Cách những Sugar Baby cân bằng hai vai trò: người tình và người lao động

cach-nhung-sugar-baby-can-bang-hai-vai-tro-nguoi-tinh-va-nguoi-lao-dong

‘Sugaring’ là sự thương mại hóa của tình yêu – đặt ra một bài toán về tình cảm, lao động và sự tự chủ cho những ai bước vào thế giới này.

Khi nghĩ về tình yêu, ta thường cho rằng nó nằm ngoài mọi quy luật thương mại. Từ những ca từ ngọt ngào trong các bản nhạc pop đến những câu slogan sến súa in trên cốc và gối ôm, quan niệm này được gói gọn trong những câu nói quen thuộc: "Tiền không mua được tình yêu", "Tình yêu đích thực là vô giá", "Những điều tốt đẹp nhất trong cuộc sống – tình yêu, tri kỷ, sự đồng hành – đều miễn phí." Nhưng chỉ cần nhìn lại lịch sử, ta sẽ thấy điều này không hoàn toàn đúng. Trên thực tế, tình yêu và thương mại từ lâu đã đan xen, đôi khi không thể tách rời.

Từ xa xưa, ở nhiều nền văn hóa, việc những người lớn tuổi, có tiềm lực tài chính, bù đắp cho những người trẻ trung, hấp dẫn hơn bằng tiền bạc, quà tặng hay sự bảo trợ để đổi lấy sự quan tâm và đồng hành không phải là điều hiếm gặp. Nếu ta nhìn thật xa về quá khứ, vào Hy Lạp cổ đại cuối thời kỳ Archaic (khoảng 800-480 TCN), sẽ thấy tập tục pederasty – một dạng quan hệ lãng mạn được xã hội chấp nhận giữa một người đàn ông lớn tuổi (erastes) và một thiếu niên trẻ (eromenos). Dịch chuyển ống kính về gần hiện đại hơn, vào đầu thế kỷ 20 ở Mỹ, ta thấy một hiện tượng gọi là ‘treating’, nơi những cô gái thuộc tầng lớp lao động – thường là nhân viên bán hàng trong các trung tâm thương mại – sẽ dành thời gian trò chuyện, thậm chí trao đổi những ân huệ tình cảm hoặc thể xác với các khách hàng nam để đổi lấy những bữa ăn, buổi hẹn hò sang trọng hay quà tặng. Và ngày nay, câu chuyện cũ này vẫn tiếp tục được viết lại, chỉ là với một thứ ngôn ngữ và một hệ thống xã hội mới để dẫn dắt nó.

Năm 2006, doanh nhân người Mỹ Brandon Wade đã sáng lập nền tảng hẹn hò SeekingArrangement (nay đã đổi thành Seeking.com vào năm 2022, hoạt động như một trang web hẹn hò thông thường). Khác với các trang hẹn hò trực tuyến phổ biến, nền tảng này hướng đến một nhóm người dùng đặc biệt: chủ yếu là những người đàn ông lớn tuổi, giàu có tìm kiếm những cô gái trẻ trung, xinh đẹp. Ở đây, họ có thể tìm thấy một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi: người đàn ông, thường được gọi là Sugar Daddy, sẽ cung cấp sự cố vấn, hỗ trợ tiền thuê nhà, mở rộng mạng lưới quan hệ, và thậm chí là một khoản trợ cấp hàng tuần hoặc hàng tháng. Đổi lại, người phụ nữ – được gọi là Sugar Baby – sẽ mang đến sự quan tâm về mặt cảm xúc, trí tuệ và đôi khi (nhưng không phải lúc nào) là cả tình dục. Mô hình này, thường được gọi là ‘sugaring’, trở thành một hiện tượng độc đáo của thời hiện đại, đứng giữa ranh giới mong manh giữa một mối quan hệ tình cảm chân thành và một sự trao đổi mang tính giao dịch.

Hai con người trong mối quan hệ này thường gắn kết sâu sắc, có khi qua đêm ở nhà nhau, cùng nhau đi ăn tối, du lịch hay thậm chí xây dựng một phần cuộc sống xoay quanh đối phương. Trong đó, luôn tồn tại một sự thỏa thuận ngầm: dòng chảy của tiền bạc, quà tặng, sự chu cấp sẽ không ngừng lại. Tình cảm, vật chất và tình dục không đến một cách ngẫu nhiên mà là một giao kèo không thể thiếu để duy trì mối quan hệ. Và từ đó, ranh giới giữa những gì được mua, những gì được bán, đâu là lao động và đâu là sự tự nhiên dần trở nên nhạt nhòa. Hai người yêu nhau, nhưng đồng thời cũng đóng vai trò của người thuê và người được thuê.

Từ góc nhìn của một Sugar Daddy, mô hình này dường như là một giải pháp tối ưu – một cách chắc chắn để có được sự quan tâm về mặt cảm xúc và thể xác trong một thế giới đầy rẫy sự cô đơn. Điều này đặc biệt đúng với nhiều người đàn ông lớn tuổi, những người cảm thấy mình đang bị nhấn chìm trong guồng quay khắc nghiệt của chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp, bị cô lập bởi nhịp sống bận rộn và những áp lực vô hình mà hình mẫu nam tính truyền thống đặt lên họ.

Photo by Maskot/Getty Images

Ngược lại, sugaring cũng mang lại lợi ích ở một khía cạnh khác: nó đặt giá trị kinh tế lên lao động cảm xúc – thứ lao động vô hình mà phụ nữ từ lâu đã phải gánh vác quá nhiều nhưng chưa bao giờ được trả công xứng đáng. Đó là công việc lắng nghe, vỗ về, xoa dịu cơn giận, gánh lấy nỗi lo âu của người khác – những việc tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại tiêu hao rất nhiều thời gian và năng lượng.

Thoạt nhìn, việc thương mại hóa tình yêu có vẻ đơn giản. Nhưng khi đi sâu vào bản chất của nó – khi một mối quan hệ lại đồng thời là một công việc – mọi thứ bắt đầu trở nên phức tạp. Bởi lẽ, làm thế nào một người có thể “diễn” tròn vai người yêu trong khi vẫn phải giữ được sự chân thành? Hai khái niệm “diễn” và “chân thành” vốn dĩ đối lập nhau, nhưng trong sugaring, chúng lại quấn lấy nhau không rạch ròi. Chính sự mơ hồ này có thể khiến những người tham gia rơi vào trạng thái lửng lơ – vừa thuộc về thế giới của hẹn hò, tình yêu và sự gắn kết thực sự, vừa gắn với tiền bạc, hợp đồng và lao động. Khi nào họ đang "làm việc", khi nào họ thực sự yêu? Ranh giới nào xác định đâu là thỏa thuận, đâu là cảm xúc thật? Đây là những câu hỏi mà bất kỳ ai lao động trong thế giới hiện đại cũng xứng đáng có được câu trả lời rõ ràng.

Để hiểu rõ hơn, tôi đã dành bốn tháng thực hiện các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc với những người tự nhận là Sugar Baby, những người đã và đang có mối quan hệ với một Sugar Daddy. Không phải tất cả, nhưng nhiều người trong số họ xem sugaring là nguồn thu nhập chính, quyết định thói quen chi tiêu, hợp đồng thuê nhà và cả kế hoạch tiết kiệm của họ. Tuy nhiên, vì sugaring vẫn là một mối quan hệ tình cảm, nó cũng có thể chấm dứt đột ngột như bất kỳ cuộc chia tay nào khác. Kết thúc đó có thể đến theo nhiều cách: một cuộc chia tay dài đầy nước mắt, một bữa tối để nói lời tạm biệt, một cuộc gọi ngắn ngủi, một tin nhắn cụt lủn, hoặc đôi khi chỉ là sự biến mất không một lời báo trước. Và khi điều đó xảy ra, Sugar Baby không chỉ mất đi một nguồn thu nhập ổn định mà còn mất đi một người mà họ có thể đã gắn bó suốt nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm trời.

Sự bấp bênh này cũng kéo theo một vấn đề khác: tính ổn định về tài chính. Lilah, một Sugar Baby 22 tuổi đến từ Canada, chia sẻ trong cuộc trò chuyện qua Zoom rằng, trong những mối quan hệ kiểu này, các cuộc thảo luận về tài chính thường diễn ra ngay từ đầu. Điều đó giúp cả hai bên hiểu rõ những gì họ sẽ nhận được và những gì họ cần cho đi trước khi bất kỳ sự đầu tư nào về mặt cảm xúc hay thể xác bắt đầu. Tuy nhiên, những thỏa thuận này không phải là hợp đồng chính thức mà chỉ là một dạng cam kết dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, không có bất kỳ ràng buộc pháp lý nào.

Trái lại, trong môi trường lao động truyền thống, người lao động luôn có hợp đồng rõ ràng, quy định chính xác những gì họ phải làm và những gì họ sẽ được nhận. Họ cũng có những đợt đánh giá định kỳ, nơi họ có thể yêu cầu tăng lương để theo kịp lạm phát hoặc phản ánh mức độ cống hiến của mình. Trong sugaring, mọi thứ không hề có cấu trúc như vậy. Việc thương lượng lại khoản trợ cấp có thể khiến mối quan hệ mất đi sự lãng mạn vốn có. Và nếu có sự vi phạm thỏa thuận, Sugar Baby cũng khó mà đòi hỏi quyền lợi của mình. Lilah nhớ lại có những lần khoản trợ cấp hàng tháng bị giảm đi 200 đô la so với con số ban đầu. Nhưng ngay cả khi biết mình bị thiệt, cô vẫn ngần ngại lên tiếng, vì điều đó không chỉ là một cuộc thảo luận tài chính, mà còn là bài toán niềm tin – giữa một người yêu và một người lao động, giữa cảm xúc và quyền lợi kinh tế.

Dù sự lỏng lẻo trong thỏa thuận tài chính của sugaring có thể mang lại rủi ro về thu nhập, nó cũng mở ra những cánh cửa khác: sự tự do và quyền chủ động. Sugar Baby không bị ràng buộc bởi lịch trình làm việc cứng nhắc, không phải ngồi lì bên bàn giấy từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều, không phải lặp đi lặp lại những công việc nhàm chán hay mất hàng giờ trong các cuộc họp Zoom vô tận. Jessa, một Sugar Baby 25 tuổi đến từ Úc, chia sẻ rằng chính sự linh hoạt này là điều đầu tiên thu hút cô đến với sugaring. Cô mắc một số vấn đề về sức khỏe, và một công việc thông thường không thể đảm bảo cho cô những khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết. Với sugaring, cô có thể tự quyết định lịch trình của mình, lắng nghe cơ thể và dành cho bản thân những gì cô thực sự cần.

Thế nhưng, Jessa cũng nhận ra rằng sự tự do khỏi những ràng buộc công việc truyền thống đôi khi lại biến thành một dạng giam cầm khác. Một số “Sugar Daddy” đòi hỏi sự linh hoạt đến cực đoan, yêu cầu cô phải sẵn sàng bất cứ lúc nào cho những chuyến đi đột xuất hay các sự kiện vào buổi tối. Điều này phản ánh cái mà giới nghiên cứu gọi là “nghịch lý tự do” – nơi những con người tưởng chừng có nhiều quyền tự quyết trong cuộc sống cá nhân hay sự nghiệp thực ra lại vướng vào những ràng buộc vô hình.

Trong môi trường làm việc chính thống, điều này thường thấy ở những người làm nghề tự do hoặc nhân viên làm việc từ xa – những người vật lộn với việc đặt ra ranh giới, khó lòng phân định rõ ràng giữa giờ làm và khoảng thời gian riêng tư. Những “Sugar Baby” cũng không ngoại lệ. Họ có những ngày dài tưởng chừng rộng mở để tự do khám phá thế giới, nhưng luôn bị một sợi dây vô hình kéo về phía người bạn đồng hành của mình. Sự phát triển của công nghệ chỉ càng thúc đẩy điều này – WiFi, tin nhắn, FaceTime và mạng xã hội biến họ thành những người luôn phải sẵn sàng, luôn phải “bật chế độ trực tuyến” cho một mối quan hệ vừa giống tình nhân, vừa mang dáng dấp của một ông chủ. Không có giờ nghỉ, không có khái niệm “tan ca”. Nếu ta xem tình yêu như một nghề nghiệp, thì nó chẳng khác gì một công việc vận hành suốt 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Và từ đó, một dạng “tự do hư cấu” ra đời – nơi những “Sugar Baby” không thực sự có quyền tự quyết về lịch trình của mình, chẳng thể tùy ý nghỉ ngơi hay rời bỏ những trách nhiệm đã gắn liền với họ.

Hết lần này đến lần khác, hiện tượng “sugaring” đặt ra một câu hỏi lớn: Chuyện gì sẽ xảy ra khi ranh giới giữa công việc và tình yêu không còn rõ ràng? Không phải kiểu tình công sở thoáng qua, mà là một dạng thức sâu sắc hơn – nơi một mối quan hệ lâu dài tự thân nó đã trở thành một công việc. Từ lâu, chúng ta vẫn chia thế giới thành hai mảng đối lập: một bên là không gian công cộng, nơi con người bước ra khỏi ngôi nhà của mình để lao động, kiếm sống và tham gia vào các hoạt động kinh tế; còn bên kia là không gian riêng tư – nơi tổ ấm, gia đình và tình yêu được vun đắp bằng sự chân thành, dịu dàng và kết nối, chứ không phải bằng những cuộc trao đổi mua bán.

Nhưng có lẽ đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại. Hai thế giới ấy không thực sự tách biệt, mà đang không ngừng hòa vào nhau, uốn lượn theo nhau, chi phối bản chất của nhau. “Sugaring” chính là tấm gương phản chiếu điều đó – soi chiếu những góc khuất nơi tình yêu và tiền bạc hòa lẫn, nơi những khái niệm về yêu thương, lao động, sự chân thực và phần thưởng hóa ra từ lâu đã đan xen chặt chẽ hơn ta vẫn tưởng. Một sự thật trơn tuột, mơ hồ, nhưng cũng vô cùng cuốn hút – khiến ta không khỏi băn khoăn về chính những giá trị mà bấy lâu nay ta vẫn cho là hiển nhiên.

Tên của người được phỏng vấn đã được thay đổi để bảo vệ quyền riêng tư của họ.

Nguồn: The ways Sugar Babies navigate two roles: lover and employee | Psyche.co

menu
menu