4 thử thách khi yêu người đẹp

4-thu-thach-khi-yeu-nguoi-dep

Theo nghiên cứu, họ có thể kém chung thủy hơn.

Tóm Lược Ý Chính:

  • Người có ngoại hình đẹp thường dễ xiêu lòng trước những cơ hội tình cảm khác.
  • Những trở ngại khi yêu người đẹp có thể là: dễ bị ghen tỵ và ít cam kết trong mối quan hệ.
  • Khi người vợ đẹp hơn chồng, cả hai thường cư xử tích cực hơn.

“Vẻ đẹp trần tục của vợ tôi chỉ như lớp da mỏng.” 

— Thomas Overbury

“Khi bạn yêu một cô nàng xinh đẹp, mọi thứ chẳng dễ chút nào... Ai cũng muốn cô ấy, ai cũng yêu cô ấy, ai cũng muốn mang nàng về.” 

— Dr. Hook

Chúng ta vẫn hay nói "cái nết đánh chết cái đẹp," nhưng thực tế là người đẹp thường có những đặc quyền mà người khác không có. Tuy nhiên, điều này cũng kéo theo không ít phiền toái. Vậy, rốt cuộc, điều gì mới thực sự quan trọng trong tình yêu?

Image: Dean Drobot/Shutterstock

Được Gì Khi Là Người Đẹp?

“Sự quen thuộc là một ảo thuật gia tàn nhẫn với cái đẹp, nhưng lại tử tế với cái xấu.”

— Ouida

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy rằng những người đẹp thường nhận được nhiều ưu ái trong cuộc sống, đặc biệt là trong chuyện tình cảm. Mặc dù nhiều người vẫn mạnh miệng khẳng định rằng "đẹp chưa chắc đã tốt," nhưng thực tế thì việc những người đẹp được ưu ái hay những người không đẹp bị kỳ thị là chuyện “thường ngày ở huyện”. Người đẹp không chỉ dễ dàng tìm được bạn tình hơn, mà còn có khả năng được tòa án xử nhẹ tay, hay dễ dàng nhận được sự hợp tác từ người lạ. Ngược lại, những người không đẹp thường phải chịu những thiệt thòi lớn về mặt xã hội và phải đối mặt với sự kỳ thị (Etcoff, 1999; Langlois et al., 2000). Cũng vì thế mà có hẳn một phong trào kêu gọi “bình đẳng cho hội kém sắc” ra đời!

Bốn cái bẫy của sắc đẹp trong các mối quan hệ

George O'Hearn: “Phụ nữ đẹp là vô hình.”

David Kepesh: “Vô hình á? Ông nói cái quái gì vậy? Vô hình á? Họ như bật ra trước mắt ấy chứ! Một người phụ nữ đẹp, cô ấy nổi bật, đứng cách xa đám đông. Ai mà chả nhận ra!”

George O'Hearn: “Nhưng ta chưa bao giờ thật sự nhìn thấy con người bên trong họ cả. Ta chỉ thấy cái vỏ đẹp đẽ bên ngoài thôi. Cái đẹp ấy như một bức tường cản đường. Đúng vậy, ta bị vẻ ngoài làm cho lóa mắt mà chẳng bao giờ vào sâu bên trong.”

(Trích từ phim Elegy)

Trong bối cảnh các mối quan hệ gần gũi, vẻ đẹp hay ngoại hình hấp dẫn luôn là một trong những yếu tố “đắt giá” của một người bạn đời lý tưởng. Thế nhưng, sắc đẹp cũng là con dao hai lưỡi: vừa là món quà, vừa là thứ có thể cắn ngược lại chủ nhân. Người đẹp không chỉ nhận được lợi ích mà còn phải đối mặt với nhiều bất lợi trong các mối quan hệ tình cảm. Họ thường bị (1) đánh giá hời hợt và ngắn hạn, (2) đố kỵ và thù địch, (3) hiểu lầm về những phẩm chất quan trọng, và (4) cam kết ít hơn.

  1. Sự ngắn hạn: Vẻ bề ngoài đóng vai trò to lớn ở giai đoạn đầu của bất kỳ mối quan hệ nào, nhưng giá trị của nó sẽ dần phai nhạt theo thời gian. Thời gian giống như kẻ trộm lặng lẽ, đánh cắp đi cả nét đẹp lẫn ham muốn. Ấn tượng ban đầu về ngoại hình thường dễ bị cực đoan hóa: ta có xu hướng xem một người mới gặp là "cực kỳ xinh đẹp" hoặc "cực kỳ kém sắc". Nhưng khi lớp kính màu hồng dần mờ đi, ấn tượng của ta cũng trở nên cân bằng hơn, và người xinh đẹp lại không còn lộng lẫy, người kém sắc cũng chẳng đến nỗi nào.
  2. Sự thù địch do đố kỵ: Đố kỵ, bắt nguồn từ cảm giác tự ti không đáng có, dễ được nuôi dưỡng khi đối diện với người đẹp. Có lý do để tin rằng người đẹp vô tình đẩy người không đẹp vào vị thế thấp kém hơn, và những lợi ích họ nhận được thật sự chẳng công bằng chút nào.
  3. Hiểu lầm về phẩm chất quan trọng: Sức hút của vẻ đẹp khiến ta dễ có cái nhìn thiên lệch và bỏ qua những đặc điểm quan trọng của con người thật. Thực tế, nhiều cuộc chia tay trong tình yêu đều có gốc rễ từ những phẩm chất như thiếu sự tử tế hay kiên nhẫn – những điều không dễ nhìn thấy ở giai đoạn đầu của mối quan hệ nhưng lại là yếu tố then chốt để duy trì hạnh phúc lâu dài (Ben-Ze’ev, 2019).
  4. Thiếu cam kết: Nghiên cứu của Christine Ma-Kellams và cộng sự (2017) cho thấy, những người đẹp thường bị cám dỗ bởi những lựa chọn lãng mạn khác, dẫn đến sự thỏa mãn trong mối quan hệ kém đi và nguy cơ chia tay cao hơn. Người hấp dẫn về ngoại hình thường trở thành “mục tiêu” của người khác, khiến họ dễ dàng lung lay trước những sự lựa chọn mới mẻ và quyến rũ.

Sắc đẹp – yếu tố trong việc chọn bạn đời

“Mối tình xưa cũ làm tôi cảm thấy hạnh phúc và tuyệt vời hơn bất cứ anh Brad Pitt nào. Tôi nghĩ mấy ông đẹp trai cũng như túi xách Prada: phụ nữ muốn họ chỉ để khoe với người khác, nhưng lâu dài thì chả thỏa mãn gì mấy.”

— Một phụ nữ đã có gia đình chia sẻ.

Có nhiều bằng chứng vững chắc cho thấy vẻ ngoài ưa nhìn có ảnh hưởng tích cực đến những mối quan hệ mới chớm nở. Tuy nhiên, khi nói đến những mối quan hệ bền vững như hôn nhân, tác động của nó trở nên phức tạp hơn nhiều. Các nghiên cứu cho thấy, nếu vợ đẹp hơn chồng thì cả hai bên thường cư xử với nhau tích cực hơn, còn khi chồng đẹp hơn vợ thì mọi thứ lại trở nên tiêu cực hơn hẳn (Agthe và cộng sự, 2010; McNulty và cộng sự, 2008). Maria Agthe và các đồng nghiệp (2010) phát hiện ra rằng sự thiên lệch này không xuất hiện ở những người có ngoại hình quá đẹp, mà chỉ ở nhóm có nhan sắc vừa phải – tức là nhóm “thường thường bậc trung” giống phần đông mọi người. Và chính vì thế, họ dễ trở thành mục tiêu của sự đố kỵ thầm kín.

Dường như với hầu hết phụ nữ, ngoại hình của chồng không quan trọng bằng sự hỗ trợ và thấu hiểu từ anh ta. Các ông chồng thì lại có vẻ “nhiệt tình đầu tư” và cố gắng làm hài lòng vợ hơn khi cảm thấy mình đang “vớ bẫm” được một cô vợ xinh đẹp. Còn các bà vợ thì thường cảm thấy căng thẳng và không vui khi có chồng quá ưa nhìn. Nguyên nhân chính của sự khác biệt này là do đàn ông đặt nặng giá trị của sắc đẹp hơn phụ nữ (McNulty và cộng sự, 2008).

Quá đẹp để tìm thấy tình yêu?

“Chuyện hẹn hò thật khó với tôi—cánh đàn ông sợ tôi vì tôi quá xinh đẹp. Nhiều người bảo tôi làm họ sợ vì tôi cao, đẹp, và có cá tính quá mãnh liệt.” 

— Elizabeth Marie Chevalier

“Đa phần các cô xinh nhưng dốt lại nghĩ mình thông minh, mà họ qua mặt được người khác cũng bởi số đông đâu có khôn hơn mấy!” 

— Louise Brooks

Khó khăn của người đẹp trong việc tìm tình yêu xuất phát từ cả người đối diện lẫn chính bản thân họ. Sự đẹp lộng lẫy của một người vô tình tạo nên rào cản lớn khiến người khác khó lòng hiểu rõ và nhận ra liệu họ có phù hợp với mình hay không. Thế nên, không lạ khi người ta thường gắn mác những người đẹp, nhất là phụ nữ, bằng những câu như “Đẹp mà dốt” hay “Đẹp quá chắc chẳng thông minh đâu.” Hơn nữa, nhiều người thấy bị choáng ngợp trước vẻ đẹp và cho rằng những người ấy không thể với tới.

Còn một nguyên do khác làm người đẹp khó tìm được nửa kia là từ chính thái độ của họ. Thường thì họ rất ý thức về nhan sắc của mình, và vì thế không dễ dàng chấp nhận một người “tàm tạm,” bởi họ tin rằng mình có cả tá lựa chọn ngon lành hơn. Điều này khiến họ trở nên quá kén chọn, bỏ qua những người phù hợp và cứ chăm chăm tìm kiếm những thứ xa vời. Hơn thế, khi đã “chốt đơn” được một người và mối quan hệ dần hình thành, người đẹp thường thiếu cam kết, bởi họ nghĩ mình có quyền ít đầu tư vào việc vun đắp tình cảm, và xứng đáng được hưởng một vị thế ưu ái hơn trong mối quan hệ (Ben-Ze’ev, 2019).

Ảnh hưởng của sắc đẹp không chỉ dừng lại ở vẻ ngoài. Điều này không phải tin tốt cho những mối quan hệ lãng mạn, bởi nó có thể gây hại cho cả người đẹp lẫn những ai đang yêu họ. Những người có ngoại hình ưa nhìn thường được hưởng nhiều lợi ích, nhưng một mối quan hệ lãng mạn bền chặt lại có vẻ không nằm trong danh sách đó. Vẻ đẹp có thể là giai điệu du dương tuyệt vời cho một mối tình, nhưng nếu bản nhạc ấy không được “phối khí” bằng sự quan tâm, yêu thương chân thành và cam kết, thì giá trị của nó, nếu không muốn nói là tiêu cực, cũng chỉ nằm ở phần hình thức mà thôi.

Sự hấp dẫn chỉ là một yếu tố trong việc tạo nên tình yêu sâu sắc. Bước quan trọng nhất để xây dựng một mối quan hệ lâu bền là phát triển sự cuốn hút ban đầu và khao khát thật lòng muốn ở bên nhau dài lâu.

Tham khảo

Agthe, M., Spörrle, M., & Maner, J. K. (2010). Don't hate me because I'm beautiful. Journal of Experimental Social Psychology, 46, 1151-1154.‏

Ben-Ze’ev, A. (2019). The arc of love: How our romantic love changes over time. University of Chicago Press.

Etcoff, N. (1999). Survival of the prettiest. Doubleday.

Langlois, J. H., Kalakanis, L., Rubenstein, A. J., Larson, A., Hallam, M., & Smoot, M. (2000). Maxims or myths of beauty? A meta-analytic and theoretical review. Psychological bulletin, 126, 390-423

MA‐KELLAMS, C. H. R. I. S. T. I. N. E., Wang, M. C., & Cardiel, H. (2017). Attractiveness and relationship longevity: Beauty is not what it is cracked up to be. Personal relationships, 24, 146-161.‏

McNulty, J. K., Neff, L. A., & Karney, B. R. (2008). Beyond initial attraction: Physical attractiveness in newlywed marriage. Journal of Family Psychology, 22, 135-143.

Nguồn

https://www.psychologytoday.com/intl/blog/in-the-name-of-love/202202/4-challenges-of-having-a-beautiful-partner

menu
menu