Con người có thể thay đổi không?
“Con người có thể thay đổi không?” Câu hỏi nghe có vẻ trừu tượng, dường như chỉ để hỏi cho một người bạn hoặc vì tò mò về nhân sinh.
“Con người có thể thay đổi không?” Câu hỏi nghe có vẻ trừu tượng, dường như chỉ để hỏi cho một người bạn hoặc vì tò mò về nhân sinh. Nhưng thực tế, nó thường nảy sinh từ một nỗi đau rất cá nhân – và rất nhức nhối.
Chúng ta thường tự hỏi câu này khi đang ở trong một mối quan hệ với ai đó khiến mình tổn thương sâu sắc: một người khép kín không chịu mở lòng, một người luôn dối trá, một người hung hăng hoặc lãnh đạm, một người làm tổn hại chính bản thân họ – và vô tình hủy hoại cả chúng ta. Chúng ta hỏi câu này vì một giải pháp rõ ràng nhất cho sự bức bối – rời đi – dường như không khả thi. Ta đã đầu tư quá nhiều cảm xúc hoặc bị ràng buộc bởi hoàn cảnh, và điều gì đó níu ta lại. Vì vậy, với hình bóng của một người gây rắc rối hiện diện trong tâm trí, ta bắt đầu suy nghĩ xa hơn, về bản chất của con người: rằng họ được tạo nên từ những gì và khả năng thay đổi của họ đến đâu.
Có lẽ một điều đã rõ ràng: dù con người có thể thay đổi, họ chắc chắn không dễ dàng thay đổi. Có thể họ nổi nóng mỗi khi ta đề cập vấn đề, thậm chí buộc tội ta là độc đoán hay tàn nhẫn. Có thể họ yếu đuối thừa nhận sai lầm vào nửa đêm, nhưng đến sáng lại kiên quyết phủ nhận tất cả. Có thể họ nói rằng họ hiểu – nhưng chưa bao giờ thể hiện sự thấu hiểu đó trong thực tế. Ta rút ra một kết luận: khi ta buộc phải đặt câu hỏi này trong tâm trí, tức là ai đó quanh ta đã không thay đổi theo cách dễ dàng hay duyên dáng.
Ta cũng có thể đặt câu hỏi ngược lại: liệu ta có quyền muốn ai đó thay đổi không? Những người gây tổn thương cho ta thường đáp lại điều này bằng sự phẫn nộ: “Hãy yêu tôi vì chính con người tôi.” Nhưng khi suy xét một cách rộng lượng hơn, chỉ có một người hoàn hảo mới dám phủ nhận rằng họ cần trưởng thành để xứng đáng với tình yêu. Còn lại, với tất cả chúng ta – những người không hoàn hảo – thì mọi mong muốn thay đổi chính đáng đều nên được lắng nghe với thiện chí, và đôi khi cần được thực hiện với sự nghiêm túc tối đa. Thật trớ trêu, những người phản kháng dữ dội nhất trước ý tưởng thay đổi lại thường là minh chứng rõ ràng nhất cho việc họ đang rất cần phát triển bản thân.
Tại sao thay đổi lại khó khăn đến vậy? Không phải họ chỉ đơn giản là không nhận ra vấn đề và sẽ thay đổi ngay khi được chỉ ra – giống như cách một người chỉnh lại răng khi có thức ăn vướng vào. Sự chống cự với thay đổi dai dẳng hơn thế. Toàn bộ con người họ có thể được xây dựng quanh một mong muốn mạnh mẽ: không nhận thức hoặc không cảm nhận điều gì đó. Và họ bảo vệ điều này bằng rượu, công việc bận rộn không dứt, hoặc thái độ cáu kỉnh với bất cứ ai cố gắng khơi gợi sự thay đổi.
Nói cách khác, người không thay đổi không phải chỉ thiếu hiểu biết; họ còn kiên quyết không muốn hiểu. Họ trốn chạy khỏi một nỗi đau sâu thẳm trong quá khứ, thứ mà họ từng quá yếu đuối để đối mặt – và đến nay vẫn chưa đủ mạnh mẽ để đương đầu. Ta không chỉ đang đối mặt với một người cố chấp, mà thực tế, là với một người đang bị tổn thương sâu sắc.
Vấn đề là, khi đứng bên ngoài, ta khó hình dung được mình đang đối đầu với điều gì. Việc họ không thay đổi khiến ta bức bối, bởi ta không hiểu sao điều đó lại khó khăn đến thế. Tại sao họ không thể bước thêm chỉ một chút về phía đúng? Nhưng nếu ta dừng lại và nghĩ về những gì họ từng trải qua, về môi trường đã hình thành nên tâm trí họ (và khép chặt những cánh cửa nào đó trong lòng họ), ta có lẽ sẽ thực tế hơn, và nhân hậu hơn. Câu hỏi “Tại sao họ không thể chỉ…” sẽ không còn ý nghĩa.
Nhưng đồng thời, một câu hỏi khác cần được đặt ra: “Tại sao ta vẫn ở lại?” Nếu bằng chứng rõ ràng rằng họ không thể thay đổi, và do đó, ta khó có hy vọng được đáp ứng nhu cầu của mình, vậy thì điều gì giữ chân ta ở đây? Tại sao ta cứ gõ cửa một cánh cửa đóng kín, lặp lại cùng một sự thất vọng mà mong đợi kết quả khác đi? Phải chăng có một phần nào đó trong chính ta bị tổn thương, không thể từ bỏ một sự bất toàn? Một chương nào đó trong câu chuyện của ta đang được tái diễn – một bi kịch của những hy vọng liên tục bị dập tắt?
Và nếu nói về thay đổi, liệu ta có thể thay đổi để trở thành người không chờ đợi mãi mỏi những kẻ không chịu thay đổi? Liệu ta có thể học cách lựa chọn cẩn thận hơn, để chỉ giữ lại những người đã sẵn sàng đáp ứng phần lớn nhu cầu của mình? Liệu ta có thể trở nên mạnh mẽ hơn, dứt khoát hơn, đủ can đảm để rời bỏ những ai luôn quay lưng với ta? Có lẽ ta cần xây dựng lại chính mình – để, với thời gian, trở thành người không còn phải tự hỏi mãi rằng liệu người khác có thay đổi hay không.
Nguồn: CAN PEOPLE CHANGE? - The School Of Life