Cách phàn nàn để người ấy lắng nghe
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, luôn có những điều khiến ta không hài lòng, buộc ta phải phàn nàn.
Trong bất kỳ mối quan hệ nào, luôn có những điều khiến ta không hài lòng, buộc ta phải phàn nàn. Tại sao họ chẳng bao giờ gọi điện cho ta vào ban ngày? Liệu có thật sự cần thiết phải làm việc đến tối muộn mỗi ngày không? Và tại sao lần nào cũng phải là ta chủ động trong chuyện ấy?
Những câu hỏi này hoàn toàn chính đáng, nhưng có hai cách chắc chắn sẽ khiến việc bày tỏ những bất bình của ta trở thành thảm họa.
Cách đầu tiên là con đường của sự chua chát. Chua chát là cơn giận bị bóp nghẹt bởi nỗi xấu hổ. Ta tìm đến những lời công kích đầy mỉa mai khi sâu thẳm bên trong, ta không tin mình xứng đáng được phản đối. Những lời phàn nàn, vì thế, phải lén lút rò rỉ ra ngoài như làn khí độc dưới lớp vỏ bọc của sự cam chịu. Ta nói, đôi môi run rẩy: “Tôi đoán hôm nay lại là một ngày siêu bận rộn ở chỗ làm, đúng không?” Hoặc giọng điệu cay nghiệt và lạnh lùng: “Chắc điện thoại của anh/em hết pin rồi nhỉ?”
Người nghe biết rõ ta đang bực bội. Nhưng điều mà ta không làm được là thuyết phục họ rằng lời phàn nàn của ta là hợp lý, hay chạm đến lòng trắc ẩn của họ bằng cách cho thấy ta đang tổn thương và yếu đuối thế nào. Ta không khiến họ thức tỉnh lương tâm, cũng chẳng đánh động được trái tim họ. Ta chỉ khiến họ dễ dàng nghĩ rằng: “Đúng là phiền phức.”
Con đường thất bại thứ hai là để bản thân chìm vào cơn thịnh nộ. Ta im lặng quá lâu, kìm nén cảm xúc đến khi bất ngờ bùng nổ bằng một cơn giận dữ không tương xứng. Một sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt – một cuộc gọi bị bỏ lỡ, hay bữa tối kéo dài thêm nửa tiếng ngoài dự kiến – lại trở thành cái cớ để ta dồn trút cơn phẫn nộ đã tích tụ âm ỉ suốt sáu tháng qua. Điều này khiến ta trở thành mục tiêu dễ dàng cho những lời buộc tội rằng ta “quá đáng.”
Đúng là việc họ quên gọi điện hay về trễ không phải lý do khiến ta thực sự tức giận, nhưng người kia lại chẳng khó khăn gì để mỉm cười hiền từ, nhắc nhở rằng họ vốn là người tử tế, và gán cho ta cái mác “mất bình tĩnh.” Bị cuốn đi trong cơn giận, ta còn mắc sai lầm khi vượt quá giới hạn. Ta không chỉ trách họ đã làm sai, mà còn tố cáo họ là người xấu – điều này chỉ khiến họ tự tin rằng vấn đề nằm ở ta, chứ không phải ở họ. Trên thực tế, ta không hề độc ác hay bất ổn như họ nghĩ. Ta chỉ đơn giản là tuyệt vọng và đau lòng.
Cả hai cách tiếp cận đều bắt nguồn từ một niềm tin sâu sắc rằng ta không có quyền được yêu thương, không có quyền yêu cầu người khác quan tâm hay đối xử tử tế với mình. Ta không biết cách phàn nàn đúng mực bởi ta xấu hổ về chính mình và tin rằng mình xứng đáng bị bỏ qua. Như thường lệ, niềm tin này bắt rễ từ quá khứ. Trong ký ức của những người hay dùng lời lẽ chua chát hoặc bùng nổ tức giận, thường có bóng dáng một đứa trẻ từng bị khiến cho cảm thấy nhu cầu của mình là vô nghĩa, rằng một người cha nóng giận hay một người mẹ trầm cảm sẽ chẳng bao giờ lắng nghe, và mọi nỗ lực bày tỏ của nó đều trở nên vô ích.
Ta không thể phàn nàn đúng cách nếu trước tiên ta không tin rằng mình có quyền làm điều đó. Bi kịch thay, mỗi lần thất bại trong việc khiến người khác lắng nghe chỉ càng củng cố thêm quan điểm sai lầm ban đầu: rằng ta vốn không xứng đáng.
Để làm chủ nghệ thuật phàn nàn một cách hiệu quả, ta cần tin rằng ta không phải – như quá khứ vẫn thường khiến ta nghĩ – kẻ đáng bị phớt lờ mãi mãi. Ta có quyền cảm thấy không hài lòng, quyền cho đối phương biết điều đó, và quyền mong đợi sự sửa chữa và thấu hiểu. Có thể, họ chẳng cố tình làm tổn thương ta đâu – điều mà ta sẽ khó tin cho tới khi học được cách yêu thương bản thân nhiều hơn.
Khi bắt đầu tin rằng mình có quyền được buồn, ta cũng sẽ biết cách bình tĩnh chuẩn bị cho những điều mình muốn nói. Ta có thể chia sẻ nỗi phiền muộn của mình một cách chiến lược và khôn ngoan hơn. Nếu người kia mãi không hiểu hoặc tiếp tục thờ ơ, ta cũng biết rằng mình đủ khả năng để bước đi.
Ta không bước vào các mối quan hệ để chịu đựng trong im lặng hay phẫn nộ. Ta có thể đã lớn lên trong những năm tháng tuổi thơ đầy kìm nén và bất hạnh, nhưng khi trưởng thành, ta có quyền được phàn nàn, được lắng nghe và thấu hiểu. Điều cần làm chỉ là cho mình đủ không gian và lòng trắc ẩn để học cách phàn nàn sao cho hiệu quả – nghĩa là, không châm chọc hay giận dữ.
Nguồn: HOW TO COMPLAIN SO A PARTNER WILL LISTEN – The School Of Life