Đôi khi, hổng phải vì bạn
Bài báo được đăng trong chuyên mục Tình yêu thời hiện đại của tờ New York Times ngày 23/9/2011.
Tác giả: SARA ECKEL
Bài báo được đăng trong chuyên mục Tình yêu thời hiện đại của tờ New York Times ngày 23/9/2011.
Trong buổi hẹn hò đầu tiên của tôi với Mark, anh hỏi tôi rằng mối tình gần đây nhất của tôi kết thúc khi nào.
Tôi cúi xuống nhìn vào chiếc bàn, hai tay bưng cái cốc bia. Tôi vẫn luôn ghét cái câu hỏi kiểu này. Nó cứ có vẻ đánh giá trơ trẽn sao đó — như kiểu một chuyên gia tư vấn tuyển dụng điều tra về quãng thời gian gián đoạn trong bản CV của bạn, một ông bác sĩ nha khoa chất vấn về việc cách bao lâu bạn chà răng một lần.
Tôi biết là anh không hề đánh giá tôi hay gì cả. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau hơn hai tháng nay, và trong cái quán bar đông đúc này chúng tôi nói chuyện thoải mái và thẳng thắn với nhau như những người thân thiết — anh kể cho tôi nghe về những vết thương lòng khi anh ly dị, khó khăn về tài chính, và nỗi cô đơn. Anh cứ hay tạt qua văn phòng tôi suốt, gửi mấy lời tán tỉnh qua thư điện tử và — cả điều mà tôi thấy dễ thương nhất nhưng lại làm anh xấu hổ nhất — anh cứ đỏ mặt bất kỳ khi nào mà tôi nói chuyện với anh. Anh ấy như thể đã sa lưới rồi ấy.
Nhưng dầu vậy tôi vẫn chẳng trả lời. Tôi không muốn anh biết sự thật: rằng tôi đã 39 tuổi và chưa hề có một người bạn trai chính thức nào suốt tám năm qua. Tôi từng thấy bọn đàn ông đề cập đến đề tài này trước đây — ngay cả khi những con số đều nhỏ hơn nhiều. Họ sẽ nhìn tôi một cách lãnh đạm và hiếu kỳ, cứ như thể tôi là một cái nhà hàng với quá ít khách hàng ở trong đó vậy, một nơi nằm trong cái danh sách đã quá lâu rồi. Có anh chàng còn thẳng thừng: “Có vấn đề gì với em thế?”
“Em cũng không biết nữa,” tôi trả lời.
“Nhưng em hấp dẫn đấy chứ?” anh ta nói, như thể giờ anh ta cũng chẳng dám chắc.
“Em chẳng biết phải nói gì với anh,” tôi nói. “Em không biết tại sao.”
Lúc này, đối diện với câu hỏi vô tư của Mark, tôi tìm cách thoái thác. “Cũng lâu rồi,” tôi nói nhanh.
Mark không nhận ra sự lảng tránh của tôi. Anh nhấp một ngụm bia, và chúng tôi chuyển sang những chủ đề khác — về các đồng nghiệp của chúng tôi, tiểu thuyết của Douglas Coupland, thành phố Seattle — và rồi, ở góc phố bên ngoài quán bar, là nụ hôn đầu tiên của chúng tôi. Tôi biết là tôi sẽ phải thú thật với anh. Nhưng chưa phải lúc này.
Khi anh chàng từng hẹn hò cùng tôi từ hồi xa lắc xa lơ hỏi cái câu — “Có vấn đề gì với em thế?” — tôi, dĩ nhiên rồi, cảm thấy bị sỉ nhục. Tôi uống hết ly nước của mình, nói rằng sáng mai tôi phải dậy sớm. Nhưng thành thật mà nói, câu hỏi của anh ta chẳng tệ hại gì hơn cái câu hỏi mà tôi vẫn tự vấn gần như mỗi ngày. Đó không phải là sự chán ghét bản thân được nhân rộng, mà là cái cảm giác trống rỗng xâm chiếm lồng ngực tôi vào những thời điểm nhất định — trên chuyến tàu dài lê thê trở về nhà sau một ngày nhạt nhẽo, một cuộc nói chuyện qua điện thoại với một cô bạn đã có gia đình rồi bỗng nhiên cô ấy bảo phải cúp máy thôi, bởi vì ông xã vừa mới lấy mẻ thịt quay ra khỏi lò nướng.
Niềm an ủi của tôi đến từ nơi mà những người phụ nữ độc thân vẫn thường tìm thấy nó: những cô bạn độc thân khác của mình. Chúng tôi sẽ cùng tụ tập vào các tối trong tuần, trao đổi với nhau những câu chuyện hài hước và bi ai về đời sống hẹn hò đầy tăm tối của chính mình, củng cố lòng tin cho nhau về những sự xinh đẹp, thông minh và tử tế của bản thân, lấy làm lạ trước sự ngu ngốc của lũ đàn ông vì đã không nhìn ra được những điều ấy ở bạn mình.
Hầu như, chúng tôi cố gắng để diễn giải tất cả những điều ấy. Liệu những cô bạn đã kết hôn có thực sự hấp dẫn hơn chúng tôi nhiều chăng? Thỉnh thoảng có một ai đó sẽ tuyên bố rằng những người phụ nữ có gia đình thực ra khổ lắm, rằng chính bọn họ đang ghen tị với chúng tôi thì có. Nhưng cái luận điểm này cũng chẳng đi được quá xa — chúng tôi đều biết rằng những người bạn đã kết hôn ấy sẽ chẳng bao giờ chịu đổi chỗ với chúng tôi đâu, cho dù bọn họ có ca cẩm về mấy đức lang quân thế nào đi chăng nữa.
Dĩ nhiên, có hàng đống những cuốn sách và chương trình TV nổi tiếng mô tả chi tiết về đời sống của những phụ nữ như vậy, nhưng trong câu truyện ấy những người đàn ông kiểu mẫu tiếp cận nhân vật nữ chính của mình trong công viên và các trạm xe buýt và mời họ đi ăn tối. Những phụ nữ độc thân trong mấy bộ phim sitcom chẳng bao giờ phải chịu cảnh chăn đơn gối chiếc quá lâu. Cô nàng chỉ bỏ qua người đàn ông này để đến với người đàn ông khác, thay đổi người yêu liên tục như thay túi. Những người bạn của tôi và cả tôi nữa đã trải qua nhiều buổi hẹn hò và có những mối quan hệ tạm thời kéo dài không quá ba tháng, nhưng trong phần lớn thời gian chúng tôi đều cô đơn.
Trong khi nhiều người chúng tôi thích thú theo dõi những chương trình TV kiểu ấy — và cũng chẳng mấy bận tâm khi người khác cho rằng cuộc đời chúng tôi “giống như” những nhân vật chính —mẫu rập khuôn của những kẻ độc thân trên 30 tuổi, săn tìm đàn ông phủ bóng đen lên tất cả chúng tôi. Là một người phụ nữ không bị ràng buộc không có nghĩa rằng bạn là một kẻ ngu xuẩn, một kẻ đầu đất chẳng có mấy mối bận tâm ngoài việc mua sắm và làm móng và “Liệu anh ấy có gọi không?” Các bạn tôi và tôi chẳng mấy hứng thú với cái việc shopping hay chăm sóc móng chân, nhưng điều ấy không hề ngăn chúng tôi khỏi cảm giác vô cùng xấu hộ vì khao khát tình yêu.
Thừa nhận rằng bạn muốn có chồng cứ như là một sự phản bội đối với phong trào nữ quyền vậy. Chúng ta đáng lý ra phải hơn hẳn thế này. (Không kể đến rằng không có nhà hoạt động nữ quyền thực thụ nào từng nói rằng việc muốn một mối quan hệ tình cảm thật là tệ hại. Những bức thư mà chúng tôi nhận được từ NOW và Planned Parenthood tập trung vào quyền sinh sản và trả lương công bằng, chứ không phải là hẹn hò và kết hôn.)
Tuyên bố về nhu cầu yêu đương có thể cũng sẽ được nhìn nhận như là bằng chứng của việc bạn chưa sẵn sàng cho điều đó. Vào một đêm tháng Mười hai nọ khi tôi đi uống với một anh bạn đã kết hôn, anh ấy phát bực với mấy lời than phiền của tôi (mà tôi cũng phải công nhận là phiền thật) về việc phải trải qua thêm một năm mới nữa trong cô đơn. “Sara, hầu như trong mọi vấn đề em đều rất sáng suốt,” anh nói, “nhưng sao cứ nhắc đến chủ đề này là em lại đâm ra ngớ ngẩn thế hả.”
Cũng giống như những phụ nữ độc thân khác ở khắp mọi nơi, tôi bị ám ảnh với cái suy nghĩ rằng vấn đề chắc chắn phải ở phía tôi, rằng có những khuyết điểm nghiêm trọng — tính kiêu ngạo, lòng tự trọng thấp, sợ phải gắn kết — cần sớm được sửa đổi. Tôi cần được sửa đổi.
Là một nhà báo tự do, tôi không đủ khả năng chi trả để được nghe bác sĩ tâm lý có tiếng tư vấn, nhưng nghề nghiệp của tôi cho phép tôi tiếp cận với một vài chuyên gia hàng đầu đất nước về sức khỏe tâm thần. Khi tôi viết các bài báo về chủ đề buổi hẹn hò đầu tiên và chia tay, tôi phỏng vấn các giáo sư tâm lý học và các chuyên gia điều trị tâm lý, tôi mặt dày mày dạn thêm thắt vào trong cuộc phỏng vấn những mẩu chuyện vặt vãnh của cuộc đời mình. Tôi cố gắng để đào sâu vào tận gốc rễ của vấn đề — vì lợi ích của giới phụ nữ, và vì bản thân tôi.
Tôi cũng nói chuyện với rất nhiều các tác giả viết sách về đề tài cải thiện bản thân. Có một Quý Bà Nghiêm Khắc Đã Kết Hôn cho rằng chìa khóa dẫn tới việc kiếm được người tri kỷ là phải trưởng thành, thôi than thân trách phận đi và làm gì đó về mái tóc của mình. Rồi Người Tìm Thấy Bạn Tri Kỷ Kỳ Diệu bắt phải viết một quyển nhật ký, đi bộ thật nhiều, tắm bồn có bong bóng xà phòng và những ngọn nến lung linh và những trò ảo thuật khác. Và rồi Người Đàn Ông — chẳng hạn như, một anh chàng kha khá dễ thương viết một cuốn sách nọ — cho những lời khuyên về việc làm thế nào để gặp gỡ đàn ông, mà dẫn tới việc không bị chê bai và nuôi tóc dài.
Vì thế tôi bắt đầu để tóc dài. Tôi tắm bồn với bong bóng xà phòng. Và dĩ nhiên, tôi bắt đầu rà soát lại các vấn đề của mình. Liệu thất bại của tôi có phải là kết quả của chứng sợ hãi trách nhiệm tiềm tàng (được che đậy một cách xảo quyệt bằng việc thực sự mong đợi được gắn kết), như là một vị chuyên gia đầu xù mì từng nhấn mạnh? Liệu có phải tôi cảm thấy vốn đã không xứng đáng và phát ra tín hiệu về việc đánh giá thấp bản thân với mỗi người đàn ông mà tôi gặp? (Cũng là một sự gợi ý nhẹ nhàng khác.) Liệu thất bại của tôi trong việc “yêu chính mình” có nghĩa là tôi không thể yêu được người khác?
Hay là tôi chưa đủ tích cực? Các chuyên gia đã đồng ý rằng một thái độ tích cực là vô cùng quan trọng để thu hút đàn ông. Tôi có thể thấy được điều đó — chắc chắn rồi. Nhưng đây không phải là thế mạnh của tôi. Tôi tin rằng việc trái đất nóng lên là có thật và thiên đường là sản phẩm tưởng tượng. Tôi tin rằng những người có cái suy nghĩ “mọi việc xảy ra đều có nguyên do của nó” hẳn chẳng bao giờ mở báo ra mà đọc lấy một lần. Có người sẽ xem đó là biểu hiện của sự tiêu cực. Nhưng mà tôi gọi nó là tính thực tế.
Có rất nhiều điều tốt đẹp đã diễn ra trong suốt thời kỳ hình thành Sara 2.0 của tôi. Tôi đi đến khu dân cư nơi các nghệ sĩ sinh sống, và dạy cách viết truyện cho những người trẻ tuổi có hoàn cảnh khó khăn, tôi nhận nuôi một chú chó, học cách trồng cây chuối — tất cả đều được thực hiện dưới tấm biển “Học Cách Yêu Cuộc Sống Độc Thân Của Tôi.” Và tôi đảm bảo là mọi người đều biết rằng cuộc đời tôi cũng vô cùng tuyệt vời dù có hay không có sự xuất hiện của đàn ông — căn hộ đáng yêu của tôi! sự nghiệp mỹ mãn của tôi! những người bạn tuyệt vời của tôi! Nhưng tôi cũng biết rằng tôi không thể chơi trò này quá thường xuyên, vì sợ rằng dàn đồng ca nhà thờ sẽ kết thúc với câu cuộc đời trơn tru của tôi không có chỗ cho tình yêu. Giống như là một anh bạn từng nói với tôi rằng, “Đôi khi tôi gặp một người phụ nữ quá giỏi giang và tôi nghĩ rằng, Thế thì cô ấy còn cần mày làm gì?”
Những cố gắng của tôi đã giúp tôi có thêm nhiều bạn và lấp kín lịch làm việc của tôi với những hoạt động hữu ích. Tôi tham gia các buổi hẹn hò qua mạng, các buổi hẹn hò tốc độ và hẹn hò qua mai mối. Tôi có một mái tóc đẹp và nụ cười tự tin. Nhưng mà tôi vẫn cứ một thân một mình. Và trong bóng tối của đêm thứ Bảy, tôi vẫn tự hỏi mình, “Có vấn đề gì với tôi thế?”
Mark và tôi hẹn hò với nhau được một tháng trước khi tôi thú nhận về cái tiểu sử yêu đương đáng xấu hổ của mình với anh. Khi tôi làm vậy, anh chỉ nhún vai, “Thật may cho anh,” anh nói, “tất cả những gã kia là lũ ngốc.”
Và thế là như thế đó. Với Mark, tôi không phải là một vấn đề cần giải quyết, một câu đố cần được giải ra. Tôi là người đàn bà mà anh yêu, cũng như là tôi yêu anh vậy.
Sáu năm sau đó, vào tháng Sáu vừa qua, anh và tôi đã kỷ niệm một năm ngày cưới. Các bạn bè thân thiết của tôi — những người đã phải chịu đựng những bài ca thán của tôi — cũng đã đến dự đám cưới ở trong một cái công viên nhỏ ở Brooklyn. Và còn có cả chồng của họ nữa.
Liệu có phải chúng ta tìm được tình yêu là bởi vì ta đã trưởng thành, thực tế hơn và giải quyết hết các vấn đề của bản thân? Không. Chúng ta chỉ đơn giản là tìm thấy đúng người mà thôi. Chúng ta tìm thấy người đàn ông yêu thương ta cho dù chúng ta vẫn cứ gàn dở và lên cơn luôn, cho dù sự nghiệp của ta chẳng đi đến đâu, và cho dù đôi khi ta có nói oang oang, cho dù ta có nốc quá nhiều và văng tục khi xem tin tức trên TV. Cho dù đầu chúng ta có tóc bạc và diện mấy bộ đồ lỗi mốt và có thái độ chẳng ra gì. Họ vẫn yêu chúng ta, dù cho có thế nào đi nữa.
Có vấn đề gì với tôi ư? Nhiều lắm. Nhưng đấy chưa bao giờ là vấn đề hết.
Dịch: December Child