Chứng Nghiện Đồ Ăn: Cơ Chế Bí Ẩn Khiến Bạn Tăng Cân

chung-nghien-do-an-co-che-bi-an-khien-ban-tang-can

Ở một thời đại mà chỉ cần đảo mắt một vòng cũng có thể thấy đồ ăn tràn ngập khắp mọi nơi như hiện nay, việc kiềm chế cảm giác thèm ăn chỉ bằng ý chí quả thật giống như một sự tra tấn độc ác.

Ở một thời đại mà chỉ cần đảo mắt một vòng cũng có thể thấy đồ ăn tràn ngập khắp mọi nơi như hiện nay, việc kiềm chế cảm giác thèm ăn chỉ bằng ý chí quả thật giống như một sự tra tấn độc ác. Việc ăn uống thoải mái, ăn đến no căng là một loại cám dỗ khó có thể chối từ và béo phì trở thành căn bệnh khó tránh khỏi. Béo phì khiến vấn đề kháng Leptin và kháng Insulin trở nên nghiêm trọng hơn và kết quả là sức khỏe của chúng ta bị tổn hại.

Có thể bạn sẽ đặt câu hỏi :”Kháng Leptin là gì? Kháng Insulin là gì?...” Vậy thì từ nay hãy ngưng thắc mắc về những từ vựng khoa học đó, hôm nay mình sẽ trích một đoạn nhỏ trong cuốn sách Chứng Nghiện Đồ Ăn – Yong Woo Park để diễn tả tất tần tật quá trình đồ ăn khiến cơ thể bạn từ ổn định trở nên phì nhiêu. Nào, bắt đầu thôi!

Đặt sách tại shopee

Tóm lược quá trình

Khi những đồ ăn mang đến khoái vị được đưa vào cơ thể và dần tạo thành một loại kích thích nhất định nào đó thì tại tổ chức thần kinh của não bộ, quá trình này được mã hóa và sự nghiện đồ ăn bắt đầu diễn ra.

Quá trình theo lý thuyết chỉ vỏn vẹn 3 dòng như thế nhưng thực tế nó là cả một giai đoạn hình thành lâu dài và có thể tồn tại rất bền bỉ. Nghiện đồ ăn không thể chữa trị bằng ý chí. Càng cố tình giảm cân, càng dễ quay về cân nặng ban đầu. Thực tế, phương pháp chữa trị cần sự phối hợp giữa rất nhiều phương diện: khắc phục tình trạng mạn tính, chứng khó ngủ và kiểm soát việc hấp thụ carbohydrate.

Chúng ta cùng phân tích từng ý nhé.

Thế nào là đồ ăn mang đến khoái vị?

Con người hiện đại chúng ta khổ sở hơn thời xưa một điểm duy nhất là ta hầu hết sống trong tình trạng căng thẳng thường xuyên - khói bụi kẹt xe, deadline dồn dập, thăng trầm trong cuộc sống… ngặt nỗi ta lại còn đối mặt với một thế giới chưa từng có trong lịch sử - nơi mà đâu đâu cũng có thể thấy đồ ăn. Những loại thực phẩm nhiều đường, nhiều chất béo, đồ ăn chế biến sẵn tràn ngập khắp nơi tạo cho chúng ta thói quen ăn những loại thực phẩm như vậy bất kể giờ giấc.

Ví dụ, cô A bị căng thẳng mãn tính sẽ xuất hiện các hiện tượng kháng Insulin và chỉ số Cortisol (hormone căng thẳng) ở mức cao. Để giải tỏa sự căng thẳng, cô A ăn rất nhiều các loại thực phẩm có chứa chất đường bột đã qua tinh chế như bánh mì hay bánh kẹp nên chỉ số Insulin tăng rất cao. Lúc này, tình trạng kháng Leptin của cô A sẽ xấu đi. Bởi chỉ số Cortisol và Insulin tăng cao là nguyên nhân làm rối loạn chức năng của Leptin.  

Các kích thích trở nên nhất định và hình thành mã hóa

Khi những đồ ăn mang đến khoái vị được đưa vào miệng, vị giác tiếp nhận những kích thích hóa học và chuyển tín hiệu tới não bộ. Và não bộ sẽ giải phóng các chất hóa học có tác dụng kích thích trung khu điều tiết sự thỏa mãn giúp chúng ta cảm thấy “vui thích” và “mong muốn”. Nếu những kích thích và phản ứng này được lặp đi lặp lại, trung khu điều tiết sự thỏa mãn sẽ xuất hiện phản ứng ngày càng mạnh hơn đối với một loại kích thích nhất định nào đó, hiện tượng này được gọi là sự mã hóa – hay có thể hiểu là một việc bạn lặp đi lặp lại sẽ dần trở thành thói quen, và với ăn uống cũng thế. 

Vậy thứ gì mang lại cho con người cảm giác “vui thích” và “mong muốn”?

Opioid

Cảm giác hạnh phúc khi những đồ ăn mang đến khoái vị được đưa vào miệng hình thành là do sự tác động của Opioid, chất liên quan đến cơ chế “vui thích”. Ngoài sự vui thích, Opioid còn có tác dụng làm dịu những cơn đau, sự căng thẳng và khiến chúng ta bình tâm nên trong khoảng thời gian ngắn, nó có tác dụng làm tâm trạng trở nên tốt hơn và làm giảm căng thẳng cũng như chứng trầm uất. Do đó, chúng ta thường tìm đến những đồ ăn mang lại khoái vị khi bị trầm cảm hay căng thẳng. Vì vậy, nếu kích thích con đường Opioid này, chúng ta sẽ ăn lượng thức ăn lớn hơn rất nhiều so với lượng thức ăn mà cơ thể cần. Hiện tượng này là cách để cơ thể có thêm nhiều hơn nữa sự thỏa mãn do Opioid mang lại.

Dopamine

Nếu khi ăn, chất làm chúng ta cảm thấy khoái vị là Opioid thì chất kích thích hành động ăn nhiều thức ăn hơn đó là Dopamine, chất có liên quan tới cơ chế “mong muốn”. Dopamine là một chất cần thiết cho sự sinh tồn của loài người. Chủng loài không thể sinh tồn nếu như mất đi nhu cầu ăn uống, việc Dopamine được giải phóng sẽ tạo kích thích khiến con người phải hành động để đi tìm đồ ăn, đây là yếu tố bắt buộc phải có để con người tồn tại.

Serotonin

Khác với Dopamine – chất mang đến khoái cảm cho con người, Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh đem lại cảm giác hạnh phúc. Nếu chúng ta bị căng thẳng nghiêm trọng hoặc bị những chấn thương về tâm lý, lượng Serotonin sẽ tụt giảm nhanh chóng. Điều này làm cho hệ viền hoạt động quá độ và cảm giác buồn chán, trầm uất sẽ xuất hiện. Lúc này, để tăng lượng Serotonin, cơ thể sẽ liên tục đưa ra những yêu cầu phải hấp thụ thêm chất đường bột. Đặc biệt là cảm giác thèm ăn các món ăn có thể làm tăng nhanh lượng đường huyết như đường tinh chế, đường fructose hay bột mì trắng.

Hình thành một thói quen đôi khi vừa hại vừa lợi

Theo như phần trên ta có thể thấy, nếu định thoát khỏi chứng nghiện đồ ăn, chúng ta phải thay đổi thói quen ăn các món đem đến khoái vị. Tuy nhiên, khi đã hiểu bản chất của thói quen được hình thành do cơ chế thỏa mãn, việc thoát khỏi chứng nghiện đồ ăn bằng ý chí sẽ biến mất, đây hoàn toàn là một việc không dễ dàng.

Ví dụ, sau khi cùng đồng nghiệp ăn trưa, trước khi quay trở lại văn phòng, chúng ta ghé vào tiệm cà phê, vừa tán gẫu vừa uống một tách cà phê mocha ngọt ngào. Khi ấy, những căng thẳng được giải tỏa và tâm trạng chúng ta trở nên tốt hơn. Sau đó, một cách rất tự nhiên, việc uống cà phê sau bữa trưa được lặp lại thêm vài lần nữa. Và giờ đây, chúng ta không thể cứ như vậy đi qua mà không ghé vào tiệm cà phê một lần. Nó đã trở thành một thói quen trong sinh hoạt hằng ngày.

Nếu hành động ăn một cây kem trên đường về nhà trở thành thói quen thì dù không có cảm giác muốn ăn, chúng ta vẫn rẽ vào cửa hàng tiện lợi và mua một cây kem trong vô thức. Cửa hàng tiện lợi trước mắt trở thành yếu tố kích thích về thị giác (yếu tố kích thích có điều kiện) và chúng ta rẽ vào cửa hàng tiện lợi, mua một cây kem ngày nào mình cũng ăn như là một phản xạ có điều kiện.

Ở đây cũng có sự tham gia của Dopamine. Ngay khi nhìn thấy cửa hàng tiện lợi, lượng Dopamine được giải phóng (chất thúc đẩy cảm giác muốn ăn) tăng lên. Khi việc ăn một cây kem và cảm thấy sảng khoái được lặp đi lặp lại, chúng ta sẽ không thể nào cứ thế đi qua cửa hàng tiện lợi được. Để đạt được nhiều sự thỏa mãn hơn, con đường tạo ra động cơ ngày càng mở rộng, lượng Dopamine được giải phóng tăng lên và không biết từ lúc nào ghé vào cửa hàng tiện lợi đã trở thành một thói quen. Lượng Dopamine ngày càng tăng lên sẽ củng cố cho thói quen này.

Ví dụ nhỏ tóm tắt quá trình hình thành thói quen dẫn đến nghiện món khoái vị

  • Có một chiếc bánh tiramisu trước mắt.
  • Yếu tố kích thích về vị giác thúc đẩy sự giải phóng Dopamine
  • Dopamine khiến chúng ta bước về phía chiếc bánh tiramisu và cầm lấy nó
  • Khoảnh khắc chúng ta đưa đồ ăn vào miệng, Opioid (tạo sự vui thích) được giải phóng
  • Vừa cảm nhận sự vui thích vừa tiếp tục đưa thức ăn vào miệng
  • Dopamine và Opioid khiến chúng ta ăn nhiều và thường xuyên hơn
  • Lượng thức ăn hấp thụ tăng lên, mức độ căng thẳng tạm thời giảm xuống và Serotonin (dẫn truyền khoái cảm) tăng lên
  • Sự trầm uất tạm thời được hóa giải
  • Toàn bộ quá trình gồm nhiều bước nối tiếp nhau được mã hóa vào não bộ
  • Những lần sau, nếu nhìn thấy một món ăn giống như vậy thì chỉ yếu tố kích thích về thị giác cũng khiến Dopamine được giải phóng
  • Cảm giác thoải mái khi ăn món ăn khoái vị này sẽ là yếu tố kích thích khiến bạn lặp đi lặp lại tạo thành thói quen và một vòng lặp cho cơ thể

Cơ chế bí ẩn khiến bạn tăng cân

Khi đã trải qua một quá trình hình thành thói quen ăn uống quá độ và cơ thể dường như bị “nhờn” với lượng thức ăn cung cấp, tức là việc hấp thụ thức ăn của bạn vào cơ thể ngày càng nhiều để đủ cho sự thỏa mãn. Và việc ăn ngày càng nhiều như thế thì khó tránh khỏi tăng cân và gây nên béo phì. Sau đây là cơ chế khiến trọng lượng cơ thể bạn tăng vọt chỉ sau vài tháng.

Chúng ta sẽ tìm hiểu về Insulin và Peptin – các chất cốt yếu của cơ thể.

Ví dụ, cô A có hiện tượng kháng Insulin và chỉ số Cortisol (hormone căng thẳng) ở mức cao do cô bị căng thẳng mãn tính. Để giải tỏa sự căng thẳng, cô A ăn rất nhiều các loại thực phẩm có chứa chất đường bột đã qua tinh chế như bánh mì hay bánh kẹp nên chỉ số Insulin của cô cũng sẽ tăng cao  (gây lượng đường tăng). Lúc này, tình trạng của cô A nghiêm trọng hơn khi có sự tác động xấu liên quan đến một hormone – leptin.

Lượng thức ăn thiếu hụt khi ta nhịn đói quá lâu, cơ thể lúc này mới chính thức sử dụng lượng mỡ tích trữ trong cơ thể hay cũng chính là “lương thực dự trữ trong lúc khó khăn”. Lượng mỡ tích trữ này có được từ việc ăn uống và còn thừa lại một phần năng lượng. Phần năng lượng dư thừa này được tích trữ trong cơ thể dưới dạng chất béo và do đó chỉ số Leptin trong cơ thể cũng tăng lên. Vậy nên, thụ thể Leptin rất nhạy cảm và dễ phản ứng với việc lượng Leptin giảm đi, nghĩa là khi đói, thụ thể Leptin sẽ tiếp nhận ít lượng Leptin trong cơ thể và truyền đến bộ não ta rằng “hãy ăn đi, Leptin trong bạn đang giảm”, nhờ đó, ta mới nhận thức được cơ thể đang sử dụng dần hết năng lượng dự trữ và cần phải nạp thêm vào. Mọi việc sẽ ổn nếu lượng dư thừa được dự trữ vừa đủ so với cơ thể, não bộ sẽ tiếp nhận tín hiệu “Leptin đang có đủ” và điều chỉnh cơ thể khiến chúng ta ăn ít đi khi đã tích trữ đủ lượng mỡ.

Nhưng sẽ như thế nào nếu chúng ta bị kích thích bởi các món ăn mang lại khoái vị rồi ăn tới tấp những chất kích thích khiến cơ thể sảng khoái sau hồi căng thẳng, những lúc như thế này, bạn phải nhớ rằng việc ăn uống sa đọa như thế đang làm no bộ não bạn nhưng cơ thể bạn có thể sắp nổ tung đấy. Giống như việc phải cắm chìa khóa phù hợp thì mới mở được ổ khóa. Hormone Leptin sẽ phát huy tác dụng khi kết hợp với các thụ thể ở màng tế bào. Thụ thể Leptin chỉ nhận tín hiệu kích thích từ hormone Leptin. Khi hormone Leptin quá nhiều, nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và ung thư tăng lên, tốc độ lão hóa trở nên nhanh hơn. Bởi không thể nhận ra rằng nguyên nhân khiến sự kết hợp giữa Leptin và các thụ thể Leptin giảm đi là do lượng mỡ vượt quá nhu cầu cần thiết dẫn đến lượng Leptin tăng lên quá cao làm thụ thể Leptin không kịp phản ứng nên não bộ lại nhầm thành cơ thể đang bị thiếu Leptin. Dù đã ăn cơm nhưng chúng ta vẫn không cảm thấy no bụng và rất khó để kiềm chế cảm giác thèm ăn. Nguyên nhân là vì cơ thể đang vận động theo hướng làm tăng lượng mỡ dự trữ. Hiện tượng này gọi là “hiện tượng kháng Leptin” (hiện tượng mà cơ thể hiểu nhầm là thiếu hụt Leptin trầm trọng khiến ta ăn nhiều hơn)

Nguyên nhân của căn bệnh béo phì là việc thiếu hụt Leptin. Nhưng những người béo phì thì chứa lượng Leptin trong cơ thể không hề thấp. Vấn đề ở đây là, đối với những người thiếu hụt Leptin do di truyền dẫn đến sự thèm ăn điên cuồng khi còn bé, ta có thể dùng biện pháp tiêm Leptin vào trong cơ thể họ để có một lượng Leptin vừa đủ gây nên cảm giác no nê và cân đối được thể trọng. Nhưng những người béo phì thì ngược lại, lượng Leptin trong cơ thể họ luôn đạt mức trung bình và đôi khi tăng rất cao. Các nhà khoa học nhận định rằng: lượng Leptin trong cơ thể họ quá nhiều nhưng tín hiệu không được truyền tới não đầy đủ và do đó não bộ mới nhầm lẫn rằng “Leptin bị thiếu”.  

Tóm tắt  

  • Hormone Insulin làm giảm lượng đường trong máu
  • Khi căng thẳng quá độ, cơ thể sẽ cần các thực phẩm nhiều đường ( thực phẩm khoái vị)
  • Opioid, Dopamine, Serotonin tiết ra thúc đẩy ăn nhiều hơn và tạo vòng lặp cho cơ thể
  • Hormone leptin điều tiết thể trọng và lượng mỡ trong cơ thể
  • Thụ thể leptin chỉ nhận được tín hiệu kích thích từ hoóc môn leptin
  • Khi ăn quá nhiều thực phẩm khoái vị, khiến Insulin tăng, kháng Insulin sẽ tăng, Leptin tăng và tình trạng kháng Leptin rất trầm trọng
  • Cơ thể sẽ nhầm lẫn “leptin bị thiếu”, cho rằng nó đang đói và điều khiển bộ não thúc đẩy ta ăn nhiều hơn
  • Kết quả là, ta bị mất kiểm soát cân nặng trầm trọng

Mình đã trình bày tất tần tật những kiến thức về chế độ ăn uống và cơ thể sống theo kiến thức của tác giả Young Woo Park – Chuyên gia hàng đầu về bệnh béo phì tại Hàn Quốc, cuốn sách đã khai sáng cho mình về các tác động cả trong cả ngoài, mình muốn chia sẻ rộng rãi những kiến thức này đến với các bạn đang gặp vấn đề về cân nặng, các bạn yêu cơ thể và muốn tìm hiểu cặn kẽ về cơ thể của mình hơn.

Thay cho lời kết, qua những kinh nghiệm giảng dạy của tiến sĩ, mình mong thế hệ trẻ chúng ta sẽ học cách yêu thương bản thân và lắng nghe cơ thể, bởi vì khi bạn nhận ra mình đã nghiện một thứ gì đó, cho dù là đồ ăn hay thuốc phiện, ma túy,…cơ thể sẽ trở nên thịnh nộ và phớt lờ lời cầu xin của bạn như bạn đã từng.

Nguyệt Đặng review – Bookademy. 

menu
menu