3 Nguyên tắc để có một cuộc đời tốt đẹp hơn
Sau đây là 3 nguyên tắc hữu ích nhất mà tôi đã áp dụng để định hướng cuộc sống của mình. Tôi hy vọng bạn cũng thấy chúng hữu ích.
Tôi thích các nguyên tắc hơn là các ý tưởng cụ thể bởi vì chúng được thiết kế để áp dụng một cách linh hoạt và rộng rãi. Và không giống như các quy tắc hoặc lời khuyên hữu ích, các nguyên tắc có giá trị nền tảng, ảnh hưởng việc đưa ra quyết định và định hình quan điểm của bạn. Vì thế chúng có thể hiệu quả hơn nhiều so với kiểu mệnh lệnh “hãy làm cái này, hãy làm cái kia”.
Sau đây là 3 nguyên tắc hữu ích nhất mà tôi đã áp dụng để định hướng cuộc sống của mình. Tôi hy vọng bạn cũng thấy chúng hữu ích.
1. Bạn hoàn hảo như chính bạn, nhưng đồng thời luôn có thể trở nên tốt hơn.
Lần đầu tiên tôi nghe thấy câu nói này là từ một vị thiền sư, trong một khóa tu thiền cách đây gần 20 năm. Kể từ đó nó đã bám sâu vào tâm trí của tôi. Càng lớn tuổi, tôi càng chiêm nghiệm được sự thâm thúy của nó. Bạn đã đủ tốt như hiện tại rồi… nhưng bạn cũng có thể trở nên tốt hơn.
Có một sự xung đột cố hữu giữa việc chấp nhận bản thân và ý thức tự hoàn thiện. Một mặt, chúng ta muốn cảm thấy bình yên và hài lòng với chính mình, để hiểu rằng bản thân mình là một người tốt, có giá trị, xứng đáng được yêu thương, tôn trọng. Mặt khác, chúng ta dường như luôn bị thôi thúc bởi suy nghĩ làm sao để trở nên tốt hơn mỗi ngày: học hỏi nhiều hơn, đạt được nhiều hơn, phát triển hơn...
Tôi thích nguyên tắc này vì nó thẳng thắn thừa nhận rằng sự căng thẳng nội tâm này sẽ không bao giờ biến mất. Không quan trọng bạn có năng lực, làm việc năng suất và tuyệt vời như thế nào, sẽ luôn có điều gì đó khiến bạn cảm mình bị mắc kẹt. Cảm giác hụt hẫng đó sẽ không bao giờ được thỏa mãn, và nó sẽ gặm nhấm bạn mỗi ngày.
Song song với đó, bạn vẫn là một con người xứng đáng và có giá trị, bất kể hoàn cảnh của bạn có khó khăn như thế nào, bạn đã mắc phải bao nhiêu sai lầm, hay bạn có bao nhiêu cơ hội để phát triển.
Vẻ đẹp của nguyên tắc đầu tiên này cho thấy rằng chấp nhận bản thân và sự tự hoàn thiện cần song hành cùng nhau, rằng việc có cái này mà không có cái kia chắc chắn sẽ khiến bạn mất cân bằng. Nếu chỉ chấp nhận bản thân mà không tự hoàn thiện mình, thì bạn sẽ trở thành một kẻ lười biếng, buông thả và ích kỷ. Nếu bạn chỉ chuyên tâm hoàn thiện mà không chấp nhận bản thân, thì bạn sẽ trở thành một mớ hỗn độn, loạn thần kinh, lo lắng và tiêu cực thái quá.
Một lần nữa hãy nhớ cho rằng: Bạn cũng hoàn hảo như chính bạn… nhưng bạn luôn có thể trở nên tốt hơn.
2. Hầu hết mọi người (bao gồm cả bạn) không xấu xa, họ chỉ ngốc mà thôi
Đã có rất nhiều minh chứng về sự ảnh hưởng của mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần của chúng ta. Nhưng tôi tin rằng tác động lớn nhất của một thế giới được định hướng bởi mạng xã hội là nó thúc đẩy thực trạng công kích, bắt nạt (hay cyber-bully) trên môi trường kỹ thuật số. Đó là điều mà cách đây 10 năm, tôi chưa từng tưởng tượng là nó có thể xảy ra.
Vấn đề của tình trạng này là nhiều người luôn có thói quen phán xét khi chưa hiểu gì về sự thật đằng sau những dòng trạng thái hay những đường link trên các nền tảng mạng xã hội. Chỉ cần có một nội dung khiến họ bực mình, họ dễ dàng bị dắt mũi để lao vào một cuộc khẩu chiến căng cực trên mạng. Và tính năng bình luận chính là thứ vũ khí dễ sử dụng nhất trong cuộc chiến này. Kết quả là có một nhóm người dùng tự cho mình là đúng, tấn công người khác bất chấp đạo đức.
Có một điều mà đại dịch Covid-19 đã dạy chúng ta, đó là mọi thứ (và mọi người), vào một thời điểm nào đó, sẽ đánh giá sai về một điều gì đó rất quan trọng. Bất kể bạn mang quốc tịch nào, quan điểm chính trị của bạn là gì, ở một số thời điểm trong 3 năm vừa qua, bạn và tôi đã sai về một điều gì đó. Và trong nhiều trường hợp, đó là một sai lầm khủng khiếp.
Liệu bạn có nghĩ rằng điều này sẽ khiến mọi người trở nên khiêm tốn hơn một chút, đồng thời có cái nhìn khách quan hơn đối với mọi luồng ý kiến? Không, thực tế đã cho thấy rằng điều ngược lại đang xảy ra.
Nguyên tắc số hai tương tự như một khái niệm triết học được gọi là Hanlon’s Razor (Dao cạo của Hanlon). Đây là một câu ngạn ngữ với nội dung như sau: “Đừng bao giờ gán cho điều ác ý những gì có thể được giải thích một cách thỏa đáng bằng sự ngu ngốc”.
Nhưng tôi muốn thêm vào triết lý này một thứ (có thể được gọi là Phụ lục của Manson): “… và hầu hết mọi thứ bạn thấy hoặc đọc đều là sự ngu ngốc ở một mức độ nào đó”.
Trong 10 năm qua, tôi đã viết rất nhiều về sự cần thiết của việc phải tập trung sự chú ý vào đúng đối tượng. Đối với tôi, đây có lẽ là kỹ năng quan trọng nhất mà mọi người cần áp dụng trong một thế giới số luôn thay đổi từng phút.
Nhưng khi tính phân cực của thế giới ngày càng cao, con người có xu hướng dễ tức giận hơn, và thông tin sai lệch lan truyền theo mọi hướng, tôi nghĩ khả năng đánh giá chính xác hiện tượng và đưa ra kết luận một cách cẩn thận sẽ trở thành kỹ năng mới quan trọng tiếp theo cần thiết để tồn tại trong thế giới được vận hành bởi những gã khổng lồ công nghệ.
3. Một chút sự thật tồn tại trong mọi thứ; nhưng toàn bộ sự thật lại tồn tại trong hư vô
Tôi đã khám phá ra nguyên tắc này khi đọc các tác phẩm của Ken Wilber (một nhà triết học người Mỹ sinh năm 1949) từ khi còn trẻ. Từ đó đến nay, nó đã khai sáng trí tuệ tôi rất nhiều. Wilber từng châm biếm: "Không ai đủ thông minh để sai về mọi thứ." Do đó, ngay cả khi chúng ta vô cùng không đồng ý với ai đó, luôn có một điều gì đó đúng đắn hoặc hữu ích ta có thể hiểu được trong quan điểm của họ.
Ví dụ, tôi tin rằng chiêm tinh học gần như chắc chắn sai. Nhưng lĩnh vực này cũng dựa trên một số giả định có thể đúng. Tính cách bẩm sinh của mọi người có sự khác biệt. Phần lớn chúng có thể dự đoán và đo lường được. Thậm chí đã từng có nghiên cứu chỉ ra rằng tính cách của một người có thể thay đổi một chút theo mùa mà người đó sinh ra.
Tìm kiếm các mảnh sự thật trong một tổng thể sai lầm là một kỹ năng quan trọng cần phát triển. Nó giúp bạn học nhanh hơn nhiều, đồng thời cũng giúp bạn được mọi người tin tưởng và có thiện cảm hơn. Điều quan trọng nhất là nó sẽ giúp bạn phát triển khả năng thay đổi suy nghĩ, một kỹ năng tôi cho là đang bị đánh giá thấp một cách khủng khiếp.
Mặt trái của nguyên tắc này là mặc dù không có gì là sai hoàn toàn, nhưng cũng không có gì là hoàn toàn đúng. Không có tôn giáo hay hệ thống tín ngưỡng nào có độc quyền đối với sự thật, và hiểu được điều đó là điều cần thiết. Một lần nữa, nó giúp chúng ta học hỏi, thông cảm, sẵn sàng thay đổi suy nghĩ và phát triển bản thân.
Bạn nên biết rằng không có thứ gọi là “câu trả lời cuối cùng của cuộc sống”, rằng cuộc sống chỉ đơn thuần là một quá trình vô tận của những câu trả lời sai ít hơn một chút cho mỗi câu hỏi của chúng ta. Không chỉ cần thiết cho một trí óc vững vàng, mà bản thân nó còn là một sự không hoàn thiện.
Nguồn: Mark Manson
https://markmanson.net/3-principles-for-a-better-life#:~:text=If%20you%20are%20all%20self,you%20can%20always%20be%20better.
Dịch bởi: https://www.facebook.com/diengia.trandangkhoa/