Giai đoạn của nỗi đau mà bạn chưa từng nghe đến, nhưng có thể đang mắc kẹt trong đó

“Cuộc sống là một hành trình trở thành. Là sự kết hợp của những trạng thái mà ta buộc phải đi qua. Con người thất bại là vì họ muốn chọn một trạng thái và mãi mãi ở lại trong đó. Đó chính là một kiểu chết.” ~ Anaïs Nin
Từ thuở còn là cô bé con, tôi đã tin vào sức mạnh của những điều ước. Chưa một lần nào tôi bỏ lỡ ngôi sao đầu tiên trong đêm, cụm bồ công anh trắng xóa, hay cả đống cỏ khô lướt ngang qua (“cỏ khô, cỏ khô, ước đi rồi ngoảnh mặt đi”), để thì thầm với vũ trụ những ước nguyện sâu thẳm nhất trong lòng.
Khi tôi mười lăm tuổi và cha tôi đang ở những ngày cuối đời vì ung thư, tôi vẫn ước trên ngôi sao đầu tiên. Không phải để giữ ông lại, mà để cầu cho ông ra đi thật nhẹ nhàng, thanh thản.
Đến tháng Mười năm 2010, khi người con trai lớn của tôi đột ngột qua đời, tôi đã ước hàng trăm lần, mong có thể lưu giữ từng chi tiết, từng khoảnh khắc của đứa trẻ từng là một nửa của trái tim tôi.
Trong ba năm kể từ ngày Brandon ra đi, tôi tin rằng điều ước ấy đã phần nào được đáp lại, bằng cách tôi học được cách chuyển từ “tại sao?” sang “làm sao?”.
“Tại sao?” – câu hỏi ấy không nằm trong các giai đoạn chính thức của nỗi đau mất mát. Nhưng có lẽ, nó nên được đưa vào. Người ta thường chỉ nhắc đến tức giận và chối bỏ, trong khi việc mắc kẹt ở “tại sao” mới chính là thứ giữ chân ta tại chỗ, làm tê liệt mọi khả năng hồi phục và trưởng thành.
Không thể buông bỏ cái khát khao được biết “tại sao” khiến ta chỉ mãi nhìn về gương chiếu hậu. Nó giam giữ ta trong quá khứ, không cho phép ta sống trọn vẹn để tri ân người đã khuất hay điều đã mất.
Vốn dĩ tôi là người hay đặt câu hỏi “tại sao”. Và đúng là, “tại sao” đôi khi là chiếc chìa khóa dẫn đến hiểu biết và bước tiến. Nhưng cũng có lúc, nó chỉ là một ngã rẽ cụt giữa dòng chảy một chiều của cuộc đời.
Cuộc đời không có số lùi, chỉ có số “mo” và nhiều cấp độ tiến về phía trước. Và “tại sao” là nơi khiến ta kẹt lại mãi ở số “mo”. Đó chính là nơi tôi mắc kẹt những tháng ngày sau cái chết của Brandon.
Tôi ám ảnh với “tại sao”. Tâm trí tôi quay cuồng, không ngừng tìm kiếm lời giải. Tôi nghĩ rằng nếu tìm được lý do, tôi sẽ thấy nhẹ lòng hơn, và có thể gom góp lại những mảnh vỡ để tiếp tục sống.
Tôi tạo ra đủ thứ giả thuyết quanh cái chết của con trai mình. Brandon đang nghỉ phép ở nhà sau khi nhập ngũ, và chỉ vài tháng nữa sẽ phải sang chiến trường. Tôi tự nhủ rằng, có lẽ cái chết của con khi đang ở nhà đã giúp con tránh được một kết cục kinh hoàng nào đó nơi chiến sự.
Lý thuyết ấy khiến tôi cảm thấy khá hơn – trong chốc lát. Nhưng rồi, tôi vẫn phải đối diện với câu hỏi lớn nhất mà chẳng bao giờ có lời đáp: vì sao chuyện đó lại xảy ra?
Ngày nay, “Tìm ra lý do sống của bạn là gì?” đã trở thành khẩu hiệu truyền cảm hứng quen thuộc. Tôi còn nhớ sau khi Brandon mất, tôi thấy một bức ảnh trên Pinterest, một cô gái cơ thể săn chắc, ăn mặc hở hang, phía dưới ghi dòng chữ “What’s your why?” (Lý do sống của bạn là gì?). Tôi đã hét lên với cô ta trong căn phòng tĩnh lặng: “Biến đi! Tại sao của tôi đã chết rồi!”
Với người đang đau buồn, câu hỏi “Tại sao bạn sống?” nghe thật lố bịch. Nó chẳng hề an ủi chút nào!
Không chỉ lý do sống của tôi đã mất đi, mà tôi còn không ngừng van xin vũ trụ cho tôi biết tại sao chuyện ấy lại xảy ra. Nhưng “tại sao” là câu hỏi không có đáp án trong thế giới của sự mất mát. Nó đem lại nhiều giằng xé hơn là khuây khỏa.
Một từ khác cũng không có mặt trong các giai đoạn của đau buồn, nhưng tôi nghĩ, đáng lẽ nó nên được nhắc đến, là từ “làm sao”. “Làm sao” mở ra những khả năng. “Làm sao” rọi ánh sáng về phía tương lai. Việc tìm hiểu “làm sao để sống một cuộc đời xứng đáng với ký ức của con trai mình” chính là điều đã biến những điều ước của tôi thành hiện thực.
Khi nhận ra việc mắc kẹt trong câu hỏi “tại sao” sẽ không bao giờ giúp tôi nguôi ngoai, tôi dần hiểu rằng: cách tôi sống phần đời còn lại chính là sự hiện thân cho tinh thần của con trai mình.
Đó là cách duy nhất để người khác biết đến con tôi và là cách duy nhất để tôi giữ con sống mãi trong ký ức. Nếu tôi cứ mãi luẩn quẩn trong “tại sao”, ký ức về con sẽ dần mờ nhạt. Nhưng khi tôi sống với “làm sao”, tôi đang làm rạng rỡ thêm ký ức ấy, bằng từng hành động, từng lựa chọn của mình.
Điều đó không khiến nỗi đau biến mất. Ngược lại, nó biến nỗi đau thành một nguồn động lực mạnh mẽ cho sự đổi thay.
“Làm sao” của tôi được thể hiện qua việc sống một cuộc đời đầy phiêu lưu, và thực hành chăm sóc bản thân một cách triệt để, để tôi có đủ sức lực ôm trọn cuộc sống phản chiếu những điều tốt đẹp nhất ở Brandon.
Đó là hành động tôi dành tặng con trai bằng tất cả yêu thương: sống trọn vẹn, dám mạo hiểm, can đảm, tử tế, cho đi… và đôi khi khiến người khác ngỡ ngàng không hiểu tôi đang theo đuổi điều gì.
Chính những hành động đó đã giữ ký ức về Brandon sống mãi, và cũng là cách vũ trụ đáp lại điều ước của tôi.
Nếu bạn, hay ai đó bạn thương yêu, đang mắc kẹt trong vòng xoáy “tại sao”, xin hãy buông tay. Vì thật ra, “tại sao” không tồn tại. Đã đến lúc ta sống với “làm sao”.
Nguồn: The Stage of Grief You’ve Never Heard of But May Be Stuck In | Tiny Buddha