3 vấn đề thường dẫn đến ly hôn nhất

Hôn nhân hiện đại vẫn đối mặt với những vấn đề xưa cũ. Và đó là cách chúng dẫn đến đổ vỡ.
Hôn nhân vốn dĩ được xây dựng như một chốn bình yên, nơi bạn được nhìn thấy, được chở che và được gắn kết sâu sắc. Nhưng điều gì xảy ra khi sợi dây kết nối ấy âm thầm rạn vỡ? Khi những cuộc trò chuyện dần hóa im lặng lạnh lùng, khi sự thân mật nhạt phai, hay khi mỗi bất đồng nhỏ bé cũng biến thành một cuộc chiến? Những điều này không chỉ đơn thuần là giai đoạn khó khăn, mà là hồi chuông cảnh báo rằng nền móng của mối quan hệ đang bắt đầu nứt vỡ.
Vào tháng 2 năm 2025, tác giả sách bán chạy và huấn luyện viên hôn nhân Laura Doyle đã khảo sát khoảng 600 phụ nữ về trải nghiệm hôn nhân của họ. Dù nhiều người chia sẻ những niềm vui trong đời sống vợ chồng, họ cũng thẳng thắn kể về những rào cản lớn nhất mình phải đối mặt.
Dưới đây là ba thách thức nghiêm trọng mà các cuộc hôn nhân hiện đại thường gặp phải và cũng là những dấu hiệu dễ dẫn đến ly hôn, theo kết quả khảo sát mới.
1. Khoảng cách cảm xúc và sự cô đơn
Khó khăn được nhắc đến nhiều nhất chính là khi vợ chồng cảm thấy xa cách nhau, khiến cảm giác cô đơn ngày càng sâu đậm. Nghiên cứu của Doyle cho thấy có khoảng 41,9% phụ nữ cho rằng đây là trở ngại lớn trong hôn nhân của họ.
Nỗi cô đơn này không phải do sự xa cách về địa lý, mà là cảm giác không được nhìn nhận, không được lắng nghe, không được yêu thương, ngay cả khi người bạn đời vẫn hiện diện trong cùng một căn phòng. Một nghiên cứu vào năm 2021 được đăng trên tạp chí Liệu pháp Gia đình Đương đại cho thấy những cặp đôi dành nhiều thời gian trò chuyện và chia sẻ hoạt động cùng nhau thường có mối quan hệ tích cực hơn, gần gũi hơn và biết cách giao tiếp xây dựng hơn.
Ngược lại, những cặp đôi thường xuyên cãi vã lại có xu hướng nhìn nhận mối quan hệ một cách tiêu cực hơn, và hay sử dụng lối giao tiếp độc hại như kiểu “đòi hỏi - rút lui”, trong đó một người sẽ chỉ trích, gây áp lực, hoặc đòi hỏi thay đổi, trong khi người kia né tránh, im lặng hoặc bỏ đi. Ví dụ, một người nói: “Chúng ta chẳng bao giờ nói được chuyện gì quan trọng cả!”, và người kia đáp lại bằng cách im lặng hoặc rời khỏi phòng. Một vòng luẩn quẩn hình thành: càng bị đòi hỏi, người kia càng rút lui, dẫn đến thất vọng và xa cách ngày càng lớn từ cả hai phía. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mô hình này làm giảm mức độ hài lòng và sự gần gũi trong mối quan hệ.
Khi khoảng cách cảm xúc xuất hiện, cả hai thường bắt đầu thu mình lại để tự bảo vệ. Và điều đó dễ dẫn đến một thói quen né tránh nguy hiểm, nơi mà vợ chồng cố tình lảng tránh những cuộc đối thoại khó khăn, mong giữ được sự yên ổn.
Nhưng sự yên ổn xây bằng im lặng là thứ rất mong manh. Tránh né không bao giờ mang lại tiến bộ, mà chỉ khiến mối quan hệ càng thêm trì trệ. Thiếu đi sự kết nối cảm xúc, sự oán giận sẽ âm ỉ lớn dần, lòng trắc ẩn nhạt phai, và cả hai rồi sẽ thấy mình như đang sống cô độc trong chính cuộc hôn nhân của mình.
Khi rơi vào trạng thái cô đơn ấy, người ta không còn cảm thấy có thể dựa vào nhau, gần gũi nhau, hay cùng nhau vượt qua khó khăn, mà đây lại chính là những yếu tố cốt lõi để duy trì sự gắn bó.
Source: Justin Groep / Unsplash
2. Mâu thuẫn kéo dài và căng thẳng
Khảo sát của Doyle cho thấy khoảng 31,8% phụ nữ cho biết họ gặp trở ngại lớn trong hôn nhân vì cãi vã quá nhiều, và sau những cuộc tranh luận ấy là sự im lặng nặng nề, chứ không phải là những khoảnh khắc hàn gắn và thấu hiểu.
Mâu thuẫn, nếu được giải quyết bằng sự cẩn trọng và giao tiếp chân thành, có thể trở thành cơ hội để hai người hiểu nhau hơn. Nhưng nếu vợ chồng cứ liên tục xem nhau như đối thủ thay vì là người cùng phía trong việc giải quyết xung đột, áp lực giữa họ sẽ ngày càng tăng và tạo ra vết rạn khó lành trong hôn nhân.
Theo nhà nghiên cứu các mối quan hệ John Gottman, có bốn hành vi tiêu biểu trong mâu thuẫn mà ông gọi là “bốn kỵ sĩ khải huyền” báo hiệu nguy cơ ly hôn rất cao. Đó là:
- Chỉ trích: công kích vào tính cách của người bạn đời, thay vì góp ý vào hành vi hay vấn đề cụ thể.
- Phòng thủ: đáp lại lời phàn nàn bằng sự biện hộ hay đổ lỗi, thay vì nhận trách nhiệm.
- Khinh thường: thể hiện sự coi thường hoặc thái độ vượt trội qua giọng mỉa mai, đảo mắt hay chế giễu.
- Im lặng tuyệt đối: tắt hoàn toàn mọi tương tác để tránh né căng thẳng hay khó chịu.
Các nghiên cứu cho thấy, nỗi sợ bị bỏ rơi hay từ chối có thể khiến phản ứng tiêu cực trong mâu thuẫn trở nên dữ dội hơn, cho thấy tầm quan trọng của việc học cách tự trấn an bản thân và hướng tới lối giao tiếp mang tính cộng tác trong hôn nhân, thay vì phản kháng hoặc đóng cửa cảm xúc.
Những cặp đôi biết cách “sửa chữa” sau mỗi lần xung đột thông qua lời xin lỗi, sự thấu cảm và những cuộc trò chuyện mang tính giải pháp sẽ có nhiều khả năng gắn bó lâu dài hơn.
3. Áp lực tài chính
Dù không được nhắc đến nhiều như khoảng cách cảm xúc hay xung đột, vẫn có 41 người trong khảo sát của Doyle cho rằng vấn đề tài chính là rào cản lớn nhất trong hôn nhân của họ. Đừng để con số đánh lừa bạn: những cuộc tranh cãi về tiền bạc có thể gây ra những vết thương sâu sắc.
Nghiên cứu cũng đồng tình với mối lo này. Một nghiên cứu năm 2023 được đăng trên Tạp chí Các mối quan hệ Cá nhân và Xã hội cho thấy mâu thuẫn về tiền bạc có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ. Các cặp vợ chồng thường bất đồng về việc người kia tiêu tiền thiếu trách nhiệm, khác biệt trong giá trị tài chính, hoặc thiếu sự thống nhất trong việc ra quyết định về tiền bạc. Bởi lẽ, những cuộc nói chuyện về tiền thường không chỉ xoay quanh con số, mà còn phản ánh sự tương thích, niềm tin, quyền kiểm soát, cảm giác an toàn, và đôi khi là cả bản sắc trong mối quan hệ.
Những cặp đôi mang nỗi lo này thường tự hỏi: “Liệu chúng ta có cùng nhìn về một tương lai? Liệu cả hai có tin vào việc cùng nhau đóng góp về tài chính, cảm xúc hay những mặt khác?” Khi tránh né những cuộc đối thoại về tiền, những kỳ vọng không nói ra sẽ dần tích tụ thành oán giận và chia cách. Vấn đề không nằm ở việc bạn có bao nhiêu tiền, mà là ở cách hai người cùng nhau quản lý và đồng hành với nó.
“Những khó khăn trong hôn nhân hiện đại thay đổi theo thời gian. Các cặp đôi trẻ thường chật vật với áp lực tài chính, trong khi những cặp lớn tuổi lại phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe và mâu thuẫn gia tăng,” Doyle viết, nhấn mạnh sự khác biệt giữa các thế hệ trong trải nghiệm hôn nhân. Những áp lực thay đổi theo từng giai đoạn cuộc đời đòi hỏi hôn nhân cũng cần phải biết thích nghi.
Hôn nhân không nhất thiết phải đổ vỡ chỉ vì những thử thách này, nhưng chắc chắn sẽ chịu tổn thương nếu vợ chồng không cùng nhau đối diện. Thay vì xem chúng như mối đe dọa, hãy coi chúng như lời mời gọi để dừng lại, suy ngẫm, hành động và tìm kiếm sự trợ giúp trước khi quá muộn.
Tác giả: Mark Travers Ph.D.
Nguồn: The 3 Issues That Most Often Lead to Divorce | Psychology Today