"Chủ nghĩa khắc kỷ: phong cách sống bản lĩnh và thanh thản": hãy đọc nếu bạn đang có "một cuộc sống lộn xộn

chu-nghia-khac-ky-phong-cach-song-ban-linh-va-thanh-than-hay-doc-neu-ban-dang-co-mot-cuoc-song-lon-xon

Kỹ thuật "Tưởng tượng tiêu cực" của Chủ nghĩa Khắc kỷ tức là có thể "tưởng tượng trước" những điều tồi tệ sẽ đến với mình, xem nếu những thứ tồi tệ (như giá chứng khoán giảm hẳn xuống 700 hay bị mất việc chẳng hạn) mà xảy ra thì sẽ có hệ quả như thế nào v

[Trong những giai đoạn khó khăn, chẳng hạn khi TTCK đang liên tục lao dốc thì các nhà đầu tư chứng khoán rất nên đọc về Chủ nghĩa Khắc kỷ vì những triết lý và kỹ thuật của nó sẽ giúp ích rất nhiều, giúp mình đỡ stress.

Kỹ thuật "Tưởng tượng tiêu cực" của Chủ nghĩa Khắc kỷ tức là có thể "tưởng tượng trước" những điều tồi tệ sẽ đến với mình, xem nếu những thứ tồi tệ (như giá chứng khoán giảm hẳn xuống 700 hay bị mất việc chẳng hạn) mà xảy ra thì sẽ có hệ quả như thế nào với mình. Khi đã được "tưởng tượng trước" như thế thì chả may tới lúc nó có xảy ra thật thì cũng đã được chuẩn bị trước tinh thần nên đỡ stress và có khả năng xử lý một cách bình tĩnh hơn. Còn nếu thực tế mà không xảy ra sự kiện xấu đó thì càng tốt và càng vui vì hóa ra mình còn may mắn.

Hiểu rằng hầu hết mọi thứ trên đời như mưa gió, VNIndex, giá vàng... là nằm ngoài tầm kiểm soát của mình, mình không thể tác động vào nó mà chỉ có thể kiểm soát được những "phản ứng" xảy ra trong trí óc của mình. Khi đó chúng ta sẽ "bình thản" hơn nếu những điều "không may", như giá chứng khoán đi xuống xảy ra. Mình đã cố gắng hoạch định chiến lược đầu tư tốt nhất có thể nhưng thị trường vẫn đi xuống thì đành chịu, có stress cũng không giải quyết được gì vì nó nằm ngoài tầm kiểm soát của mình.]

"CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ: PHONG CÁCH SỐNG BẢN LĨNH VÀ THANH THẢN": HÃY ĐỌC NẾU BẠN ĐANG CÓ "MỘT CUỘC SỐNG LỘN XỘN

Một cuộc sống đúng nghĩa, một triết lý vững vàng, hướng chúng ta đến một cuộc sống muôn màu và tuyệt diệu hơn. Quyển sách triết học dễ hiểu, dễ đọc dành cho cả những người ghét cay ghét đắng triết học. 

Bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống này? Có thể câu trả lời của bạn là muốn có một người bạn đời biết quan tâm, một công việc tốt và một ngôi nhà đẹp, nhưng đó thực ra chỉ là những thứ bạn muốn có trong cuộc sống. Khi hỏi bạn mong muốn điều gì từ cuộc sống này, tôi đang hỏi theo nghĩa rộng nhất. Tôi không hỏi về những mục tiêu mà bạn để ra khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, mà tôi đang hỏi về mục tiêu lớn lao trong cuộc sống của bạn. Nói cách khác, trong số những thứ bạn có thể theo đuổi trong cuộc sống, thứ nào bạn tin là có giá trị nhất? Trong vô vàn những triết lý sống, nếu bạn cần một hướng đi sống theo cách bạn muốn, đề cao sự bình an và mong muốn không ai có thể phá vỡ nó, vậy thì Chủ nghĩa Khắc kỷ: Phong cách sống bản lĩnh và bình thản là một lời gợi ý tuyệt vời dành cho bạn.

Không ai biết được chuyện của mười năm, hai mươi năm về sau, câu chuyện giả tưởng ngày bé có lẽ sẽ thành sự thực trong một tương lai gần. Các tác động bên ngoài dường như ngày một nhiều hơn, không rõ ràng và có thể thay đổi cuộc đời của một ai đó mãi mãi trước khi người đó kịp định hình lại mọi việc. Chuyện hôm nay đúng, tương lai có thể sai, thứ mà nay ta điên cuồng muốn sở hữu bằng bất cứ giá nào, sau này có thể ta không thèm ngó ngàng đến nữa. Vậy, ta còn lại gì? Ta còn một bánh xe vận mệnh đang quay cuồng điên đảo, mặc hôm nay là ngày mưa hay ngày nắng. Vì vậy, việc lái vào bùn lầy hay là đi trên đại lộ lại là chuyện cần quyết định lúc này. Để tay lái luôn đi đúng hướng, cũng như cuộc đời tiếp tục với quỹ đạo của nó, người tài xế hay bản thân mỗi chúng ta đều cần một triết lý sống cho riêng mình. Bất kể cuối cùng một người lựa chọn tuân theo triết lý sống nào, họ cũng sẽ có một cuộc sống tốt đẹp hơn so với không có một triết lý sống nhất quán.

Nhưng tại sao có một triết lý sống lại quan trọng? Vì nếu không có nó, bạn sẽ có nguy cơ sống lầm lạc - bất kể bạn đã làm gì, bất kể mọi niềm vui thú mà bạn đã thụ hưởng lúc sinh thời, chung quy bạn vẫn sẽ sống một cuộc đời tồi tệ. 

Nói cách khác, có nguy cơ là vào lúc lâm chung, bạn sẽ nhìn lại và nhận ra rằng mình đã uổng phí một cơ hội sống. Thay vì dành cuộc đời mình để theo đuổi điều gì đó thực sự đáng giá, bạn đã phung phí nó khi mặc cho bản thân bị xao lãng trước vô số thứ phù phiếm mà cuộc đời đưa đến.

TƯỞNG TƯỢNG TIÊU CỰC – NẾU NGÀY MAI KHÔNG BAO GIỜ TỚI

Bất kỳ người thận trọng nào cũng sẽ thường xuyên suy ngẫm về những điều tồi tệ có thể xảy đến với mình, vậy tại sao chúng ta hay suy nghĩ về những điều tồi tệ, mặc dù chúng có thể khiến tâm trạng chúng ta mất cân bằng, đầu óc rối tung? Có một vài điều chắc chắn rằng khi ta suy nghĩ về những khả năng tệ nhất có thể xảy ra, khi chúng kéo đến, ta cũng đã có biện pháp phòng tránh, hoặc kết quả có ra sao chăng nữa thì nỗi đau này cũng đã được dự đoán trước một phần. Nhưng có lẽ, điều tồi tệ nhất mà chúng ta hay nghĩ tới, chính là cảm giác không thấy thỏa mãn.

Con người không hạnh phúc chủ yếu là vì chúng ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Sau khi nỗ lực để có được những thứ mình muốn, chúng ta thường mất hứng thú với đối tượng mà mình đã có được. Thay vì cảm thấy thỏa mãn, chúng ta lại cảm thấy buồn chán, và để đối phó với vấn đề này, chúng ta tiếp tục hình thành những ham muốn mới, thậm chí còn lớn hơn.

Anh chàng nọ mua một chiếc đồng hồ Casio mà anh từng mơ ước bấy lâu, cuối cùng sau 4 tháng nhịn ăn nhịn tiêu. Niềm vui còn chưa được bao lâu thì sau lần đi tán gẫu với bạn ở quán cà phê, anh bắt đầu băn khoăn tự hỏi sao cái đồng hồ này xấu thế? Hôm đấy thằng bạn mình nó đeo một cái Omega, nhìn qua đã thấy vừa sang vừa chảnh, thu hút mọi ánh nhìn. Giờ bán cái này xong tiết kiệm thêm mấy tháng nữa có khi đủ ấy nhỉ? Biết thế chẳng mua nữa. Và như thế, niềm hạnh phúc và anh chàng tuyên bố “ly hôn”.

Chúng ta cần áp dụng các biện pháp để ngăn không cho bản thân xem nhẹ những thứ mà chúng ta đã nỗ lực vất vả mới có được. Và bởi trước giờ không áp dụng các biện pháp này, thế nên chúng ta ắt hẳn đã thích nghi với nhiều thứ trong cuộc sống, những thứ mà chúng ta từng ao ước nhưng   bây giờ lại xem nhẹ, có thể kể đến người bạn đời, con cái, nhà cửa, xe cộ và công việc của chúng ta.

Có nghĩa là bên cạnh việc tìm cách chặn trước quá trình thích nghi, chúng ta còn cần tìm cách đảo ngược nó. Trên khắp thế giới và trong suốt hàng thiên niên kỷ qua, những ai từng suy xét kỹ về cách thức hoạt động của ham muốn đều nhận ra điều này - cách dễ dàng nhất để có được hạnh phúc là học cách muốn những thứ mà chúng ta đã có sẵn. Lời khuyên đúng đắn này nói ra thì đơn giản nhưng khó là ở chỗ áp dụng nó vào cuộc sống. Suy cho cùng, làm sao để thuyết phục bản thân muốn những thứ mà chúng ta đã có sẵn? 

Các nhà Khắc kỷ tin rằng họ có câu trả lời cho câu hỏi này. Họ khuyên chúng ta dành thời gian tưởng tượng rằng bản thân mất đi những thứ mình  quý trọng - rằng người vợ bỏ ta mà đi, chiếc xe của ta bị lấy cắp, hoặc ta bị mất việc. Theo các nhà Khắc kỷ, làm vậy sẽ khiến chúng ta trân trọng vợ mình, chiếc xe và công việc của mình hơn. Kỹ thuật này – được gọi nó là tưởng tượng tiêu cực.

Cuộc sống luôn bất biến, chẳng có gì là mãi mãi. Tuy nhiên, các nhà Khắc kỷ không muốn chúng ta ngừng suy nghĩ hoặc thôi lên kế hoạch cho ngày mai; thay vào đó, họ muốn chúng ta khi suy nghĩ và lên kế hoạch cho ngày mai thì hãy nhớ trân trọng ngày hôm nay. Nó dạy chúng ta tận hưởng những thứ mình đang có mà không bám chấp vào chúng. Có nghĩa là bằng cách thực hành tưởng tượng tiêu cực, chúng ta không những gia tăng cơ hội trải nghiệm niềm vui mà còn gia tăng cơ hội kéo dài niềm vui đó, nó sẽ không suy suyển khi hoàn cảnh của chúng ta thay đổi. 

SỰ LƯỠNG PHÂN QUYỀN KIỂM SOÁT – TÔI CÓ THỂ HAY KHÔNG?

Chúng ta thường xuyên khuyên một ai đó nên nhìn nhận và thay đổi bản thân họ khi gặp vấn đề trục trặc trong cuộc sống. Thế nhưng, thay đổi bản thân chưa hẳn đã là một lời khuyên đúng đắn hoàn toàn.

Epictetus khuyên chúng ta tìm kiếm sự mãn nguyện bằng cách thay đổi chính bản thân mình - chính xác hơn là thay đổi những mong muốn của mình. 

Xét một ví dụ nho nhỏ, nếu một anh chàng nọ tham gia một trận cầu lông. Anh ta đã học vững lý thuyết, đã thực hành rất nhiều và trong khoảng thời gian đó càng ngày bạn đánh cầu càng lên tay. Nhưng trong trận đấu, anh ta thua, một tỷ số sát nút. Hẳn anh có những suy nghĩ kiểu: “Giá như tôi tập chăm hơn nữa? Cuối cùng, mặt tôi tuy bình thản nhưng lệ đổ trong tim.”

 Hãy nhớ rằng mục tiêu tự đặt ra cho bản thân là thứ ta có toàn quyền kiểm soát.

Khi một người Khắc kỷ tập trung vào những thứ anh ta chỉ có thể kiểm soát một phần, chẳng hạn như việc thắng một trận quần vợt, anh ta sẽ vô cùng thận trọng về những mục tiêu đặt ra cho bản thân. Cụ thể, anh ta sẽ thận trọng đặt ra những mục tiêu bên trong (nội tại) thay vì bên ngoài (ngoại tại). Do đó, mục tiêu của anh ta khi chơi quần vợt không phải là thắng cuộc (một thứ bên ngoài mà anh ta chỉ có thể kiểm soát một phần) mà là chơi hết khả năng của bản thân trong trận đấu (một thứ bên trong mà anh ta có toàn quyền kiểm soát). Kết quả, anh có thể thắng hoặc thua (một thứ anh ta không thể kiểm soát). Bằng cách lựa chọn mục tiêu này, anh ta sẽ không cảm thấy bực bội hoặc thất vọng nếu thua cuộc: Bởi lẽ mục tiêu của anh ta không phải là giành chiến thắng, do đó anh ta vẫn sẽ đạt được mục tiêu của mình chừng nào còn chơi hết sức có thể. Sự bình thản của anh ta sẽ không bị xáo trộn.

Một người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ ghi nhớ sự tam phân quyền kiểm soát này trong khi thực hiện công việc thường ngày. Anh ta sẽ phân loại các yếu tố trong cuộc sống thành ba mục: những thứ anh ta có toàn quyền kiểm soát, những thứ anh ta hoàn toàn không thể kiểm soát và những thứ anh có ta có thể kiểm soát một phần. Những thứ trong mục thứ hai - những thứ anh ta hoàn toàn không thể kiểm soát - anh ta sẽ đặt sang một bên vì chúng không đáng để bận tâm. Làm vậy, anh ta sẽ trút bỏ được rất nhiều mối lo không cần thiết. Thay vào đó, anh ta tập trung vào những thứ có thể kiểm soát hoàn toàn hoặc một phần. Và khi tập trung vào những thứ trong mục cuối cùng, anh ta sẽ thận trọng đặt ra cho mình những mục tiêu nội tại thay vì mục tiêu bên ngoài và do đó tránh được nhiều nỗi thất vọng và chán chường.

THUYẾT VẬN MỆNH – QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI, TƯƠNG LAI

Chúng ta có thể chia cuộc sống ra làm ba khoảng thời gian: quá khứ, hiện tại và tương lai. Các nhà Khắc Kỷ cũng chỉ ra có các thuyết vận mệnh tương ứng, tuy nhiên họ chỉ tin vào thuyết vận mệnh quá khứ và hiện tại. Các nhà Khắc kỷ cho rằng, quá khứ và hiện tại là điều không thể thay đổi, còn tương lai thì ảnh hưởng của hiện tại và quá khứ. Họ không phải là những người ngồi bó chân, bó tay, cảm khái rằng mọi chuyện tự diễn ra theo ý trời, trái lại họ còn cực kì mạnh mẽ tìm kiếm những việc có thể tác động tới tương lai.

Đối với con người thời nay, thuyết vận mệnh về quá khứ chắc chắn sẽ dễ chấp nhận hơn nhiều so với thuyết vận mệnh về tương lai. Đa số chúng ta phản đối quan điểm cho rằng cuộc đời mình đã được vận mệnh an bài; trái lại chúng ta tin rằng những nỗ lực của mình có tác động đến tương lai. Đồng thời, chúng ta cũng sẵn lòng chấp nhận rằng quá khứ là không thể thay đổi, vì vậy chúng ta sẽ dễ dàng đồng tình với lời khuyên tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ của các nhà Khắc kỷ. 

Các nhà Khắc kỷ ủng hộ một hình thức giới hạn của thuyết vận mệnh. Chính xác hơn, họ khuyên chúng ta tin vào thuyết vận mệnh về quá khứ, luôn tâm niệm rằng quá khứ không thể thay đổi. Họ cũng ủng hộ thuyết vận mệnh về hiện tại. Suy cho cùng, rõ ràng là chúng ta không thể tác động đến hiện tại thông qua hành động của mình, nếu định nghĩa hiện tại là chính khoảnh khắc này.

Chúng ta có thể uổng phí thời gian để ao ước hoàn cảnh sống của chúng ta khác đi, nhưng nếu mặc cho bản thân làm như vậy, chúng ta sẽ sống phí hoài cả đời trong trạng thái bất mãn. Thay vì vậy, nếu có thể học cách muốn bất kể thứ gì mà mình sẵn có, chúng ta sẽ không phải vất vả làm việc để đáp ứng những ham muốn hòng có được sự thỏa mãn; bởi chúng đã được đáp ứng rồi. 

Nghe có vẻ họ là những người dễ thỏa hiệp với cuộc sống? Nếu bạn đã đọc đến đây, cảm thấy chủ nghĩa này như kẻ mềm yếu đầy sợ hãi giữa chốn nhân gian lộn xộn, thì hãy tin rằng, những triết gia Khắc Kỷ là người có nội tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

TỰ TIẾT CHẾ BẢN THÂN – PHƯƠNG PHÁP KHÓ THỰC HIỆN NHẤT

Tại sao vẫn có kẻ hút chích ma túy và đua xe, chơi đùa với số mệnh có gì hay ho? Các nhà Khắc kỷ bàn về thú vui hoàn toàn và không hoàn toàn vô hại.

Các nhà Khắc kỷ cho rằng có một số lạc thú mà chúng ta luôn cần phải tránh. Cụ thể, chúng ta nên tránh những loại lạc thú có thể chế ngự chúng ta chỉ sau một lần trải nghiệm. Sự kích thích thần kinh của chúng đem lại, không phải chỉ như ta vô tình thưởng thức được mùi hương của một bông hoa hồng. Chúng không vấn vương làm ta nhung nhớ, mà khiến ta muốn và muốn nhiều hơn nữa. Nếu ta thử trải nghiệm, cũng đồng nghĩa với việc đem bản thân trở thành “nô lệ của lạc thú".

Chẳng hạn, chúng ta có thể cố gắng bỏ qua một cơ hội uống rượu - không phải vì sợ trở thành kẻ nghiện rượu mà vì chúng ta có thể học cách kiểm soát bản thân. Đối với các nhà Khắc kỷ - và thực ra là với bất kỳ ai đang nỗ lực thực hành theo một triết lý sống - kiểm soát bản thân sẽ là một năng lực quan trọng cần có. Suy cho cùng, nếu thiếu khả năng kiểm soát bản thân, chúng ta sẽ rất dễ bị phân tâm trước nhiều loại lạc thú trong cuộc sống, khi đó chúng ta khó lòng đạt được những mục tiêu trong triết lý sống của mình.

Tại sao họ cần phải chịu khổ trong khi có thể tận hưởng sự thoải mái hoàn toàn? Chương trình tự nguyện chịu khổ định kỳ của những người theo chủ nghĩa Khắc Kỷ để tích lũy sức mạnh nội tại.

Thứ nhất, tự nguyện chịu khổ có thể được xem như một loại vắc-xin: Bằng cách cho bản thân tiếp xúc với một lượng nhỏ vi-rút yếu ớt ở hiện tại, chúng ta hình thành khả năng miễn dịch chống lại một căn bệnh gây suy nhược trong tương lai. Ngoài ra, sự tự nguyện chịu khổ có thể được xem như một khoản bảo hiểm: Nếu sau này chúng ta trở thành nạn nhân của một vận rủi, thì về cơ bản sự khó chịu mà chúng ta phải chịu đựng khi đó sẽ ít hơn.

Lợi ích thứ hai của việc tự nguyện chịu khổ hiển hiện ngay lúc này chứ không phải chờ đến tương lai. Một người định kỳ trải nghiệm những khó chịu nhỏ sẽ bồi đắp niềm tin rằng anh ta cũng có thể vượt qua những khó chịu lớn hơn, vì vậy viễn cảnh sau này phải trải qua những khó chịu như vậy sẽ không là nguồn cơn gây lo âu cho anh ta trong hiện tại. Sự can đảm hình thành ngày này qua ngày khác, tiếp một sức mạnh vô hình cho chúng ta vượt qua mọi thử thách.

Lợi ích thứ ba của việc tự nguyện chịu khổ là giúp chúng ta trân trọng những gì mình sẵn có. Nhất là bằng cách chủ động trải nghiệm cảm giác không thoải mái, chúng ta sẽ trân trọng hơn những tiện nghi mà mình đang được hưởng, một cốc nến vàng vào ngày mưa gió, bữa ăn sau khi bị những cơn đói hoành hành. 

SUY NGẪM – MỘT PHƯƠNG PHÁP BẬC CAO DÀNH CHO MỖI NGƯỜI

Buông lời cay đắng thì dễ, xử lý lời cay đắng mới là chuyện khó. Nếu một ngày đẹp trời như mùa thu nắng vàng Hà Nội, anh chàng nọ thơ thẩn ngắm lá vàng rơi trên đường Phan Đình Phùng. Bỗng nhiên có một kẻ lạ chẳng hiểu đâu đi qua nói rằng: “Đồ thần kinh thiếu thực tế”, liếc anh ta với cặp mắt đầy khinh bỉ. Trong lúc anh đang thơ thẩn thì người đó nói rằng hắn đang bận đi ký cái hợp đồng vài trăm triệu. Anh có lao vào chín ngàn chữ với hắn ta không? Anh có tức, muốn đấm nhau cho hả dạ? Buổi đêm anh còn lăn lộn khó ngủ vì sự kiện hồi sáng? 

Một người Khắc kỷ sẽ làm gì trong trường hợp này? Tâm trí của họ hoạt động khá tích cực trong quá trình thực hành suy ngẫm trước lúc đi ngủ. Họ sẽ nghĩ về các sự kiện trong ngày. Có điều gì phá vỡ sự bình thản hay không? Ganh tị? Ham muốn? Tại sao các sự kiện trong ngày lại làm họ khó chịu? Lẽ ra tôi đã có thể làm gì để tránh bị khó chịu?

Đánh giá bằng nhiều con mắt, có chọn lọc và tự xem xét tiến độ thực hành của bản thân

Epictetus đề xuất rằng trong sinh hoạt thường ngày, chúng ta nên vừa đóng vai người tham gia vừa đóng vai người xem. Nói cách khác, chúng ta   nên tạo ra một người quan sát Khắc kỷ bên trong mình. 

Người này sẽ theo dõi và đưa ra nhận xét về những nỗ lực thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ của chúng ta. 

Tương tự, Marcus cũng khuyên chúng ta xem xét từng việc mình làm, xác định động cơ thực hiện việc đó, và xem xét giá trị của bất kể việc gì mà   chúng ta đang cố hoàn thành. 

Chúng ta cần phải liên tục tự hỏi bản thân có đang bị lý trí hoặc điều gì khác chi phối hay không. Và nếu xác định được rằng chúng ta đang không bị lý trí chi phối, thì chúng ta nên tự hỏi điều gì đang chi phối mình. Phải chăng là linh hồn của một đứa trẻ? Một bạo chúa? Một con bò ngu ngốc? Một con thú hoang? Chúng ta cũng nên chú tâm quan sát hành động của người khác. Suy cho cùng, chúng ta có thể học hỏi được từ sai lầm và thành công của họ.

SỰ HÒA HỢP GIỮA CÁC HỌC THUYẾT – LIỀU THUỐC NHẸ NHÀNG 

Hôm trước, anh chàng nọ số nhọ vừa bị bạn trêu, tin nó ăn que kem có vấn đề về chất lượng, anh phải vào nhập viện vì bệnh đường tiêu hóa. Bạn thân anh xin lỗi rối rít, anh chàng cũng chẳng thể làm gì hơn vì ăn thì cũng ăn rồi. Anh chỉ có thể nghĩ xem giờ mà cáu nó, có khi anh và bạn mình sẽ không còn chơi với nhau nữa, bạn anh tuy vậy nhưng vẫn là đứa tốt bụng.

Tưởng tượng tiêu cực – Những câu hỏi về các giả thuyết, có lẽ họ sẽ không còn chơi với nhau nữa.

Lưỡng phân quyền kiểm soát – Chuyện ăn phải cây kem có vấn đề, anh chàng không thể kiểm soát được.

Thuyết vận mệnh – Quá khứ không thể thay đổi, vào viện cũng đã vào rồi. Hy vọng sau này cả anh chàng và bạn anh không chơi như thế nữa.

Và như thế, họ lại chơi với nhau như ngày xưa. Tất nhiên, người bạn cũng đã có một bài học về trò đùa ngớ ngẩn của mình.

Thuyết vận mệnh về quá khứ và hiện tại là nhất quán với lời khuyên những thứ mà ta hoàn toàn không thể kiểm soát. Chúng ta hoàn toàn không thể kiểm soát quá khứ cũng như hiện tại, nếu định nghĩa hiện tại là chính khoảnh khắc này. Bởi thế, chúng ta đang phí hoài thời gian khi lo lắng về những sự kiện trong quá khứ hoặc hiện tại.

KHẮC KỶ KHÔNG KHẮC KHỔ - TRIẾT HỌC CỦA MỘT XÃ HỘI HIỆN ĐẠI

Các nhà Khắc kỷ đang được chúng ta bàn đến đều vô cùng tham vọng. 

  • Seneca có một cuộc sống năng động trong vai trò một triết gia, nhà soạn kịch, nhà đầu tư và cố vấn chính trị. 
  • Musonius Rufus và Epictetus đều đứng đầu các ngôi trường triết học thành công. 
  • Marcus, khi không luận bàn triết học, ông làm việc cật lực để cai trị đế chế La Mã.

Nói đúng ra, những cá nhân này đều vô cùng thành công. Điều này thật sự gây tò mò: mặc dù họ gần như chẳng cần gì để có được sự thỏa mãn, nhưng họ vẫn phấn đấu vì một thứ gì đó. Họ làm tốt những công việc của bản thân, cực kì đấu tranh, biết chấp nhận sự thật nhưng lại không thỏa hiệp với nỗi sợ. 

Những học thuyết nêu trên đều là những việc cần một tinh thần vững vàng được vun xới từng ngày bởi bốn đức tính: Can đảm – Thông thái – Công bằng – Điều độ. Một người theo chủ nghĩa Khắc kỷ là người cầm giữ bánh xe vận mệnh của chính mình, họ học hỏi và trải nghiệm, không sợ vấp ngã, không vì tiền bạc hay lòng tham danh vọng mà làm việc bán rẻ đạo đức cá nhân, cũng vô cùng tỉnh táo để luôn nhận thức được cạm bẫy trước mắt, luôn luôn cân bằng được cuộc sống bên trong và bên ngoài của chính mình. 

Xét về khía cạnh nào đó, trong xã hội hiện đại, khi con người tiếp xúc với thế giới bên ngoài quá nhiều qua báo chí, qua mạng internet. Khi thông tin đầu vào được nạp dư thừa nhưng khả năng tiêu thụ lại thấp hơn. Sự thừa thãi làm chúng ta lùng bùng trong một mớ hỗn lộn. Ví dụ: Vì những lý do cảm tính mà ta vội kết án cho một ai đó, ngay cả những người không quen biết trên mạng xã hội. Những hành vi lừa đảo rình rập mỗi ngày khắp nơi, bẫy cưa rộng mở với miếng phô mai treo lơ lửng ấy có thể khiến ta sa ngã. Đây là lúc bạn nên xử lý “khả năng tiêu thụ” xem xét lại điều gì cần và không cần? Cái đúng và sai? Chọn cho mình những học thuyết đúng đắn, hợp lý với bản thân, “dọn rác” trên chính con đường của bản thân.

THAY LỜI KẾT CHO MỘT QUYỂN SÁCH TRIẾT HỌC DỄ HIỂU

Nếu bạn đang bối rối, cần định hình lại cuộc sống. Vậy thì hãy cho mình thời gian vào buổi tối hoặc sáng sớm, gác lại việc phải “hất tung cái cuộc đời này” để đến với Chủ nghĩa Khắc kỷ: Phong cách sống bản lĩnh và bình thản -  William B. Irvine. Đây có thể sẽ là liều thực phẩm chức năng dạng vô hình hợp lý dành cho bạn, nhưng cũng chỉ là nhập dẫn và chưa nói đủ về chủ nghĩa Khắc kỷ. Sau đó, chúng ta sẽ không còn sợ triết học nữa, nếu chúng có khả năng mổ xẻ và chữa lành những vấn đề cuộc sống, những vấn đề xưa như trái đất nhưng luôn đúng như việc một ngày có 24 giờ vậy. 

REVIEW BỞI: NGUYỄN BÍCH NGỌC – BOOKADEMY 

menu
menu