Đây là cách để cảm thấy tốt hơn và đạt được mục tiêu: 4 bí mật từ nghiên cứu khoa học

Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ có lúc cảm thấy tuyệt vọng.
Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ có lúc cảm thấy tuyệt vọng. Những lời thì thầm trong đầu nghe như một đoạn lời bài hát bị loại của Alanis Morissette, và chút lạc quan ít ỏi từng có thì nay như đang chơi trò trốn tìm đỉnh cao. Bạn cảm thấy mình giống cô chị xấu xí trong chuyện cổ tích Lọ Lem – đôi giày ấy, từ đầu vốn chẳng dành cho bạn.
Bạn cần một chút hy vọng. Ừ thì, cái chữ hay được xăm uốn lượn trên xương sườn, bên cạnh hình con bướm. Một từ nghe như thể nên được đóng gói cùng cây bút nhũ lấp lánh.
Hy vọng đôi khi khiến ta cảm thấy như một kẻ ngây thơ, như vẫn tin vào ông già Noel khi tuổi đã gần 40. Liệu hy vọng có phải là một cú lừa ngọt ngào mà ta tự gài cho chính mình?
Thật ra là không. Theo nghiên cứu: “Khi các yếu tố khác được giữ nguyên, hy vọng giúp tăng 12% kết quả học tập, cải thiện 14% hiệu quả công việc, và nâng mức hạnh phúc lên 10%.”
Trời ơi. Cứ như thể hạnh phúc có thể được trả góp từng chút một vậy. Còn nếu không có hy vọng thì sao? Ờ, tệ đấy. Rất tệ: “Khi đã kiểm soát các biến số khác, những người nói rằng họ cảm thấy tuyệt vọng có nguy cơ tử vong cao hơn gấp đôi trong thời gian theo dõi nghiên cứu.”
Vậy nên hy vọng thật sự có thể tạo nên khác biệt lớn trong cuộc sống của bạn. Nhưng làm sao để có thêm hy vọng? Đây đâu phải thứ có thể tăng lên như gói dữ liệu điện thoại hàng tháng. Vì thế, ta cần nhờ tới một người thật sự hiểu – như một giàn khoan cảm xúc, khai thác từ tận sâu tâm hồn.
Tuần này, ta sẽ cùng khám phá cuốn sách “Making Hope Happen” của nhà khoa học Shane Lopez từ tổ chức Gallup.
Giờ thì, bắt đầu thôi…
Hy vọng là gì?
Không phải là thứ bạn đang nghĩ tới đâu. Chúng ta không nói về những câu nói truyền cảm hứng được in hoa mỹ trên gối trang trí trong phòng khách nhà mẹ bạn. Hy vọng cũng không phải là sự lạc quan khoác chiếc khăn lông vũ, tô điểm lòe loẹt.
Lạc quan và hy vọng thường bị gom chung như thể đôi bạn thân luôn xuất hiện cùng nhau tại những hội nghị tràn đầy năng lượng tích cực. Nhưng thực chất, chúng giống như hai người anh em họ xa – thỉnh thoảng mới gặp và thường chỉ miễn cưỡng gật đầu chào nhau trong những buổi họp mặt gia đình.
Shane Lopez chỉ ra sự khác biệt: “Bạn là người lạc quan nếu tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện tại. Nhưng bạn thực sự có hy vọng khi không chỉ tin vào một tương lai tươi sáng mà còn tin rằng mình có thể góp phần tạo nên điều đó.”
Lạc quan là một xu hướng – nó có thể mang lại ảnh hưởng tích cực, nhưng khi tình huống trở nên thật sự khó khăn, người lạc quan thường chùn bước. Trong khi đó, những người đầy hy vọng lại tỏa sáng, bởi hy vọng luôn đi cùng hành động thực tế. Nó là niềm tin khoác trên mình chiếc áo sờn và đôi giày cũ kỹ – nhưng vẫn không ngại xắn tay lên làm.
Nghĩ đơn giản thế này: nếu lạc quan là con gấu bông mềm mại mang hình người, thì hy vọng là người hùng dày dạn sương gió – từng trải, biết rõ đời thường chẳng dễ dàng gì, nhưng vẫn sẵn sàng xuất hiện, bởi vì, ai đó cần phải đứng ra và bắt tay vào việc.
Vậy nên, hy vọng không phải là lạc quan – mà cũng chẳng giống như việc ước mơ viển vông. Con người, như cánh bướm luôn bay về phía ánh lửa, có xu hướng bị mê hoặc bởi những suy nghĩ nhiệm màu. Khi đứng trước cái mênh mông đáng sợ của tương lai chưa biết, não bộ chúng ta dường như thở dài và nói: “Thôi thì cứ tưởng tượng ra một cái kết đẹp còn hơn là đối diện với thực tại.”
Và rồi khi mọi thứ không như ý, người mơ mộng chỉ biết thở dài, ngơ ngác tự hỏi: “Mình đã ước mong biết bao nhiêu lần, sao vẫn chưa thành ngôi sao điện ảnh có dòng nước hoa riêng của mình?”
Bạn từng nghe ai đó khuyên hãy “gửi mong muốn của mình ra vũ trụ” chưa? Tin nóng đây: vũ trụ bận lắm. Nó còn phải xoay hành tinh, ném sao chổi và quản lý hố đen nữa kìa. Và điều quan trọng hơn cả: ước mơ – hay gọi là “manifesting” nếu bạn thích – không hiệu quả. Thậm chí, nó còn có thể làm hại bạn...
Một nghiên cứu đã quan sát hai nhóm sinh viên đang tìm việc. Nhóm đầu tiên có kỳ vọng cao nhưng cũng suy nghĩ thực tế về những gì cần làm. Nhóm thứ hai thì lạc quan hơn và mộng mơ nhiều hơn về thành công.
Kết quả? Đúng như bạn đoán – nhóm đầu tiên thành công hơn hẳn. Nhóm thứ hai ít nỗ lực hơn, gửi đi ít đơn xin việc hơn, nhận được ít lời mời hơn, và nếu có nhận việc thì mức lương cũng thấp hơn. Vì sao? Heather Barry Kappes từ NYU lý giải: “Khi bạn mơ mộng về điều gì đó tích cực quá mức, não bạn gần như cảm thấy nó đã xảy ra rồi.” Từng suy nghĩ đầy mơ ước ấy giống như một tên trộm nhỏ, lặng lẽ đánh cắp năng lượng bạn đáng lẽ có thể dùng để thực sự đạt được điều mình mong muốn.
Hãy tạm biệt những giấc mơ năm sao. Chào đón thực tại ba sao và bắt tay vào làm việc thôi. (Tôi dám chắc “The Secret” chẳng có chương nào nói điều đó cả.)
Vậy người có hy vọng thật sự tin vào điều gì? Nghiên cứu cho thấy có bốn niềm tin cốt lõi – tôi gọi đó là “Tứ trụ Hy vọng”:
- Tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện tại.
- Tôi có khả năng tạo ra điều đó.
- Có nhiều con đường để đạt tới mục tiêu.
- Và chẳng con đường nào trải đầy hoa hồng.
Chính những niềm tin ấy giúp bạn kiên định tin vào một ngày mai tươi sáng – đến mức mà ngày mai cũng phải ngoan ngoãn mà tỏa sáng theo. Shane nói rằng, để nuôi dưỡng hy vọng, cần ba yếu tố: Mục tiêu, Chủ động, và Con đường.
Chúng ta sẽ bắt đầu với: Mục tiêu…
Mục tiêu
Mục tiêu chính là khung giàn cho hy vọng tựa vào mà vươn lên. Bởi hy vọng không có mục tiêu thì chỉ là một linh hồn vất vưởng, lảng vảng giữa đời trong vô định. Điều ta cần, theo giới chuyên môn, là những mục tiêu SMART – viết tắt của: Cụ thể (Specific), Đo lường được (Measurable), Có thể đạt được (Attainable), Liên quan thiết thực (Relevant), và Có thời hạn rõ ràng (Time-bound).
Một mục tiêu thật sự nên cụ thể đến mức, nếu bạn không hoàn thành được, bạn có thể… kiện chính mình vì vi phạm cam kết. Nó phải đo lường được – bởi nếu không đo lường được, nó chỉ là một giấc mơ mặc áo sơ mi công sở. Nó cần thực tế – vậy nên, không, bạn không thể “trở thành Beyoncé”. (Trừ khi bạn là chính Beyoncé – nếu vậy thì xin lỗi và mời bạn tiếp tục tỏa sáng.) Mục tiêu cũng phải gắn liền với đời sống thật của bạn, chứ không phải một phiên bản lý tưởng nào đó dậy từ 5 giờ sáng để leo núi mỗi ngày. Và, phần lớn các nhà nghiên cứu đều đồng thuận rằng “một lúc nào đó” không phải là một mốc thời gian hợp lệ.
Hãy chọn những mục tiêu khiến tim bạn rộn ràng, khiến đầu óc bạn reo lên: “Ừ, làm đi!”, thay vì thở dài hỏi: “Mình làm cái này vì cái podcast nào đó bảo sao?”
Và hãy khiến hình ảnh tương lai trở nên sống động, gần gũi hơn. Dựa theo nghiên cứu của giáo sư Hal Hershfield thuộc Trường Kinh doanh Stern – NYU, bạn có thể làm như sau:
Hãy tưởng tượng về bản thân mình trong tương lai. (Tôi của tương lai á? Đỉnh lắm. Ảnh dùng chỉ nha khoa mỗi ngày, nói chuyện duyên dáng, và chắc chắn không có ngăn kéo đầy gói nước tương hết hạn.)
Giờ hãy đặt bản thân tương lai ấy cạnh bạn của hiện tại. (Còn tôi bây giờ thì… đống đồ giặt của tôi có cả đống đồ giặt con đẻ. Và tôi của tương lai bỗng dưng giống như một người bà con xa chẳng bao giờ gặp mặt.)
Nhưng đừng buồn – điều này không để làm bạn thấy nản, mà là để bạn nhận ra những trở ngại đang chờ đợi trên đường. Những trở ngại đó không phải là sai sót trong hệ thống hy vọng – mà là một phần không thể thiếu, giống như mực tàng hình trong sách hướng dẫn điệp viên của CIA, hay căn phòng bí mật để khóc trong mấy gian hàng trưng bày của IKEA. Và khi ta nhìn ra được những chướng ngại ấy, ta có thể lên kế hoạch đối mặt. Ta làm điều đó, bởi vì ta là người hy vọng, không phải kẻ chỉ ước mơ.
Rồi, mục tiêu thì tuyệt rồi đấy. Nhưng giờ là lúc phải hành động thôi…
Chủ động
Sự chủ động, nếu bạn hỏi tôi (và rõ ràng bạn đang hỏi đấy chứ), chính là khả năng đưa cuộc đời mình tiến lên phía trước mà không cần tới trợ cấp của nhà nước, một quỹ tín thác kếch xù, hay một nghi lễ mặt trăng chín bước đầy khói hương. Nó là việc bạn – một người trưởng thành đàng hoàng, dù đôi lúc cũng hơi luộm thuộm – biết nắm lấy tay lái cuộc đời mình. Ta không phải những kẻ bị mắc kẹt trên dây chuyền của sự tầm thường; ta đang xoay sở, chủ động, và biến mọi thứ thành hiện thực…
Và chính tại đây, hầu hết mọi người bắt đầu thất bại. Bởi vì họ không chịu nhấc mông lên và làm việc. Mình cần phải nghiêm túc một chút, bởi bạn – người bạn đáng mến ơi – cực kỳ giỏi trong việc… làm ngơ với chính mình. Vậy nên, giờ ta sẽ tập trung toàn bộ năng lượng vào việc khiến điều đúng đắn trở nên dễ làm hơn, để bạn thực sự bắt tay vào làm.
Trước tiên, hãy thiết lập những mặc định. Điều này có nghĩa là bạn chọn sẵn một bước đi cụ thể hướng tới mục tiêu của mình – và bước đi đó sẽ tự động diễn ra trừ khi bạn chủ động thay đổi. Làm sao để hóa đơn được thanh toán đúng hạn? Cài đặt thanh toán tự động. Làm sao để đi tập thể dục đều đặn? Hẹn tập cố định với một người bạn hay phán xét. Nó giống như kiểu… bạn bọc lại mọi góc cạnh tâm lý của mình như cách người ta bọc đồ đạc khi nhà có em bé biết bò.
Tiếp theo là sử dụng gợi ý – hay nói văn vẻ hơn, là tạo ra “thuật toán cá nhân” để nhắc nhở bạn thực hiện hành vi tích cực trong những hoàn cảnh nhất định. Một gợi ý cực kỳ hiệu quả là: “khi/ở đâu”. Khi bạn đặt mục tiêu, hãy xác định rõ ngày, giờ và địa điểm mà bạn sẽ bắt đầu hành động. Có tới 94 nghiên cứu chỉ ra rằng việc này làm tăng đáng kể khả năng bạn thực hiện được mục tiêu. Ví dụ, nếu bạn áp dụng “gợi ý khi/ở đâu” cho việc tập thể dục, tỷ lệ duy trì thói quen sẽ tăng từ 39% lên tới 91%.
Một kiểu gợi ý khác cũng lợi hại không kém là: “nếu/thì”. Ví dụ, bạn đang cố ăn kiêng? Hãy dặn mình: “Nếu tôi thấy thèm phá chế độ, thì tôi sẽ ăn một que kem không đường.” Khi bạn có sẵn một phản ứng được định trước, bạn sẽ ít viện cớ hơn và dễ hành động đúng đắn hơn.
Tôi biết, có thể một số người đang nghi ngờ: “Ờ, chắc cái túi khoai tây chiên sẽ tự động nhảy vô tủ và nói ‘xin lỗi, tụi mình không biết là bạn đã có câu thần chú sẵn rồi.’”
Được thôi. Vậy thì ta lên một cấp độ cao hơn. Bí kíp quyền năng nhất để tăng tính chủ động là: cam kết trước. Nghĩa là bạn giăng bẫy cho chính thói quen xấu của mình. Hãy tuyên bố công khai mục tiêu của bạn. Nói với ai? Với người mà bạn biết chắc sẽ cà khịa bạn đến cùng trời cuối đất nếu bạn thất hứa. Giờ thì bạn đã đặt cược rồi đó. Bạn vừa biến đám bạn thành huấn luyện viên cuộc sống – mà bạn chẳng thể sa thải. Và vâng, đôi khi… xấu hổ là một loại “thuốc tăng lực” cực mạnh.
Nếu cách đó vẫn chưa đủ thúc đẩy bạn? Hãy dùng đến “hạt nhân”: Đưa cho bạn thân 100 đô. Nếu bạn làm được điều đã hứa, bạn lấy lại tiền. Nếu không? Bạn mất trắng. Con số 100 đó chỉ là tượng trưng – nếu nó không khiến bạn thấy tiếc, thử 1000 đô. Hoặc tờ giấy sở hữu căn nhà cũng được.
Giờ thì bạn có mục tiêu. Bạn có sự chủ động. Và bước cuối cùng để làm cho hy vọng của bạn thật sự sống dậy là gì?...
Những Ngả Đường
Một trong những trò đánh lừa tai hại nhất mà loài người từng bày ra với chính mình, chính là cái huyền thoại mang tên: Con Đường Duy Nhất. Từ những buổi hướng nghiệp ở trường trung học cho đến những tờ đơn xin vào đại học đòi bạn khai ra “ngành học dự định” – dù lúc đó bạn còn đang ăn pizza lúc 2 giờ sáng và gọi điện về nhà để hỏi mẹ cách khai thuế – tất cả đều ngầm bảo ta rằng: cuộc đời chỉ có một hướng đi, một quỹ đạo duy nhất.
Và rồi khi con đường ấy – như một điều tất yếu – sụp đổ, ta bỗng nghĩ mình là kẻ thất bại. Một suy nghĩ thật nực cười.
Đó cũng là lý do vì sao ta cần nhiều ngả đường để bước tới mục tiêu của mình.
Vậy làm sao để tạo ra những lối đi đúng đắn? Trước tiên, hãy bắt đầu từ chính thế mạnh của bạn. Muốn được thăng chức mà bạn lại là người giao tiếp giỏi? Hãy đầu tư vào việc xây dựng các mối quan hệ. Còn nếu bạn có óc sáng tạo? Hãy làm sếp bất ngờ bằng một bài thuyết trình mới lạ, đầy cảm hứng.
Nhiều người thấy khó khăn khi phải nghĩ ra các con đường khác nhau, nhưng thực ra vấn đề không nằm ở việc thiếu ý tưởng, mà là ở những giới hạn ta tự đặt ra. Mà một trong những rào cản lớn nhất, chính là nỗi sợ. Những lo âu thường khiến ta âm thầm gạt bỏ nhiều lựa chọn, đến mức bản thân cũng chẳng nhận ra.
Có người đang muốn tìm một công việc tốt hơn, nhưng chưa gì đã loại bỏ khả năng chuyển chỗ ở. Có người biết rằng quay lại trường học có thể là bước ngoặt lớn, nhưng lại không bao giờ cho phép mình nghiêm túc suy nghĩ về điều đó. Không phải họ không có lựa chọn – mà là họ đã tự tay ném tất cả ra khỏi bàn ngay từ đầu.
Một cách hiệu quả để “hồi sinh” những ngả đường đã bị bỏ quên, chính là thay đổi góc nhìn. Ví dụ: khoa học đã chỉ ra rằng tạo dựng mạng lưới quan hệ là điều cực kỳ hữu ích. Nhưng với nhiều người, chuyện đó nghe chẳng khác gì hình phạt dành cho người lớn. Giải pháp? Hãy biến nó thành một điều vui vẻ.
Tổ chức một buổi tối chơi bowling chẳng hạn. Vì sao ư? Bởi chẳng ai cảm thấy mình hơn người khi đang đi đôi giày thuê cả. Điều kỳ diệu là khi mọi người vừa cố gắng đừng làm trật khớp lưng, họ cũng đồng thời bắt đầu trò chuyện, cười đùa, kết nối… Và rồi, cơ hội cứ thế hiện ra, nhẹ nhàng như hơi men giữa những lần tung bóng.
Vậy đấy, ta đã học được khá nhiều. Giờ là lúc gom góp tất cả và khám phá cách mà cha mẹ, thầy cô và những người lãnh đạo có thể nuôi dưỡng hy vọng trong những tâm hồn xung quanh mình…
Tổng Kết – Hành Trình Nuôi Dưỡng Hy Vọng
Làm sao để thắp lên một ngọn lửa hy vọng? Trước tiên, ta cần hiểu: hy vọng là gì.
Lạc quan là kiểu người bước vào một căn nhà ma và reo lên: “Chắc mấy hồn ma ở đây dễ thương lắm!” Hy vọng thì khác. Hy vọng là người bạn mang theo cây gậy to đùng để đề phòng chuyện chẳng lành. Hy vọng cũng không giống ước muốn. Kiểu “nghĩ tích cực bị động” – thật ra chỉ là cách nói hoa mỹ của việc “tưởng tượng thật mạnh rồi hy vọng mọi chuyện tự dưng tốt lên.” Người có hy vọng là người tin vào một tương lai tươi sáng – nhưng họ cũng hiểu rằng điều đó cần nỗ lực, hành động và cả kiên trì.
Mục tiêu:
Người có hy vọng luôn gắn bó với những mục tiêu SMART – cụ thể, đo lường được, khả thi, phù hợp và có thời hạn rõ ràng. Họ chọn những mục tiêu khiến tim mình reo vui, chứ không phải những thứ khiến lịch trình trông như một cái bẫy.
Chủ động:
Hy vọng nảy nở khi ta biết làm cho điều đúng đắn trở nên dễ thực hiện hơn. Hãy tạo ra những thói quen mặc định, những tín hiệu nhắc nhở (vì làm vậy còn dễ hơn thuê ai đó đi theo mình với cây roi điện). Và quan trọng nhất: hãy cam kết trước với chính mình. Tự biến mình thành người không thể rút lui khỏi lời hứa mà bản thân từng đưa ra.
Lối đi:
Hy vọng không bao giờ đặt cược tất cả vào một con đường duy nhất. Người hy vọng luôn chuẩn bị những phương án B, C, D – và nếu cần, họ sẵn sàng lật hết cả bảng chữ cái để tìm ra lối đi mới. Một con đường gãy đổ không đồng nghĩa với kết thúc, mà chỉ là một khúc ngoặt.
Vậy làm thế nào để gieo hy vọng nơi người khác?
Hãy nói với họ – bằng tất cả sự chân thành – rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện tại. Rằng mỗi người trong nhóm đều có vai trò tạo nên điều đó. Và rằng con đường ấy đòi hỏi tất cả phải góp sức, cùng nhau bước tới.
Nhưng còn một điều nữa – điều quan trọng nhất: Bạn phải khiến người khác cảm thấy phấn khởi về tương lai.
Hãy lay nhẹ vai họ (tất nhiên là theo nghĩa bóng thôi, kẻo bị kiện) và nói: “Một điều tuyệt vời đang đến, và bạn chính là một phần trong đó!” Không phải là những lời động viên nhạt nhòa. Không phải tấm poster con mèo treo lủng lẳng với dòng chữ “Cố lên nhé!” Mà là lửa. Là đam mê. Là thứ khiến tim người khác bùng cháy khi ở gần bạn. Bởi vì hy vọng không phải là lạc quan, và cũng không phải là mơ ước. Hy vọng là hành động.
Khi tương lai trước mắt phủ mây mù, hãy nhớ: Hy vọng không cần quả cầu pha lê – nó cần một danh sách những việc phải làm. Hy vọng không nằm ở việc ngồi đợi con tàu của bạn cập bến. Nó giống như việc chợt nhận ra: có khi mình phải… đi “mượn tạm” một con thuyền.
Bởi khi bạn thực sự có hy vọng, mọi thứ quanh bạn đều thay đổi. Cuộc sống như một đoạn trailer lung linh của bộ phim trưởng thành. Nhạc nền vang lên du dương. Bạn bước qua một ngày bình thường với nhịp điệu slow-motion của một người đang sống hết mình.
Bạn không còn chỉ tồn tại nữa – bạn bắt đầu tỏa sáng. (Hoặc ít nhất, tỏa sáng gần đủ.) Bởi vì vũ trụ này không thực sự thưởng cho những người có hy vọng… Nó thưởng cho những ai kiên quyết không chấp nhận hai chữ “bỏ cuộc.”
Nguồn: Bakadesuyo