đã nuốt chửng mình. Những điều tôi thực sự muốn dành thời gian cho — như chị gái tôi, việc suy ngẫm về cuộc đời, thiên nhiên, những cuốn tiểu thuyết — đều bị đẩy lùi về mép rìa của cuộc sống. Nói trắng ra: công việc đã làm hỏng cuộc đời tôi. Nó đe doạ đến sự tỉnh táo, các mối quan hệ và cả sức khoẻ của tôi.

Bình thường, đến đoạn này là ta sẽ cảm thấy cần phải xấu hổ. Gục ngã không phải là chuyện dễ được chấp nhận. Người ta sẽ nghĩ ta than vãn, yếu đuối, tự thương hại hoặc đơn giản là không chịu được áp lực. Trong tâm trí ta luôn hiện lên hình ảnh những người giỏi giang hơn, điềm tĩnh và lúc nào cũng mỉm cười, như thể Larry Page vậy.

© joi ito/wikipedia

Và thế là ta lại quay về đổ lỗi cho chính mình. Chắc tại mình chưa đủ thông minh, chưa đủ hiệu quả, chưa đủ chín chắn về mặt cảm xúc, chưa kiểm soát được bản thân… Giá mà tôi giỏi hơn, thì mọi thứ hẳn đã đâu vào đấy.

KHI CÔNG VIỆC LÀ MỐI ĐE DỌA ĐẾN SỰ BÌNH YÊN TÂM TRÍ

Những rắc rối cá nhân đôi khi lại có cội nguồn từ lịch sử lớn lao

Trong cuộc sống thường ngày, ta hay nhìn những vấn đề của mình một cách rất cận cảnh. Có quá nhiều chuyện vụn vặt khiến ta chùng lòng. Việc thì ngập đầu. Mình nổi nóng chỉ vì một chuyện nhỏ xíu. Mình lo không biết có đủ tiền mua nhà không. Người yêu thì cứ đòi hỏi quá mức. Mình ngủ cũng chẳng ngon. Đôi khi tự hỏi: tất cả những chuyện này là để làm gì? Nhưng thời gian để mà ngẫm nghĩ thì hiếm hoi lắm. Lại thấy tội lỗi vì đã lâu chẳng chịu vận động cho ra hồn.

Những gì ta thấy là triệu chứng. Nhưng lại thật khó để nhận ra liệu có một nguyên nhân sâu xa nào đó, mạnh mẽ hơn, đang ẩn phía sau những mệt mỏi và phiền toái vụn vặt kia hay không.

Chuyện phân biệt giữa triệu chứng và nguyên nhân vốn là điều dễ hiểu trong y học: ví dụ, ai đó bị đau ở ngón chân cái, da ở đó bong tróc và khô nứt. Phản xạ đầu tiên thường là: chắc hẳn có gì sai ở ngón chân, vì đau là ở đó. Nhưng thực ra, gốc rễ vấn đề không nằm ở ngón chân. Đó là do thận có vấn đề, dẫn đến việc các tinh thể urat tích tụ ở khớp ngón chân gây ra cơn đau.

Vào thập niên 1960, phong trào nữ quyền đã trỗi dậy bằng chính cách suy luận ấy: nhìn ra một nguyên nhân lớn lao, sâu xa, có thể lý giải cho rất nhiều nỗi bất mãn và cảm giác bức bối cá nhân. Cuối những năm 1950, phụ nữ khắp nước Mỹ thường nghĩ: chồng mình ích kỷ quá; ước gì mình có một công việc thú vị và tự kiếm được đồng tiền tử tế; giá như mình học hành nghiêm túc hơn ở đại học — nhưng lúc đó đâu thấy mục đích gì đâu mà cố; thật ra mình cũng không chắc là có muốn làm mẹ hay không — liệu điều đó có nghĩa là mình có vấn đề không? Mỗi ngày, mình đều thấy tù túng và bức bối.

Năm 1963, Betty Friedan đã đưa ra một lập luận gây chấn động: rằng tất cả những lời than vãn ấy — thoạt nhìn như là chuyện cá nhân riêng lẻ — thật ra là triệu chứng của một vấn đề lớn hơn, một điều mà trước đó chưa ai thực sự gọi tên. Bà gọi đó là: “vấn đề không tên.”

“Vấn đề ấy đã nằm im lìm, không lời, trong tâm trí phụ nữ Mỹ suốt nhiều năm. Đó là một cảm giác xao động kỳ lạ, một nỗi không hài lòng, một khát khao thầm lặng mà phụ nữ ở nước Mỹ giữa thế kỷ 20 phải chịu đựng. Mỗi bà nội trợ ở vùng ngoại ô phải vật lộn với nó trong cô đơn. Khi bà dọn giường, đi chợ mua đồ ăn... bà thậm chí sợ phải tự hỏi mình một câu, dù chỉ trong im lặng — ‘Chẳng lẽ tất cả chỉ có thế này thôi sao?’”

Betty Friedan: Không phải lỗi ở bạn

Betty Friedan đã nhìn lại vấn đề theo một cách hoàn toàn khác: những gì đang xảy ra không chỉ đơn thuần là rắc rối cá nhân trong cuộc sống riêng của bạn. Không phải chỉ vì mối quan hệ của bạn trục trặc, hay vì bạn không có nhiều lựa chọn trong sự nghiệp. Bạn đang gánh chịu hậu quả của một vấn đề lịch sử lớn lao. Và bà đã gọi tên nó: Chế độ gia trưởng.

Friedan chỉ ra rằng, phụ nữ đang phải sống trong một xã hội được xây dựng quanh quyền lực và cơ hội của nam giới. Họ đang cảm nhận những hệ quả sâu xa của một cấu trúc xã hội kéo dài hàng thế kỷ. Và giờ đây, phụ nữ được trao cho một lối nhìn mới – một câu chuyện lớn – về nguồn cơn của những nỗi đau, cả lớn lẫn nhỏ, mà họ vẫn đang âm thầm chịu đựng.

Chúng tôi tin rằng, nỗi khổ tâm của nữ luật sư trên chuyến bay — mà trong chừng mực nào đó, tất cả chúng ta đều có phần trong đó — cũng cần được soi chiếu từ một nguyên nhân mang tầm lịch sử.

Trong trường hợp này, vấn đề mang tên: Chủ nghĩa Hiện đại.

Chủ nghĩa Hiện đại

Chủ nghĩa Hiện đại là tên gọi của một phong trào tư tưởng từng mê hoặc giới nghệ sĩ và văn sĩ từ giữa thế kỷ 19. Bắt đầu từ Paris, rồi lan rộng đến Vienna, London và New York, các kiến trúc sư, nhà thơ, hoạ sĩ và tiểu thuyết gia bắt đầu phản ứng lại với sự bùng nổ của các đô thị, sự xuất hiện của đường sắt, sự lan tràn của báo chí và quảng cáo khắp nơi quanh họ.

Nhưng ở dạng tham vọng hơn, Chủ nghĩa Hiện đại không chỉ dừng lại ở việc phản ánh những đề tài mới — kiểu như vẽ cảnh phố xá đông đúc thay vì những câu chuyện trong Kinh thánh hay lịch sử cổ đại. Những nghệ sĩ tiên phong bắt đầu khai phá những lối thể hiện hoàn toàn mới — họ thay đổi cách vẽ của mình.

Từ những tác phẩm cổ điển được ngưỡng mộ như tranh của Claude Lorraine, nơi đề cao sự hài hoà và cân đối,

... đến những thứ như "Đĩa trái cây, lá bài Át Chuồn" (1913) của Georges Braque — một bức tĩnh vật theo phong cách Lập thể.

Braque và người bạn đồng hành Picasso khi ấy đang sáng tạo ra trường phái Lập thể. Với người xem thời đó, những tác phẩm ấy thật khó hiểu, quá rối rắm và chắp vá. Nhưng Braque và Picasso không hề có ý làm người ta khó chịu. Họ đang phát đi một tín hiệu: có điều gì đó rất quan trọng đang xảy ra — cuộc sống đang trở nên gấp gáp hơn, rối rắm hơn, sắc cạnh và phân mảnh hơn. Họ bắt đầu tạo ra những hình ảnh phản chiếu đúng những cảm giác ấy.

Cùng lúc đó, văn học cũng có những chuyển biến tương tự. Trước đây, văn chương kể chuyện theo lối thong thả và mạch lạc. Một nhà văn truyền thống thành công như Anthony Trollope luôn cẩn thận dẫn dắt người đọc hiểu rõ mọi tình tiết. Đọc tiểu thuyết của Trollope giống như trải qua một hành trình êm đềm, thoải mái; có thể hơi chậm rãi, đôi khi thiếu kịch tính, nhưng luôn mang lại cảm giác an toàn.

“Ông Wharton từng là — và trong suốt nhiều năm vẫn là — một luật sư hành nghề tại Toà án Tư pháp Công bằng, hay nói đúng hơn, là tại một Toà duy nhất trong hệ thống ấy. Suốt gần năm mươi năm làm việc, ông hầu như chưa từng rời khỏi toà án của một vị Phó Chưởng án, nơi ấy còn được biết đến nhiều hơn với tên ông Wharton hơn là tên vị thẩm phán đang ngồi xử tại đó. Cuộc đời ông quả thật đặc biệt — đầy nỗ lực, vất vả, nhưng có lẽ cũng vô cùng mãn nguyện. Ông bắt đầu hành nghề từ rất sớm, mặc áo luật sư vải thô cho đến tận khi gần sáu mươi tuổi. Khi đó, ông đã tích lũy được một gia tài lớn — phần nhiều nhờ nghề nghiệp, phần còn lại từ sự khéo léo quản lý khoản thừa kế nhỏ của mình và tiền hồi môn từ vợ. Ai cũng biết ông giàu, nhưng chẳng ai biết rõ ông giàu đến mức nào.”
(*Anthony Trollope — Thủ tướng)

Chủ nghĩa Hiện đại trong văn chương đã khước từ cách tiếp cận truyền thống ấy.

Trong chương bảy của tiểu thuyết Ulysses — lần đầu tiên xuất bản trọn vẹn vào năm 1922 — nhà văn James Joyce mô tả một trong những nhân vật chính, Leopold Bloom, bước vào một tòa soạn báo ở Dublin:

“Anh đẩy cánh cửa kính đung đưa bước vào, giẫm qua lớp giấy bọc rơi vãi dưới sàn. Len lỏi giữa hai hàng trống gõ loảng xoảng, anh tiến về phía trước.

VỚI NIỀM TIẾC THƯƠNG CHÂN THÀNH, CHÚNG TÔI XIN THÔNG BÁO VỀ SỰ QUA ĐỜI CỦA MỘT CÔNG DÂN RẤT MỰC KÍNH TRỌNG CỦA DUBLIN

Thình. Thịch. Sáng nay, thi thể ông Patrick Dignam quá cố... Máy móc. Nếu bắt được một người, chúng có thể nghiền anh ta thành bụi. Ngày nay chúng điều khiển cả thế giới.

CÁCH MÀ MỘT TỜ BÁO LỚN ĐƯỢC RA ĐỜI

Chính các mẩu quảng cáo và chuyên mục phụ mới bán được báo tuần, chứ không phải tin cũ rích trên công báo. Nữ hoàng Anne đã băng hà. Được công bố bởi thẩm quyền vào năm một nghìn không trăm lẻ. Vùng đất tọa lạc tại thị trấn Rosenallis, thuộc lãnh địa Tinnahinch. Gửi tới những ai có liên quan bản kê theo quy định, liệt kê số lượng la và ngựa cái xuất khẩu từ Ballina. Ghi chú thiên nhiên. Tranh biếm hoạ. Câu chuyện Pat và Bull hàng tuần của Phil Blake. Trang của bác Toby dành cho các bé mầm non.”

Không có gì lạ khi những độc giả hoài nghi thời bấy giờ nghĩ rằng Joyce hoàn toàn không biết cách kể chuyện. Thật khó mà theo dõi được điều gì đang diễn ra: tất cả dường như chỉ là mớ hỗn độn của những suy nghĩ rời rạc.

Nhưng thực ra Joyce có một chủ đích nghiêm túc: ông đang cố tái hiện lại cái mà ông cho là sự hỗn loạn của trải nghiệm hiện đại. Trong cái nhìn của Joyce, thế giới bên trong tâm trí chúng ta giờ đây trông giống như thế này: bồn chồn, phân tán, và rối ren.

Chúng ta thường nghĩ Chủ nghĩa Hiện đại là một phong trào nghệ thuật, một dòng chảy văn hoá. Nhưng đã đến lúc ta cần nhìn lại nó như một điều gì đó hữu ích cho chính mình, ngay cả khi đang ngồi trên chuyến bay trở về nhà — một điều phản chiếu những khía cạnh bất an sâu kín nhất trong nội tâm con người giữa thế giới hiện đại.

Những nghệ sĩ như Joyce và Braque đang dõi theo một quá trình vẫn còn đang tiếp diễn ngay trong cuộc sống hôm nay của chúng ta: đánh mất bình yên.

Và có ba nguyên nhân sâu xa cho sự đánh mất ấy: quá tải, ganh đua, và đố kỵ.

Chủ nghĩa Hiện đại – Phần Một: Quá tải

Ngày nay, người ta kỳ vọng ta phải luôn sẵn sàng cho công việc, bất kể giờ giấc. Ý niệm về một khung giờ làm việc cố định, rõ ràng dường như không còn là điều tự nhiên nữa. Về bản chất, bạn chỉ thực sự không làm việc khi công việc không thể nào tìm được đến bạn. Nếu bạn không thể thoát ra khỏi tầm với của công việc, thì cũng chẳng bao giờ thật sự được rời xa nó.

Việc ta “bận rộn” tuỳ thuộc vào việc người khác dễ dàng giành lấy sự chú ý của ta và đưa ra yêu cầu đến đâu. Mà mức độ bận rộn ấy đã ngày càng tăng suốt nhiều thế kỷ qua — bởi chính những bước tiến trong công nghệ kết nối.

Vào đầu thế kỷ 18 ở Scotland, bạn có thể tìm đến nhà ai đó vào giữa mùa hè — mong họ làm giúp mình điều gì đó — nhưng lại được báo rằng người ấy đã “đi London” và “sẽ trở về vào dịp Giáng sinh.” Nếu có việc gấp, bạn hoàn toàn có thể lên xe ngựa rong ruổi mười ngày đêm để đuổi theo họ. Hoặc bạn có thể gửi thư — mất 110 tiếng và tiêu tốn hai shilling, tương đương hai ngày lương công nhật.

Nhưng rồi mọi thứ dần trở nên nhanh hơn, rẻ hơn. Công nghệ ngày càng tinh vi. Đến năm 1840, một bức thư chỉ còn mất 33 tiếng để tới nơi, và chi phí giảm xuống chỉ còn một xu (khoảng 5 bảng ngày nay). Tuy nhiên, nếu người bạn cần liên hệ đã đi ra nước ngoài, họ sẽ gần như “mất hút” hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Ít nhất là cho đến năm 1866, khi tuyến cáp điện tín đầu tiên thành công được đặt băng qua Đại Tây Dương; dù vậy, nếu họ sang tận Úc thì vẫn "an toàn" cho đến tháng Mười năm 1872.

Từ những năm 1930 trở đi, máy điện báo (telex) ra đời, cho phép công việc đuổi theo bạn. Hồ sơ, tài liệu dày cộp có thể được gửi đi khắp thế giới, khiến bạn không còn cái cớ “tôi không mang theo tài liệu” nữa. Dẫu vậy, telex vẫn còn đắt đỏ và yêu cầu vận hành chuyên biệt, nên mức độ sử dụng còn hạn chế.

Tới năm 1993, email giải quyết tất cả những điều đó — khiến chi phí liên lạc gần như bằng không. Khi ấy, bạn còn có thể hợp lý khi nói rằng mình “không nhận được email” vì đang đi tàu, ở sân bay, hay vừa bước ra ngoài ăn trưa.

Cho đến năm 2007 — khi điện thoại thông minh trở thành vật bất ly thân. Giờ thì gần như không còn khoảng thời gian nào mà bạn thực sự "vô hình" nữa: có chăng là khi đang tắm — dù giờ cũng có bao da chống nước cực tốt. Hoặc, bạn có thể lánh mình đến Vườn quốc gia Big Bend ở Texas — nơi mà tín hiệu vệ tinh vẫn còn là điều xa vời.

Lịch sử của công nghệ truyền thông, dĩ nhiên, có thể được kể như một bản trường ca thành công. Nhưng nó cũng chính là bản ghi chép về cuộc xâm lấn dần dần vào không gian riêng tư. Ngày trước, ta từng được bảo vệ bởi chính những rào cản. Người khác không thể dễ dàng đưa ra yêu cầu với ta — dù họ có muốn đến đâu đi nữa. Và ta chẳng quen nghĩ rằng, những rào cản từng là một phần quý giá của tự do.

Chủ nghĩa Hiện đại – Phần Hai: Cạnh tranh

Rõ ràng, cạnh tranh là một yếu tố then chốt trong nền kinh tế hiện đại. Các chính phủ trên khắp thế giới đều cổ vũ cho cạnh tranh, bởi nó thường mang lại lợi ích cho người tiêu dùng: giá rẻ hơn, sản phẩm phong phú hơn.

Trong thế kỷ 20, người cổ vũ nhiệt thành nhất cho cạnh tranh là nhà kinh tế học người Áo Friedrich Hayek — người được xem như “kiến trúc sư trí tuệ” của những trung tâm thương mại hào nhoáng.

Cạnh tranh được thiết kế để phục vụ người mua, chứ không phải doanh nghiệp. Và phần thưởng là: khi ta đi mua sắm, ta được lựa chọn nhiều hơn và trả giá thấp hơn.

Nhưng cái giá phải trả lại nằm ở chính đời sống công việc của ta. Cạnh tranh khốc liệt khiến các công ty phải vật lộn để giành được khách hàng. Người tiêu dùng được khuyến khích là phải “thay lòng đổi dạ” — có càng nhiều lựa chọn càng tốt, và luôn sẵn sàng đi theo nơi có giá hoặc sản phẩm hấp dẫn hơn.

Doanh nghiệp buộc phải liên tục cải tiến, giảm giá, nâng chất lượng. Công ty nào dậm chân tại chỗ sẽ ngay lập tức bị đối thủ vượt mặt. Lý tưởng mà nói, cạnh tranh chính là cách để giữ lợi nhuận trong giới hạn — nếu một công ty làm ăn phát đạt, thì đó chính là lời mời gọi các đối thủ nhảy vào, hạ giá, thu hẹp biên lãi. Một thị trường “hiệu quả” thực ra là nơi ngày càng khó để kiếm lời.

Sự cạnh tranh nội bộ trong mỗi công ty cũng khiến nhân viên trở thành đối thủ của nhau. Ai giỏi thì được tưởng thưởng hậu hĩnh, nhưng luôn có nguy cơ bị “thanh lọc” nếu không đạt hiệu suất. Cạnh tranh cũng đồng nghĩa với việc nhiều công ty sẽ phải đóng cửa. Một thị trường thật sự hiệu quả là một nơi làm việc đầy áp lực — nơi bạn luôn nơm nớp lo sợ công ty phá sản.

Chúng ta đã đánh đổi niềm vui của người tiêu dùng bằng chính sự mỏi mệt của người lao động. Ta từng có lựa chọn: xây dựng một nền kinh tế vì người làm việc, hay vì người mua hàng. Nhưng cuối cùng, hình ảnh người tiêu dùng đã lấn át hình ảnh người lao động trong ta.

Cái giá phải trả là quá lớn: giờ đây, ai đi làm cũng mệt mỏi. Hiệu suất kéo theo âu lo, giờ làm kiệt sức, và một sự bấp bênh luôn thường trực.

Những điều quen thuộc thường khiến ta nghĩ đó là “tự nhiên”. Nhưng thực ra, việc những người làm công việc điều hành lại phải lao lực đến thế là điều cực kỳ bất thường. Lịch sử cho ta thấy ta đang vận hành vượt xa mức bình thường ra sao.

Triết gia John Stuart Mill từng làm việc tại London cho một tập đoàn hùng mạnh — Công ty Đông Ấn — từ năm 1823 đến 1858. Ông chủ yếu đảm trách công việc hoạch định chính sách và kết thúc sự nghiệp trong một vai trò cấp cao, với chức danh: “Người Kiểm soát”. Đây là một vị trí đầy trách nhiệm; nhiều lần ông phải ra điều trần trước các ủy ban quốc hội thay mặt công ty. Và lương của ông rất hậu hĩnh — 2.000 bảng, hơn 20 lần thu nhập trung bình khi ấy.

Thế nhưng, trong khi vẫn đảm nhiệm vị trí đó, Mill vẫn kịp viết ra nhiều tác phẩm triết học lớn có ảnh hưởng sâu rộng — trong đó có hai công trình đồ sộ: Hệ thống Logic học (1843) và Những nguyên lý của Kinh tế chính trị (1848).

Mill làm được tất cả những điều ấy là bởi vào hầu hết các buổi chiều, văn phòng của Công ty Đông Ấn yên tĩnh đến lạ. Ông có thể ngồi tại bàn làm việc, tiếp tục những dự án riêng của mình. Không ai tỏ ra bực bội hay khó chịu vì điều đó. Ngược lại, họ còn khâm phục tinh thần làm việc đầy nghiêm túc của ông.

john stuart mill
bằng ý chí kiên cường
đã gác lại bản tính vui vẻ tự nhiên
để viết về kinh tế chính trị
(một câu thơ do G.K. Chesterton viết, được chúng tôi trau chuốt lại)

Trong bản báo cáo gửi Uỷ ban Điều tra Giáo dục của chính phủ Anh năm 1864, nhà thơ kiêm công chức nhà nước Matthew Arnold đã khuyên nên áp dụng khung giờ làm việc của giáo viên Pháp: “Một thầy giáo tại trường trung học Pháp (Lycée) có ba, bốn hoặc năm tiếng mỗi ngày để dạy và tham gia hội thảo, rồi sau đó là thời gian tự do.” Ông đưa ra đề xuất này để phản đối tình trạng ở Anh khi giáo viên ngoài giờ dạy còn phải giám sát học sinh chơi thể thao, coi như làm thêm giờ không tên.

Arnold và Mill – những nhân vật uy tín và đáng kính – cho ta thấy rằng, trong thế giới chuyên môn của thế kỷ 19, làm việc khoảng 20 giờ một tuần là chuyện hoàn toàn bình thường. Họ không hề là những người lười biếng hay sống ngoài lề sự nghiệp. Họ dùng thời gian rảnh của mình để theo đuổi những công việc ý nghĩa và đầy tham vọng.

Chính nhờ vậy, một triết gia hàng đầu có thể vẫn đảm đương một công việc kinh doanh quan trọng, và một nhà thơ lớn vẫn có thể là một viên chức cao cấp trong bộ máy hành chính.

Matthew Arnold — nổi tiếng với lối sống ung dung, làm thơ, và cũng là người đặt nền móng cải cách cho nền giáo dục hiện đại.

Ở một góc nhìn nào đó, có thể nói rằng chúng ta thật thiếu may mắn khi đang sống trong thời đại của sự cạnh tranh thương mại khốc liệt. Ý niệm về “vận rủi lịch sử” thật ra rất dễ hiểu: cuộc đời mỗi người đơn giản là bị cuốn trôi trong bối cảnh của những biến cố lớn lao. 1938 là một năm đầy bất hạnh để vừa tròn 21 tuổi. Một tâm hồn hiền lành, đầy thiện ý bước vào đời – và chạm mặt một cơn ác mộng của lịch sử.

Chúng ta có thể cảm được rằng có những thời kỳ trong quá khứ vô cùng gian khổ. Nhưng thách thức của thời nay lại không mang dáng vẻ bi kịch dữ dội như thế – mà là thứ âm ỉ, len lỏi, giăng mắc khắp nơi.

Chỉ cần nhìn vào sự khác biệt giữa cuộc sống của John Stuart Mill và của chúng ta hôm nay, đã đủ để thấy sự chênh lệch đến phi thường (và đó là chưa kể đến giá nhà, hay giá trị của một đồng lương trung lưu ở London ngày ấy và bây giờ). Mill và Arnold đều từng nắm giữ những công việc tốt, vị trí cao trong suốt nhiều năm – nhưng họ chưa bao giờ phải đối mặt với áp lực hay sự căng thẳng thường trực như chúng ta hiện nay.

Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ một công ty cụ thể nào đó đang đòi hỏi quá mức, hay do chính sự yếu kém cá nhân khiến ta kiệt sức và bất an. Mà đó là kết quả từ một chuyển động lớn hơn: chính là guồng quay của chủ nghĩa tư bản thị trường. Vì cạnh tranh mà bữa trưa của nữ luật sư trên máy bay thường chỉ là… hai phút ăn vội ổ bánh mì ngay tại bàn làm việc. 

Chủ nghĩa Hiện đại Thứ ba: So sánh, Ganh tị và Thất vọng

Vào thời Trung cổ, nếu bạn sống ở Bristol – khi ấy chỉ là một hải cảng nhỏ nhưng nhộn nhịp – thì có lẽ bạn chẳng biết gì mấy về những gì đang xảy ra ở London, Paris, hay tại triều đình Tây Ban Nha. Những tin tức không mấy cấp thiết có khi chẳng bao giờ lan truyền tới tai bạn: rằng các tiểu thư trong cung thường búi tóc gọn vào hai bên má bằng những túi lưới; rằng họ chuộng mang găng tay đỏ thêu ngọc trai thành hình hoa lá.

Blanche xứ Lancaster – vợ của vua Henry IV – là người phụ nữ ăn mặc đẹp nhất nước Anh vào cuối thế kỷ 14. Nhưng bà không thể được coi là "thời trang", bởi tin tức về những gì bà mặc mất quá nhiều thời gian để lan tỏa đến tai người khác.

Con gái của một thương nhân khá giả ở Bristol có thể rất quan tâm đến trang phục, nhưng cô không thể so sánh mình với những quý bà sang trọng ở London như Blanche – bởi đơn giản là cô chẳng biết họ đang ăn mặc thế nào. Mà dù có biết đi chăng nữa, thì Blanche cũng dường như thuộc về một thế giới khác, không giống người thường.

Rồi đến tháng Tám năm 1770, ấn bản đầu tiên của tạp chí Lady’s Magazine ra đời.

Mỗi tháng, tạp chí đều đăng những hình ảnh minh họa chi tiết về trang phục của các quý cô quyền quý nhất. Nhờ vậy, tin tức về mũ trùm đầu hay những chiếc váy eo cao bắt đầu lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Bất cứ ai đọc tạp chí cũng có thể, lần đầu tiên, so sánh trang phục của mình với giới thượng lưu ở London. Và từ đó, một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ ra đời: cảm giác bị bỏ rơi – bởi thời đại, bởi thời trang, bởi cả thế giới.

Trước đó, tất nhiên bạn vẫn có thể cảm thấy bị gạt ra ngoài – nhưng chỉ là bởi những người bạn biết, sống quanh bạn: anh em họ không rủ bạn đi hái dâu, cha xứ không mời bạn ăn tối.

Nhưng tạp chí thì lại tự nhận là đang hé lộ những gì mọi quý cô trong cả nước đang mặc – ngoại trừ bạn.

Thật ra, "quý cô" ấy không phải là tiếng nói khách quan, toàn diện của thời đại. Đó phần lớn chỉ là sản phẩm từ một người đàn ông tên John Coote, làm việc trong một căn phòng bụi bặm, nằm ở một góc khuất khiêm tốn của London.

Truyền thông mới của thế kỷ 18 cũng dạy cho đàn ông cái nỗi đau của việc bị bỏ lại phía sau: một người nông dân trung lưu có thể đọc The Spectator và thấy mình như một gã quê mùa thô kệch; The Tatler khiến một viên địa chủ tỉnh lẻ phải nhận ra mình thật nhàm chán, tẻ nhạt.

Sự phát triển của công nghệ hiện đại mở ra cơ hội cho việc so sánh. Cần có đường sá tốt hơn, in ấn hiệu quả hơn, dùng mực màu đặc biệt, và một hệ thống bưu điện hoạt động trơn tru để một bản Lady’s Magazine có thể đến tay độc giả ở tận Newcastle hay Exeter. Và từ đó, việc so sánh đã mở đường cho ganh tị và thất vọng.

Thế kỷ 18 đang giới thiệu với nhân loại một trải nghiệm hiện đại đặc trưng: sự so sánh.

Bề ngoài thì có vẻ như chúng ta chỉ đang tìm hiểu về thế giới: đang cập nhật thông tin về cuộc sống của người khác – về phong cách, về thành tựu của họ. Chúng ta vốn là sinh vật xã hội sống theo bầy đàn lớn: bản năng tự nhiên khiến ta vô cùng nhạy cảm với những trật tự trong xã hội. Mọi thứ tưởng như vô hại: một bài viết về khu trượt tuyết sành điệu nhất châu Âu; một bộ ảnh chụp một cô gái trẻ có đôi chân tuyệt đẹp; trào lưu mới của hồ bơi trên sân thượng; hay câu chuyện về cách Travis Kalanick của Uber kiếm ra hàng tỷ đô. Chỉ là thông tin, chỉ là những gì đang xảy ra trên thế giới – nhưng trong tâm trí ta, chúng lại gây ra những tổn thương âm thầm.

Ganh tị nảy sinh khi ta có đủ hiểu biết và vẫn giữ niềm hy vọng. Ta chỉ ganh tị với những điều ta cảm thấy là có thể với tới được. Nhưng thế giới của các tạp chí thì lại rất chọn lọc. Trong đó, ai cũng thời thượng, ai cũng dường như có dư dả tiền bạc, ở độ tuổi từ 18 đến 25 và có chiếc mũi hoàn hảo. Bản năng so sánh của ta, vì thế, bị rối loạn hoàn toàn. Theo tiêu chuẩn của thế giới trong tạp chí, ta chỉ là kẻ không xứng đáng, đứng ở bậc thang thấp nhất. Ta bước ra khỏi những trang báo ấy với cảm giác lẩn thẩn rằng mình thật tầm thường, luộm thuộm, và túng thiếu. Cuộc sống ta từng thấy ổn thỏa nay bỗng trở nên thật đáng buồn – vì nó không sao sánh được với bức tranh lung linh mà truyền thông vẽ nên. Và thế là, ta buộc phải không ngừng chiến đấu bên trong mình để chống lại nỗi ganh tị và sự tủi hổ – thứ cảm xúc bị thổi phồng bởi việc tiếp xúc quá nhiều với cuộc sống của một số ít người vừa thành công vừa xinh đẹp một cách dị thường.

Lịch sử làm cho nỗi khổ của ta trở nên đáng trọng

Khi nhìn vào ba yếu tố lớn của chủ nghĩa hiện đại – sự bận rộn ngày càng tăng, cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt, và lượng thông tin dễ gây ganh tị ngày một dày đặc – ta nhận ra rằng những vấn đề xoay quanh công việc không bắt nguồn từ sự yếu kém cá nhân. Điều đó không làm nỗi khổ biến mất, nhưng nó làm thay đổi ý nghĩa của nỗi khổ ấy. Lịch sử giúp ta nhìn lại những gì mình đang trải qua bằng một lăng kính khác. Nó dẫn dắt ta diễn giải lại trải nghiệm của chính mình. Nhờ đó, ta có thể hiểu vấn đề của mình một cách bình tĩnh, không hoảng loạn, không đổ lỗi lung tung. Và lịch sử mang đến ba niềm an ủi riêng biệt:

Nó tách cá nhân ra khỏi vấn đề

Dù mọi chuyện có vẻ rất riêng tư – sự kiệt sức, căng thẳng trong quan hệ, những yêu cầu chồng chất, kỳ vọng ngày một cao – thì sự thật vẫn là: bạn không hề đơn độc. Bởi những rắc rối này không phải do cá nhân bạn tạo nên, mà xuất phát từ những làn sóng lớn của lịch sử. Cho nên, tất yếu chúng sẽ lan rộng. Bạn thuộc về một cộng đồng – những con người cùng gặp phải điều này.

Nó thay đổi hướng của sự trách móc

Lịch sử dạy ta đừng hét lên với sai người. Không phải lỗi của bạn. Và cũng không chỉ là do vài quyết định dở hơi từ cấp quản lý khiến bạn khổ sở. Nhờ có lịch sử, ta hiểu vì sao vấn đề này không thể dễ dàng biến mất – vì sao chỉ đổi công việc hay ly hôn không thể giải quyết tận gốc. Lịch sử mở ra cái nhìn về những yếu tố mang tính giảm nhẹ, bao quanh cái gọi là “khổ vì việc”.

Tham dự vào sự Vĩ đại của Lịch sử

Gốc rễ thật sự của vấn đề bạn đang đối mặt không nằm ở bản hợp đồng Frankfurt, mà là ở một chủ đề văn hóa cấp cao mang tên Chủ nghĩa Hiện đại. Nhìn chung, ta đều hiểu con người khao khát được thấy chính mình trong bức tranh lớn lao của lịch sử đến mức nào. Những người dự đám tang của Winston Churchill – vào cuối tháng Một năm 1965 – biết rằng họ không chỉ đang tiễn biệt một cá nhân.

Họ đang chứng kiến sự kết thúc của cả một thời đại. Sự Vĩ đại của Lịch sử không chỉ nằm ở những điều tươi đẹp được sẻ chia. Nó cũng hiện diện trong việc ta cùng nhau nhận ra quy mô khổng lồ của những sang chấn tập thể mà chúng ta phải trải qua; những điều vượt khỏi khả năng kiểm soát của từng người; những thứ đã dựng nên phông nền cho cuộc đời ta, dù ta không hề chọn lựa.

Chúng ta vẫn chưa dựng đủ những đài tưởng niệm cần có:

Khải Hoàn Môn giúp ta cảm nhận được sự vĩ đại của cuộc chuyển mình đau đớn mà nước Pháp đã trải qua trong Cách mạng. Nhưng thời đại này cũng xứng đáng có những biểu tượng nhắc nhớ hào hùng như thế.

Chúng ta cần những “Khải Hoàn Môn” để vinh danh: Những anh hùng giữa thời đại ngập tràn truyền thông, và những người đã hy sinh khoảng thời gian thư thả của mình trong kỷ nguyên cạnh tranh.

CÔNG VIỆC VÀ NGƯỜI BẠN ĐỜI CỦA CHÚNG TA

Công việc, đôi khi, như một ngọn gió lốc đe dọa cuốn phăng cả mối quan hệ tình cảm mà ta từng nâng niu. Có bốn lời than phiền thường xuyên xuất hiện – báo hiệu những căng thẳng đang ngày càng tích tụ.

Than phiền thứ nhất: Nếu anh thực sự yêu em, anh đã không làm việc vất vả đến vậy

Rất thường xuyên, công việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ tình cảm. (Dù, không có việc để làm còn có thể khiến mọi thứ tồi tệ hơn). Danh sách những lời than vãn cứ dài ra mãi:

– Anh chẳng bao giờ có mặt khi em cần
– Lúc nào anh cũng mệt nhoài
– Em chẳng bao giờ có được sự chú ý trọn vẹn từ anh; anh bị ám ảnh bởi công việc; công việc luôn được ưu tiên trước tiên (em chỉ muốn cùng anh xem một tập House of Cards lúc 10 giờ tối, vậy mà anh vẫn đang gõ dở bản báo cáo)
– Anh trở về nhà với tâm trạng căng như dây đàn

Chủ nghĩa lãng mạn – lý tưởng tình yêu thời hiện đại

Ngày nay, chúng ta thường nhìn nhận các mối quan hệ của mình qua lăng kính của một tư tưởng ra đời vào cuối thế kỷ 18 – chủ nghĩa lãng mạn. Tư tưởng này nhấn mạnh những điều sau:
– Tình yêu gắn liền với sự thủy chung, và tình dục là cách biểu lộ tình yêu
– Không giấu nhau điều gì, phải chia sẻ tất cả mọi bí mật
– Cần phải thực sự thấu hiểu nhau
– Phải luôn cùng nhau làm mọi việc, mọi lúc

Những ý tưởng ấy, khi mới xuất hiện, từng là một cuộc cách mạng. Và những người nghĩ ra chúng cũng là một nhóm người rất đặc biệt: họ còn trẻ, rảnh rỗi, và sống trong điều kiện dư dả. Chủ nghĩa lãng mạn ra đời trong những buổi chiều hè thong thả kéo dài mãi đến đêm.

Cuốn sách được xem như “cẩm nang” khai sinh ra chủ nghĩa lãng mạn – và là tác phẩm dạy con người thời đó cách nhìn về tình yêu – chính là Nỗi buồn của chàng Werther trẻ tuổi. Tác phẩm được viết bởi nhà thơ, triết gia người Đức Goethe khi ông mới ở tuổi đôi mươi. Câu chuyện xoay quanh tình yêu tha thiết mà Werther dành cho Charlotte. Anh gặp nàng tại một buổi khiêu vũ và say đắm ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Từng chuyển biến trong cảm xúc được mô tả sống động và đầy mê hoặc: niềm hân hoan khi nhìn sâu vào mắt nàng, nỗi tuyệt vọng khi biết nàng không đáp lại tình cảm, khát khao mãnh liệt được gặp lại nàng sau mỗi lần chia tay, những giây phút ngọt ngào vượt khỏi mọi khuôn khổ trần gian. Trong suốt ba mươi năm, đây là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất thế giới (Napoléon đã đọc đến bảy lần).

Khi tình yêu dành cho Charlotte lớn dần lên, Werther hoàn toàn không bị xao nhãng bởi những đòi hỏi từ công việc. Có đoạn, anh miêu tả buổi sáng thường nhật của mình – trước khi sang thăm Charlotte vào buổi chiều và ở lại bên nàng đến tối:

“Khi mặt trời vừa mọc, tôi ra vườn hái đậu cho bữa trưa. Tôi ngồi tách vỏ, vừa làm vừa đọc thơ. Rồi tôi chọn một chiếc nồi trong bếp, tự đi lấy bơ, nhóm bếp lên, đậy nắp lại, và ngồi khuấy đều tay khi cần thiết.”  

Werther đọc thơ cho Charlotte nghe. Công việc tiếp theo của anh... phải hai năm rưỡi nữa mới đến hạn.

Thực ra, Werther cũng từng có việc làm – một công việc ngoại giao nhàn nhã. Nhưng hầu hết thời gian, anh được tự do làm theo ý mình. Điều này không phải ngẫu nhiên. Tình yêu lãng mạn ban đầu vốn là một việc làm toàn thời gian. Nó được tạo ra như một trải nghiệm của giới thượng lưu – nơi con người có đủ thời gian và điều kiện để sống trọn vẹn trong cảm xúc.

Cặp đôi lý tưởng trong chủ nghĩa lãng mạn là những người gần như luôn ở cạnh nhau. Họ sẽ dành hàng giờ để trò chuyện về từng ngóc ngách trong thế giới nội tâm của mình. Họ sẽ cùng nhau đi dạo thật lâu vào mỗi buổi chiều. Và mục đích của việc kết hôn – đơn giản là để được làm những điều đó nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Bất kỳ sự giảm sút nào trong thời gian dành cho nhau hay mức độ cởi mở đều bị nhìn nhận như dấu hiệu báo động – như thể tình yêu đang chết dần. 

Chủ nghĩa Lãng mạn gặp Chủ nghĩa Tư bản hiện đại

Chủ nghĩa Lãng mạn và Chủ nghĩa Tư bản hiện đại là hai hệ tư tưởng chi phối mạnh mẽ nhất trong thời đại chúng ta. Chúng định hình cách ta nghĩ và cảm về hai điều thường quan trọng nhất trong đời: tình yêu và công việc. Nhưng việc ghép đôi hai hệ tư tưởng này lại với nhau là một điều vô cùng khó khăn. Đó là một cuộc va chạm đầy trớ trêu của lịch sử. Chúng ta đang sống dưới sự chi phối của hai lực lượng đầy quyền năng nhưng lại không hề tương thích. Lý tưởng đẹp đẽ của tình yêu lãng mạn – với mong muốn gần gũi, sẻ chia và thấu hiểu lẫn nhau – rất khó mà hòa hợp với thực tế công việc ngày nay: chiếm hết thời gian, lấp đầy tâm trí bằng những đòi hỏi phức tạp, khiến ta khó lòng buông bỏ và nghỉ ngơi; chưa kể sự bấp bênh trong công việc cũng khiến ta chẳng thể yên tâm sống chậm, sống nhẹ.

Truyền thống hôn nhân quý tộc

Lẽ ra, quan niệm hiện đại về công việc nên được kết đôi với một mô hình tình cảm đã từng phổ biến trong giới quý tộc Pháp và Anh cho đến cuối thế kỷ 18.

Một cặp vợ chồng hạnh phúc không lãng mạn: John (ngoài cùng bên trái) và Sarah (ở giữa) bên các con

Ngài John – Công tước thứ nhất xứ Marlborough – và phu nhân Sarah từng có một cuộc hôn nhân bền chặt. Họ là cặp đôi thành công nhất về mặt chính trị và kinh tế của châu Âu đầu thế kỷ 18, từng cùng nhau vươn lên từ cảnh nghèo khó để đạt tới đỉnh cao danh vọng và tài sản. Tuy nhiên, họ thường xuyên sống xa nhau. Việc không gặp mặt trong suốt nửa năm trời cũng chẳng khiến ai trong hai người bất ngờ hay phiền lòng. Quan niệm về sự chung thủy trong tình dục gần như không tồn tại trong mối quan hệ của họ.

Họ bước vào hôn nhân với kỳ vọng rõ ràng, giới hạn và thực tế: sinh con hợp pháp, bảo đảm sự thịnh vượng chung và hỗ trợ sự nghiệp của nhau. Giữa họ có thể có những khoảnh khắc của lòng trung thành sâu sắc, của sự gần gũi đáng quý – nhưng đó không phải là điều xảy ra mỗi ngày. Họ không cần ở chung phòng ngủ, thậm chí cũng chẳng nhất thiết phải ở cùng một ngôi nhà. Họ không than phiền mãi chuyện thiếu thời gian bên nhau hay vì ai đó quá bận bịu với công việc. Nhưng cũng chẳng phải họ sống một cuộc đời khác người – cách sống của họ khi ấy hoàn toàn phù hợp với chuẩn mực xã hội.

Chúng ta thường không nhận ra rằng cảm xúc của mình bị chi phối mạnh mẽ đến mức nào bởi cảm giác về điều gì là “bình thường”, và ta nên kỳ vọng điều gì từ người khác. Con người vốn rất linh hoạt, nhưng cũng có một khát khao mãnh liệt là được hòa vào đám đông. Có vô số cách để chúng ta sống ổn – nếu như có đủ thời gian để thích nghi và được xã hội ủng hộ.

Chúng ta cần một cuộc cách mạng trong hôn nhân – từ phiên bản Lãng mạn hiện tại sang một phiên bản mới, thực tế hơn, và hài hòa với thực tế công việc – như những gì giới quý tộc xưa kia từng sống.

Lời than phiền thứ hai: Em không biết trong đầu anh đang nghĩ gì

Trong thế giới của tình yêu lãng mạn, sự cởi mở và chia sẻ được tôn vinh như những chuẩn mực cao quý. Theo lý tưởng ấy, người yêu là người thấu cảm từng cung bậc cảm xúc, từng ý nghĩ chợt thoáng qua trong tâm trí ta. Hai người yêu nhau là hai nửa có thể hoàn tất câu nói của nhau, là hai tâm hồn đồng điệu, biết rõ người kia đang nghĩ gì dù chưa nói thành lời. Đó là một hình ảnh đẹp – nhưng mức độ thấu hiểu sâu sắc ấy lại thường va vấp với thực tế của công việc hiện đại.

Khó mà giãi bày được chuyện công việc

Rất khó để giải thích cho bạn đời hiểu thật rõ ràng trải nghiệm công việc hằng ngày của mình (và nhiều khả năng, họ cũng đang thấy y như vậy với công việc của họ). Sau một ngày – hay một tuần – chông chênh, căng thẳng tích tụ lại, nỗi lo cứ lởn vởn, đầu óc rối bời với bao ý nghĩ xoay quanh công việc. Những bận tâm đó thường được thể hiện ra ngoài bằng những biểu hiện không mấy dễ chịu: tiếng gầm gừ, tiếng thở dài, sự im lặng trầm mặc và một cơn giận chỉ cần chạm nhẹ là bùng nổ. Câu hỏi nghe có vẻ vô hại “Hôm nay anh thế nào?” cũng có thể châm ngòi cho một cơn gắt gỏng; một phiền toái nhỏ xíu trong nhà cũng trở thành giọt nước tràn ly, vì ly đã đầy tràn những mệt mỏi và căng thẳng tích tụ từ trước.

Và người bạn đời phải âm thầm chịu đựng những biểu hiện ấy mà không thực sự hiểu được căn nguyên sâu xa. Họ không nhìn thấy “ly nước” đã đầy tới đâu rồi. Ta thì lại cực kỳ khó khăn trong việc kể cho người kia nghe chuyện gì đang thực sự xảy ra trong công việc – một cách đủ sâu, đủ sáng rõ để khiến họ hiểu, cảm thông và chấp nhận phần nào những cơn bốc đồng, những phút cáu gắt bất thường của ta.

Thật không may, việc giãi bày ấy thường không dễ chút nào. Nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về chúng ta. Có nhiều nguyên nhân sâu xa khiến điều đó trở nên khó khăn.

Việc miêu tả, nói chung, vốn đã là điều khó

Không chỉ riêng công việc – rất nhiều thứ quen thuộc trong đời cũng chẳng hề dễ tả. Việc bạn làm một điều gì đó thường xuyên không có nghĩa là bạn dễ dàng mô tả chính xác nó ra sao, nó đang vận hành thế nào. Cơ chế bánh răng của xe đạp thì hoàn toàn logic – điều chỉnh tốc độ xoay của bàn đạp để tác động lên tốc độ quay của bánh xe – nhưng thử ngồi mô tả nó cho thật chi tiết đi, bạn sẽ thấy đó là một việc vừa cực kỳ khó khăn, lại vừa... buồn ngủ!

Ngày xưa, người ta không kỳ vọng phải nói ra quá nhiều

Cái khó trong việc giãi bày không phải lúc nào cũng là vấn đề. Khi xưa, kỳ vọng về sự chia sẻ cũng thấp hơn bây giờ. Khi công việc được phân chia rạch ròi theo giới tính, người ta thường ngầm hiểu rằng chuyện ở chỗ làm sẽ không được đem về nhà, không phải thứ để kể lể trong gian bếp gia đình. Cuộc sống gia đình khi ấy là nơi để gác lại mọi bận tâm nơi công sở. Và gia đình không thấy mình bị gạt ra ngoài – họ thấy điều đó là tự nhiên, là bình thường, chẳng có gì lạ.

Thêm vào đó, công việc khi xưa thường đơn giản hơn nhiều – và tính chất của nó cũng quen thuộc với mọi người. Nếu bạn là người chăn cừu, thợ rèn, thợ mỏ hay người giúp việc, thì công việc của bạn đã là một phần rất lâu đời của cộng đồng. Khi công nghiệp hóa bắt đầu vào đầu thế kỷ 19, nhiều công việc mới xuất hiện – nhưng thường cả làng cùng làm chung một ngành nghề, nên ai cũng hiểu bạn đang làm gì. Nếu bạn sống ở Staffordshire, ai cũng biết tráng men gốm là như thế nào; còn ở Manchester, người ta quen thuộc với việc vận hành khung cửi hơi nước.

Công việc ngày nay kỳ lạ và đặc biệt đến khó tin

Bây giờ thì khác hẳn. Công việc ngày càng kỳ quặc, chuyên biệt đến mức khó hình dung. Bạn có thể là:

– người tư vấn tái cấu trúc hệ thống hóa đơn cho một quỹ y tế công;
– chuyên viên cấp cao phụ trách điều phối đơn hàng giao cho khách;
– nhân viên điều hành chương trình phúc lợi xã hội và y tế;
– quản lý kỹ thuật giàu kinh nghiệm trong bộ công cụ thu thập dữ liệu của IBM, từng dẫn dắt nhiều dự án chuyển đổi hệ thống phức tạp.

Một dấu hiệu nhỏ nhưng thú vị: trong các sách thiếu nhi, người lớn hiếm khi có những công việc hiện đại kiểu đó. Họ thường vẫn là nông dân, người đưa thư hay chủ sạp hàng ở chợ quê – những nghề tiền hiện đại. Chi tiết nhỏ xíu này trong ngành xuất bản trẻ em lại phản ánh một thực tế lớn hơn: chính chúng ta cũng ngầm hiểu rằng, giải thích công việc hiện đại cho một đứa trẻ – hay cho bất kỳ ai – là điều... gần như bất khả thi.

Công việc đổi thay nhanh đến chóng mặt…

Công việc ngày nay chẳng khác nào một bộ phim truyền hình nhiều tập, với vô số tình tiết đan xen, nhân vật thay đổi xoành xoạch và những kịch bản khó lường. Nếu muốn người bạn đời theo kịp diễn biến ấy, ta sẽ phải thường xuyên cập nhật:

“Cô Sarah kia – không phải Sarah hôm qua anh kể, người vừa cãi nhau với văn phòng New York về cải cách pháp lý ở Argentina, mà là Sarah khác – người anh nhắc đến hai tuần trước, khi cô ta cố thuyết phục Ted – nhớ Ted chứ? – gạt Alison khỏi ban đánh giá. Theo kịp chưa? Thì, Sarah đó vừa đề xuất anh điều chỉnh lại chiến lược cho tài khoản Générale Occidentale. Lần này cô ta nói đúng đấy. Nhưng điều đó có nghĩa là anh sẽ phải làm muộn vào tối thứ Ba. Giờ để anh kể tiếp cho em nghe về một thay đổi có vẻ nhỏ nhưng thật ra rất lớn trong cách tiếp cận của bên anh đối với thị trường dịch vụ tài chính Pháp…”

Để giải thích trọn vẹn – rằng tại sao một ngày lại căng hơn những ngày khác, vì sao một dự án khiến ta mất ăn mất ngủ, hay mối quan hệ với ai đó lại làm mình bối rối, bất an đến thế – đòi hỏi một mức độ kiên nhẫn khổng lồ từ cả hai phía.

Sẽ dễ chịu biết bao nếu…

Mọi người đều thừa nhận rằng việc giãi bày chuyện công việc là điều cực kỳ khó khăn.

Các nhà vật lý lý thuyết có một lợi thế thú vị: ai cũng công nhận công việc của họ vừa quan trọng vừa... không thể hiểu nổi. Và nếu ta không hiểu, ta chẳng trách móc gì họ cả. Ta chỉ khiêm nhường thừa nhận: “Chuyện đó quá phức tạp với tôi rồi!” Ước gì sự bao dung đó được lan tỏa rộng hơn, để người ta có thể thoải mái nói rằng: “Chồng tôi làm trong ngành logistics; tất nhiên là công việc của anh ấy phức tạp đến mức tôi cũng chịu chết, không thể hiểu hết được.”

Nghệ thuật có thể chia sẻ gánh nặng này

Ở nước Anh cuối thế kỷ 19, công việc được người ta hiểu rõ nhất là của các mục sư nông thôn. Không phải vì công việc ấy đơn giản – thật ra nó cũng đầy rối rắm – mà là nhờ nỗ lực miêu tả kỳ công của những tiểu thuyết gia tài hoa bậc nhất thời đại. George Eliot và Anthony Trollope đã viết nhiều tiểu thuyết xuất sắc, cực kỳ ăn khách, khắc họa đời sống nghề nghiệp của giới giáo sĩ Anh giáo. Họ kể lại một cách sinh động, sâu sắc (mà vẫn vô cùng hấp dẫn) những nỗi đau âm thầm, những chiến thắng lặng lẽ của nghề này.

Anthony Trollope – tiểu thuyết gia hàng đầu thế kỷ 19 chuyên viết truyện vừa hay vừa có ích – đã kiên trì miêu tả để thế giới hiểu được đời sống công việc thường nhật của các mục sư Anh giáo.

Ngày nay, với vô vàn công việc hiện đại điển hình khác, ta vẫn chưa thấy có ai làm điều tương tự.

Phàn nàn: Việc gì dơ bẩn trong nhà này cũng đến tay tôi hết / Tôi phát mệt vì phải lượm vớ của anh

Một trong những biểu hiện rõ nhất cho sự lệch pha giữa công việc và đời sống gia đình là những cuộc tranh cãi nảy lửa về… ai sẽ cọ nhà vệ sinh. (Hoặc ai sẽ đem rác đi đổ, ai sẽ gia hạn bảo hiểm nhà, ai sẽ dọn tủ lạnh.) Lý do phần nào là vì khi công việc ngoài xã hội ngốn hết thời gian và năng lượng, thì chẳng còn mấy dư dả để chăm lo chuyện trong nhà.

Tư tưởng hiện đại về công việc đã vô tình xếp đời sống gia đình xuống hàng thấp kém. Việc nhà không được trả lương – và điều đó khiến nó bị xem là kém quan trọng. Vả lại, nó gắn với những vai trò bị coi là thấp bé trong xã hội xưa: người hầu, kẻ sai vặt. Thế là ta dễ xem nhẹ chuyện quản lý gia đình. Ta không dành đủ sự kiên nhẫn hay nghiêm túc để nghĩ về nó. Ta không quen công nhận và trân trọng những kỹ năng cần có để quán xuyến một mái ấm. (Người ta ngưỡng mộ ai lái xe giỏi, chứ mấy ai nể phục người có thể gấp ga giường thật gọn chỉ trong vài phút.) Trong xã hội hiện đại, công việc có lương đã hút hết ánh hào quang.

Và những ý niệm lãng mạn về tình yêu của ta cũng chẳng mảy may để tâm đến chuyện quản gia.

Chẳng ai bận tâm ai là người lau kệ sách

Tư tưởng lãng mạn coi trọng cảm xúc hơn là việc giữ cho tổ ấm sạch sẽ. Điều khiến một mối quan hệ “có giá trị” không phải là việc hai người phối hợp dọn dẹp nhà tắm, hay cùng nhau cân đối sổ chi tiêu – mà là mức độ say đắm họ dành cho nhau. Nếu có ai hỏi: “Liệu hút bụi có lãng mạn bằng chuyến đi Paris cuối tuần không?”, câu trả lời gần như là quá rõ ràng để cần nói ra. Thế nhưng, chính thái độ cùng nhau lau thảm mới là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy một mối quan hệ khỏe mạnh – hơn là việc hai người có cùng đam mê khám phá quán bar ở quận ba Paris. Nghịch lý nằm ở chỗ: ta xem nhẹ những chuyện đời thường như thể chúng chẳng đáng kể gì – nhưng thực tế, chính nơi đó mới là chốn tình cảm dễ rạn nứt nhất.

Một khoảnh khắc lịch sử kỳ lạ…

Ta đang sống trong một thời kỳ thật lạ lùng – nếu nhìn từ lăng kính lịch sử: một giai đoạn mà hầu như ai cũng phải động tay vào việc nhà (dù ít hay nhiều).

Ngày nay, ta thường nghĩ việc có người giúp việc là một thứ xa xỉ dành cho tầng lớp cực kỳ giàu có.

Nhưng suốt bao thế kỷ trước, một bộ phận khổng lồ nhân loại từng thuê người để đỡ đần việc nhà. Ở Anh năm 1850, những gia đình có thu nhập 300 bảng mỗi năm (tương đương lương quản lý cơ bản) thường có hai người giúp việc sống chung nhà. Một nhân viên văn phòng với lương chỉ bằng phân nửa (150 bảng) vẫn thường có một cô hầu toàn thời gian. Thậm chí, chỉ cần thuê một căn phòng thì hầu như cũng có một người giúp việc chung.

Ngành phục vụ gia đình suy tàn dần vì người ta có thể dùng nguồn lao động đó vào những việc sinh lợi hơn. Ở những nền kinh tế năng suất cao, chuyện thuê một công dân sống trong nhà để pha trà, phủi bụi bệ lò sưởi hay chùi vòi sen trở nên quá tốn kém.

Và có lẽ trong tương lai, phần lớn công việc nhà sẽ chẳng còn ai phải làm nữa – trừ khi họ làm vì vui. Những phát minh của thập niên 1950–1960 như máy hút bụi, máy rửa chén, máy sấy quần áo đã khiến việc nhà bớt cực, nhưng chưa thể khiến nó biến mất. Những người hầu bằng rô-bốt – vốn được hứa hẹn từ lâu – vẫn chưa xuất hiện.

Nhưng chắc chắn, một ngày nào đó, chúng sẽ trở thành tiêu chuẩn mới. Có thể là vào năm 2050, chúng ta sẽ thấy chúng rẻ và phổ biến như ấm siêu tốc ngày nay. Nghĩa là sẽ có một khoảng trống kéo dài đúng một thế kỷ – từ khoảng năm 1950 đến 2050 – trong đó việc nhà không thuộc về người hầu, cũng chưa phải việc của máy móc. Một trăm năm – thật chẳng là gì nếu so với chiều dài lịch sử. Nhưng thật trớ trêu và cũng thật khó khăn khi ta lại sống đúng vào đoạn lịch sử ấy.

Phàn nàn: Anh (em) bận đến mức chẳng còn thời gian cho em (anh)

Cả hai đều mỏi mệt, cạn kiệt. Cô ấy muốn anh dành thời gian gặp gỡ bạn bè của cô. Anh thì mong cô thử một điều gì đó mới mẻ trong chuyện gối chăn. Nhưng họ đều quá mệt để làm hài lòng nhau. Và mỗi người đều cảm thấy mình có lý do chính đáng để trách móc người kia: “Anh/em bận quá, chẳng còn thời gian cho em/anh nữa.”

Họ cảm thấy có lỗi; cảm thấy lẽ ra nên đi ngủ sớm hơn. Có lẽ nếu uống thêm chút magie, họ sẽ thấy tỉnh táo hơn. Nhưng căn nguyên thật sự có lẽ chỉ đơn giản là: công việc – quá nhiều, quá nặng nề, quá dai dẳng.

Chúng ta vẫn thường tránh né thừa nhận rằng: áp lực từ một số công việc hiện đại, ở cường độ cao, thực ra không mấy tương thích với việc duy trì một mối quan hệ tình cảm. Nếu bạn đang cố gắng hoàn thành thật tốt những công việc đòi hỏi cao, thì có lẽ bạn không nên vừa yêu đương vừa nuôi dạy con cái.

Và điều này khiến ta phải đối diện với một câu hỏi nghe qua có vẻ kỳ lạ, thậm chí khó chấp nhận:

Liệu bạn có cần phải sống độc thân thì mới làm được một số công việc nhất định?

Trong phần lớn chiều dài lịch sử, câu hỏi này từng được đặt ra một cách nghiêm túc – và không ít lần, câu trả lời là: đúng vậy. Có nhiều công việc từng được xem là không thể song hành với đời sống tình cảm. Điều này không nhất thiết đồng nghĩa với việc bạn phải sống khắt khe, cấm dục – vấn đề nằm ở chỗ: những công việc ấy đòi hỏi quá nhiều thời gian và cảm xúc, đến mức một mối quan hệ riêng tư cũng trở thành gánh nặng không thể gánh vác.

Thánh Hilda xứ Whitby là một trong những người phụ nữ quyền lực và tài giỏi nhất trong giai đoạn đầu lịch sử nước Anh.

Bà là một quản lý cấp cao, điều hành những cơ sở nông nghiệp quy mô lớn; là cố vấn chiến lược cho các vị vua và hoàng tử. Bà còn là một nhà giáo dục xuất chúng. Và bà đã làm được tất cả những điều đó trong khi vẫn luôn được biết đến như một người đôn hậu, ôn hòa. Tất nhiên, bà không có chồng. Không phải vì bà là một nữ tu nên buộc phải từ bỏ hôn nhân, rồi đành tìm niềm vui nơi công việc. Mà ngược lại – chính vì bà không ràng buộc bởi chuyện gia đình, bởi những đòi hỏi của đời sống tình cảm và trách nhiệm nhà cửa – nên bà mới có thể toàn tâm cống hiến, gặt hái được nhiều thành tựu lớn lao cho cộng đồng. Việc là một nữ tu cũng đồng nghĩa với việc bà sống trong một tập thể gọn ghẽ, hiệu quả – nơi bà được chăm lo về bữa ăn, quần áo, sưởi ấm… mà không cần phải tự tay lo liệu mọi việc.

Đó từng là một cách tiếp cận khá phổ biến đối với những công việc mang tính trí tuệ, quản lý và văn hóa – và nó kéo dài qua nhiều thế kỷ. Tới tận năm 1900, giới học thuật ở Anh vẫn gần như là một con đường dành riêng cho người chưa kết hôn.

Các giáo sư ở King’s College, Cambridge năm 1900 – điều kiện tiên quyết để nhận việc: không được kết hôn.

Người ta tin rằng có những công việc đòi hỏi sự cống hiến không ngừng nghỉ và nỗ lực liên tục đến mức nó chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí bạn – và vì thế, bạn không nên cố gắng kết hợp nó với bổn phận của một người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, hay một người chủ gia đình. Nếu muốn làm tốt, bạn nên sống trong một cộng đồng có tổ chức cực kỳ ngăn nắp (giống như tu viện hay ký túc xá học viện), sống độc thân, và chỉ nên giao du với những người cùng chí hướng – những người hiểu bạn và có thể hỗ trợ bạn trên con đường đầy thử thách đó.

Điều này nhắc ta rằng chính mình đang đòi hỏi quá nhiều ở bản thân – phải làm hàng tá việc phức tạp cùng lúc. Thế nên, đâu có gì lạ khi ta cãi vã, ấm ức hay thỉnh thoảng lại thấy chán nản buông xuôi. Ta thường nghĩ rằng, nếu là một người “tạm ổn”, thì vừa thành công trong công việc vừa là một người bạn đời tuyệt vời lẽ ra phải là chuyện không khó. Nhưng sự thật là, công việc ngốn của ta quá nhiều năng lượng. Cái linh cảm dai dẳng rằng một người làm việc như bạn có thể bận đến mức không kịp dọn rác hay xếp lại giường – có lẽ không sai chút nào. Bạn xứng đáng được cảm thông – rất nhiều.

CON CÁI

Thủ tướng Anh, David Cameron, vẫn thường đưa cô con gái nhỏ Florence đến trường mẫu giáo cách số 10 phố Downing vài con phố – đi cùng là đội vệ sĩ tháp tùng kín đáo nhưng cẩn trọng. Trong mơ, ông mong được làm điều này mỗi ngày. Nhưng lịch trình dày đặc khiến nó trở thành một dịp hiếm hoi – thậm chí có phần... đặc biệt.

Thật ra, điều này là khá kỳ lạ trong suốt chiều dài lịch sử. Các vị Thủ tướng – hay bất kỳ ai giữ vai trò điều hành cao – hiếm khi dành phần lớn thời gian trong ngày cho việc chăm sóc con cái. Không phải vì họ không có trái tim, mà đơn giản là họ không nghĩ rằng trẻ con nên ở gần bố mẹ quá nhiều. Nhiều người còn sợ rằng, yêu thương con quá mức sẽ khiến chúng hư hỏng.

Mãi đến đầu những năm 1950, quan điểm này mới bắt đầu thay đổi mạnh mẽ – một phần nhờ vào những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển trẻ nhỏ, đặc biệt là bác sĩ và nhà phân tâm học người Anh, John Bowlby.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trẻ nhỏ cần được gắn bó gần gũi, bền chặt với cha mẹ. Bowlby chứng minh rằng: một hình mẫu cha mẹ ấm áp, luôn hiện diện, có sức mạnh nuôi dưỡng tinh thần và tâm hồn đứa trẻ.

“Tất cả những cái ôm ấp, những trò chơi âu yếm, những giờ phút bú mớm thân mật mà đứa trẻ cảm nhận sự êm dịu từ cơ thể mẹ; những nghi thức tắm rửa, thay đồ – qua đó, qua ánh nhìn trìu mến của mẹ dành cho từng ngón tay bé xíu, từng đôi chân nhỏ xíu – đứa trẻ học được cách trân trọng chính mình…”

Chính những trải nghiệm như vậy đã dạy cho ta niềm tin cơ bản rằng: khó khăn có thể được vượt qua, sai lầm rồi cũng sẽ được sửa chữa; rằng mình xứng đáng được đối xử tử tế và yêu thương – không cần làm gì để xứng đáng, không cần phải van nài hay năn nỉ.

“Chăm sóc mẫu tử, với sự phát triển nhân cách, cũng cần thiết như vitamin D đối với sự phát triển xương.”

Bowlby không hề chủ tâm làm điều đó, nhưng những phát hiện của ông đã mở ra một chân trời mới – cùng với nó là một miền đau đớn lặng thầm – dành cho những bậc cha mẹ hiện đại.

Chỉ cần không kịp về nhà đọc truyện cho con trước giờ ngủ, ta đã thấy đau lòng, day dứt. Một phần dịu dàng trong ta được đánh thức – và giờ đây, nó nhức nhối.

Người cha mẹ vừa trở về sau chuyến công tác vẫn còn lấn cấn, tiếc nuối về những tối đã bỏ lỡ giờ tắm cho con, những đêm chẳng kịp kể chuyện ru con ngủ.

Đó là những nỗi lo mà một hiệp sĩ từ cuộc Thập tự chinh hẳn chưa từng nghĩ tới.

Năm 1095, khi cậu con trai Baldwin mới hai tuổi, Bá tước Robert xứ Flanders lên đường tham gia cuộc Thập tự chinh lần thứ nhất đến Đất Thánh. Ông trở về vào tháng 8 năm 1099 – nghĩa là đã bỏ lỡ 1.460 câu chuyện kể trước giờ đi ngủ.

Robert: chẳng hề bận tâm đến số truyện chưa đọc.

Nhưng điều đó không khiến Robert cảm thấy tội lỗi hay buồn bã. Bởi vào thế kỷ 11 ở châu Âu, một người cha tốt không được đánh giá dựa trên số giờ bên con.

Giờ đây, khi đã hiểu sâu sắc hơn về nhu cầu phát triển tinh thần của trẻ nhỏ, hình ảnh người cha người mẹ lý tưởng cũng trở nên khắt khe hơn bao giờ hết: một người cha mẹ tốt là người dành nhiều thời gian, sự quan tâm và hiện diện ở những khoảnh khắc quan trọng nhất. Làm cha mẹ bây giờ là một công việc đòi hỏi nhiều cảm xúc hơn bao giờ hết.

Điều trớ trêu là: những quan niệm tuyệt vời – nhưng vô cùng tốn thời gian – về cách nuôi dạy con cái lại xuất hiện đúng vào thời điểm rất oái oăm.

Bởi song song đó, ta cũng vừa phát hiện ra những bí quyết then chốt về năng suất và hiệu quả. Thị trường cạnh tranh và mở đã tạo ra những bước tiến kỳ diệu về năng suất – nhưng đổi lại, nó làm ta trở nên túng quẫn về mặt thời gian.

Giữa một bên là những lý tưởng đẹp đẽ nhất về cách xây dựng nền kinh tế, và một bên là những lý tưởng sâu sắc nhất về cách nuôi dạy gia đình – ta đang bị kéo căng giữa hai thế giới không dễ gì hòa hợp.

Chống lại khái niệm "cân bằng giữa công việc và cuộc sống"

Tìm được một điểm cân bằng êm đềm và hài hòa giữa công việc và gia đình – đặc biệt là khi có con nhỏ – quả là một viễn cảnh ngọt ngào và đầy hấp dẫn. Ý tưởng ấy nghe qua đã thấy đúng đắn, như thể chẳng có gì phải nghi ngờ. Và đâu đó, ta vẫn có thể bắt gặp vài người dường như đạt được điều đó một cách nhẹ nhàng – giống như có những người có thể đạp xe thăng bằng trên sợi dây treo lơ lửng giữa không trung.

Vẫn có những người giữ được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Nhưng ta cần hiểu rằng, cố gắng để có được – cùng một lúc – một cuộc sống gia đình viên mãn và một sự nghiệp thăng hoa là một điều vô cùng khó khăn, gần như không thể tránh khỏi.

Dĩ nhiên, không phải là không thể. Vẫn có người làm được, tuy nhiên, điều đó xảy ra cực kỳ hiếm hoi. Và khả năng bạn là một trong số họ, thực sự rất thấp. Thế nên, ta thường tự dằn vặt mình – hoặc trách móc cả bạn đời – vì đã không đạt được cái trạng thái tưởng chừng có thể chạm tay vào ấy. Nhưng trách móc như vậy cũng chẳng khác gì tự giận mình vì không thể vừa làm kế toán trong một chuỗi siêu thị, vừa biểu diễn độc tấu piano ở phòng hòa nhạc trứ danh Grosser Musikvereinssaal tại Vienna; hoặc trách móc người yêu vì mãi không trúng số độc đắc ở Tây Ban Nha.

Việc tin rằng ta có thể "có tất cả" là một suy nghĩ cực kỳ tai hại. Vì điều đó khiến cho cả những nỗ lực đáng quý nhất của ta cũng trở nên nhỏ bé và vô nghĩa khi bị đem ra so sánh.

Điều khiến ta cảm thấy được an ủi là: thất bại này không phải lỗi của riêng ai. Không phải vì ta thiếu năng lực hay thiếu ý chí mà gia đình và công việc cứ mãi đối chọi nhau. Chỉ là, ta đang sống trong một thời đại mà hai dòng chảy lớn – hoàn toàn đối lập – cùng lúc kéo ta đi. Một bên là những kỳ vọng cao cả về gia đình, yêu thương và gắn bó. Bên kia là những đòi hỏi khắt khe của công việc, hiệu suất, lợi nhuận và cạnh tranh. Cả hai đều bắt nguồn từ những nhận thức quan trọng và có giá trị.

Ta không có lỗi vì hai điều đó mâu thuẫn nhau. Nhưng điều đó có nghĩa là: ta xứng đáng nhận được thật nhiều sự cảm thông – bởi vì ta đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng khó xử mà chẳng phải do mình lựa chọn.

KẾT LUẬN

Trong suốt biết bao thế hệ, công việc chỉ đơn thuần là một cách để giữ cho cuộc sống không xáo trộn – duy trì nguyên trạng như vốn có.

très riches heures (tháng Sáu)

Những người cày sâu cuốc bẫm ngoài đồng có thể có năm thuận lợi, năm thất bát – chênh lệch chút ít mà thôi. Nhưng dù họ có chăm chỉ đến đâu, có khéo léo bao nhiêu khi cầm liềm gặt lúa hay cào đất vun luống, thì cuộc đời họ cũng chẳng đổi khác là bao. Số phận ấy vốn đã được an bài ngay từ khi sinh ra – và gần như không thể thay đổi, dẫu có cố gắng đến nhường nào.

Suốt thế kỷ 19, nơi thắp lên hy vọng rực rỡ nhất cho nhân loại chính là New York. Bởi nơi đó nuôi dưỡng một ý niệm cốt lõi, làm đảo lộn cả cái vòng lặp tĩnh tại của kiếp nông dân: rằng bất kể bạn xuất thân từ đâu, chỉ cần bạn làm việc chăm chỉ và sống tử tế, bạn hoàn toàn có thể vươn lên – đạt tới thành công và sự thịnh vượng. Điều mà ở hầu hết các nơi trên thế giới lúc bấy giờ, vẫn còn là điều không tưởng – nơi mà tương lai mỗi người gần như đã được định đoạt bởi cái nôi họ được sinh ra.

Và đặc biệt, chính chủ nghĩa tư bản đã thắp sáng viễn cảnh về một chân trời rộng mở. Ai cũng biết rõ mặt tối của nó: thất nghiệp, nhà máy khổng lồ, người làm thì nhiều mà của cải tập trung vào số ít. Nhưng tư bản cũng mang đến một ý tưởng đẹp đẽ: thăng tiến cá nhân thông qua công việc. Cạnh tranh và thị trường tự do sẽ trao cơ hội cho những ai có tài và chịu khó. Người ta có thể vươn lên. Giá cả sẽ giảm xuống – vì các doanh nghiệp phải ganh đua để bán hàng, từ đó nâng cao chất lượng sống và hạ thấp chi phí.

Ý niệm tuyệt vời của chủ nghĩa tư bản… nơi sự nghiệp và hạnh phúc mở ra cho tất cả mọi người.

Ngày nay, nơi đâu cũng như New York. Ở một số khía cạnh, chủ nghĩa tư bản thực sự đã thực hiện được lời hứa ấy. Giá cả của rất nhiều mặt hàng đã giảm đi. Và những kiểu sống mà chúng ta có thể lựa chọn – xét về mặt vật chất – đã thay đổi toàn diện.

Vào năm 1930 ở Anh, trung bình mỗi gia đình phải dành đến 55% thu nhập để mua thực phẩm. Riêng bánh mì đã ngốn tới 5% tổng thu nhập. Thế mà ngày nay, một gia đình bình thường ở Anh chỉ dành khoảng 10% ngân sách hàng tuần cho ăn uống. Và bánh mì chỉ chiếm vỏn vẹn 0,5% thu nhập.

Tuy nhiên, ở nhiều phương diện khác, giấc mơ tư bản lại không mang đến những điều người ta từng kỳ vọng. Nó không trao được cảm giác mãn nguyện và đủ đầy như người ta vẫn tin tưởng – đặc biệt là trong công việc.

Có năm yếu tố trong trải nghiệm lao động hiện đại đang âm thầm làm lung lay lời hứa của chủ nghĩa tư bản.

Một: Tham vọng – sự thất bại không thể tránh khỏi

Chủ nghĩa tư bản gieo rắc khát vọng rất rộng khắp – một cách hào phóng, nhưng cũng vô cùng tàn nhẫn.

ảnh tốt nghiệp lớp MBA điều hành – Trường Wharton, khóa 2004

Nếu xét theo nhiều chỉ số thông thường, hầu hết những người tốt nghiệp từ hơn mười năm trước đều có vẻ như đã rất thành công. Họ kiếm được mức lương cao hơn hẳn mức trung bình của cả nước. Họ giữ những vị trí quan trọng. Họ bay hạng thương gia. Nhưng những thước đo bên ngoài ấy lại không phải là thứ khiến tâm trí ta rung động sâu sắc nhất. Ta thường so sánh mình với những người ta xem là "ngang hàng" – và đối chiếu với những kỳ vọng cao nhất từng nuôi dưỡng trong lòng.

Và theo thước đo đó, chủ nghĩa tư bản có một thông điệp khá lạnh lùng gửi đến các tân khoa từ những ngôi trường kinh doanh danh giá nhất thế giới:

Để có cơ hội chạm tới đỉnh cao, bạn phải tuyệt đối quyết tâm. Bạn phải dồn toàn bộ thời gian, nỗ lực, và cả tâm hồn mình vào đó. Bạn phải thực sự khao khát. Nhưng chỉ thế vẫn chưa đủ. Hầu hết các bạn sẽ không đạt được điều ấy. Và thất bại ấy sẽ luôn lởn vởn trong tâm trí bạn. Bạn sẽ nhìn vào tấm ảnh năm xưa và ghen tị với số ít người đã leo đến được đỉnh.

Đó là quy luật của xác suất. Số lượng ghế giám đốc điều hành thì có hạn. Còn số sinh viên tốt nghiệp từ các trường kinh doanh danh tiếng thì rất nhiều. Rất nhiều người đang cạnh tranh ráo riết vì một vài vị trí danh giá. Phần lớn sẽ thất bại. Họ thất bại theo một chuẩn mực cực kỳ cao. Nhưng vì chính họ đặt ra chuẩn mực đó – bằng tham vọng của mình – nên họ lại tự mình dùng nó để đánh giá chính mình.

Cảm giác ganh tị luôn hiện hữu. Có vài người vượt qua hết các đợt "sàng lọc" định kỳ tại McKinsey; có người góp mặt vào một công ty khởi nghiệp đình đám và phất lên như diều gặp gió; có người đã có một chặng đường huy hoàng khi làm việc trong Nhà Trắng. So với họ, con đường sự nghiệp của bạn bỗng trở nên nhạt nhòa, thiếu sắc.

Tại những buổi gặp gỡ xã hội, bạn khó chịu khi nhìn xuống dòng chữ trên danh thiếp của chính mình: "Phó Giám đốc Liên kết" – một chức danh nghe thì oai nhưng chỉ để làm đẹp với người ngoài. Còn người trong nghề – như những người bạn của bạn – thì thừa biết: đó là dấu hiệu của một sự nghiệp đang giậm chân tại chỗ. Bạn bắt đầu lo lắng rằng người bạn đời của mình không còn thực sự tôn trọng bạn nữa. Khi mới yêu, hai người từng nói rất nhiều về tương lai. Giờ đây, người ấy tránh né mỗi khi bạn nhắc đến chuyện công việc. Những giấc mơ mà gia đình bạn đặt lên bạn – và chính bạn từng tin vào – nay đã không thành hiện thực. Bạn cảm thấy hổ thẹn.

Thật dễ để bật cười trước những người ít tiền vẫn ngày ngày nuôi mộng đổi đời qua vé số. Ước muốn trúng số thì quá dễ hiểu – ai mà chẳng muốn. Vấn đề là, xác suất thì khắc nghiệt quá. Họ đang nhắm đến một cái đích nhỏ xíu, ở rất xa. Gần như chắc chắn sẽ trượt. Nhưng giới điều hành, giới trí thức, cũng có một phiên bản tương tự.

Tham vọng – khát vọng thành công trong công việc – không phải là thứ có thì tốt, không có cũng chẳng sao. Nó chính là trung tâm của guồng máy tư bản. Các công ty cần những cuộc chạy đua để tranh giành vị trí cao nhất; họ cần rất nhiều người đặt mục tiêu vượt xa khả năng thực tế. Để có vài người vươn lên và làm nên chuyện, phải có vô số người khác cố gắng và thất bại. Hiệu suất chung được đánh đổi bằng rất nhiều cuộc đời dở dang, hụt hẫng.

Hai: Ta buộc phải từ bỏ nhiều phiên bản của chính mình

Năm 1845 – khi chủ nghĩa tư bản hiện đại đang bước vào giai đoạn tăng tốc, nhà phê bình nổi tiếng nhất của nó đã chỉ ra một khiếm khuyết lớn, và vẽ nên một viễn cảnh lý tưởng:

"Trong xã hội cộng sản, nơi không ai bị giới hạn bởi một lĩnh vực hoạt động cố định, ai cũng có thể phát triển trong bất kỳ lĩnh vực nào mình mong muốn. Xã hội điều phối việc sản xuất chung và tạo điều kiện để tôi có thể làm việc này hôm nay, việc khác ngày mai – sáng đi săn, chiều câu cá, tối chăn bò, đêm phê bình văn học – tùy theo sở thích, mà không bao giờ bị gán cho cái nhãn: thợ săn, ngư dân, mục đồng hay nhà phê bình."
[Marx, Tư tưởng Đức, 1845]

Marx đang chạm tới một khát vọng âm ỉ trong lòng người – khát vọng được sống trọn vẹn mọi khả năng tiềm ẩn. Ngay trong thời Marx, hình mẫu cho một cuộc đời phong phú trọn vẹn ấy chính là Goethe.

Goethe là một con người dường như đã đi đến tận cùng của những khát vọng và khả năng trong chính mình – một người vừa có gia đình ấm êm, lại từng trải qua những cuộc tình lãng mạn đầy sóng gió; vừa là nhà thơ, nhà tư tưởng, lại là nhà ngoại giao, bộ trưởng, cố vấn chính trị; vừa xây dựng tổ ấm lý tưởng, vừa viễn du bốn phương; lại còn có những khám phá đáng kể trong khoa học.

Goethe là hình ảnh trưởng thành, đĩnh đạc, mang hơi hướng tinh thần Phục Hưng – một biểu tượng cao đẹp cho điều mà nhiều người từng thầm mơ ước. Khi còn là trẻ nhỏ, trước khi hiểu rõ thế giới thực tế của công việc, ta thường mơ mộng về những điều mình muốn trở thành: phi hành gia, nhà phát minh, tài xế xe buýt, vận động viên nhào lộn chuyên nghiệp, người mẫu, bác sĩ, nhà thám hiểm... Mỗi nghề ấy đều nói lên một mảnh ghép trong con người non trẻ của ta.

Thế nhưng, kiểu sống như của Goethe – hay những mộng ước đầy màu sắc tuổi thơ – ngày càng trở nên xa vời. Hình mẫu "con người toàn diện" mang tinh thần thời Phục Hưng ấy ngày càng mâu thuẫn với tư tưởng của công việc hiện đại.

Chúng ta vẫn luôn mang trong mình khát khao sống một đời thật trọn vẹn – và rồi chính khát khao ấy trở thành một chuẩn mực khiến ta gần như chắc chắn sẽ thất bại. Một sự thật khắc nghiệt: phần lớn chúng ta sẽ rời khỏi thế gian này khi vẫn còn nhiều điều đẹp đẽ trong bản thân chưa từng được khai mở. Những khả năng tốt nhất trong ta – có thể – sẽ mãi ngủ yên. Những dự định tuyệt vời nhất – có thể – sẽ không bao giờ thành hình.

Chủ nghĩa tư bản đòi hỏi sự chuyên môn hóa, đòi hỏi ta phải cống hiến và tập trung tuyệt đối. Để tồn tại và tiến lên trong một nền kinh tế cạnh tranh, định hướng thị trường, ta buộc phải chọn lọc rất khắt khe điều mình theo đuổi – và hi sinh rất nhiều thời gian, rất nhiều phần đời của mình, cho điều đó.

Với xã hội, điều đó là có lợi: nếu có người dành 25.000 giờ để nghiên cứu về vệ sinh răng miệng, hay 36.000 giờ để tối ưu hệ thống nhập liệu – thì cả cộng đồng được hưởng thành quả. Nhưng cái giá cá nhân phải trả là vô số điều khác mà ta đã không kịp sống, không thể làm, không thể trở thành.

Ta có thể mơ nhiều hơn rất nhiều so với những gì mình có thể sống trọn. Mỗi ngày trôi qua, ta lại âm thầm được nhắc nhở về những điều mình buộc phải từ bỏ.

Ba: Bình tĩnh – một điều gần như không thể

Trong phần lớn chiều dài lịch sử phương Tây, người ta hẳn sẽ thấy thật kỳ quặc nếu có cả một ngành công nghiệp chuyên… giúp con người bình tĩnh lại. Những buổi tối lên giường sớm, những ngày chẳng có gì đặc biệt xảy ra, những thói quen giản dị lặp đi lặp lại – xưa kia đâu cần được coi là "giải pháp" cho sự lo âu. Bởi với rất nhiều người, đó đơn giản chỉ là trạng thái bình thường của đời sống thường nhật.

Chỉ mới gần đây thôi – xét về mặt lịch sử – khi mà lo lắng, bồn chồn, và áp lực đã trở thành thứ len lỏi khắp ngóc ngách cuộc sống, thì chúng ta mới bắt đầu có một mối quan tâm lớn, chung cho cả cộng đồng: đi tìm sự an yên.

Hành trình đi tìm ấy bắt đầu nổi lên cũng vào thời kỳ khởi đầu của Cách mạng Công nghiệp – khi thành phố phình to và nhà máy mọc lên như nấm. Ngày càng nhiều người bắt đầu mơ màng đến một nơi xa xôi nào đó – nơi còn nguyên sơ, chưa bị bàn tay con người can thiệp – nơi họ có thể thực sự thả lỏng, buông bỏ, và nghỉ ngơi. Một chốn để chạy trốn khỏi áp lực ngày một chất chồng ở quê nhà.

Họa sĩ thế kỷ 18 William Hodges đặc biệt bị mê hoặc bởi vẻ yên bình của hòn đảo Tahiti – nơi mà người phương Tây lần đầu đặt chân tới vào năm 1768.

Những bức tranh ấy nói thay cho nỗi khao khát trong lòng chúng ta – một đời sống giản đơn, chan hòa với thiên nhiên, không lo âu, không vướng bận. "Bạn cũng có thể sống như thế," – chúng như đang thì thầm – "nhưng bạn sẽ phải đến Tahiti, một chuyến đi mất đến năm tháng, chưa kể khả năng bị cướp biển tấn công dọc đường, và rồi khi tới nơi, nó có thể chẳng giống những gì Hodges vẽ."

Ngày nay, cả một ngành công nghiệp khổng lồ đã được xây dựng chỉ để đưa chúng ta đến những chốn như vậy.

Một phần lớn ý nghĩa của sự xa xỉ hiện đại nằm ở chỗ: bạn sẽ có thể bình tĩnh lại. Bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn. Bạn sẽ được "ngắt kết nối", được tạm quên hết thảy.

Đây là một thái độ đối với việc du lịch hoàn toàn đối lập với các thời đại trước, khi người ta đi đó đây để tìm cảm hứng, tìm phiêu lưu. Giờ đây, du lịch không còn là để thấy nhiều hơn – mà là để thấy ít đi. Nhưng trớ trêu thay, điều đó lại thường không đạt được. Những căn lều sang trọng bên bờ biển Maldives giờ đây là nơi tiếp nhận một lượng lớn… thất vọng và bức bối. Sự bồn chồn của chúng ta không phải lỗi của riêng ai. Sự bình yên, an tĩnh chỉ đến khi trong lòng ta có cảm giác: ngày mai mình sẽ ổn thôi – rằng những thử thách phía trước đều nằm trong khả năng giải quyết. Ta bình tĩnh bởi ta thấy mình an toàn. Nhưng chính điều kiện sống hiện đại đã khiến cảm giác bình an ấy trở nên quá đỗi mong manh. Và vì thế, ngay cả khi ta có được sự giàu có và thăng tiến – những thứ mà chủ nghĩa tư bản từng hứa hẹn – thì rốt cuộc, ta vẫn cứ thấy bất an.

Bốn: Cuộc khủng hoảng hiện sinh thường trực của thế giới công việc

Công việc luôn giao thoa với một đặc điểm rất căn bản của kiếp người: ta thường chọn sai. Lý tưởng tự nhiên của việc lựa chọn – tất nhiên – là ta có đầy đủ thông tin về mọi khả năng có thể xảy ra, rồi từ đó chọn phương án phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Nhưng thực tế thì hiếm khi được như vậy.

Các triết gia hiện sinh – đặc biệt là Jean-Paul Sartre – đã rất thấu hiểu một sự thật: thường thì khi ta buộc phải chọn, ta lại chưa hiểu gì cho đủ về những con đường trước mắt.

Sartre: ta bị ép phải đưa ra lựa chọn, ngay cả khi ta chẳng biết đâu mới là điều đúng đắn.

Ta thiếu kinh nghiệm. Ta thiếu thông tin. Nhưng ta vẫn phải quyết định – và những quyết định đó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chính cuộc đời mình, và cả cuộc đời của những người quanh ta. Ta tự hỏi: Liệu có nên mở rộng thị trường sang Hàn Quốc không? Có phải lúc này là thời điểm thích hợp để tái định vị thương hiệu quy mô lớn? Nếu không được thăng chức, có nên nghỉ việc? Có nên nhận công việc ở New York, hay là chọn cơ hội tại Tangiers? Nếu người bạn đời được điều sang Đức, mình có nên theo cùng, hay chấp nhận chia tay? Nếu đã có con, mình nên làm nhiều hơn (để có tiền lo cho chúng) hay làm ít lại (để có thời gian ở bên chúng)? Bây giờ có nên mua nhà hay chờ thị trường điều chỉnh?

Cuộc sống là một chuỗi lựa chọn không ngừng nghỉ – và theo định nghĩa thì, ta chắc chắn sẽ chọn sai kha khá. Tới tuổi 35, có thể ta đã ra khoảng 150 quyết định lớn trong đời, và ít nhất 15 trong số đó hoàn toàn sai lầm – những sai lầm sẽ theo ta suốt quãng đời còn lại.

Hãy để một người sống đủ lâu trên thế gian này, họ sẽ – không vì xấu xa hay tệ bạc – tự đưa mình vào vô số vòng xoáy rối ren. Họ sẽ bị dày vò bởi những điều đã qua. Họ sẽ bị nhấn chìm mỗi ngày bởi ý nghĩ: "Giá như mình hành động khác đi mười năm trước thì có lẽ giờ đã khác..."

Hình ảnh Orestes bị các nữ thần báo oán ("Furies") truy đuổi vì hối hận và tội lỗi là một biểu tượng cực đoan – nhưng thật ra chỉ là phiên bản kịch tính của một trải nghiệm hết sức đời thường.

Các bi kịch gia Hy Lạp hiểu điều đó. Họ tin rằng cách để đối diện với hối tiếc không phải là tránh nó, mà là chấp nhận rằng nó không thể tránh khỏi. Họ không tin rằng nếu ta đủ thông minh, chân thành, và có thiện ý thì sẽ có thể sống mà không vấp váp, không ray rứt, không đớn đau.

Họ đặc biệt đồng cảm với câu chuyện của Oedipus. Một con người tài năng, đầy hoài bão, trên đường đi đã gặp phải một nhóm người tưởng là cướp. Anh phản kháng, giết người đứng đầu. Không ai biết – kể cả anh – rằng người đó chính là cha ruột của mình. Dĩ nhiên, nếu biết rõ điều đó, tất cả đã khác.

Cái mà người Hy Lạp yêu thích ở bi kịch này là cảm giác: chuyện đó không phải lỗi của Oedipus. Nhưng khi sự thật phơi bày, anh vẫn bị giằng xé bởi tội lỗi và nỗi đau. Đó là một thông điệp mà ta nên được nhắc nhở thường xuyên hơn. Vì điều giúp xoa dịu nỗi tiếc nuối không phải là lời hứa rằng "mọi thứ rồi sẽ ổn", mà là sự nhận thức rằng – trên đời này – chẳng có ai sống mà không mang theo một vài hối tiếc trong tim.

"Một cuộc đời không tiếc nuối" – nếu có – chỉ tồn tại trong những bản nhạc trữ tình của Pháp mà thôi.

“Tôi đã dành 25 năm cuộc đời chỉ để cố làm vừa lòng cha mình – và ông ấy thì chẳng bận tâm.”
— James Packer, người thừa kế đế chế Consolidated Press Holdings

“Tôi tiếc vì suốt bao năm ở Morgan Stanley, tôi chẳng có nổi một người bạn thực sự.”
— James Gorman, CEO của Morgan Stanley

Cách duy nhất để làm nguôi ngoai nỗi tiếc nuối, đó là đừng tự trách mình quá nhiều vì đã không chọn đúng. Bởi rất có thể… ta chưa bao giờ thật sự có đủ điều kiện để chọn đúng cả.

Năm: Ta không được "thiết kế" để làm việc kiểu hiện đại…

Tiến hóa là một trong những ý tưởng lớn nhất của thời hiện đại. Nó nhìn ngược về quá khứ để lý giải cách ta đã đến được đây – và vì sao con người lại như bây giờ. Người đầu tiên khám phá ra cơ chế hoạt động của tiến hóa – Charles Darwin – từng bị một bộ phận lớn dân chúng ở nước Anh thế kỷ 19 kịch liệt phản đối.

Darwin từng bị chế giễu, bởi ông đã động chạm đến điều gì đó rất sâu xa.

Khi Darwin nói “chúng ta tiến hóa từ loài linh trưởng”, ông đang nhắc chúng ta rằng: con người mang trong mình một quá khứ rất dài và nặng nề. Chúng ta tiến hóa – từ xa xưa – vì một số đặc điểm nhất định từng vô cùng hữu ích trong môi trường sống khi đó. Nhưng môi trường hiện tại thì đã khác xưa rất xa rồi.

Tiến hóa (qua đột biến gene và quá trình sinh sản) vận hành trên một chiếc đồng hồ vô cùng chậm rãi. Những thay đổi lớn cần tới hàng trăm thế hệ – nên khi hoàn cảnh sống của loài người thay đổi nhanh, tiến hóa không theo kịp, và thế là có độ trễ rất kỳ lạ giữa con người hiện tạicuộc sống hiện tại.

Ví dụ, chúng ta tiến hóa để đặc biệt yêu thích đồ ngọt. Ngày xưa, khi trái cây như đu đủ hay chuối là thứ ngọt ngào nhất mà ta có thể tìm thấy, thì cảm giác thèm ngọt là một bản năng tuyệt vời – nó dẫn ta đến thứ giúp cơ thể phát triển. Nhưng trong thế giới hiện đại, bản năng ấy lại kéo ta về phía những thứ cực kỳ không tốt cho sức khỏe. Vấn đề là, vì đó là bản năng tiến hóa, nên việc “tắt” nó đi là điều gần như bất khả thi.

Tiến hóa định hình chúng ta để sống trong một kiểu thế giới nhất định. Nhưng thế giới đó giờ đã không còn – trong khi bản năng thì vẫn ở lại.

Ví dụ, trong những lúc căng thẳng, chúng ta có xu hướng phản ứng bằng sự giận dữ hoặc phản kháng. Phản ứng này từng là một tuyệt kỹ sinh tồn – rất có ích nếu bạn đang bị đe dọa bởi linh cẩu khổng lồ hay mèo răng kiếm. Nhưng nếu điều bạn đang sợ là thứ gì đó rối rắm về mặt tâm lý – như bị mắc kẹt trong một dự án với đồng nghiệp không hiểu mình, hoặc cảm thấy không được ghi nhận – thì điều bạn thực sự cần là sự bình tĩnh, lý trí và kiên nhẫn.

Nhưng não bộ của ta vẫn phản ứng như thể đang ở đồng cỏ Phi châu: nó tăng nhịp tim, siết căng dây thần kinh, bơm hoảng loạn lên tới đỉnh điểm.

Chúng ta cũng tiến hóa để có khả năng tập trung trong thời gian ngắn, và cực kỳ dễ bị thu hút bởi những thứ chuyển động sặc sỡ. Điều này hoàn hảo khi bạn phải dò từng cọng cỏ cao để phát hiện rắn. Nhưng trong thế giới ngày nay – nơi yêu cầu sự tập trung sâu trong nhiều giờ, bên màn hình máy tính và những con số – thì khả năng ấy lại thành một rào cản. Có lẽ điều này phần nào lý giải vì sao Quảng trường Thời đại lại hấp dẫn đến vậy.

Bộ não của ta, với tất cả sự tài tình của nó, được "lập trình" để sống trong một thế giới xưa cũ – và giờ đây, nó tỏ ra đầy bi hài khi cố thích nghi với môi trường hiện đại.

Tiến hóa giúp ta hiểu vì sao ta vật lộn mãi mà vẫn thấy khó hòa hợp những đòi hỏi quá lớn của công việc với cuộc sống riêng. Ta đang cố gắng bắt chính mình làm những việc vốn rất trái tự nhiên với ta.

Hiểu điều này sẽ thay đổi cách ta nhìn nhận vấn đề. Dù ta vẫn thường thấy thật cá nhân khi mình thất bại trong việc dung hòa giữa công việc và gia đình, hoặc giữa công việc và việc rèn luyện thân thể, hay giữa công việc và những mối quan hệ cũ – thì có lẽ, ta không nên đổ hết lỗi cho bản thân. Lỗi không chỉ nằm ở sự yếu kém cá nhân (dù điều đó cũng có thể có phần đúng). Mà là ở bối cảnh lịch sử, ở cấu trúc của nền kinh tế, và ở sự chậm chạp đến khó tin của tiến hóa. Ta đang sống trong một thế giới được thiết kế cho những sinh vật khác – trong khi ta vẫn mang trong mình trái tim, bản năng và bộ não của tổ tiên xa xưa. 

Nguồn: HOW NOT TO LET WORK EXPLODE YOUR LIFE | The School Of Life

menu
menu