Dành cho những người âu sầu vì bị thương hại – lời khuyên của Triết gia Epictetus

danh-cho-nhung-nguoi-au-sau-vi-bi-thuong-hai-loi-khuyen-cua-triet-gia-epictetus

Ta nghèo khó nhưng ta có cái nhìn đúng về cái nghèo. Tại sao ta phải bận tâm họ có thương hại ta vì cảnh nghèo này không? Ta không có chức quyền còn người khác thì có, nhưng ta có cái nhìn đúng đắn về việc có chức quyền và không có chức quyền.

Phần này trích từ trang 401–408 cuốn sách NHỮNG LỜI GIÁO HUẤN CỦA EPICTETUS. Nếu thấy hay thì mong bạn tìm mua ở đây nha: https://shope.ee/3KvHJW0dKj

 

Một người nói: “Con cảm thấy thật phiền lòng khi người khác thương hại mình.”

Epictetus: Việc người khác thương hại anh là do anh hay do họ? Còn nữa, anh có khả năng khiến cho họ ngừng thương hại anh không?

“Có, con có thể cho họ thấy con không đáng để họ thương hại.”

Epictetus: Thế việc có đáng bị thương hại hay không, điều đó có nằm trong quyền định đoạt của anh chăng?

“Con nghĩ việc đó là do con định đoạt. Nhưng những người này đã không thương hai con vì những điều đáng để thương hại, tức là vì tội lỗi của con, mà họ tỏ lòng thương hại vì cảnh nghèo, vô chức vô quyền, vì bệnh tật và cái chết và những thứ tương tự như vậy.”

Epictetus: Thế anh đã sẵn sàng để thuyết phục quần chúng rằng, xét cho cùng thì những điều này không có gì là xấu, mà những người nghèo khó, không có chức quyền hay danh vọng, cũng có thể được hạnh phúc, hay anh hạ quyết tâm để cho họ thấy một ngày anh sẽ trở thành một đại phú gia? Con đường thứ hai khiến anh trở thành một kẻ đểu giả, tầm thường và vô dụng. Hãy nghĩ lại xem mình sẽ cần gì để đạt được thứ giả trá đó: 

anh sẽ phải đi mượn mấy tên nô lệ và có vài chiếc đĩa bạc, phải đem chúng ra khoe mỗi khi có thể, và cố gắng đừng để người khác phát hiện ra chúng là những món đồ cũ;

anh còn phải phô trương quần là áo lượt và những thứ trang sức sáng loá, tuồng như anh được giới thượng lưu kính nể và phải cố để được ngồi ăn cùng bàn với họ, hay chí ít là phải làm cho người khác nghĩ như vậy. Anh phải dùng những xảo thuật để làm bản thân toát lên vẻ bảnh bao và quyền quý hơn thực tế.

Đây là những mưu mẹo mà anh phải sử dụng nếu anh muốn chọn con đường thứ hai để tránh đi những ánh nhìn thương hại.

Nhược bằng anh chọn con đường thứ nhất, cho hay rằng đó là một con đường dài, nói đúng hơn là một con đường bất tận, con đường mà cả thần Zeus cũng không thể đi hết, đó là thuyết phục toàn bộ nhân loại tin điều gì là thiện, điều gì là ác. Đây có phải quyền năng được ban cho anh không? Không! Quyền năng mà anh nhận được là thuyết phục được chính bản thân mình, ngay điều này mà anh còn chưa làm được, thế mà anh lại muốn thuyết phục người khác sao? Tại sao? Có ai sống với anh lâu hơn là anh sống với bản thân mình không? Ai có khả năng để thuyết phục được anh hơn là anh thuyết phục chính mình? Ai là người tốt với anh và thân cận với anh hơn bản thân mình?

Vậy thì cớ sao anh chưa chịu thuyết phục mình tin vào sự thật này? 

Sao anh còn chưa chịu để mặc người đời và trở thành người thầy và người học trò tự thân mình? “Hãy để kẻ khác tự thấy rằng liệu một đời sống trái với tự nhiên có tốt cho họ hay không, và để họ sống tuỳ vào nhận thức của mình. 

Về phần ta, chẳng có ai thân cận với ta hơn chính mình. Ta đã nghe mòn hết những lý luận của các triết gia và đồng tình với họ, cớ làm sao những gánh nặng của ta vẫn chẳng hề suy suyển? Hay năng lực của ta vẫn còn quá kém cỏi? Bằng là như vậy, tại sao trong mọi lĩnh vực khác ta đâu đến nỗi ngu tối như thế? Ta rất sáng dạ trong việc học từ ngữ, ta có năng khiếu trong môn đô vật, hình học và phân tích tam đoạn luận. Chẳng nhẽ lẽ phải không thuyết phục được ta? Nhưng ngay từ đầu, ta đâu có chấp nhận và đặt điều gì cao hơn lẽ phải, thậm chí cho đến tận ngày nay, những lý lẽ này vẫn còn là chủ đề ta đọc, nghe và viết cơ mà? Hiện tại ta vẫn chưa tìm được lý lẽ nào thuyết phục hơn điều này. Vậy ta còn thiếu điều gì? Có phải vì những tư tưởng đối nghịch vẫn còn chưa được loại trừ khỏi tâm trí ta? Có phải vì những tín điều của ta vẫn chưa được đem ra thực hành và ta chưa có thói quen đưa chúng đối diện với thực tại? Giống như những bộ giáp phục cất mãi trong kho cho đến hồi hoen gỉ đến mức không còn mặc được nữa.

Phải, trong môn đô vật, viết lách, hoặc giả là đọc sách, ta chẳng phải chỉ chăm chăm đến học lý thuyết, ta bẻ lại những lý lẽ xuất hiện trong đầu và xây dựng những cái mới, ta xử lý những luận đề đa nghĩa cũng theo cách đó. Nhưng đối với những nguyên lý quan trọng giúp những người chuyên tâm với chúng thoát ly đau khổ, sợ hãi, đắm luyến, chướng ngại và trở thành một người được khai phóng, ta chẳng hề dành chút tâm sức, hoặc giả ra sức thực hành chúng một cách xứng đáng. Thế mà ta lại bận tâm với những điều mọi người nói về mình, hay liệu trong mắt họ ta có là một người hạnh phúc hay nổi bật hay không.”

Kẻ đáng thương kia, sao anh chưa chịu nhìn ra điều anh nói về bản thân mình? Anh xem mình là hạng người nào? Anh xem mình thuộc đẳng cấp nào trong tư duy, trong sự yêu ghét, trong động lực, trong sự chuẩn bị, trong suy tính và trong tất cả hoạt động khác của con người? Hà tất anh phải bận tâm vì người khác thương hại anh?

“Đành là vậy, nhưng họ vẫn thương hại con trong khi con chẳng đáng chịu như thế.”

Đây là điều làm cho anh phiền lòng sao? Nhưng một kẻ hay phiền lòng thì có đáng bị thương hại chăng?

“Thưa có.”

Thế thì người ta thương hại anh chẳng ngoa chút nào. Chính khi anh để những cảm xúc của mình bị khuấy động bởi sự thương hại tức là anh đã biến mình thành kẻ đáng bị thương hại rồi. Antisthenes đã nói gì? Anh chưa từng nghe sao? “Một phần của việc làm vua, thưa đức Cyrus, là làm tốt mà vẫn chịu lắm điều gièm pha.” Đầu của ta vẫn tốt nhưng mọi người nghĩ ta bị đau đầu. Bận gì ta phải quan tâm? Ta chẳng hề bệnh tật, thế mà người khác thông cảm với ta như thể ta có bệnh: Ôi chàng trai tội nghiệp, sao anh bị bệnh hoài không dứt thế?” Ta đeo lên bộ mặt sầu thảm và nói: “Đúng là tôi mắc bệnh mạn tính.” “Vậy anh định sẽ như thế nào?” “Tuỳ ý Thần linh vậy”. Và ta cười thầm những người rủ lòng thương cho ta.

Vậy điều gì ngăn ta hành xử tương tự trong trường hợp này? Ta nghèo khó nhưng ta có cái nhìn đúng về cái nghèo. Tại sao ta phải bận tâm họ có thương hại ta vì cảnh nghèo này không? Ta không có chức quyền còn người khác thì có, nhưng ta có cái nhìn đúng đắn về việc có chức quyền và không có chức quyền. Hãy để những kẻ thương hại ta giữ quan điểm của mình, còn về phần ta, ta chẳng phải chịu đói khát hay lạnh, chính cơn đói và sự thèm khát của họ làm cho họ nghĩ như thế về ta. 

Vậy ta phải xử trí thế nào với họ? Ta đi xung quanh và nói, “Thưa ngài, xin đừng nhầm lẫn, tôi chẳng làm sao cả, tôi xem nhẹ cảnh nghèo hèn, cũng chẳng tham cầu quyền tước, hay nói chung là chẳng để tâm đến điều gì ngoài những tư tưởng đúng đắn. Đây là thứ tôi sở hữu mà hoàn toàn không bị chướng ngại, ngoài ra tôi chẳng quan tâm điều gì hơn.” 

Làm sao ta giữ cho tư tưởng của mình chính đáng cho đặng trong khi ta chẳng hài lòng với việc sống là chính mình, mà day dứt để trở thành con người theo ý của họ?

“Nhưng kẻ khác sẽ thâu tóm được nhiều thứ hơn con, và sẽ được trọng dụng hơn con.”

Thế có hợp lý không khi những người khổ công vì một mục tiêu nào đó có được lợi thế hơn trong lĩnh vực mà họ dốc sức thực hiện? Họ nhọc sức vì chức tước, anh nhọc lòng vì tư tưởng của mình, họ vì tiền tài, anh vì phương cách dằn tâm sửa trí. … Thật vô lý lắm ru nếu kẻ dành mọi tâm lực của mình cho một mục tiêu mà lại gặt hái được ít thành tựu hơn kẻ chẳng mảy may ngó ngàng đến điều đó.

Bằng như anh không dành tâm trí cho điều gì ngoài việc dằn tâm sửa trí của mình, vậy thì mỗi sáng thức giấc, anh phải suy niệm rằng: “Ta còn thiếu thứ gì để đạt được sự tự do khỏi mọi tham dục? Ta phải có được điều gì để thoát ly mọi phiền não? Rốt cuộc ta là gì cơ chứ? Là khối hình hài này, là tài sản này, hoặc giả là danh tiếng này?” Chẳng thứ nào trong đó cả. Vậy là gì? Là một giống loài có lý trí. Vậy giống loài đó cần làm gì? Hãy suy nghiệm về những việc làm của mình. “Ta đã sai ở đâu trong việc giữ tâm an định?” Ta đã hành xử lỗ mãng, ích kỷ, hay lạnh lùng chăng? “Ta đã chưa làm được điều gì mà mình cần làm” trong những vấn đề này?

Hằng thấy rằng luôn tồn tại một sự khác biệt rất lớn trong những mong cầu, hành động và lời nguyện của con người, liệu anh còn mơ ước được ngang bằng với họ trong những lĩnh vực mà họ dành mọi tâm huyết còn anh thì không? Nếu mọi sự đã vốn là như vậy, hà tất anh phải tỏ ra bất ngờ và bực tức khi họ thương hại anh? Nhớ rằng họ chẳng hề phiền lòng khi anh thương hại họ. Tại sao? Bởi vì họ tin rằng họ đang có những điều tốt đẹp còn anh thì không tin như vậy. Đó là lý do tại sao anh không thoả mãn với những thứ của mình, mà thèm muốn những thứ của họ, trong khi họ đã hài lòng với điều họ có và chẳng màng gì đến thứ của anh. Bởi lẽ nếu như anh thực sự tin rằng quan điểm về điều gì tốt đẹp của mình là hoàn toàn chuẩn xác trong khi họ đã lầm lạc quá xa khỏi sự thật, anh đã chẳng để tâm đến lời họ nói về anh rồi.

menu
menu