Những mối quan hệ gây tổn thương: khi nào là đủ?

nhung-moi-quan-he-gay-ton-thuong-khi-nao-la-du

“Tình yêu giống như thủy tinh. Đôi khi, tốt hơn hết là để nó vỡ còn hơn tự làm đau mình khi cố ghép lại.” ~ Vô danh

Đã từng có thời, tôi nhìn các mối quan hệ một cách rạch ròi, trắng đen rõ rệt. Hoặc là tôi tin bạn tuyệt đối, tin rằng bạn sẽ không bao giờ cố ý làm tổn thương tôi. Hoặc là tôi cho rằng bạn muốn làm đau tôi, và bắt đầu nghi ngờ mọi hành động của bạn.

Một khi bạn rơi vào vế sau, thì mọi cánh cửa đều khép lại. Không có đường quay trở về. Rồi dần dần, tôi nhận ra mình đã tự giới hạn các mối quan hệ của mình khi không thể nhìn nhận vùng xám, nơi con người là con người, nơi sai lầm xảy ra, và nơi ai cũng cần được tha thứ, cần được thấu hiểu.

Từ đó, tôi lại đẩy con lắc sang hướng ngược lại, tôi bắt đầu tin tất cả mọi người. Tôi từ chối tin rằng hành động của ai đó có thể phản ánh việc họ thật sự không quan tâm đến tôi. Và tôi đã ở lại quá lâu trong nhiều mối quan hệ độc hại, trong khi liên tục bào chữa cho người khác.

Tôi muốn tin rằng họ có tình cảm. Tôi muốn tin rằng họ trân trọng tôi và nếu những gì họ làm khiến tôi tổn thương, thì chắc là tôi hiểu sai mà thôi. Nhưng chính ở đây mọi thứ bắt đầu rối rắm.

Một mặt, chúng ta thường tự gán ghép quá nhiều ý nghĩa vào những điều không thật sự tồn tại. Ta có thể chắc chắn rằng ai đó cố tình thô lỗ, vô tâm hay hờ hững, trong khi sự thật lại không hẳn như vậy. Mặt khác, đôi khi hành động nói lên nhiều hơn lời nói, và những gì ta cảm nhận lại chính xác.

Có lúc, người khác biết rõ họ đang làm ta đau, hoặc đang thờ ơ. Ta cần đủ tỉnh táo để nhận ra điều đó, nếu không, ta sẽ cứ mãi trong vòng luẩn quẩn của cảm giác bất lực, bị xem thường và không thể thoát ra.

Vậy làm sao để biết khi nào nên ở lại, khi nào nên buông tay? Làm sao để biết ta không phải đang tưởng tượng quá lên, không phải đang nghi ngờ vô cớ hay làm chuyện bé xé ra to, mà chỉ đơn giản là đang nhìn rõ mọi chuyện đúng như bản chất của nó?

Sau quá nhiều lần tự đẩy mình vào tình huống như thế, nhiều hơn cả con số tôi muốn nhớ, tôi đã nghĩ ra một cách nhỏ, một hướng dẫn gồm ba câu hỏi, giúp tôi nhận ra lúc nào là lúc nên dừng lại.

1. Họ có thường xuyên nói một đằng, làm một nẻo không?

Ai cũng có lúc mâu thuẫn với chính mình một đôi lần. Ta là con người mà, đôi khi ta phạm sai lầm, đôi khi hành động của ta không hoàn toàn ăn khớp với lời nói. Nhưng chính sự lặp đi lặp lại mới là điều phản ánh rõ ràng họ thực sự cảm thấy gì, muốn gì.

Tôi từng hẹn hò với một người gần như chẳng bao giờ cố gắng. Nhưng tôi lại muốn tin rằng anh ấy là người tốt, chỉ đang trải qua khoảng thời gian khó khăn, và rằng nếu tôi ở bên, cả hai chúng tôi rồi sẽ hạnh phúc.

Cho đến một ngày Valentine, khi anh ấy mở cửa đón tôi trong bộ đồ ngủ lúc bảy giờ tối, và ném tấm thiệp cùng bông hồng chocolate tôi tặng vào phòng ngủ... Lúc đó, tôi không thể tiếp tục tự lừa dối mình nữa.

Đó là một ví dụ hơi “cực đoan” một chút, nhưng thực ra, những dấu hiệu nhỏ đã xuất hiện từ trước đó hàng tháng trời, những cuộc gọi không được hồi âm, những cuộc hẹn bị hủy, những lần trò chuyện mà anh ấy chỉ lơ đãng, chẳng hề lắng nghe.

Những gì anh ấy làm, lặp đi lặp lại, chỉ càng cho thấy anh không hề sẵn sàng bước vào một mối quan hệ như tôi mong muốn, ít nhất là không phải với tôi. Điều đó không có nghĩa anh cố tình làm tôi đau, hay rằng anh là người xấu. Chỉ đơn giản là, anh không có mặt cho tôi theo cách mà tôi cần.

Hay nói thẳng ra: vì lý do nào đó, anh không quan tâm.

Lời nói có thể đánh lừa. Bởi đôi khi, khi ta nói dối người khác, là vì ta cũng đang nói dối chính mình. Hãy tin vào hành động. Bởi ở đó, sự thật lặng lẽ hiện ra.

2. Bạn có thường xuyên phải bào chữa cho họ, với chính mình, hoặc với người khác không?

Nếu bạn thấy mình thường xuyên rơi vào thế phải bênh vực người ấy, rất có thể bạn đang cố hợp lý hóa một kiểu hành xử không thể chấp nhận, hết lần này đến lần khác.

Một người bạn cũ của tôi từng yêu một người có xu hướng trở nên thô lỗ, cáu bẳn, chủ yếu với cô ấy, nhưng đôi khi cả với bạn bè cô. Cô thường giải thích rằng anh ta từng có tuổi thơ khó khăn, và rằng cô sẽ không bỏ rơi anh như những người khác từng làm.

Nghe thì có vẻ cao thượng, nhưng qua hành động của mình, cô lại vô tình cho phép anh được quyền đối xử tệ với cô, chỉ vì những gì anh đã trải qua trong quá khứ.

Bạn có thể tự nhủ rằng người ấy chỉ là bị hiểu lầm, rằng chẳng ai ngoài bạn đủ cảm thông, đủ nhẫn nại để yêu thương họ.

Vâng, có lòng trắc ẩn là điều đáng quý. Nhưng ta cũng cần biết thương mình trước tiên, và điều đó có nghĩa là biết thừa nhận đâu là giới hạn, đâu là điều không thể bỏ qua.

3. Người đó có thường xuyên đổ lỗi cho bạn, khiến bạn cảm thấy như tất cả là lỗi của mình không?

Sẽ rất khó để nhận ra những hành vi tồi tệ lặp đi lặp lại nếu bạn đã tự thuyết phục mình rằng, bằng cách nào đó, bạn chính là nguyên nhân gây ra tất cả.

Bạn có thể tự nói với lòng: họ phớt lờ nhu cầu của bạn vì bạn quá đòi hỏi. Hoặc họ coi thường bạn vì bạn đã từng mắc sai lầm trong quá khứ. Nói cách khác, bạn bắt đầu biện minh cho cách họ đối xử tệ với mình, bởi vì họ khiến bạn cảm thấy rằng bạn là người sai, thậm chí là người có vấn đề. Nhưng người thực sự quan tâm sẽ không lấy những khuyết điểm hay lỗi lầm của bạn để biện hộ cho sự lạnh nhạt, lẩn tránh hay thao túng cảm xúc.

Tôi từng rơi vào không ít mối quan hệ kiểu như vậy. Có lẽ bởi vì tôi đang lặp lại một mô hình quen thuộc từ mối quan hệ nền tảng trong tuổi thơ của mình. Cho đến một ngày, tôi nhận ra rằng những người thật sự tôn trọng tôi sẽ khuyến khích tôi lớn lên, sẽ cùng tôi trưởng thành, nhưng họ sẽ không bao giờ lấy điểm yếu của tôi làm cái cớ để hạ thấp hay dọa nạt tôi.

Dù bạn từng làm gì, dù đôi lúc bạn vẫn còn loay hoay, bạn xứng đáng có mặt trong những mối quan hệ lành mạnh, nơi bạn được trân trọng, được đối xử tử tế.

Khi nhìn lại, tôi nhận ra mình đã tự dối mình hết lần này đến lần khác, chỉ vì tôi cảm thấy mình không xứng đáng. Tôi từng rất khó tin vào điều sau cùng ấy, rằng tôi không hề “gọi mời” những nỗi đau ấy đến với cuộc đời mình.

Với tất cả những tổn thương mang theo bên mình, tôi từng nghĩ rằng việc mình có ai đó để yêu thương đã là điều may mắn lắm rồi.

Có thể bạn tự tin hơn tôi trước đây rất nhiều. Nhưng ngay cả như vậy, bạn vẫn có thể cảm thấy bối rối và giằng xé trong các mối quan hệ. Khi đã dấn thân bằng cảm xúc và niềm tin, ta rất dễ đánh mất cái nhìn sáng suốt.

Và khi không chắc chắn, hãy lùi lại một bước, và tự hỏi: “Nếu một người bạn thân đang ở hoàn cảnh của mình, mình sẽ khuyên họ điều gì?” Khả năng cao là bạn sẽ biết rõ sự thật, và cũng biết đâu mới là lựa chọn khôn ngoan nhất. Câu hỏi còn lại là: Liệu bạn có đủ dịu dàng và dũng cảm với chính mình, để rời đi khỏi điều mà bạn biết rõ là không dành cho mình? 

Tác giả: Lori Deschene

Nguồn: Relationships That Hurt: When Enough Is Enough | Tiny Buddha

menu
menu