Đừng lo lắng khi cảm thấy buồn: Những lợi ích của một khoảng thời gian u sầu

dung-lo-lang-khi-cam-thay-buon-nhung-loi-ich-cua-mot-khoang-thoi-gian-u-sau

Từ năm 2012, trên tài khoản Twitter có tên So Sad Today, nhà văn Mỹ Melissa Broder đã đều đặn chia sẻ những lát cắt về thế giới nội tâm của mình.

Từ năm 2012, trên tài khoản Twitter có tên So Sad Today, nhà văn Mỹ Melissa Broder đã đều đặn chia sẻ những lát cắt về thế giới nội tâm của mình. Cô viết về nỗi buồn đời thường—“Thức dậy sáng nay thật đáng thất vọng” hay “Điều mà bạn gọi là một cơn suy sụp tinh thần, tôi gọi là oops, lỡ nhìn thế giới đúng như bản chất của nó”—và cô cũng không ngần ngại bộc lộ những điểm yếu của mình một cách thẳng thắn. “Ai mà ngờ được, tôi lại tự làm tổn thương chính mình chỉ để phù hợp với những tiêu chuẩn sắc đẹp mà tôi biết rõ là giả tạo nhưng vẫn cảm thấy bị cuốn vào.” Hay: “Vừa thoáng cảm thấy một chút tự tin, và tôi đã kiểu: cái quái gì vừa xảy ra vậy?”

Tài khoản này nhanh chóng trở thành một hiện tượng, thu hút hơn 675.000 người theo dõi, và đến năm 2016, Broder đã xuất bản cuốn sách cùng tên, một tuyển tập những bài luận cá nhân về hành trình đấu tranh với sức khỏe tinh thần của cô.

Thật đáng ngạc nhiên khi sự bộc lộ không che giấu về nỗi buồn—và tất cả những cảm xúc tồi tệ khác—lại chạm đến trái tim nhiều người trong một thế giới mà mạng xã hội đầy rẫy những hình ảnh hạnh phúc được trau chuốt cẩn thận. Nhưng có lẽ, chính thực tế rằng tỷ lệ trầm cảm trên toàn cầu đang không ngừng gia tăng đã cho thấy chúng ta đang gặp khó khăn trong việc duy trì hạnh phúc. Liệu có phải ta đang làm sai điều gì? Sự nổi tiếng của Broder khiến ta cần nhìn nhận lại về nỗi buồn và những “người họ hàng” của nó. Có lẽ, ta nên quay về với tinh thần của các nhà Lãng mạn, những người từng tìm thấy sự an ủi khi tự do bày tỏ cảm xúc trong thơ ca.

Detail from The Sad Girl (1923) by Sarah Purser. Courtesy the National Gallery of Ireland/Wikimedia

Trong bài thơ Ode on Melancholy (1820), John Keats viết:

“Ngay trong đền thờ của Hoan Lạc,
Nàng U Sầu giấu mình trong điện ngọc cao sang.”

Nỗi đau và niềm vui, suy cho cùng, chỉ là hai mặt của cùng một đồng xu—cả hai đều cần thiết để tạo nên một đời sống trọn vẹn.

Có lẽ, Keats khi viết những dòng thơ đó đã nghĩ đến Robert Burton, vị linh mục và học giả thế kỷ 17, người đã dành cả một tập sách đồ sộ The Anatomy of Melancholy (1621) để bàn về cách nỗi buồn có thể bùng phát quá mức (điều mà ngày nay ta gọi là trầm cảm lâm sàng) và cách đối diện với nó. Hoặc có lẽ, ông đã liên tưởng đến những cuốn sách tự lực từ thế kỷ 16, mà theo nghiên cứu của Tiffany Watt Smith—học giả tại Trung tâm Lịch sử Cảm xúc, Đại học Queen Mary, London—đã từng khuyến khích độc giả đón nhận nỗi buồn bằng cách liệt kê hàng loạt lý do để thất vọng. Phải chăng, con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự lại phải đi qua nỗi buồn?

Nghiên cứu gần đây cho thấy việc trải qua những cảm xúc không vui thực ra có thể góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Emotion năm 2016 đã theo dõi 365 người Đức trong độ tuổi từ 14 đến 88. Trong ba tuần, mỗi người tham gia được phát một chiếc điện thoại thông minh để thực hiện sáu bài kiểm tra cảm xúc mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu theo dõi cảm xúc của họ—dù là tích cực hay tiêu cực—cũng như cách họ đánh giá sức khỏe thể chất của mình vào thời điểm đó.

Trước khi bắt đầu thử nghiệm, những người tham gia đã được phỏng vấn về sức khỏe tinh thần của họ (họ có thường xuyên cảm thấy cáu kỉnh, lo âu không? Họ nhìn nhận những cảm xúc tiêu cực như thế nào?), tình trạng sức khỏe thể chất và mức độ kết nối xã hội (họ có mối quan hệ bền chặt với những người xung quanh không?). Sau ba tuần, họ tiếp tục được hỏi về mức độ hài lòng với cuộc sống.

Kết quả cho thấy, mối liên hệ giữa tâm trạng tiêu cực và sức khỏe tinh thần, thể chất kém đi yếu hơn ở những người có cái nhìn tích cực về cảm xúc tiêu cực. Thực tế, những cảm xúc tiêu cực chỉ gắn liền với mức độ hài lòng thấp ở những người không coi chúng là điều có ích hay có giá trị.

Nói cách khác, nếu ta ngừng trốn tránh nỗi buồn mà học cách chấp nhận nó, có lẽ ta sẽ tìm thấy một cách sống lành mạnh hơn, trọn vẹn hơn.

Những phát hiện này phản ánh rõ những gì các nhà trị liệu đã quan sát được trong thực tế. Sophie Lazarus, nhà tâm lý học tại Trung tâm Y tế Wexner, Đại học Bang Ohio, chia sẻ: “Vấn đề thường không nằm ở phản ứng ban đầu của một người trước một tình huống (cảm xúc sơ cấp), mà là ở cách họ phản ứng lại với chính cảm xúc đó (cảm xúc thứ cấp). Chúng ta thường nhận được những thông điệp rằng không nên cảm thấy tiêu cực, dẫn đến việc nhiều người cố gắng kìm nén, chối bỏ hoặc né tránh cảm xúc của mình, thay vì đối diện với chúng.”

Theo Brock Bastian, tác giả cuốn The Other Side of Happiness: Embracing a More Fearless Approach to Living (2018) và là nhà tâm lý học tại Đại học Melbourne (Úc), một phần nguyên nhân nằm ở yếu tố văn hóa. Người sống trong các quốc gia phương Tây có nguy cơ mắc trầm cảm hoặc rối loạn lo âu cao hơn từ bốn đến mười lần so với những người sống trong các nền văn hóa phương Đông. Ở Trung Quốc và Nhật Bản, cảm xúc tích cực và tiêu cực đều được coi là những phần tất yếu của cuộc sống. Nỗi buồn không phải là rào cản để con người trải nghiệm niềm vui, và—khác với xã hội phương Tây—ở đó không có áp lực phải luôn cảm thấy hạnh phúc.

Cách suy nghĩ này có thể bắt nguồn từ nền tảng tôn giáo. Chẳng hạn, triết lý Phật giáo Ấn - Tây Tạng, vốn đã được các nhà tâm lý học phương Tây như Paul Ekman nghiên cứu sâu rộng, khuyến khích con người nhận diện và chấp nhận nỗi đau như một phần của kiếp nhân sinh. Phật giáo nhấn mạnh vào việc thấu hiểu bản chất của khổ đau và những nguyên nhân dẫn đến nó. Ngày nay, nhiều phương pháp trị liệu tâm lý hiện đại, chẳng hạn như liệu pháp hành vi biện chứng (DBT), cũng áp dụng cách tiếp cận này trong điều trị trầm cảm và lo âu, bằng cách giúp bệnh nhân nhận diện và gọi tên cảm xúc của mình.

Một nghiên cứu do Bastian và cộng sự thực hiện vào năm 2017 đã tiến hành hai thí nghiệm để tìm hiểu xem kỳ vọng xã hội về hạnh phúc ảnh hưởng đến con người ra sao, đặc biệt là khi họ đối diện với thất bại. Trong thí nghiệm đầu tiên, 116 sinh viên đại học được chia thành ba nhóm và thực hiện một bài tập xếp chữ. Nhiều từ trong bài hoàn toàn không thể giải được. Đây là một bài kiểm tra mà tất cả đều phải thất bại, nhưng chỉ có một nhóm được thông báo trước về điều này. Nhóm thứ hai được đưa vào một “căn phòng hạnh phúc”, nơi có những tấm áp phích truyền động lực, những mẩu giấy ghi chú với lời nhắn tích cực và tài liệu về lối sống lành mạnh. Nhóm cuối cùng làm bài trong một căn phòng trung lập, không có bất kỳ yếu tố kích thích nào.

Sau bài kiểm tra, tất cả người tham gia phải làm một bài đánh giá về mức độ lo lắng khi thất bại, cũng như một bảng câu hỏi nhằm đo lường mức độ kỳ vọng xã hội về hạnh phúc tác động đến cách họ xử lý cảm xúc tiêu cực. Họ cũng được yêu cầu mô tả trạng thái cảm xúc của mình tại thời điểm đó. Kết quả cho thấy, những người trong “căn phòng hạnh phúc” lo lắng về thất bại của mình nhiều hơn hẳn so với hai nhóm còn lại. Bastian giải thích: “Khi con người rơi vào một bối cảnh—dù là một căn phòng hay rộng hơn là một môi trường văn hóa—nơi hạnh phúc được đề cao quá mức, họ sẽ cảm thấy áp lực rằng mình phải hạnh phúc.” Và khi thất bại, họ sẽ “bận tâm về lý do tại sao mình không cảm thấy như mình nên cảm thấy.” Sự suy nghĩ luẩn quẩn đó, theo các nhà nghiên cứu, chỉ càng làm trầm trọng thêm trạng thái tinh thần của họ.

Trong thí nghiệm thứ hai, 202 người tham gia trả lời hai bảng câu hỏi trực tuyến. Bảng đầu tiên hỏi về tần suất và mức độ họ trải nghiệm các cảm xúc như buồn bã, lo âu, trầm cảm và căng thẳng. Bảng thứ hai đo lường mức độ kỳ vọng xã hội ảnh hưởng đến cảm xúc của họ, bằng cách yêu cầu họ đánh giá các câu như: “Tôi nghĩ rằng xã hội chấp nhận những người cảm thấy trầm cảm hoặc lo âu.” Kết quả cho thấy, những ai tin rằng xã hội mong muốn họ luôn vui vẻ, không được buồn bã, lại có xu hướng trải qua nhiều cảm xúc tiêu cực như lo âu, căng thẳng, trầm cảm và buồn bã hơn.

Những khoảng thời gian khó khăn cũng mang lại những lợi ích vô giá, giúp con người tìm thấy hạnh phúc bền vững về lâu dài. Bastian nhấn mạnh rằng chính trong nghịch cảnh, chúng ta mới có cơ hội kết nối sâu sắc nhất với người khác. Đau khổ cũng là chất liệu giúp con người rèn luyện sức mạnh nội tâm. “Về mặt tâm lý, bạn không thể trở nên kiên cường nếu chưa từng phải đối mặt với những điều khó khăn trong cuộc sống,” ông nói. Đồng thời, Bastian cũng cảnh báo rằng những phát hiện này không có nghĩa là chúng ta nên cố gắng buồn bã hơn. “Vấn đề không phải là ta cần phải tìm cách để buồn nhiều hơn trong đời,” ông giải thích. “Mà là khi ta cố né tránh nỗi buồn, xem nó như một vấn đề, và theo đuổi hạnh phúc một cách mù quáng, thì thực chất ta lại chẳng thực sự hạnh phúc. Và như vậy, ta cũng không thể tận hưởng được hạnh phúc thực sự.” 

Nguồn: Don’t worry about feeling sad: on the benefits of a blue period | Aeon.co

menu
menu