Về sự kỳ diệu của việc nói ra

ve-su-ky-dieu-cua-viec-noi-ra

Nghe qua thì có vẻ phi lý, nhưng sâu thẳm bên trong, chúng ta không phải lúc nào cũng nhận ra rằng mình cần phải nói ra với những người mà ta mong muốn họ hiểu mình nhất.

Nghe qua thì có vẻ phi lý, nhưng sâu thẳm bên trong, chúng ta không phải lúc nào cũng nhận ra rằng mình cần phải nói ra với những người mà ta mong muốn họ hiểu mình nhất. Ta khao khát họ hiểu ý định của mình, thấu cảm tâm trạng của mình, nắm bắt được những suy nghĩ đang lẩn khuất trong đầu. Nhưng trớ trêu thay, ta lại chẳng muốn hoặc không thấy cần thiết phải nói ra điều gì. Ta mong họ tự đoán được, cảm nhận được, hiểu thấu qua một loại "phép màu" mà chính ta cũng không nhận ra mình đang đặt niềm tin vào nó. Ta muốn họ biết những điều ta chưa bao giờ bận tâm giải thích. Đôi khi, thậm chí ta còn nghĩ rằng họ thừa hiểu những gì ta cần và muốn, nhưng cố tình phớt lờ để làm ta khó chịu, để chiến thắng trong một cuộc đấu ngầm hay để làm ta cảm thấy nhỏ bé. Nếu họ không hiểu, chắc chắn là do họ thô lỗ, thiếu yêu thương, hoặc đơn giản là ngu ngốc đến khó tin.

Suy nghĩ như vậy không phải vì ta xấu xa, mà vì ta, trong một khoảng thời gian quan trọng và sâu sắc, đã từng là những đứa trẻ sơ sinh. Nghĩa là, đã có lúc ta ở trong tình trạng không thể nói ra dù chỉ một từ. Khi ấy, người khác phải đoán xem ta muốn gì, nghĩ gì. Và điều kỳ diệu là, họ đoán đúng. Họ nghe tiếng khóc của ta, nhìn vẻ mặt giận dỗi của ta, thấy đôi tay nhỏ xíu vươn ra. Họ đoán thử và thành công. Họ mang sữa đến, nhặt chú gấu bông rơi dưới sàn, bế ta lên và dỗ dành bằng những vòng đi quanh phòng khách. Ta dịu lại, thấy ấm áp và được vỗ về. Họ không phải thiên tài trong việc thấu hiểu cảm xúc, mà chỉ vì những nhu cầu của ta khi ấy thật đơn giản và dễ đoán: ăn, uống, ngủ, sạch sẽ, và một chút cảm giác an toàn.

Chính ký ức nguyên sơ về khả năng đọc vị thành công ấy đã khiến ta trong cuộc sống trưởng thành trở nên cô đơn và thất vọng hơn cần thiết. Ta cứ kỳ vọng rằng quá trình ấy, vốn diễn ra suôn sẻ khi ta còn bé, sẽ tiếp tục như vậy – dù giờ đây nhu cầu của ta đã phức tạp hơn vô vàn. Ta không chỉ cần sữa và một cái ôm. Giờ đây, ta muốn họ hiểu lịch trình tuần tới của ta ra sao, ý nghĩa của vòng tay quàng qua người họ trên giường, cách nhà bếp nên được dọn dẹp, vị trí đúng của khăn tắm, cách tài liệu cần gửi lại văn phòng ở New York, ai nên giữ điều khiển TV, và cảm giác thật sự của ta về mẹ họ.

Và ta muốn họ hiểu tất cả những điều ấy ngay lập tức, không cần những lời giải thích dài dòng, không cần sự kiên nhẫn hay khéo léo trong việc diễn đạt. Ta tin rằng chỉ cần họ thông minh và yêu thương ta thì mọi thứ sẽ tự nhiên mà rõ ràng. Nếu họ không hiểu, ta cho rằng đó là lỗi của họ: họ lười biếng, vô tâm, hoặc không xứng đáng.

Chúng ta là những người giao tiếp tệ hại vì không chịu chấp nhận rằng việc giao tiếp là một hành động có giá trị, cần thiết và phức tạp. Ta lang thang trên cõi đời này với những vấn đề của một người trưởng thành, nhưng lại cố tình tin rằng mình dễ hiểu như một đứa trẻ.

Nguồn: ON THE REMARKABLE NEED TO SPEAK

menu
menu