Bài học từ hươu cao cổ: Khơi lại niềm kinh ngạc
Có lẽ chúng ta trở nên buồn bã vì nghĩ rằng mình đã biết hết mọi thứ, vì mọi điều quanh ta đều trở nên nhàm chán và quen thuộc.
Có lẽ chúng ta trở nên buồn bã vì nghĩ rằng mình đã biết hết mọi thứ, vì mọi điều quanh ta đều trở nên nhàm chán và quen thuộc. Chúng ta – vì những lý do dễ hiểu – đã đánh mất khả năng cảm thấy kinh ngạc trước thế giới.
Thế nhưng, thực tại luôn kỳ lạ và bất ngờ hơn rất nhiều so với những gì ta tưởng tượng trong những phút giây u ám. Hãy nhìn lại câu chuyện của Chu Đệ – vị Hoàng đế thứ ba của triều Minh (1402–1424). Đến trung niên, ông đã mệt mỏi với vai trò là người trung gian giữa trời và đất. Ông có cả ngàn cung tần mỹ nữ, đã chinh phục Việt Nam, khuất phục người Mông Cổ, và cho biên soạn bộ bách khoa toàn thư đồ sộ nhất lịch sử Trung Hoa – Vĩnh Lạc Đại Điển. Thế nhưng, dù đứng trên đỉnh cao quyền lực, tâm hồn Chu Đệ vẫn u uất, cạn kiệt.
Shen Du, Tribute Giraffe with Attendant, c. 1414
Để làm mới tâm hồn, ông đã đưa ra một quyết định mà chưa một hoàng đế Trung Hoa nào trước đó dám thực hiện: gửi thuyền đi khám phá thế giới. Suốt nhiều thế kỷ, các vị vua Trung Hoa luôn tin rằng đất nước mình là trung tâm của thiên hạ – nơi thịnh vượng và thú vị nhất – nên chẳng mấy bận tâm việc đi xa, ngoại trừ việc khuất phục các nước láng giềng. Nhưng Chu Đệ thì khác. Ông ra lệnh cho viên thái giám kiêm nhà hàng hải tài ba Trịnh Hòa dẫn đầu một hạm đội để khảo sát mọi miền đất "man di" mà ông có thể tìm thấy. Với nguồn lực gần như vô tận, Trịnh Hòa đã cho đóng một đội tàu khổng lồ tại xưởng đóng tàu Long Giang, gần Nam Kinh. Sau một buổi lễ long trọng với những nghi thức tế lễ nữ thần biển Thiên Phi, đoàn thuyền lớn nhất lịch sử Trung Hoa bắt đầu hành trình chinh phục đại dương.
Họ ghé qua Brunei, Java, Thái Lan, Tích Lan, Ấn Độ, rồi vượt biển đến Ả Rập và châu Phi, dừng chân ở Hormuz, Lasa, Aden, Mogadishu, Brava, Zhubu và Malindi.
Trong chuyến đi, Trịnh Hòa mang về cho Chu Đệ vô số báu vật hiếm có: từ các bản thảo, điêu khắc, y phục, vàng bạc, cây chà là, cây sung, gia vị, cho đến vài nô lệ và không ít cung nữ mới. Nhưng điều khiến Chu Đệ đặc biệt hứng thú lại là những loài động vật kỳ lạ mà ông chưa từng thấy: sư tử, báo, lạc đà một bướu, đà điểu, ngựa vằn, tê giác, linh dương – và đặc biệt nhất, một con hươu cao cổ.
Con hươu cao cổ này được mua từ một cặp thương nhân người Kenya ở miền Đông Ấn Độ. Lần đầu tiên nhìn thấy nó, Chu Đệ vô cùng kinh ngạc. Ông vuốt ve bộ lông của nó, trầm trồ trước cái cổ dài ngoằng và dáng đi vừa duyên dáng vừa có phần vụng về. Chu Đệ cảm thấy tâm hồn mình phấn chấn hơn bao giờ hết. Ông ngay lập tức ra lệnh xây một khu chuồng đặc biệt trong cung để nuôi hươu cao cổ và thường xuyên dắt nó đi dạo quanh khuôn viên. Ông cũng yêu cầu hoạ sĩ cung đình – Thẩm Đồ – vẽ lại bức chân dung của người bạn mới này, điều mà ông chưa từng làm với bất kỳ loài vật ngoại lai nào khác.
Chúng ta có lẽ cũng từng cảm thấy niềm vui ngây ngất như Chu Đệ khi lần đầu tiên nhìn thấy một con hươu cao cổ. Có thể khi đó ta chỉ mới ba tuổi, và ta đã say mê ngắm chiếc cổ dài, bộ lông với hoa văn sặc sỡ và dáng đi lạ kỳ của nó. Nhưng rồi, ở một thời điểm nào đó, ta ngừng cảm thấy kinh ngạc – không chỉ với hươu cao cổ mà với cả thế giới xung quanh. Mọi thứ dần trở nên quen thuộc, và rồi nhàm chán.
Nhưng có lẽ, ta đã từ bỏ quá dễ dàng. Hươu cao cổ vẫn mãi lạ lùng và đáng kinh ngạc.
Trái đất này chưa bao giờ là một nơi nhàm chán. Chính nỗi buồn của ta đã làm lu mờ khả năng tìm thấy niềm vui. Khi nỗi u sầu đè nặng, ta cần nhắc nhở mình rằng thế giới này vẫn tràn đầy những điều kỳ diệu – như những chú hươu cao cổ – và những gì chúng đại diện: sự mới mẻ, những ý tưởng sáng tạo, cơ hội khám phá, và những lý do để tiếp tục sống, tiếp tục tìm kiếm.
Bức hoạ: Thẩm Đồ – Hươu cao cổ triều cống cùng người hầu, khoảng năm 1414.
Nguồn: HOW GIRAFFES CAN TEACH US TO WONDER - The School Of Life