Bàn về cảm nhận thay vì suy nghĩ
Một trong những trở ngại lớn ngăn cản ta hiểu sâu về cuộc đời mình chính là sự dễ dãi mà ta tự cho rằng mình đã hiểu rõ rồi.
Một trong những trở ngại lớn ngăn cản ta hiểu sâu về cuộc đời mình chính là sự dễ dãi mà ta tự cho rằng mình đã hiểu rõ rồi. Ta thường mang theo bên mình, và chia sẻ với người khác, những câu chuyện đầy lý trí và ngắn gọn về các sự kiện đau buồn, bỏ quên những cảm xúc tận sâu thẳm. Ta có thể kể rằng, chẳng hạn, “mình không hợp lắm với cha,” rằng mẹ mình “hơi thờ ơ,” hoặc rằng thời gian học nội trú “có phần buồn.”
Nghe qua thì có vẻ như ta đã nắm bắt được tình hình. Nhưng những câu chuyện ngắn gọn, phẳng lặng đó thực chất lại chính là rào cản khiến ta không chạm vào được những cảm xúc sống động đã từng xảy ra. Chúng ta chỉ kể những ký ức bề mặt — những ký ức, oái oăm thay, lại cho phép ta quên đi nỗi đau thực sự. Những câu chuyện thường ngày ấy có thể giống với sự thật của cuộc sống mình không khác gì một tấm bưu thiếp ở đảo Naxos so với một chuyến du hành dài quanh vùng biển Aegean.
Vincent Van Gogh, River Bank in Springtime, 1887
Điều này quan trọng, vì chỉ khi thực sự hòa mình vào những nỗi sợ, nỗi buồn, sự phẫn nộ và mất mát của quá khứ, ta mới có thể thoát khỏi những chấn thương đã bị hóa đá bên trong. Để có thể giải phóng mình khỏi quá khứ, ta cần học cách tiếc nuối nó — và để làm được điều đó, ta cần kết nối với những gì ta thực sự từng cảm thấy; ta cần, sau hàng thập kỷ, cảm nhận lại nỗi đau khi chị mình được ưu ái hơn hay sự uất ức khi bị trách phạt vào sáng thứ Bảy trong phòng làm việc.
Sự khác biệt giữa những ký ức còn cảm xúc và những ký ức khô khan có thể được so sánh với sự khác biệt giữa một bức tranh tầm thường và một kiệt tác về mùa xuân. Cả hai đều có thể phác họa một nơi chốn và thời điểm cụ thể, nhưng chỉ có người họa sĩ tài năng mới nắm bắt được, trong muôn vàn sắc thái, vài yếu tố tạo nên sự quyến rũ, ấm áp, buồn bã hay dịu dàng của khoảnh khắc ấy. Trong một trường hợp, ta biết về mùa xuân, còn ở trường hợp kia, ta thực sự cảm nhận mùa xuân.
Điều này tưởng chừng chỉ là một mối bận tâm thẩm mỹ nhỏ bé, nhưng lại nằm ở cốt lõi những gì ta cần làm để vượt qua các rối loạn tâm lý. Ta không thể tiếp tục bay cao trên quá khứ bằng chiếc phi cơ, tránh né sự thật về những gì mình đã trải qua. Ta cần đáp xuống, bước ra và đi bộ, từng bước một qua thực tại đầy bùn lầy của quá khứ. Ta cần nằm xuống, có thể là trên ghế sofa, có thể là với bản nhạc, nhắm mắt lại và chịu đựng cảm giác đó. Chỉ khi quay trở lại với nỗi đau một cách mới mẻ và cảm nhận nó tận xương tủy, ta mới thực sự có cơ hội để được bình yên.
Nguồn: ON FEELING RATHER THAN THINKING