8 mẹo tâm lý giúp bạn thuận lợi hơn trong công việc
Muốn người khác làm theo ý mình dù họ không thích lắm, bạn chỉ cần biết đặt ra câu hỏi đúng.
Đôi khi, chúng ta ước mình có phép màu để giải quyết một số khó khăn trong cuộc sống. Tất nhiên, chẳng ai có cây đũa thần nhưng một số mẹo tâm lý có thể giúp bạn xử lý các vướng mắc, cải thiện mối quan hệ và bình tâm hơn, theo Bright Side:
Muốn ai đó hỗ trợ mình trong tương lai, hãy nhờ họ một việc nhỏ hiện tại
Khi còn trẻ, Benjamin Franklin, một chính trị gia, nhà ngoại giao hàng đầu trong lịch sử tại Mỹ, quyết định phải chiếm được lòng tin của một người vốn chưa thích ông. Người này có thể tạo ảnh hưởng tới sự nghiệp chính trị của ông và ông ta có một thư viện lớn. Franklin viết một lá thư lịch thiệp nhờ người đàn ông này cho mình mượn một cuốn sách hiếm vài ngày. Cuốn sách được gửi tới ngay lập tức. Không lâu sau đó, Franklin trả lại sách kèm lời cảm ơn. Lần tới khi giáp mặt, vị nọ đã chủ động tiếp cận Franklin và họ trở thành bạn.
Franklin viết trong hồi ký sau này: "người từng làm điều tử tế cho bạn nhiều khả năng sẽ tiếp tục giúp bạn về sau". Bạn có thể áp dụng hiệu ứng này trong cuộc sống: Nhờ một người không quen giúp một việc nhỏ, chẳng hạn như cho mượn chiếc bút chì hay chiếc bật lửa. Sau này, cơ hội họ sẽ làm điều gì đó lớn hơn cho bạn sẽ cao hơn. Nếu một đồng nghiệp không thích bạn, bạn có thể hỏi ý kiến họ về một vài việc quan trọng. Điều này sẽ là nền tảng tốt cho mối quan hệ về sau.
Nhai kẹo cao su để lấy lại bình tĩnh
Có nhiều cách lý giải tác dụng của việc này: Có thể khi khai, máu dồn lên đầu và bạn trở nên thư giãn hơn. Hoặc cảm giác dễ chịu gắn liền với đồ ăn và hành động nhai khiến chúng ta phấn chấn và bình tĩnh hơn.
Ngoài ra, nhai kẹo cao su cũng giúp chúng ta phân tán và từ bỏ các thói quen xấu như ăn uống quá độ hay cắn móng tay khi căng thẳng.
Kể với ai đó một bí mật giúp cải thiện mối quan hệ
Cách tốt để lấy được lòng tin của ai đó là chia sẻ bí mật với họ. Tất nhiên, bạn không nên kể những điều thực sự quan trọng, đặc biệt nếu mục tiêu chỉ là xây dựng một mối quan hệ tốt. Điều đáng quan tâm là thể hiện cho người này thấy bạn tin họ, tạo cho họ có cảm giác gắn kết với bạn.
Đưa ra 2 lựa chọn để đạt được điều mình muốn
Nếu bạn muốn một người chọn hay làm điều gì đó họ không thực sự thích, chỉ cần đưa ra câu hỏi đúng.
Chẳng hạn, bạn cần bản báo cáo từ đồng nghiệp. Đừng nói với họ rằng liệu có thể cho bạn xem không mà hãy hỏi họ có thể mang tới vào ngày mai hay ngày kia. Như vậy mọi người sẽ cảm thấy họ quan trọng và có cảm giác mình kiểm soát tình huống.
Mắc lỗi để trở nên dễ gần hơn
Chúng ta luôn cố gắng tránh mắc lỗi, phần lớn vì sợ bị chê cười. Tuy nhiên, mắc một lỗi nhỏ có thể khiến chúng ta hấp dẫn hơn trong mắt người khác, khi thể hiện mình cũng là một con người bình thường, thay vì một hình mẫu lý tưởng. Những người quá lý tưởng thường bị e ngại và khó ưa.
Hơn nữa, những người khác sẽ không sợ mắc lỗi khi có mặt bạn. Họ sẽ cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn.
Nhưng tất nhiên bạn đừng áp dụng cách này quá mức, nếu không người khác sẽ nghi ngờ khả năng của bạn.
Nếu có nhiều điểm tương đồng giữa bạn và người khác, họ sẽ thích bạn hơn
Bạn có thể tạo được ảnh hưởng lớn nếu thể hiện lời nói và cử chỉ tương đồng giữa mình và người khác. Chỉ cần nghĩ về những khách du lịch khi họ gặp một đồng hương ở nước ngoài. Hay thật thú vị khi phát hiện bạn học cùng một trường với ai đó. Chúng ta có khuynh hướng hay thích những người giống mình hơn.
Dành lời khen mỗi ngày
Khen ngợi và nói những lời tử tế với mọi người hằng ngày, dù tâm trạng bạn không vui hay đã trải qua những điều chẳng dễ chịu. Ban đầu, việc này không dễ nhưng bạn sẽ quen dần và tự nhiên thấy thích nói, làm những điều như vậy. Điều này cũng khiến mọi người yêu thích bạn hơn.
Không chỉ nói với người quen, đồng nghiệp, hãy thực hành với cả những người gặp ngẫu nhiên, nhân viên bán hàng, lái xe. Những lời này khiến người khác thấy dễ chịu và truyền cảm hứng tích cực.
Đừng quá chú ý tới bản thân
Chúng ta quen với việc quá tập trung vào bản thân và vì vậy nếu trông không được tươm tất vào buổi sáng, bạn nghĩ ai cũng đang để ý đến mình. Thực tế không phải vậy.
Đây gọi là hiệu ứng tỏa sáng. Chúng ta quá coi trọng vẻ ngoài và hành động của mình so với người khác. Nhưng thử nghĩ về những lần bạn đi xa. Bạn thường mặc những bộ đồ mình thấy thoải mái và không cần dành cả tiếng trước gương và ăn những gì mình muốn. Những người khác thấy bạn, nghĩ như vậy là bình thường, và chính bạn đừng quá khắt khe với chính mình. Hãy giữ những trải nghiệm và cảm giác thoải mái đó mỗi ngày.
Vương Linh/VNE