Điều gì xảy ra khi bạn ngừng giải thích bản thân mình

Ngừng giải thích là tự cho mình khoảng thở.
NHỮNG ĐIỂM CHÍNH
- Việc giải thích quá mức thường bắt nguồn từ sang chấn, lo âu, hoặc thói quen làm hài lòng người khác.
- Việc biện minh cho ranh giới sẽ làm suy yếu chúng, sự rõ ràng mạnh mẽ hơn lời giải thích.
- Bạn không nợ ai những lý do dài dòng, nhất là khi họ phớt lờ nhu cầu của bạn.
- Sự tự tin sẽ lớn dần khi bạn ngừng giải thích và bắt đầu đứng vững trên chính lập trường của mình.
Bạn đã bao giờ rời khỏi một cuộc trò chuyện với cảm giác nặng trĩu trong lòng vì đã nói quá nhiều? Không phải vì bạn thô lỗ hay thiếu suy nghĩ, mà chỉ vì bạn cố gắng giãi bày với một người vốn dĩ chẳng mảy may muốn thấu hiểu?
Nếu có, thì bạn không đơn độc.
Rất nhiều người trong chúng ta từng được dạy một cách rõ ràng hay ngầm hiểu rằng: được người khác hiểu đồng nghĩa với sự an toàn. Ta tin rằng, nếu mình có thể diễn đạt đủ rõ ràng, biết đâu người khác sẽ hiểu ta, và đối xử với ta tốt hơn. Thế là ta giải thích. Ta cố gắng làm rõ. Ta dịu giọng. Ta cung cấp nhiều bối cảnh hơn mức cần thiết. Ta hy vọng rằng nếu mình nói “đúng cách”, mình sẽ được tôn trọng, được chấp nhận, hoặc ít nhất là tránh được xung đột.
Nhưng rồi, dù đã nỗ lực hết sức, ta vẫn rời đi với cảm giác bị xem nhẹ, bị giảm giá trị, thậm chí là thấy xấu hổ. Và đến một lúc nào đó, ta nhận ra: không phải nhiệm vụ của mình là thuyết phục người khác tôn trọng ranh giới hay chấp nhận lựa chọn của ta.
Source: Christina Morillo / Pexels
Vì sao ta cứ mãi giải thích?
Thói quen giải thích quá mức thường bắt rễ từ những chiến lược sinh tồn thời thơ ấu. Với những ai lớn lên trong môi trường cảm xúc bất ổn, sự rõ ràng có thể từng là cách tự bảo vệ. Việc đoán trước phản ứng của người khác, làm dịu tình hình, hay đưa ra lý lẽ “chắc như đinh đóng cột” từng là phương thức để tránh bị trừng phạt hoặc chịu tổn thương tinh thần.
Việc giải thích quá nhiều không chỉ bắt nguồn từ mong muốn được người khác chấp thuận, mà còn có thể do cách bộ não của ta được hình thành hoặc định hình từ những trải nghiệm trong quá khứ. Những người hay làm vừa lòng người khác, cảm thấy lo âu, hoặc từng trải qua sang chấn có xu hướng nói thật nhiều để tránh bị từ chối hay bị xung đột.
Dù xuất phát từ đâu, thì khuôn mẫu vẫn giống nhau: ta tốn quá nhiều năng lượng chỉ để biện hộ cho quyền được hiện diện, quyền được nói “không”, hoặc quyền đưa ra những lựa chọn mà người khác không thích.
Khi ranh giới trở thành cuộc mặc cả
Hãy thử tưởng tượng một ranh giới đơn giản thế này: “Cuối tuần này, tôi sẽ không tham gia buổi họp mặt gia đình.”
Câu nói ấy đủ rõ ràng, tôn trọng, và trọn vẹn. Nhưng với nhiều người, sự im lặng sau đó lại quá gắt gỏng. Thế là ta thêm vào:
“Tuần này tôi mệt quá, thực sự cần nghỉ ngơi. Tôi biết chuyện này quan trọng với bạn, và tôi cũng ước mình có thể thu xếp. Có lẽ tôi sẽ ghé qua một chút…”
Ranh giới ban đầu ngay lập tức trở thành một lời mặc cả. Từ một quyết định chắc chắn, ta mở ra cánh cửa, cánh cửa mời gọi sự phản đối, cảm giác tội lỗi, hay thậm chí là sự thao túng cảm xúc. Những lời giải thích thêm thường vô tình thể hiện sự do dự, kể cả khi quyết định của ta vốn dĩ rất vững vàng. Và người ta có thể cảm nhận được điều đó.
Không phải lý do của ta là không chính đáng. Mà là chúng không phải lúc nào cũng cần phải nói ra. Không phải ai cũng xứng đáng được bước vào thế giới nội tâm của ta, và ta cũng chẳng cần trao điều đó chỉ để được tôn trọng.
Cảm giác khi ngừng giải thích mình
Khi bạn vừa mới thôi không giải thích nữa, sự im lặng có thể khiến bạn choáng váng. Bạn có thể thấy ngại ngùng, áy náy hay trống trải. Bạn có thể lo sợ rằng người khác sẽ nghĩ mình lạnh lùng, xa cách hay thiếu tôn trọng.
Nhưng rồi, một điều gì đó dần thay đổi. Bạn bắt đầu cảm nhận được sự nhẹ nhõm len lỏi trong tâm hồn.
Bạn nhận ra rằng: để thiết lập một ranh giới, bạn không cần phải nói cả một đoạn văn. Bạn chẳng cần phải tập dượt lời biện hộ, hay lường trước mọi phản ứng có thể xảy ra. Bạn bắt đầu thấy rõ ai là người thực sự tôn trọng mình khi bạn nói ngắn gọn, rõ ràng và ai chỉ dễ chịu với bạn khi bạn dễ dãi, nhún nhường.
Những người trân trọng mối liên kết sẽ đặt ra những câu hỏi tử tế. Họ sẽ tiếp nhận sự rõ ràng của bạn bằng lòng hiếu kỳ chứ không phải sự áp đặt. Còn những người còn lại? Họ chưa từng thật sự lắng nghe để thấu hiểu. Họ chỉ lắng nghe để tìm điểm yếu.
Nói gì thay vì giải thích
Bạn không cần phải cứng rắn để vững vàng. Không cần phải xa cách để gìn giữ sự bình yên. Lời nói rõ ràng vẫn có thể vừa tôn trọng vừa giữ ranh giới. Dưới đây là vài cách để bạn rời khỏi thói quen giải thích quá mức:
- “Mình không thể tham gia, nhưng cảm ơn vì lời mời.”
- “Điều đó không phù hợp với mình.”
- “Mình đã quyết định rồi.”
- “Mình không muốn đi sâu vào chi tiết, mong bạn thông cảm.”
- “Hãy chuyển sang chủ đề khác nhé, mình không muốn bàn thêm chuyện này.”
Mỗi câu nói trên đều thẳng thắn mà không hề gây tổn thương. Chúng ưu tiên sự trung thực cảm xúc mà không phơi bày quá mức. Và quan trọng nhất, chúng không mở ra chỗ cho những cuộc thương lượng không cần thiết.
Bạn sẽ nhận được gì
Khi bạn ngừng biện hộ cho lựa chọn của mình với những người luôn xâm phạm ranh giới, bạn lấy lại được năng lượng cảm xúc. Bạn không còn phải mất thời gian suy nghĩ, phòng thủ hay gượng dậy sau mỗi cuộc đối thoại. Bạn thấy mình vững vàng hơn với những giá trị nội tâm, và ít bị chi phối bởi sự khó chịu của người khác.
Bạn cũng sẽ bắt đầu thu hút những mối quan hệ khác hẳn, những mối quan hệ không dựa trên sự chiều lòng hay phục tùng, mà được xây bằng sự tôn trọng lẫn nhau. Bạn lắng nghe chính mình nhiều hơn, thay vì chạy theo sự đồng thuận từ bên ngoài. Và theo thời gian, bạn hiểu rằng: được người khác thấu hiểu là một món quà, chứ không phải điều bắt buộc.
Nhưng có lẽ, sự chuyển hóa sâu sắc nhất diễn ra bên trong. Bạn bắt đầu chữa lành phần trong mình từng tin rằng: muốn được yêu thương, phải giải thích thật nhiều. Phần bạn từng cảm thấy bất an khi bị hiểu sai giờ đây học được một điều mới: giá trị của bạn chưa bao giờ phụ thuộc vào việc bạn có dễ chịu hay thuyết phục được người khác hay không.
Bạn không cần phải cố gắng khiến ai đó tôn trọng mình. Bạn chỉ cần đủ yêu thương bản thân để thôi không cố gắng nữa.
Thực hành sự tiết chế
Giống như mọi sự thay đổi trong hành vi, điều này cũng đòi hỏi thời gian. Bạn sẽ không thể hoàn hảo ngay từ đầu. Sẽ có những lúc bạn nhận ra mình lại lùi bước, lại dịu giọng, lại nói thêm điều gì đó cho rõ ràng. Không sao cả. Đây là hành trình của việc “gỡ bỏ” những điều cũ và nó cần thời gian.
Nhưng mỗi lần bạn chọn sự tĩnh lặng thay vì giải thích rườm rà, mỗi lần bạn tin vào chữ “không” của mình mà không cần ghi chú thêm, bạn đang viết lại một niềm tin cũ. Bạn đang đứng về phía chính mình theo một cách hoàn toàn mới. Và qua từng lần thực hành như thế, lòng tin vào bản thân sẽ dần lớn lên.
Rồi bạn sẽ nhận ra: bạn không cần nói quá nhiều để là người tử tế. Không cần bảo vệ bình yên của mình bằng lời lẽ để giữ được nó. Không cần phải khiến ai đó “tâm phục khẩu phục” mới có thể rời đi với trái tim nguyên vẹn.
Và thứ tự do ấy… không cần lời giải thích.
Tác giả: Stephanie A. Sarkis Ph.D.
Nguồn: What Happens When You Stop Explaining Yourself | Psychology Today