Đừng để la mắng trở thành ám ảnh trong ký ức tuổi thơ của trẻ
Không ít người cho rằng, nếu mắng người khác với sự tự tin, họ có thể thắng trong tất cả các cuộc chiến.
Họ lầm tưởng rằng, bày tỏ phẫn nộ sẽ khiến mọi trải nghiệm về sự không hoàn hảo của bản thân “tan biến” ngay lập tức.
Hợp lý hóa những lời mắng
Tiến sĩ tâm lý Jeremy Sherman (Mỹ) cho biết: “Nếu cảm thấy mình có xu hướng hay la mắng, giảng bài, thuyết giáo và thuyết giảng hơn là giao tiếp đơn thuần, đó có thể là một phần trải nghiệm thời thơ ấu của bạn. Những người bị la mắng nhiều sẽ có xu hướng hay la mắng người khác”.
Chuyên gia này nhận định, không ít phụ huynh và giáo viên có thể đã trải qua tuổi thơ đầy khó khăn. Bởi vậy, có lẽ, bản chất của họ là lo lắng, với những cảm nhận mong manh về giá trị bản thân và sự nhạy cảm chưa được giải quyết. Một số phụ huynh lớn lên trong nghèo khó hoặc điều kiện áp bức do bị mọi người mắng mỏ không ngừng. Họ thường xuyên trải qua cảm giác thất vọng.
Tiến sĩ Sherman cho rằng, la mắng có vai trò nhất định. Tuy nhiên, la mắng thường chỉ là một cách để một người yếu đuối thể hiện như thể họ mạnh mẽ, tự tin và có trách nhiệm.
“Mọi người thường nói những gì họ cần nghe. Trẻ em thường bị buộc phải chịu đựng những bài thuyết giáo mà cha mẹ muốn con mình chú ý. Một người cha ước gì mình đã nhún nhường hơn nhất quyết buông những lời mắng nhiếc với con của mình. Điều thú vị hơn đối với người cha là, ông tỏ ra như mình là người nắm vững bài học cuộc sống đó hơn, thay vì cảm thấy thất bại trong việc học nó”, ông Sherman dẫn chứng.
Theo chuyên gia này, có rất nhiều nền văn hóa, trong đó mắng mỏ được coi là một đức tính tốt. Thậm chí, có cả những nền văn hóa nơi mà việc đánh đòn trẻ em được coi là một đức tính tốt. Song, thực tế, những nghiên cứu hiện tại cho thấy không phải vậy.
Tiến sĩ Sherman cho biết, nuôi dạy trẻ là để chúng bay tự do, nhưng cũng là để con bay đúng. Vì vậy, cha mẹ và giáo viên có lý do để cố gắng hết sức, nhằm giúp trẻ đi đúng hướng. Đây cũng thường là những lý do để người lớn có thể hợp lý hóa bất kỳ lời rao giảng và la mắng nào mà họ muốn. Họ thường nói rằng: “Điều đó làm cha/mẹ đau hơn là khiến con đau lòng”. Song, đó có thể là một lời tự trấn tĩnh mà cha mẹ hoặc giáo viên áp đặt lên đứa trẻ.
“Tất cả chúng ta đều có các chiến lược đối phó. Đồng thời, có các chiến lược ghi nhớ, cách chúng ta nói “không” với bất cứ điều gì mà mình khó đối phó. Người lớn thường thoái lui với các chiến lược không tuân theo cha mẹ họ. Tuy nhiên, khi cha mẹ đã nói không, đó là cơ sở, cách thể hiện quyền lực và kiểm soát tình hình, đặc biệt là khi phụ huynh cảm thấy mình đang mất kiểm soát”, ông Sherman chia sẻ.
Theo chuyên gia này, không ít người đã bị mắng và thuyết giảng khi còn trẻ. Những người này cho rằng, nếu la mắng với sự tự tin hoàn toàn, họ có thể thắng trong tất cả các cuộc chiến. Họ lầm tưởng rằng, bày tỏ phẫn nộ sẽ khiến mọi trải nghiệm về sự không hoàn hảo của bản thân “tan biến” ngay lập tức.
Phản tác dụng
Trong khi đó, tiến sĩ Rohini Radhakrishnan - chuyên gia về phẫu thuật tai mũi họng, đầu và cổ tại Mỹ cho biết, la mắng có thể gây ra những tác động tâm lý tiêu cực và lâu dài đối với trẻ em.
Trước hết, những tác động tâm lý ngắn hạn từ việc bị quát mắng bao gồm: Trẻ có hành vi hung hăng, gặp các triệu chứng của lo lắng, vấn đề về hành vi. Ví dụ, trẻ em trai có nhiều khả năng mất tự chủ hơn và trẻ em gái có thể phản ứng với sự tức giận hoặc thất vọng. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có hành vi lấy trộm tiền từ phụ huynh nếu thường xuyên bị mắng.
Trẻ thường xuyên bị mắng cũng có thể gặp ảnh hưởng lâu dài về tâm lý. Đặc biệt, các vấn đề về hành vi của trẻ có thể tồi tệ hơn. Một số cha mẹ sử dụng la mắng như một giải pháp để điều chỉnh hành vi xấu hoặc ngăn chặn đứa trẻ có hành vi xấu trong tương lai. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, la mắng thực sự có thể tạo ra nhiều vấn đề hơn và khiến hành vi của trẻ ngày càng tồi tệ. Trong nhiều trường hợp, những đứa trẻ bị cha mẹ la mắng không thay đổi hành vi xấu của mình. Thay vào đó, trẻ phản ứng bằng cách tăng những hành vi sai trái. Cha mẹ càng la mắng, trẻ càng cư xử tệ hơn. Điều này dẫn đến việc phụ huynh ngày càng la hét nhiều hơn, tạo ra một “vòng luẩn quẩn”.
Theo tiến sĩ Radhakrishnan, la mắng cũng có thể gây ra những thay đổi trong quá trình phát triển của não bộ trẻ. La mắng và các phương pháp nuôi dạy con khắc nghiệt khác có thể thay đổi cách phát triển não bộ của trẻ. Bởi, não người xử lý các sự kiện tiêu cực nhanh hơn tích cực. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) của những người có tiền sử thường xuyên bị cha mẹ mắng cho thấy sự khác biệt đáng kể trong các phần não xử lý âm thanh và ngôn ngữ.
“Khi một đứa trẻ bị la mắng, chúng có thể cảm thấy bị tổn thương, sợ hãi và buồn bã. Nếu điều này xảy ra thường xuyên, trẻ có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, gặp các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn như trầm cảm hoặc lo lắng. Trầm cảm có thể dẫn đến các hành động tự hủy hoại bản thân, như lạm dụng ma túy, hoặc cố gắng tự tử”, chuyên gia Radhakrishnan cảnh báo.
La mắng cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ. Việc trải qua căng thẳng khi còn nhỏ có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe thể chất. Trẻ em bị cha mẹ la mắng và bạo hành bằng lời nói có thể tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe khi trưởng thành. Bên cạnh đó, trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu, bao gồm la hét, có liên quan đến các tình trạng đau mãn tính ở người trưởng thành, như viêm khớp, đau đầu, các vấn đề về lưng, cổ cũng như chứng đau mãn tính khác. Trẻ thường bị mắng cũng có thể gặp một hoặc nhiều vấn đề về cảm xúc như: Lo lắng, lòng tự trọng thấp, gặp các vấn đề về hành vi, có hành vi bắt nạt và vấn đề xã hội khác.
Theo Medicinenet; Psychology today/giaoducthoidai.vn