Một liều thuốc ngược đời cho sự kiệt sức

mot-lieu-thuoc-nguoc-doi-cho-su-kiet-suc

Khái niệm “kiệt sức” (burnout) ra đời cách đây nửa thế kỷ để chỉ cảm giác mệt mỏi rã rời, hoài nghi cay đắng và mất niềm tin vào hiệu quả công việc

Khái niệm “kiệt sức” (burnout) ra đời cách đây nửa thế kỷ để chỉ cảm giác mệt mỏi rã rời, hoài nghi cay đắng và mất niềm tin vào hiệu quả công việc – trạng thái mà những người làm nghề chăm sóc và phục vụ con người như bác sĩ, cảnh sát, nhân viên xã hội… thường hay gặp phải.

Qua thời gian, cụm từ ấy đã được dùng rộng rãi cho nhiều ngành nghề hơn, kể cả những công việc không lương: giảng viên cũng kiệt sức; sinh viên cũng kiệt sức; nhân viên bán hàng cũng kiệt sức; nhà hoạt động xã hội cũng kiệt sức; cha mẹ cũng vậy. Thậm chí, người ta nói rằng họ cảm thấy kiệt sức vì… cuộc đời.

Dù khái niệm kiệt sức ngày càng phổ biến và được bàn luận rộng rãi, thì định nghĩa chính xác về nó – và nguyên nhân thực sự gây ra nó – vẫn là một điều mơ hồ khó nắm bắt.

Hiện nay chưa có định nghĩa lâm sàng chính thức nào cho tình trạng kiệt sức, cũng chẳng có một tiêu chuẩn đo lường chung hay một bảng chẩn đoán rõ ràng nào về các triệu chứng của nó.

Vì thiếu sự đồng thuận như thế, nên các khảo sát về kiệt sức đều sử dụng những tiêu chí khác nhau, cách đặt câu hỏi cũng không giống nhau, khiến việc xác định chính xác số người thực sự mắc phải tình trạng này trở nên rất khó khăn.

Như Jonathan Malesic đã chỉ ra trong cuốn The End of Burnout (Tạm dịch: Khi Kiệt Sức Kết Thúc):

“Một nghiên cứu tổng hợp cho thấy trong số 156 nghiên cứu sử dụng công cụ Maslach Burnout Inventory (MBI – thước đo tiêu chuẩn đánh giá mức độ kiệt sức) để khảo sát tình trạng kiệt sức của bác sĩ, có đến 47 định nghĩa khác nhau về ‘kiệt sức’, và ít nhất 24 cách định nghĩa riêng biệt cho từng khía cạnh như mệt mỏi cảm xúc, hoài nghi, và cảm giác kém hiệu quả. Không ngạc nhiên khi các nghiên cứu đó đưa ra kết quả dao động cực lớn: từ 0% bác sĩ bị kiệt sức, đến tận 80%.”

Sự thiếu nhất quán trong cách hiểu về kiệt sức cũng khiến ta khó phân biệt nó với những trạng thái khác có biểu hiện tương tự. Bạn đang bị kiệt sức hay chỉ đang chán nản? Khi nào thì kiệt sức khác với mệt mỏi thông thường hay căng thẳng? Liệu ai đó đang kiệt sức hay thật ra họ đang trầm cảm?

Tính mơ hồ này không có nghĩa là kiệt sức không có thật. Lý do mà khái niệm này trở nên phổ biến đến thế là vì nó mô tả hoàn hảo một cảm giác rất phổ biến và dễ dàng nhận ra – một trạng thái có vẻ giống như mệt mỏi, chán chường, hoặc trầm cảm, nhưng vẫn mang một sắc thái rất riêng biệt. Dù mang tính cá nhân và khó định lượng, thì khi mắc phải, ta thường biết rất rõ rằng mình đang trải qua nó. Tuy vậy, chính sự mơ hồ đó nên nhắc nhở ta nên khiêm tốn hơn khi bàn về kiệt sức – vì còn rất nhiều điều về nó vẫn chưa được hiểu rõ.

Và điều đó cũng đúng khi ta đi tìm nguyên nhân gây ra kiệt sức. Bởi lẽ nếu chính chúng ta còn chưa hiểu kiệt sức là gì, thì sao có thể hiểu tường tận điều gì dẫn đến nó?

Người ta thường cho rằng kiệt sức là hậu quả của làm việc quá sức. Nhưng thực tế lại có những người làm việc 80 tiếng mỗi tuần mà không cảm thấy gì, trong khi có người làm 30 tiếng mà đã thấy cạn kiệt.

Một giả thuyết phổ biến khác là: kiệt sức là “sản phẩm độc hại” của thời hiện đại – là hậu quả của nhịp sống hối hả, sự chia cắt con người, và những kích thích liên tục. Nhưng thật ra, dù ngày xưa chưa có từ “kiệt sức” để gọi tên, thì con người vẫn luôn than phiền về những trạng thái tương tự, nhất là từ khi công nghiệp hóa bắt đầu. Vào thế kỷ 19 ở Mỹ, người ta gọi đó là “chứng suy nhược thần kinh” (neurasthenia), nghĩ rằng nó do công việc văn phòng đơn điệu và nhịp độ công nghệ thay đổi quá nhanh gây ra. Chưa kể, những tu sĩ khổ hạnh nghiêm khắc sống cách đây gần 2000 năm – những người có lối sống giản dị đến mức triệt để – cũng từng trải qua điều gì đó rất giống với kiệt sức. Điều này khiến giả thuyết cho rằng thiết bị công nghệ hiện đại làm phân mảnh tâm trí ta nghe có vẻ không còn thuyết phục lắm (chút nữa ta sẽ nói thêm về các vị tu sĩ đó).

Liên quan đến giả thuyết “tính hiện đại”, có người cho rằng kiệt sức là hệ quả của việc ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân ngày càng mờ nhạt. Nhưng nếu nhìn lại quá khứ, ta thấy ranh giới đó thậm chí còn mờ hơn: người nông dân ngày xưa thức dậy, vắt sữa bò, chẻ củi, trồng trọt và sửa sang trong chính mảnh đất của mình – họ “làm việc tại nhà” từ trước cả khi khái niệm ấy ra đời, sống một đời không có ranh giới rõ ràng giữa “việc làm” và “cuộc sống”. Thậm chí, chia hai điều đó thành hai phạm trù khác nhau nghe còn có vẻ kỳ quặc với họ.

Vậy thì ta lại nghĩ: nếu kiệt sức không đến từ sự xâm lấn của công việc hiện đại, thì chắc hẳn nó là kết quả của việc công việc ngày nay thiếu đi ý nghĩa. Công việc hiện đại không còn gắn liền trực tiếp với sự sinh tồn như trước đây, cũng chẳng phải lúc nào cũng mang lại cảm giác trọn vẹn về mặt tinh thần hay triết lý. Nhưng lại một lần nữa, ta thấy vấn đề giống như ở giả thuyết làm việc quá sức: có người làm công việc vô cùng có ý nghĩa vẫn kiệt sức, trong khi có người làm việc vô nghĩa hoàn toàn lại chẳng sao.

Trong cuốn sách của mình, Malesic đưa ra giả thuyết rằng: kiệt sức nảy sinh từ khoảng cách giữa lý tưởng ta đặt vào công việc và thực tế phũ phàng của nó; ta kỳ vọng rằng công việc sẽ mang lại ý nghĩa sâu sắc trên mọi phương diện, và rồi thất vọng khi điều đó không xảy ra. Ta đặt quá nhiều kỳ vọng về giá trị cuộc đời lên vai công việc, mà lại không có đủ những niềm vui nội tại từ cuộc sống bên ngoài công sở.

Nhưng rồi… lại là ví dụ “phản biện” quen thuộc – các vị tu sĩ. Họ không làm để được trả công, chẳng tìm kiếm danh vọng hay sự khẳng định bản thân từ công việc, và mọi việc họ làm đều mang ý nghĩa nội tại cao nhất. Vậy mà họ cũng từng kiệt sức. Thêm vào đó, vẫn có rất nhiều người bình thường ngoài xã hội, những người sở hữu nhiều nguồn ý nghĩa và niềm vui ngoài công việc, nhưng rồi vẫn rơi vào trạng thái cạn kiệt.

Quả thật, những trường hợp kiệt sức kỳ lạ nhất lại thường rơi vào những người vốn yêu thích công việc mình đang làm, những người cảm thấy gắn bó và hài lòng với công việc ấy, có thể họ đang tạo ra điều gì đó có ý nghĩa hoặc giàu tính sáng tạo, họ không quá phụ thuộc vào công việc để định nghĩa bản thân, có một mức độ tự chủ nhất định, thậm chí có thể chính họ là người làm chủ... Thế nhưng, họ vẫn trải qua những giai đoạn kiệt quệ. Không có nguyên nhân rõ ràng, không có lời giải thích thỏa đáng vì sao cảm giác kiệt sức lại ập đến vào thời điểm ấy — thời gian làm việc không tăng, khối lượng công việc cũng không quá nặng nề, mức độ căng thẳng nơi công sở vẫn ổn định — vậy mà họ vẫn thấy cạn kiệt. Bỗng nhiên, họ cảm thấy mỏi mệt với chính công việc mình từng yêu thích. Họ như va phải một bức tường vô hình. Cảm giác muốn buông bỏ trỗi dậy. Họ không còn muốn tiếp tục nữa.

Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phủ nhận tác hại thực sự của việc lao lực quá mức, bị kích thích quá độ hay làm những công việc vô nghĩa – bởi tất cả đều để lại những hậu quả nghiêm trọng, cả ở mức độ cá nhân lẫn xã hội. Chúng ta hoàn toàn nên nỗ lực cải thiện môi trường làm việc để nó trở nên nhân văn và đáng sống hơn.

Chỉ là, ngay cả khi ta đã giải quyết được hết những vấn đề ấy, thì hiện tượng kiệt sức vẫn chưa chắc được xóa bỏ hoàn toàn. Dù đúng là những yếu tố kia có thể làm tình trạng kiệt sức trở nên trầm trọng hơn, nhưng kể cả khi chúng không còn, sự kiệt sức vẫn có thể âm thầm len lỏi vào đời sống.

Vậy nên, nếu ta thực sự muốn hiểu sâu hơn về căn nguyên của kiệt sức, có lẽ ta cần phải tìm ở một nơi khác.

Kiệt sức = Khi cuộc sống trở nên quá bão hòa bởi sự lặp lại

Dù bạn làm nghề gì – kể cả việc làm cha, làm mẹ – thì những lịch trình và công việc thường ngày của chúng ta cũng khá giống nhau và mang tính lặp đi lặp lại. Ngày qua ngày, ta cứ làm đi làm lại những điều quen thuộc. Ngay cả với những công việc đòi hỏi sự sáng tạo cao, vẫn có một cảm giác như đang làm công việc dây chuyền – chỉ là thay vì tạo ra những món đồ, ta đang “sản xuất” ra nghệ thuật, truyền thông hay thiết kế. Viết một bài. Rồi viết một bài khác. Rồi lại thêm một bài nữa. Lặp lại. Giặt xả. Rồi lại lặp lại. Dù là nhân viên công sở, người tự làm chủ hay làm nghề tự do, thì chiếc băng chuyền công việc ấy vẫn cứ trôi đều đều, không ngừng nghỉ.

Vấn đề của sự đơn điệu này thực ra đã đồng hành với con người từ khi ta bắt đầu sống định cư và hình thành các đô thị. Trước đó, cuộc sống của những người săn bắt hái lượm hay làm nông diễn ra theo nhịp điệu tuần hoàn của tự nhiên – những công việc khác nhau tùy theo mùa đông hay mùa hè, có những khoảng thời gian bận rộn và cũng có những giai đoạn thảnh thơi. Có mùa gieo trồng, có mùa thu hoạch. Cuộc sống có nhịp điệu riêng trong ăn uống, sinh hoạt, lao động và các nghi lễ.

Ngày nay, ta ăn những món giống nhau, làm những việc giống nhau, nghe đi nghe lại những bản nhạc cũ, tuân theo một vòng quay quen thuộc, bảy ngày một tuần, ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm.

Và có lẽ, chính sự lặp lại nhàm chán này mới là gốc rễ sâu xa khiến ta kiệt sức.

Con người, có vẻ như, chỉ có thể chịu đựng đến một mức nhất định của sự giống nhau. Khi mọi tế bào trong ta bị bão hòa, ta chạm vào một bức tường vô hình. Ta không còn muốn làm điều mình vẫn làm nữa.

Nếu đúng là tình trạng kiệt sức đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong thời đại này, thì chính những yếu tố hiện đại lại càng khiến vấn đề này thêm trầm trọng. Công việc – vẫn là những việc y như cũ quanh năm suốt tháng – len lỏi cả vào cuối tuần; ngày nay, rất ít người còn giữ lại được một chút chu kỳ cũ xưa – như ngày nghỉ cuối tuần đúng nghĩa. Nhưng kể cả khi ta gom công việc lại trong khuôn khổ thứ Hai đến thứ Sáu, từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều, thì sự đơn điệu kia, tuy có nhẹ đi đôi chút, vẫn sẽ còn đó.

Thật ra, dù ta có thể giải quyết được nạn làm việc quá sức hay cảm giác vô nghĩa trong công việc, thì cái sự “giống nhau đến phát chán” này gần như không có cách giải quyết triệt để.

Bạn vẫn có thể – và nên – tìm cách đưa một chút nhịp điệu mùa vụ vào cuộc sống của mình: chọn ăn theo mùa, nghe những bản nhạc gắn với thời điểm trong năm, tham gia các hoạt động theo từng giai đoạn khác nhau. Việc nghỉ ngơi, thư giãn, giải trí cũng giúp ích ít nhiều. Nhưng rồi, sau kỳ nghỉ dài, bạn vẫn sẽ quay lại cái vòng quay thường nhật kia. Bạn có thể làm cho vấn đề dịu bớt, đúng vậy, nhưng chỉ là từ mức 95% giống nhau giảm xuống còn 85%. Một sự an ủi, nhưng cũng chỉ là một giọt nước trong chiếc xô gần đầy.

Cuộc sống và công việc thời nay vốn dĩ là như thế. Đại đa số công việc đều đòi hỏi ta phải làm gần như những việc giống nhau quanh năm, năm này qua năm khác. Cũng giống như việc chẳng thể bắt một người nông dân bỏ qua các mùa, thì ta cũng khó lòng ép công việc hiện đại đi theo chu kỳ.

Tất nhiên, bạn có thể “chạy trốn” khỏi sự đơn điệu bằng cách đổi việc. Nhưng đâu thể đổi việc liên tục đủ nhanh để vừa tránh kiệt sức vừa phát triển sự nghiệp? Nếu bạn gắn bó đủ lâu để trở nên giỏi giang, thành thạo, thì rồi cũng sẽ có lúc bạn chạm phải ngưỡng kiệt sức. Còn nếu bạn không ở lại đủ lâu để cảm giác kiệt sức kịp đến, thì bạn cũng sẽ chẳng bao giờ đạt đến kỹ năng và sự trưởng thành nghề nghiệp thực sự.

Và nếu, giả sử, bạn thực sự muốn gắn bó với một công việc nào đó lâu dài – thậm chí là cả đời – vì đó là điều bạn yêu thích, thậm chí cảm thấy như một tiếng gọi từ bên trong?

Vậy thì ta còn có thể tìm lời giải cho căn nguyên của sự kiệt sức do lặp lại ở nơi đâu?

Quay lại với những vị tu sĩ mà ta đã nhắc đến trước đó.

Giải pháp của đời sống tu hành cho sự kiệt sức do lặp lại: “Lấy độc trị độc”

Vào thế kỷ thứ ba sau Công nguyên, nhiều tín hữu Cơ đốc từ mọi tầng lớp trong xã hội đã rút lui khỏi đời sống thế tục, tìm đến sa mạc Ai Cập hoang vu để sống ẩn tu, dồn toàn bộ tâm trí và sức lực của mình cho Đức Chúa Trời. Những tu sĩ này, được biết đến với cái tên “Các vị Cha trong sa mạc”, đã từ bỏ mọi tiện nghi của đời sống văn minh, lui về sống trong những căn phòng nhỏ bé, trơ trụi giữa cát bụi, lựa chọn một cuộc đời ẩn dật với im lặng, cô độc, cầu nguyện, học hỏi, ăn chay, thiền định và lao động chân tay.

Dù đời sống tu viện có tuân theo những chu kỳ của nghi lễ tôn giáo, phần lớn thời gian của họ vẫn là những ngày tháng trật tự và lặp lại như một guồng quay bất tận; theo một cách nào đó, chính họ là những người đầu tiên nếm trải cảm giác “Ngày Chuột Chũi” – một chuỗi ngày na ná như nhau, mà sau này sẽ trở thành đặc trưng của thời hiện đại (dĩ nhiên là ở mức độ khắc khổ và khắt khe hơn nhiều). Vì thế, cũng không có gì lạ khi một trong những thử thách lớn nhất mà họ đối mặt lại rất giống với cái mà chúng ta ngày nay gọi là "kiệt sức". Các tu sĩ gọi hiện tượng này là acedia.

Acedia bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “thiếu quan tâm” hay “vô cảm”. Không có từ tiếng Anh nào tương đương hoàn toàn với khái niệm này; nó bao hàm nhiều sắc thái: mệt mỏi, uể oải, thờ ơ, chán chường, buồn nản và tuyệt vọng. Trạng thái ấy thường đi kèm với sự thiếu hụt ham muốn lao động, ảnh hưởng cả thể chất lẫn tinh thần, gây ra những đau đớn trong tâm trí và cả những chứng bệnh thực hay tưởng tượng trong cơ thể.

Acedia còn được gọi bằng một cái tên khác: “con quỷ buổi trưa”. Bởi lẽ, nó thường tấn công dữ dội nhất vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều – khi mặt trời sa mạc lên cao chói chang, thời gian như ngừng trôi, và ngày dài dằng dặc tưởng chừng bất tận. Evagrius Ponticus, một trong những tu sĩ đầu tiên suy tư sâu sắc về acedia, đã xem nó là con quỷ quấy nhiễu và đè nặng tâm hồn tu sĩ nhiều nhất trong tất cả các loài quỷ mà đời sống tu hành từng đối mặt.

Một trong những dấu hiệu rõ nét nhất của acedia là cảm giác bồn chồn, bất an, dẫn đến sự mất niềm tin nơi những “đồng tu”, sự chán ngán với nhịp sống rập khuôn, sự ghê sợ trước cái lặp đi lặp lại nhàm chán và tưởng như vô nghĩa của công việc thường ngày — và hơn cả, là ước muốn từ bỏ con đường mình đang đi. Trong hai đoạn viết sau đây, Evagrius đã mô tả rõ ảnh hưởng của acedia lên tâm trạng người tu sĩ:

“[Acedia] gieo vào lòng người tu sĩ sự chán ghét nơi chốn và chính cuộc sống của mình, làm anh ta mất đi hứng thú với lao động chân tay, và nảy sinh suy nghĩ rằng tình thương giữa anh em đã không còn, chẳng còn ai để chia sẻ hay ủi an. Nếu trong những ngày ấy, có ai đó vô tình khiến tu sĩ phiền lòng, con quỷ kia lại nhân cơ hội ấy để đổ thêm dầu vào lửa. Nó xúi giục anh ta mơ tưởng về một nơi khác – nơi anh có thể dễ dàng kiếm được những thứ mình cần và theo đuổi một công việc nhẹ nhàng hơn, hiệu quả hơn.”

Acedia gieo vào đầu bạn những ý nghĩ rời bỏ — rời bỏ chốn cũ, rời bỏ cách sống hiện tại. Nó vẽ ra một cuộc đời khác, như thể đó chính là con đường cứu rỗi, và thì thầm vào tai bạn rằng: nếu không thay đổi, bạn sẽ đánh mất chính mình.

Evagrius nhận thấy rằng “con quỷ buổi trưa” rất khéo trong việc đưa ra những lý do nghe chừng vô cùng hợp lý, thậm chí mang màu sắc vị tha, để thuyết phục người tu sĩ rời đi. Nào là: anh có thể cống hiến nhiều hơn nếu ở một nơi khác, anh sẽ chăm sóc tốt hơn cho gia đình đã bỏ lại phía sau nơi thế tục, và — nghe thật đạo lý — “làm đẹp lòng Chúa đâu có nằm ở chuyện bạn đang ở đâu; bởi Kinh Thánh dạy rằng ta có thể tôn thờ Ngài ở bất kỳ nơi nào.”

Một trong những phương thuốc mà Evagrius khuyên dùng để đối trị với acedia, và ông xem đó là cách quan trọng nhất, chính là kiên trì. Cứ ở lại. Cứ tiếp tục. Đơn giản chỉ là không bỏ cuộc. Evagrius kể lại lời khuyên của một tu sĩ dành cho người anh em đang bị acedia bủa vây:

“Hãy đi, ăn uống và nghỉ ngơi nếu cần, nhưng tuyệt đối đừng rời khỏi căn phòng của mình: hãy nhớ rằng chính việc trụ lại nơi đó mới giúp người tu sĩ giữ được con đường chân chính.”

Việc đề xuất bền lòng trước sự bồn chồn — việc dùng cái lặp lại để chữa cái lặp lại — nghe có vẻ ngược đời, nhưng như Evagrius từng quan sát, đôi khi cứ tiếp tục hành động, ngay cả khi không muốn, lại là điều có thể phá vỡ gông cùm của acedia:

“Có một vị tu sĩ, mỗi khi bước vào giờ kinh (nghi thức cầu nguyện hằng ngày), liền bị cơn run rẩy, sốt cao và đau đầu dữ dội ập đến. Nhưng rồi ông tự nhủ: ‘Ta đang bệnh, chắc là sẽ chết mất! Thôi thì, trước khi chết, hãy dậy mà đọc kinh đã!’ Và khi vừa kết thúc giờ kinh, cơn sốt cũng biến mất. Sau này, cứ mỗi lần bị giày vò như thế, ông lại tự nhắc mình như vậy, và nhờ đó đã vượt qua được cơn cám dỗ.”

Lúc này có thể bạn sẽ nghĩ:

“Ừ thì, tất nhiên các tu sĩ sẽ tin rằng kiên trì là phương thuốc cho acedia. Bởi sự vững tâm là một đức hạnh trong đời sống tu hành. Trong khuôn khổ của nhà thờ, của tôn giáo, sự vâng lời và gắn bó với nề nếp là điều được ngợi ca và đề cao. Nhưng nếu đem điều đó áp vào một cuộc sống đời thường — một công việc mà ta không được 'trời gọi', chỉ đơn giản là hợp với mình — thì nghe có vẻ không hợp lý lắm.”

Nhưng nếu ta thấy được rằng phép chữa “lấy độc trị độc” ấy cũng hiệu nghiệm trong cuộc đời của một nghệ sĩ, thì có lẽ, ta sẽ thấy điều đó lại hoàn toàn hợp lý.

Norman Rockwell đã chữa lành cơn kiệt quệ vì công việc… bằng cách tiếp tục làm việc

Dù giới phê bình nghệ thuật không phải lúc nào cũng coi Norman Rockwell là một “họa sĩ nghiêm túc”, nhưng bản thân ông lại rất nghiêm túc với nghệ thuật của mình. Ông cống hiến không ngơi nghỉ, đều đặn, tận tâm với từng nét vẽ. Dẫu công việc của ông đầy tính sáng tạo từ đầu đến cuối, nó cũng đồng thời là một guồng quay không ngừng và nhiều khi lặp đi lặp lại. Suốt sáu mươi năm sự nghiệp, Rockwell đã vẽ 323 bìa cho The Saturday Evening Post, 51 cuốn lịch cho Hội Hướng đạo Hoa Kỳ, cùng hàng ngàn minh họa cho sách, catalog, áp phích và quảng cáo. Ông làm việc bảy ngày một tuần, kể cả trong những kỳ nghỉ, gần như cho đến tận cuối đời. Và phần lớn thời gian, ông yêu công việc đó. Bởi với ông, hội họa là điều ông sinh ra để làm.

Nhưng cũng có lúc, Rockwell va phải “bức tường”. Trong cuốn hồi ký của mình, ông kể lại những lần bị cơn kiệt sứcghé thăm — thứ biểu hiện rõ nhất của một trong ba chiều kích phổ biến nhất của hội chứng burnout: sự vô hiệu, tức cảm giác suy giảm thành tựu, năng suất và năng lực. (Hai chiều kích còn lại, như đã đề cập từ đầu, là kiệt sức thể chất/tinh thần và thái độ hoài nghi/lạnh nhạt với công việc):

“Vài tháng sau đó, niềm tin vào bản thân tôi tụt dốc không phanh. Tôi thường xuyên mò ra xưởng vẽ bất kể giờ giấc để ngắm lại bức tranh, tự trấn an rằng nó không tệ như tôi vừa nghĩ. Nhưng mỗi khi đứng trước nó, tôi không thể phân định nổi — nó có đẹp không? Hay nếu tôi cảm thấy nó tệ, tôi cũng chẳng biết vì sao. Tôi xóa đi một cái đầu và vẽ lại. Không phải lỗi ở đó. Tôi thay màu của chiếc váy hay cái áo sơ mi. Không, vẫn không đúng. Tôi chỉnh lại bàn tay, đôi mắt, vẽ lại gương mặt, thử một biểu cảm khác. Không ăn thua. Thế là, kiệt sức, tôi ngồi thẫn thờ trước giá vẽ, giữa sự tĩnh mịch đặc quánh của sớm tinh mơ, đầu óc rối như tơ vò. Rồi chẳng bao lâu, khi chim bắt đầu cất tiếng hót líu ríu trên cành, ánh đèn điện nhạt dần trong thứ ánh sáng xanh tái của bình minh, tôi gỡ bức tranh khỏi giá và dựng nó vào tường. Lại phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi cần một người mẫu mới.”

“Nhưng thực ra, đó chỉ là đang trì hoãn. Vẽ lại thì dễ hơn là hoàn thiện nó. Có một bức bìa, tôi vẽ tới bốn lần, mỗi lần dùng một người mẫu khác nhau, rồi sau đó… tôi đốt sạch tất cả và vứt bỏ luôn ý tưởng ban đầu. Tôi không thể khiến bức tranh hoàn chỉnh trong đầu mình. Thứ tôi muốn nắm bắt cứ mãi trốn chạy. Trong bữa sáng, tôi nghĩ mình đã tóm được nó — tôi có thể hình dung ra cả bức tranh hoàn thiện trong trí óc. Nhưng khi bước vào xưởng, sau một lúc vẽ, hình ảnh ấy tan biến. Trước mắt tôi chỉ còn những chi tiết rời rạc — một bàn tay, một cái miệng, một chiếc giày. Tôi bắt đầu tuyệt vọng, rồi cứ thế vẽ tiếp không mục đích, uể oải tô chỗ này một chút, góc kia một chút, chắp vá, vô hồn.”

 Rồi một ngày nọ, Billy Sundermeyer — một cậu bé thường làm người mẫu cho tôi — bước vào xưởng, nhìn thấy bức tranh vẫn còn nằm nguyên trên giá vẽ từ hai tháng trước, liền cười toe toét nói: “Chú tiêu đời rồi, tiêu thật rồi đấy!” Câu nói vô tư ấy khiến tôi giật thót. Tôi phải làm gì đó, bất cứ điều gì, để tự vực mình dậy. Cả cuộc đời tôi chỉ biết đến hội họa, và giờ thì ngay cả điều đó cũng đang rời bỏ tôi.

Đang loay hoay trong chính công việc của mình, Rockwell quyết định thử một "liều thuốc" mà người ta vẫn hay kê đơn cho những ai kiệt sức: đi xa một chuyến. “Biết đâu thay đổi không khí lại giúp mình khá hơn,” ông nghĩ vậy. Nhưng hóa ra, việc du lịch chẳng mang lại tác dụng gì — thậm chí còn như đổ thêm dầu vào lửa:

“Chúng tôi đặt Jerry, đứa con trai cả sinh năm 1932, vào một chiếc giỏ đựng quần áo bằng mây và lên tàu đi Pháp. Nhưng chẳng có ích gì. Trong suốt tám tháng sống ở Paris, tôi chỉ hoàn thành được hai bức tranh — toàn những minh họa dở tệ.

Khi trở về nhà, tôi còn tệ hơn trước... Tôi thử dùng cọ mới. Tôi thử nghiệm các lớp màu. Nhưng không được bao lâu. Tôi không thể gắn bó với bất cứ điều gì — một bức tranh, một kỹ thuật...

Tất nhiên tôi vẫn làm xong một vài việc. Nhưng chẳng bức nào khiến tôi hài lòng. Và tôi không thể tìm ra gốc rễ nỗi thất vọng của mình.

“Tất cả tranh của mình đều hạng ba,” tôi nghĩ thế, “từng nét cọ đều dở tệ.” Nhưng tôi chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi vẫn vẽ như trước kia thôi mà.”

Vậy làm sao mà Rockwell cuối cùng lại thoát ra khỏi hố sâu ấy (và cả những lần hố sâu khác trong suốt sự nghiệp)? Câu trả lời là: bằng sự bền bỉ.

“Tôi đã làm điều duy nhất mình có thể làm: tiếp tục vẽ, bám lấy giá vẽ như cái đỉa bám da. Bất kể có thích những gì mình tạo ra hay không. Mỗi sáng, tôi ra xưởng từ tám giờ. Tôi cắm cúi làm việc đến trưa, rồi sau bữa ăn, lại tiếp tục đến năm, sáu giờ tối. Tôi thôi không cố gắng hiểu vì sao mình rối trí và bất mãn nữa. 'Tôi không biết chuyện gì đang sai, và có lẽ chẳng bao giờ hiểu nổi. Nhưng tôi sẽ cứ vẽ, vì đó là tất cả những gì tôi biết làm.'”

“Và cuối cùng, sau nhiều tháng trời toàn những bức tranh vẽ dở, bố cục sai lệch, nhạt nhẽo, nối tiếp nhau như thể vẽ trong tuyệt vọng, tôi đã tự kéo mình ra khỏi tình trạng ấy. Niềm tin trở lại, tôi nảy ra được vài ý tưởng hay, và lần này, trong suốt quá trình vẽ, tôi luôn nhìn thấy trọn vẹn bức tranh trong tâm trí mình.”

“Ngay cả bây giờ, tôi cũng chẳng thật sự hiểu vì sao mình rơi vào trạng thái đó, hay làm sao mà tôi dần vượt qua được. Từ đó đến nay, tôi lại trải qua những giai đoạn khó khăn khác. Và mỗi lần, khi chạm đến giới hạn, tưởng như đã hoàn toàn gục ngã, tôi đều xoay sở để gượng dậy. Luôn luôn bằng cách duy nhất: kiên trì bám trụ, tiếp tục làm việc, ngay cả khi mọi thứ có vẻ vô vọng và tôi sợ đến chết điếng.”

Bình tĩnh mà sống, vững vàng mà bước tiếp

Điều này rất đáng được nhắc đi nhắc lại, cần được gạch chân, thậm chí in đậm: nếu bạn đang kiệt sức và thấy đời sống công việc hay hoàn cảnh hiện tại trống rỗng, thì rõ ràng bạn cần nhìn nhận lại. Căng thẳng kéo dài có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng cho cả tâm trí lẫn thể xác, và một cuộc đời không có ý nghĩa thì thật khó mà đáng sống. Còn cứ tiếp tục làm một công việc mà bạn ghét thì cũng chẳng có phép màu nào khiến bạn yêu thích nó lên được. Đôi khi, điều cần làm nhất chính là thay đổi.

Nhưng, dù công việc lặp đi lặp lại và vô vị có thể khiến cơn kiệt quệ thêm trầm trọng, thì nếu chính sự đơn điệu là căn nguyên sâu xa của vấn đề, và nếu sự đơn điệu lại là một phần cố hữu của đời sống hiện đại, thì bạn hoàn toàn có thể rơi vào trạng thái kiệt sức ngay cả khi bạn đang làm công việc mình yêu thích, thấy phù hợp, và thật lòng muốn gắn bó lâu dài.

Trong những trường hợp như thế, điều đầu tiên nên làm khi bạn cảm thấy kiệt sức không phải là hoảng loạn. Bạn đã va vào một bức tường. Bạn bồn chồn, bạn mệt mỏi với công việc, bạn thấy cần một sự thay đổi. Ổn thôi. Cảm giác đó rất tự nhiên. Và khi nó đến, bạn dễ nghĩ rằng “chắc là có gì sai rồi”.

Và đúng là cũng có thể bạn cần một thay đổi lớn thật.

Nhưng cũng có thể, bạn chỉ đang rơi vào một giai đoạn “quá tải vì lặp lại”, thứ đến theo một lịch trình bí ẩn và chẳng tuân theo quy luật nào cả. Bạn nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc hơn nếu theo đuổi một nghề khác thú vị hơn, “ngầu” hơn — nhưng chắc chắn rồi, ở đó cũng sẽ có những lúc bạn cảm thấy kiệt sức như vậy. Ngay cả các cầu thủ NBA cũng kể rằng giữa mùa giải 82 trận, có những hôm tiếng nhạc cổ vũ sôi động đầu trận chẳng đánh thức được chút hưng phấn nào trong họ; họ hoàn toàn không có hứng ra sân, quá mệt mỏi với guồng quay, và lại một lần nữa nghĩ đến chuyện giải nghệ. Ngay cả một trận bóng cũng có thể biến thành công việc máy móc.

Chúng tôi — những người viết blog, làm podcast — làm những công việc có vẻ “mơ ước” trong mắt người khác. Và đúng là công việc này cho ta nhiều tự do và sáng tạo, nhưng nó cũng rất dai dẳng, lặp lại, và đôi khi chẳng khác gì một guồng quay không dứt. Mỗi người chúng tôi làm việc từ 50 đến 60 giờ mỗi tuần (chia giữa giờ con đi học và buổi tối, nên vẫn dành thời gian cho gia đình), làm đều đặn cả tuần lẫn cuối tuần, và suốt gần mười lăm năm rồi chưa từng có một kỳ nghỉ thực sự không dính đến công việc. Khi một tập podcast hay một bài viết vừa hoàn thành, thì ngay lập tức lại phải bắt tay vào cái tiếp theo. Phần lớn thời gian, điều đó vẫn ổn — vì nhìn chung, công việc của chúng tôi vừa thú vị vừa có ý nghĩa. Nhưng cũng có những lúc cả hai đều cảm thấy cạn sức, tưởng như không thể tiếp tục được nữa, thậm chí nghĩ đến việc bỏ nghề, làm lại cuộc đời theo hướng hoàn toàn khác. Và trong những thời điểm đó, bởi vì thật lòng yêu công việc này, chúng tôi lại chọn tiếp tục. Những cảm giác kiệt sức ấy rồi cũng sẽ tan biến, lặng lẽ và bất ngờ như lúc chúng xuất hiện, và chúng tôi lại thấy yêu công việc như thuở ban đầu.

Tiếp tục gắn bó với một công việc khiến bạn cảm thấy bị rút cạn là một sai lầm. Nhưng từ bỏ một điều mà bạn được sinh ra để làm, một điều hợp với bạn, là “của bạn”, một điều có thể chính là chốn dừng chân tốt nhất dành cho bạn trong cuộc đời — chỉ vì một giai đoạn khó khăn, nhất thời, tất yếu và hoàn toàn có thể vượt qua — thì cũng là một sai lầm không kém phần đáng tiếc.

Các ẩn sĩ xưa trên sa mạc — những “Cha già sa mạc” — tin rằng một trong những mưu kế tinh vi nhất của con quỷ buổi trưa chính là khiến người mắc phải không nhận ra mình đang chịu ảnh hưởng của nó. Nhà tu ấy sẽ nghĩ rằng cảm giác bứt rứt, mệt mỏi và chán ghét công việc là dấu hiệu cho thấy mình đã chọn sai con đường. Nhưng đôi khi, trải nghiệm sự acedia — sự chán chường, rã rời như kiệt sức tinh thần — chỉ đơn giản là bạn đang đến một khúc quanh tạm thời, một chỗ gập ghềnh, mà nếu bền gan vượt qua, nó sẽ tan đi dưới ánh mặt trời vốn chẳng phải lúc nào cũng gay gắt như thế. Vạch trần acedia, lột bỏ chiếc mặt nạ đầy hoang mang mà nó khoác lên, theo các Cha già, chính là bước đầu tiên để đánh bại nó. Như Evagrius từng viết: “Ngay khi một người nhận ra nó, nó liền dịu lại.”

Nguồn: A Counterintuitive Cure for Burnout | Art Of Manliness

menu
menu