Everything is Fucked - Cuốn sách về niềm hy vọng (Chương 1)

everything-is-fucked-cuon-sach-ve-niem-hy-vong-chuong-1

Chương 1 Sự Thật Khó Chịu

Chương 1

Sự Thật Khó Chịu

Trên một khu đất nhỏ nơi miền quê buồn tẻ thuộc trung Âu, lọt thỏm giữa dãy nhà kho của một doanh trại quân đội cũ, theo phương diện đia lý, một mầm mống của cái ác sẽ trỗi dậy, nặng nề và tăm tối hơn bất cứ thứ gì mà thế giới này từng chứng kiến. Trong vòng bốn năm, hơn 1,3 triệu người sẽ bị phân loại một cách có hệ thống, bị bắt làm nô lệ, chịu tra tấn, và bị sát hại ở nơi đây, và tất cả những điều này sẽ xảy ra ở một khu vực chỉ lớn hơn Central Park[1] ở Manhattan có một chút xíu. Và không một ai làm bất cứ điều gì để ngăn nó lại.

Ngoại trừ một người.

Đây là tình tiết có trong những câu truyện cổ tích và truyện tranh: một vị anh hùng lao qua cánh cửa địa ngục rực lửa để đối đầu với hiện thân khủng khiếp của cái ác. Sự chênh lệch là vô cùng lớn. Lý do thì thật nực cười. Tuy nhiên, vị anh hùng trong tưởng tượng của chúng ta sẽ không bao giờ do dự, không khi nào chùn bước. Chàng vẫn tự tin vào bản thân và tiêu diệt con rồng, nghiền nát những kẻ xâm lược yêu ma quỷ quái, cứu lấy trái đất và có lẽ là cả một hoặc hai nàng công chúa nữa.    

Và trong một thời gian ngắn, có sự tồn tại của hy vọng.

Nhưng đây không phải là câu chuyện về hy vọng. Đây là câu chuyện về việc mọi thứ hoàn toàn trở nên tệ hại. Tệ hại theo tỷ lệ và quy mô mà ngày nay, cùng với sự tiện nghi mà Wi-Fi miễn phí và chăn Snuggie[2] ngoại cỡ mang lại, cả bạn và tôi khó lòng có thể hình dung ra được.

Witold Pilecki[3] đã là anh hùng chiến tranh từ trước khi ông quyết định lẻn vào trại tập trung Auschwitz[4]. Khi còn trẻ, Pilecki là sĩ quan được tặng huy chương trong cuộc chiến tranh Ba Lan-Liên Xô vào năm 1918. Ông đã khiến cho Cộng sản phải khốn đốn thậm chí cả trước khi hầu hết mọi người biết một tên Cộng sản cánh tả là như thế nào. Sau chiến tranh, Pilecki chuyển về vùng nông thôn Ba Lan sinh sống, kết hôn với một cô giáo, và có hai con. Ông yêu thích việc cưỡi ngựa và đội những chiếc mũ đẹp và hút xì gà. Cuộc sống của ông khi ấy thật đơn giản và tươi đẹp.

Rồi cái vụ Hitler kia xảy ra, và trước khi Ba Lan kịp phản ứng, Đức Quốc xã đã Blitzkrieg[5] quá nửa đất nước Ba Lan. Ba Lan mất toàn bộ lãnh thổ chỉ hơn một tháng. Đó không hẳn là một cuộc chiến công bằng: trong khi phát xít Đức xâm lược miền tây, thì Liên Xô đã xâm chiếm miền đông. Đó giống như thể là việc bị mắc kẹt giữa một phiến đá và một vật cứng vậy – ngoại trừ việc phiến đá này là một kẻ hoang tưởng tự đại giết người hàng loạt đang cố xâm chiếm thế giới và vật cứng kia là sự diệt chủng hung hãn, vô cảm. Thực sự thì tôi vẫn không phân định rõ được bên nào với bên nào.

Ban đầu, Liên Xô thực sự còn tàn ác hơn cả Đức Quốc Xã. Bọn họ đã thực hiện cái việc tồi tệ này trước đó, bạn biết đấy – toàn bộ cái việc “lật đổ một chính phủ và nô dịch hóa người dân vì tư tưởng sai lầm của các người”. Đức Quốc Xã theo một nghĩa nào đó vẫn còn là một nàng trinh nữ trong việc theo đuổi chủ nghĩa đế quốc (mà, khi bạn nhìn vào bức hình chụp bộ râu của Hitler, bạn sẽ thấy điều này không khó tưởng tượng cho lắm). Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến, có ước tính rằng Liên Xô đã vây bắt khoảng một triệu công dân Ba Lan và đưa họ xuống miền đông. Hãy nghĩ về điều này trong vòng một giây. Một triệu người, trong vòng vài tháng, cứ thế biến mất. Một số người không hề dừng chân cho tới khi họ chạm tới cánh cửa của những nhà tù chính trị ở Siberia; những người khác thì được tìm thấy trong các ngôi mộ tập thể vài thập kỷ sau đó. Rất nhiều người vẫn còn mất tích cho tới tận ngày nay.

Pilecki đã tham gia vào những trận chiến ấy – chống lại cả người Đức lẫn người Liên Xô. Và sau thất bại, ông và các sĩ quan Ba La bắt đầu tổ chức một nhóm kháng chiến ngầm ở Warsaw. Họ tự gọi mình là Quân đội Bí mật Ba Lan.

Vào mùa xuân năm 1940, Quân đội Bí mật Ba Lan nghe phong thanh được rằng người Đức đang xây dựng một khu nhà tù đồ sộ bên dòng sông nằm ngoài thị trấn ở phần phía nam của đất nước. Người Đức đặt tên cho khu nhà tù mới này là Auschwitz. Mùa hè năm 1940, hàng ngàn sĩ quan quân đội và công dân Ba Lan ưu tú đã biến mất khỏi miền tây Ba Lan. Nỗi lo ngại dâng lên trong quân đội kháng chiến rằng sự bỏ tù hàng loạt từng xảy ra ở phía đông với Liên Xô thì nay lại diễn ra ở phía tây. Pilecki và các đồng đội của ông nghi ngờ rằng Auschwitz, một nhà tù có quy mô của một thị trấn nhỏ, có khả năng liên quan đến những vụ mất tích và rằng có lẽ nó đang giam giữ hàng ngàn cựu binh Ba Lan.

Đó là khi Pilecki xung phong đột nhập vào Auschwitz. Ban đầu, nó là một sứ mệnh giải cứu – ông sẽ để mình bị bắt, và khi đã vào được trong đó, ông sẽ kết hợp với các binh sĩ Ba Lan khác, tạo ra một cuộc nổi loạn, và vượt ngục.

Đấy là một nhiệm vụ mang tính tự sát cao đến mức ông đã xin chỉ huy của mình cho ông được uống một thùng thuốc tẩy. Vị chỉ huy cho rằng ông điên rồi, và đã nói với ông như vậy.

Nhưng, nhiều tuần trôi qua, vấn đề chỉ càng trở nên trầm trọng hơn: hàng ngàn người Ba Lan ưu tú đã biến mất, và Auschwitz vẫn là một điểm mù khổng lồ trong hệ thống tình báo của quân Đồng minh. Quân Đồng minh không biết gì về những điều đang diễn ra ở đó và có rất ít khả năng là sẽ tìm ra. Cuối cùng, chỉ huy của Pilecki đã động lòng. Một tối nọ, tại một trạm kiểm soát thường lệ ở Warsaw, Pilecki để cho quân SS bắt mình vì vi phạm lệnh giới nghiêm. Và ngay sau đó, ông được đưa tới Auschwitz, con người duy nhất được biết đến là đã tự nguyện bước chân vào trại tập trung của phát xít Đức.

Khi ông tới đó, ông thấy rằng sự thật về Auschwitz còn tệ hại hơn nhiều so với những gì mà bất kỳ ai có thể hình dung. Các tù nhân bị xếp thành hàng dài và bị xử bắn vì những tội danh nhỏ nhặt như là tỏ ra bồn chồn hay vì không đứng thẳng. Công việc lao động chân tay thì vô cùng cực nhọc và không bao giờ chấm dứt. Những con người đó về cơ bản là làm việc đến chết, thường phải thực hiện những nhiệm vụ vô ích hay không có nghĩa lý gì cả. Tháng đầu tiên Pilecki ở đó, một phần ba số người trong khu trại của ông đã chết vì kiệt sức hoặc bị viêm phổi hoặc bị xử bắn. Bất chấp những điều này, vào cuối năm 1940, Pilecki, thằng cha siêu anh hùng trong những tập truyện tranh, bằng cách nào đó mà vẫn thiết lập được hoạt động gián điệp ở nơi đây. 

 

Ôi, Pilecki – kẻ phi thường, vị anh hùng, đã bay qua địa ngục – ông đã làm thế nào để xây dựng một hệ thống tình báo bằng cách giấu tin nhắn vào những chiếc giỏ đựng quần áo? Làm thế nào mà ông có thể tạo ra được chiếc máy thu âm bán dẫn của riêng mình từ những linh kiện rời rạc và những cục pin ăn cắp, theo kiểu MacGyver[6], và rồi thành công truyền tin về kế hoạch tấn công trong trại tập trung cho Quân đội Bí mật Ba Lan ở Warsaw? Làm thế nào mà ông có thể xây dựng những nhóm buôn lậu để đưa vào thức ăn, thuốc men, và quần áo cho các tù nhân, cứu sống vô số sinh mạng và mang đến hy vọng cho sa mạc hoang vu nhất trong trái tim con người? Thế gian này đã làm gì mà xứng đáng có được ông đến thế?

Trong suốt hai năm, Pilecki đã xây dựng một đơn vị kháng chiến trong lòng Auschwitz. Tại đó có một chuỗi chỉ huy, với các cấp bậc và sĩ quan; một mạng lưới hậu cần; và các kênh liên lạc với thế giới bên ngoài. Và tất cả những việc này không hề bị quân SS phát hiện trong suốt hai năm. Mục tiêu cuối cùng của Pilecki là khích động một cuộc nổi dậy toàn diện trong trại. Với sự giúp đỡ và hợp tác từ bên ngoài, ông tin rằng ông có thể khơi mào một cuộc vượt ngục, vượt qua số lính gác SS ít ỏi, và trả tự do cho mười ngàn chiến sĩ du kích Ba Lan đã được đào tạo bài bản. Ông gửi các kế hoạch và báo cáo của mình về Warsaw. Trong nhiều tháng, ông chờ đợi. Trong nhiều tháng, ông sống sót.

Nhưng rồi người Do Thái xuất hiện. Đầu tiên, là trên những chiếc xe buýt. Rồi, bị nhồi nhét trên những toa xe lửa. Không lâu sau, họ lên tới mười nghìn người, một dòng người nhấp nhô trôi nổi trong đại dương chết chóc và tuyệt vọng. Bị tước bỏ hết tài sản và nhân phẩm, họ bị máy móc đưa vào những “nhà tắm”[7] mới được cải tạo, nơi mà họ sẽ bị làm ngạt bằng khí ga và xác của họ sẽ bị hỏa thiêu.

Với thế giới bên ngoài, báo cáo của Pilecki nghe thật điên rồ. Bọn chúng đang giết hại mười ngàn người ở đây mỗi ngày. Phần lớn là người Do Thái. Số người chết có khả năng lên đến hàng triệu. Ông cầu xin Quân đội Bí mật Ba Lan giải phóng trại tập trung ngay lập tức. Ông nói rằng nếu như các vị không thể giải phóng trại, thì ít nhất hãy đánh bom nơi này. Vì Chúa, ít nhất hãy phá hủy phòng hơi ngạt. Ít nhất hãy làm như vậy.

Quân đội Bí mật Ba Lan nhận được tin tình báo của ông nhưng cho rằng ông đang phóng đại. Điều xa xôi nhất mà họ có thể tưởng tượng ra được cũng chẳng thể nào mà kinh khủng đến thế. Không thể.

Pilecki là người đầu tiên cảnh báo thế giới về nạn diệt chủng Holocaust. Tin tình báo của ông được truyền qua nhiều nhóm kháng chiến khác nhau ở Ba Lan, rồi lên tới chính phủ Ba Lan lưu vong ở Anh Quốc, rồi sau đó lại được đưa tới Ban chỉ huy Lực lượng đồng minh ở London. Thông tin này thậm chí đã tìm được đường đến với Eisenhower[8] và Churchill[9].

Cả họ nữa, cũng cho rằng Pilecki đang phóng đại.

Năm 1943, Pilecki nhận ra rằng kế hoạch nổi dậy và vượt ngục của ông sẽ không bao giờ có thể diễn ra: Quân đội Bí mật Ba Lan sẽ không tới. Người Mỹ và người Anh sẽ không tới. Và rất có thể, những người Liên Xô đang tới – và họ còn có thể tệ hại hơn cả thế này nữa. Pilecki quyết định rằng việc tiếp tục ở lại trong trại tập trung là quá mạo hiểm. Đã đến lúc cần phải thoát ra.

Dĩ nhiên, ông cũng khiến cho điều này nom thật dễ dàng. Đầu tiên, ông giả bệnh và được đưa vào bệnh xá của trại tập trung. Từ đó, ông nói dối các bác sĩ về nhóm công việc mà ông đang thực hiện, nói rằng ông phải làm ca đêm ở khu nướng bánh, mà nằm ngay rìa trại giam, gần bờ sông. Khi các bác sĩ cho ông về, ông đi thẳng tới khu nướng bánh, nơi ông bắt đầu “làm việc” cho tới 2 giờ sáng, khi mà mẻ bánh mì cuối cùng vừa được nướng xong. Từ đó, vấn đề chỉ còn là việc cắt đường dây điện thoại, lặng lẽ mở cánh cửa sau ra, thay vào bộ quần áo thường dân ăn cắp được mà không khiến đám lính canh SS chú ý, chạy hết tốc lực tới bờ sông cách đó một dặm trong lúc bị nhắm bắn, và rồi tìm đường trở về với nền văn mình dựa trên vị trí của các vì sao. 

Ngày nay, phần nhiều thế giới của chúng ta dường như hỏng bét. Không phải là ở mức độ tồi tệ như nạn diệt chủng của Đức Quốc xã (thậm chí là chẳng gần đến mức ấy), nhưng dù sao đi nữa thì cũng khá là tồi tệ.

Những câu chuyện như của Pilecki truyền cảm hứng cho chúng ta. Chúng mang đến cho ta hy vọng. Chúng khiến ta thốt lên rằng, “Ôi, chết tiệt, hồi ấy mọi thứ còn tồi tệ hơn nhiều, và anh chàng kia đã vượt qua tất cả. Dạo này tôi đang làm cái quái gì thế này?” — mà, trong thời đại nhà-học-giả-uyên-thâm-lười-nhác của những tweetstorm[10] và cơn giận dữ đồi bại[11] có lẽ là điều mà chúng ta nên tự hỏi bản thân. Khi mà chúng ta nhìn lại và có được bức tranh toàn cảnh, ta sẽ nhận ra rằng trong khi những vị anh hùng như Pilecki giải cứu cả thế giới, thì chúng ta lại cứ ngồi đó mà đập muỗi và than vãn rằng cái điều hòa chạy quá yếu.

Câu chuyện của Pilecki là điều anh hùng nhất mà tôi từng được biết đến trong cuộc đời mình. Bởi vì tính anh hùng không chỉ là sự dũng cảm hay sự can đảm hay sự khôn ngoan. Những điều này thật thông thường và thường được sử dụng theo những cách thức chẳng phải to tát gì. Không, làm anh hùng là cái khả năng khơi gợi niềm hy vọng ở nơi mà nó không tồn tại. Là việc đánh một que diêm để thắp sáng bóng đêm. Để chỉ ra cho chúng ta thấy khả năng về một thế giới tốt đẹp hơn – không phải một thế giới tốt đẹp hơn theo như chúng ta mong muốn, nhưng là một thế giới tốt đẹp hơn mà ta không biết rằng có thể tồn tại. Để vượt qua hoàn cảnh khi mà mọi thứ dường như đều hỏng bét và theo cách nào đó vẫn có thể khiến nó trở nên ổn thỏa.

Dũng cảm là điều bình thường. Kiên cường là điều bình thường. Nhưng đức tính anh hùng thì chứa đựng yếu tố triết học ở trong đó. Người anh hùng đưa ra những câu hỏi “Tại sao?” vĩ đại – những nguyên nhân hay niềm tin đáng kinh ngạc không thể lay chuyển, dù cho có điều gì xảy ra đi nữa. Và đó là lý do vì sao, như là một nền văn hóa, ngày nay chúng ta lại khao khát một vị anh hùng đến thế: không phải vì mọi việc nhất thiết phải tồi tệ như vậy, mà bởi vì chúng ta đã đánh mất cái câu hỏi rõ ràng “Vì sao?” đã định hướng cho các thế hệ trước đây.  

Nền văn hóa của chúng ta không cần tới hòa bình hay thịnh vượng hay những món đồ trang trí mui xe mới cho chiếc xe hơi chạy điện của chúng ta. Tất cả những thứ đó chúng ta đều đã có cả rồi. Chúng ta là một nền văn hóa cần tới một điều gì đó không chắc chắn hơn nhiều. Chúng ta là nền văn hóa và những con người cần tới hy vọng.

Sau nhiều năm chứng kiến cảnh chiến tranh, tra tấn, cái chết, và nạn diệt chủng, Pilecki chưa bao giờ đánh mất hy vọng. Bất chấp việc mất đi tổ quốc, gia đình, bạn bè, và gần như là cuộc đời của chính mình, ông chưa từng đánh mất hy vọng. Thậm chí là cả sau chiến tranh, trong thời gian phải chịu đựng sự thống trị của Liên Xô, ông chưa bao giờ đánh mất niềm hy vọng về một đất nước Ba Lan độc lập và tự do. Ông chưa bao giờ đánh mất hy vọng về một cuộc sống hạnh phúc và bình yên dành cho các con mình. Ông chưa bao giờ mất hy vọng trước việc có thể cứu sống thêm nhiều sinh mạng khác, về việc giúp đỡ thêm một vài con người nữa.  

Sau chiến tranh, Pilecki trở về Warsaw và tiếp tục làm gián điệp, lần này là trước Đảng Cộng sản, vừa mới lên nắm quyền ở đó. Một lần nữa, ông sẽ lại là người đầu tiên thông tin cho phương Tây về một tội ác đang diễn ra, trong trường hợp này là việc những người Liên Xô đã thâm nhập vào chính phủ Ba Lan và lũng đoạn cuộc bầu cử. Ông cũng sẽ là người đầu tiên ghi lại sự tàn bạo của Liên Xô ở phía đông trong suốt cuộc chiến.

Tuy nhiên, lần này, ông đã bị phát hiện. Ông bị cảnh báo rằng ông sẽ bị bắt, và ông có một cơ hội để trốn sang Ý. Dẫu vậy, Pilecki đã từ chối — ông thà ở lại và chết như một người Ba Lan còn hơn là chạy trốn và sống như một thứ gì đó mà ông không thể nhận ra. Một đất nước Ba Lan độc lập và tự do, khi đó, là nguồn hy vọng duy nhất của ông. Thiếu nó, ông chẳng còn gì cả.

Và do vậy, niềm hy vọng của ông cũng chính là sự hủy hoại của ông. Phe Cộng sản bắt giữ Pilecki vào năm 1947, và bọn họ không hề nhẹ nhàng với ông. Ông bị tra tấn trong gần một năm, rất khắc nghiệt và thường xuyên đến mức ông đã nói với vợ mình rằng “Auschwitz chỉ là chuyện nhỏ” nếu đem ra so sánh.

Dẫu vậy, ông không bao giờ hợp tác với những kẻ tra khảo mình.

Cuối cùng, nhận ra rằng chẳng bao giờ thu được thông tin gì từ ông, phe Cộng sản quyết định sẽ lấy ông làm gương. Năm 1948, họ tiến hành một phiên tòa công khai và quy cho Pilecki tất cả các tội danh từ làm giả tài liệu và vi phạm lệnh giới nghiêm đến tham gia vào hoạt động gián điệp và phản bội tổ quốc. Một tháng sau đó, ông bị kết tội và bị phán tử hình. Vào ngày cuối cùng của phiên tòa, Pilecki được phép lên tiếng. Ông nói rằng lòng trung thành của ông vẫn luôn dành cho đất nước Ba Lan và con người của nó, rằng ông không bao giờ làm hại hay phản bội một công dân Ba Lan nào cả, và rằng ông không hối hận trước bất kỳ điều gì. Ông kết thúc bài phát biểu của mình với “Tôi đã cố gắng sống cuộc đời mình theo cái cách mà vào lúc tôi chết tôi cảm thấy vui mừng hơn là sợ hãi.”  

Và nếu đó không phải là những lời tâm huyết nhất mà bạn từng nghe thấy, vậy thì tôi cũng muốn có được thứ mà bạn đang có.

Tôi Có Thể Giúp Gì Cho Bạn?

Nếu mà tôi làm việc ở Starbucks[12], thay vì ghi tên khách hàng lên ly cà phê của họ, tôi sẽ viết những dòng như sau:

Một ngày kia, bạn và tất cả những người mà bạn yêu thương sẽ chết đi. Và ngoại trừ một nhóm người rất nhỏ trong một quãng thời gian vô cùng ngắn ngủi, thì rất ít điều mà bạn nói hay làm sẽ trở nên quan trọng. Đó chính là Sự thật Khó chịu của cuộc sống. Và mọi điều mà bạn nghĩ hay làm chỉ là một sự trốn tránh tinh vi khỏi nó. Chúng ta chỉ là những hạt bụi vũ trụ tầm thường, va vào nhau và tha thẩn trên một cái tinh cầu màu xanh nhỏ xíu. Chúng ta tự tưởng tượng ra tầm quan trọng của chính mình. Chúng ta tự tạo ra mục đích của chính mình – nhưng mà ta không là gì cả.   

Thưởng thức ly cà phê chết tiệt của bạn đi nhé.

Tôi sẽ phải viết những dòng này bằng cỡ chữ nhỏ xíu, dĩ nhiên là vậy. Và sẽ phải mất một lúc mới viết xong được, có nghĩa là các vị khách đang vội đi làm vào buổi sáng sẽ phải xếp hàng ra tới tận ngoài cửa. Có lẽ đây không hẳn là thứ dịch vụ khách hàng xuất sắc gì cho cam. Và chắc đó chính là lý do khiến tôi không bao giờ được tuyển dụng.  

Nhưng nghiêm túc này, làm sao mà bạn có thể nói được với một ai đó, theo đúng lương tâm, rằng “chúc bạn một ngày tốt lành” trong khi bạn biết tất cả những suy nghĩ và động lực của họ đều xuất phát từ cái nhu cầu bất tận của việc trốn tránh sự tồn tại vô nghĩa cố hữu của loài người?

Bởi vì, trong không gian/thời gian vô tận, vũ trụ không hề quan tâm đến việc liệu ca phẫu thuật thay hông của mẹ bạn có thành công hay không, hay lũ con của bạn có học đại học hay không, hay lão sếp của bạn cho rằng bạn vừa mới làm một cái bảng tính dấm dớ ra sao. Nó chẳng buồn bận tâm tới việc Đảng dân chủ hay Đảng cộng hòa giành phần thắng trong cuộc tranh cử tổng thống. Nó chẳng bận tâm nếu một nhân vật nổi tiếng nào đó có bị tóm vì hít ke khi đang điên cuồng thủ dâm trong một cái buồng vệ sinh ở sân bay nào đó (lại nữa). Nó sẽ chẳng bận tâm nếu những khu rừng bốc cháy hay băng tan hay mặt nước dâng cao hay sự nóng lên của khí quyển hay tất cả chúng ta đều bị một lũ người ngoài hành tinh thượng đẳng hơn làm cho bốc hơi.  

Còn bạn thì quan tâm.

Bạn quan tâm, và bạn liều mạng thuyết phục bản thân rằng bởi vì bạn quan tâm, toàn bộ điều này phải có ý nghĩa vĩ đại mang tầm vũ trụ nằm sau đó.

Bạn quan tâm bởi vì, trong tận thâm tâm, ban cần phải cảm thấy cái cảm giác về sự quan trọng ấy để tránh khỏi Sự thật Khó chịu, để tránh sự khó hiểu về việc tồn tại của bạn, để tránh bị đè bẹp trước sức nặng đến từ sự vô nghĩa của chính bản thân bạn. Và bạn – cũng giống như tôi, hay bất kỳ một ai khác – sau đó sẽ phóng chiếu ý thức về tầm quan trọng ấy lên thế giới quanh bạn bởi vì nó mang đến cho bạn hy vọng.  

Giờ có phải là quá sớm để nói chuyện kiểu này chăng? Đây, làm thêm ly cà phê nữa đi. Tôi còn tạo hẳn một lớp kem có hình khuôn mặt cười toe ở trên cùng đấy nhé. Nom dễ thương không? Tôi sẽ đợi trong lúc bạn đăng hình lên Instagram nhé.

Được rồi, mình nói tới đâu rồi ấy nhỉ? À ừ! Sự tồn tại khó hiểu của bạn – đúng vậy. Bây giờ, có thể bạn nghĩ rằng, “Ôi, Mark này, tôi tin rằng tất cả chúng ta có mặt trên đời là vì một lý do nào đó, và chẳng có gì là ngẫu nhiên cả, và mọi người đều quan trọng bởi vì tất cả hành động của chúng ta đều ảnh hưởng tới một ai đó, và thậm chí nếu ta có thể giúp đỡ chỉ một người thôi, thì như thế vẫn có một giá trị nào đó, đúng không?”

Giờ, thì chẳng phải bạn cũng dễ thương lắm hay sao!

Thấy không, chính là niềm hy vọng trong bạn đang lên tiếng đấy. Đó là câu chuyện mà tâm trí bạn dệt nên để khiến việc thức dậy vào mỗi sáng là xứng đáng: một thứ gì đó cần phải trở nên quan trọng bởi vì nếu như không có gì quan trọng, thì chả có lý do gì để sống tiếp cả. Và một vài thứ kiểu như lòng vị tha đơn giản hay nỗi đau được giảm bớt luôn là thứ mà tâm trí của chúng ta hướng đến để khiến cho mọi việc ta làm đều mang một giá trị nào đấy.

Tâm trí của chúng ta cần tới niềm hy vọng để tồn tại như là cá cần nước vậy. Hy vọng là nhiên liệu cho cỗ máy tinh thần của chúng ta. Đó là lớp kem bơ trên miếng bánh quy của chúng ta. Còn có rất nhiều cách ẩn dụ khác để nói về điều này. Thiếu hy vọng, toàn bộ hệ thống tinh thần của bạn sẽ bị đình trệ hoặc chết đói. Nếu như ta không tin rằng có một niềm hy vọng nào đó về việc tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện tại, rằng cuộc sống của chúng ta sẽ được cải thiện theo một cách nào đó, vậy thì ta đã chết về mặt tinh thần. Xét cho cùng, nếu như không có hy vọng rằng sự việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn, vậy thì tại sao ta lại sống – tại sao ta lại còn tiếp tục làm bất cứ điều gì nữa đây?

Đây là điều mà rất nhiều người không hiểu được: đối lập với hạnh phúc không phải là tức giận hay buồn bã.[13] Nếu như bạn tức giận hay buồn bã, điều đó có nghĩa là bạn vẫn còn bận tâm đến một điều gì đó. Như thế có nghĩa là có một điều gì đó vẫn còn quan trọng. Có nghĩa là bạn vẫn còn hy vọng.[14]

Không, đối lập với hạnh phúc là vô vọng, một đường chân trời xám xịt bất tận của sự cam chịu và thờ ơ.[15] Đó là niềm tin rằng mọi việc đều hỏng cả, vậy thì còn cần phải làm cái quái gì nữa kia chứ?

Vô vọng là thứ chủ nghĩa hư vô lạnh lùng và ảm đạm, một cảm giác rằng không có nghĩa lý gì cả, nên kệ mẹ nó – tại sao lại không chạy loanh quanh với một cây kéo hay ngủ với vợ sếp hay xả súng ở trường học kia chứ? Đây là Sự thật Khó chịu, một nhận thức thầm lặng rằng khi đối mặt với sự vô hạn, mọi điều mà ta quan tâm đến sẽ nhanh chóng tiến về con số không.  

Vô vọng là nguồn gốc của sự lo lắng, bệnh tâm thần, và trầm cảm. Nó là nguồn cơn của mọi bất hạnh và gây nên mọi chứng nghiện. Đây hoàn toàn không phải là một lời nói quá.[16] Rối loạn lo âu là một cuộc khủng hoảng của hy vọng. Đó là nỗi sợ về một tương lai thất bại. Trầm cảm là một cuộc khủng hoảng của hy vọng. Đó là niềm tin vào một tương lai vô nghĩa. Ảo tưởng, nghiện ngập, ám ảnh – đều là những nỗ lực tuyệt vọng và mang tính cưỡng bức của tâm trí trong việc tạo ra hy vọng trong một khoảnh khắc loạn thần kinh hay trong thời điểm bị ám ảnh bởi lòng ham muốn.[17]

Việc trốn tránh sự vô vọng – mà là, sự kiến tạo hy vọng – sau đó trở thành kế hoạch chính của tâm trí chúng ta. Tất cả những ý nghĩa, mọi điều mà chúng ta hiểu về bản thân mình và thế giới này, được xây dựng nhằm mục đích duy trì hy vọng. Do đó, hy vọng là điều duy nhất mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều sẵn lòng để chết vì nó. Hy vọng là điều mà ta tin rằng còn vĩ đại hơn cả bản thân ta nữa. Nếu không có nó, ta tin rằng mình chẳng là gì cả.

Khi tôi học đại học, ông của tôi qua đời. Trong một vài năm sau đó, tôi có cái cảm giác mãnh liệt rằng tôi phải sống làm sao để khiến ông cảm thấy tự hào. Cái cảm giác hợp lý và hiển nhiên này sâu sắc ở một mức độ nào đó, nhưng mà không phải vậy. Thực ra, nó không có tính logic một chút nào cả. Tôi không hề thân thiết với ông mình. Chúng tôi chẳng bao giờ nói chuyện với nhau qua điện thoại. Chúng tôi chẳng bao giờ viết thư cho nhau hết. Tôi thậm chí còn không hề gặp ông trong năm năm hoặc hơn thế hồi mà ông còn sống. 

Chưa nói đến chuyện: ông đã mất. Làm sao mà cái phương châm “sống để khiến ông cảm thấy tự hào” của tôi lại có tác dụng gì kia chứ? 

Cái chết của ông khiến tôi va phải một Sự thật Khó chịu. Vì thế, tâm trí tôi buộc phải vào việc, tìm cách xây dựng hy vọng từ trong hoàn cảnh đó nhằm chống đỡ cho bản thân mình, để tránh xa chủ nghĩa hư vô nào đó. Tâm trí tôi quyết định rằng bởi vì ông tôi giờ đây đã mất đi khả năng khao khát và hy vọng trong cuộc đời mình, việc tôi tiếp tục duy trì niềm hy vọng và khát vọng nhân danh ông là vô cùng quan trọng. Đó chính là niềm tin cỡ vừa miệng ăn của tôi, thứ tôn giáo nhỏ về mục đích của riêng tôi.

Và nó đã phát huy hiệu quả! Trong một thời gian ngắn, cái chết của ông truyền vào những trải nghiệm tầm thường và trống rỗng sự quan trọng và ý nghĩa. Và cái ý nghĩa ấy mang đến cho tôi hy vọng. Có thể bạn sẽ cảm thấy giống như tôi vậy khi một người thân của bạn qua đời. Đó là một cảm giác rất đỗi thông thường. Bạn tự nhủ rằng bạn sẽ sống theo cách khiến cho người mà bạn yêu thương cảm thấy tự hào. Bạn tự nhủ rằng bạn sẽ sử dụng cuộc đời của mình để tôn vinh cuộc đời của người đó. Bạn tự nhủ rằng đó là một điều quan trọng và tốt đẹp.   

Và “điều tốt đẹp” đó là thứ cứu vớt chúng ta trong những khoảnh khắc của khủng hoảng hiện sinh. Tôi cứ đi loanh quanh mà tưởng tượng rằng ông tôi đang đi theo tôi, như một âm hồn thóc mách, cứ liên tục nhìn qua vai tôi. Người đàn ông mà tôi chẳng mấy quen thuộc khi còn sống giờ đây bằng cách nào đó lại cực kỳ quan tâm tới việc tôi làm bài thi môn toán của mình ra sao. Như thế này thì thật là phi lý.

Tâm trí chúng ta xây dựng những câu chuyện nhỏ như thế này bất kỳ khi nào chúng đối diện với nghịch cảnh, những câu chuyện trước/sau mà chúng ta tự tạo ra cho chính mình. Và chúng ta phải giữ cho những câu chuyện hy vọng của mình tồn tại, vào mọi lúc, dù cho chúng có trở nên vô lý hay có hại đi chăng nữa, vì chúng là nguồn lực cân bằng duy nhất bảo vệ đầu óc chúng ta trước Sự thật Khó chịu.

Rồi những câu chuyện hy vọng như thế này là thứ mang đến cho cuộc đời chúng ta cái cảm giác về mục đích. Chúng không chỉ gợi ý rằng sẽ điều gì đó tốt đẹp hơn trong tương lai, mà ta còn có thể đi ra ngoài kia và đạt được điều đó nữa. Khi mà con người ta luyên thuyên về việc cần phải tìm ra “mục đích cuộc đời” của mình, điều mà họ thực sự muốn nói là họ không còn rõ điều gì là quan trọng nữa, và làm thế nào để tận dụng quỹ thời gian eo hẹp của mình trên trái đất này[18] – nói tóm lại, họ nên đặt hy vọng vào điều gì. Khi ấy, họ đang vật lộn để cố nhìn xem cuộc đời trước/sau của mình nên như thế nào.

Đó mới là phần khó khăn: tìm ra câu chuyện trước/sau của chính bạn. Nó khó là bởi vì chẳng có cách nào để biết chắc rằng bạn chọn đúng hay sai. Đó là lý do vì sao mà rất nhiều người tìm đến tôn giáo, bởi vì các tôn giáo thừa nhận tình trạng vĩnh viễn không biết và đòi hỏi đức tin khi đối diện với sự mơ hồ này. Đó cũng có thể là một phần lý do của việc vì sao số người theo tôn giáo bị trầm cảm và tự vẫn lại ít hơn nhiều so với những người không theo tôn giáo: chính việc thực hành đức tin đã bảo vệ họ khỏi Sự thật Khó chịu.[19] 

Nhưng câu chuyện về hy vọng của bạn không nhất thiết phải mang tính tôn giáo. Chúng có thể là bất cứ thứ gì. Cuốn sách này chính là nguồn hy vọng nhỏ của tôi. Nó mang đến cho tôi mục đích; nó mang tới cho tôi ý nghĩa. Và câu chuyện mà tôi tạo nên xung quanh niềm hy vọng đó là tôi tin rằng cuốn sách này có thể giúp ích cho một vài người, rằng nó có thể khiến cho cả cuộc sống tôi và cả thế giới này trở nên tốt đẹp hơn một chút.

Tôi có biết chắc không? Không. Nhưng đây chính là câu chuyện nhỏ trước/sau của tôi, và tôi gắn bó với nó. Nó khiến cho tôi thức dậy vào mỗi sáng và khiến tôi cảm thấy hứng khởi về cuộc đời mình. Và không chỉ đó không phải là một điều xấu thôi đâu, nó còn là điều duy nhất nữa.

Với một số người, câu chuyện trước/sau của họ là nuôi dạy tốt con cái. Với những người khác, đó là việc cứu lấy môi trường. Với người khác, đó là kiếm được thật nhiều tiền và sở hữu một chiếc du thuyền thật oách. Với những người khác nữa, đó chỉ đơn giản là cải thiện cú đánh golf của họ. 

Dù chúng ta có nhận ra điều này hay không, tất cả chúng ta đều có những câu chuyện mà ta lựa chọn vin vào dù vì bất kỳ lý do gì. Vấn đề không nằm ở chỗ bạn có được hy vọng thông qua đức tin tôn giáo hay học thuyết dựa trên chứng cứ thực tế hay trực giác hay lập luận hợp lý – chúng đều đưa đến cùng một kết quả: bạn phải có niềm tin rằng (a) có một sự phát triển hoặc tiến bộ hoặc cứu rỗi tiềm năng trong tương lai, và (b) có những cách để ta có thể đưa chính mình tới được đó. Thế thôi. Ngày qua ngày, năm qua năm, cuộc đời của chúng ta được tạo nên từ những vòng lặp bất tận của những câu chuyện hy vọng kiểu ấy. Chúng là những củ cà rốt tâm lý ở đầu kia của cây gậy.

Nếu như tất thảy điều này nghe chừng thật hư vô, làm ơn, đừng có hiểu lầm. Cuốn sách này không phải là một cuộc tranh luận về chủ nghĩa hư vô. Nó hoàn toàn chống lại chủ nghĩa hư vô – cả chủ nghĩa hư vô trong chúng ta lẫn cảm giác đang không ngừng tăng lên về chủ nghĩa hư vô mà dường như đang hòa vào làm một với thế giới hiện đại.[20] Và để có thể thành công chống lại chủ nghĩa hư vô, bạn cần phải bắt đầu từ chính nó. Bạn cần phải bắt đầu từ Sự thật Khó chịu. Từ đó, bạn cần phải dần dần xây dựng cho mình một câu chuyện để hy vọng. Và không phải là bất kỳ hy vọng nào cũng được, mà phải là thứ hy vọng bền vững, nhân từ. Một niềm hy vọng có thể mang chúng ta xích lại gần nhau thay vì đẩy chúng ta ra xa nhau. Một niềm hy vọng mạnh mẽ và đầy năng lượng, mà vẫn gắn liền với lý trí và thực tế. Một niềm hy vọng có thể đưa ta tới những ngày cuối cùng của đời mình với một cảm giác về sự biết ơn và mãn nguyện. 

Để làm được điều này quả thật chẳng dễ dàng gì (dĩ nhiên rồi). Và trong thế kỷ hai mươi mốt, nó càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chủ nghĩa hư vô và sự nuông chiều dục vọng đi kèm với nó đang chiếm lĩnh thế giới hiện đại. Nó mạnh mẽ như vậy là vì lợi ích của quyền lực. Thành công vì lợi ích của thành công. Niềm vui vì lợi ích của niềm vui. Chủ nghĩa hư vô thừa nhận rằng không có phạm vi rộng hơn của “tại sao?” Nó bám chặt vào niềm tin rằng không có sự thật hay nguyên nhân lớn nào cả. Nó chỉ đơn giản là “Bởi vì cảm thấy tốt.” Và đó, như ta sẽ thấy, dường như khiến cho mọi thứ trở nên thật tệ.

Nghịch Lý Của Sự Tiến Bộ

Chúng ta đang sống trong một thời đại thú vị mà, nhìn chung, mọi thứ đều tốt đẹp hơn nhiều so với trước đây, thế mà tất cả chúng ta đều dường như mất trí mà cho rằng thế giới này là một cái bồn cầu khổng lồ cần phải xối nước. Một cảm giác vô lý về sự vô vọng đang lan rộng khắp thế giới giàu có, phát triển. Đó chính là nghịch lý của sự phát triển: mọi việc càng trở nên tốt đẹp hơn, dường như chúng ta lại càng cảm thấy bất an và tuyệt vọng hơn.[21]

Trong những năm gần đây, các tác giả như là Steven Pinker và Hans Rosling đã cho thấy chúng ta thật sai lầm khi cảm thấy bi quan đến thế, rằng mọi việc, thực ra, đang tốt hơn bao giờ hết và sẽ còn tiếp tục tốt hơn nữa.[22] Cả hai người đều đưa vào trong cuốn sách dài và nặng ký của mình những bảng biểu bắt đầu tại một điểm và dường như luôn kết thúc ở một điểm đối lập theo cách nào đó.[23] Cả hai người đều giải thích, rất dài, rằng, những định kiến và giả định thiếu chính xác mà chúng ta mang theo đã khiến cho chúng ta cảm thấy rằng sự việc tệ hơn nhiều so với thực tế. Sự tiến bộ, họ cho rằng, vẫn đang tiếp tục diễn ra, không hề bị gián đoạn, trong suốt lịch sử hiện đại. Con người được hưởng giáo dục và biết chữ nhiều hơn bao giờ hết.[24] Bạo lực có xu hứng giảm trong nhiều thập kỷ, có thể là nhiều thế kỷ.[25] Sự phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt đối xử, và bạo lực đối với phụ nữ ở vào mức thấp nhất trong lịch sử.[26] Chúng ta có nhiều quyền lợi hơn bao giờ hết.[27] Một nửa hành tinh được tiếp cận với internet.[28] Nghèo đói ở vào mức thấp nhất từ trước đến nay trên toàn thế giới.[29] Chiến tranh diễn ra ở quy mô nhỏ hơn và ít thường xuyên hơn so với bất kỳ thời điểm nào khác được ghi lại trong lịch sử.[30] Tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn, và mọi người sống lâu hơn.[31] Có nhiều của cải hơn bao giờ hết.[32] Chúng ta, dường như đã chữa trị được hàng loạt các loại bệnh tật.[33]

Và họ đã đúng. Việc biết đến những điều này là rất quan trọng. Nhưng đọc những cuốn sách như thế cũng giống như việc ngồi nghe ông bác Larry của bạn lải nhải rằng hồi mà ổng bằng tuổi bạn mọi thứ còn tệ hại hơn nhiều. Dù cho ổng nói đúng, nó cũng chẳng khiến cho bạn cảm thấy tốt hơn trước những vấn đề của bạn.

Bởi vì, với tất cả những tin tức tốt lành được công bố ngày nay, đây là một số thống kê đáng ngạc nhiên: ở Mỹ, triệu chứng trầm cảm và lo âu đang tăng lên trong vòng tám mươi năm qua ở những người trẻ tuổi và tăng lên trong vòng hai mươi năm qua ở dân số trưởng thành.[34] Số lượng người phải trải qua trầm cảm không chỉ nhiều hơn, mà còn ở độ tưởi sớm hơn, đối với mỗi thế hệ.[35] Kể từ năm 1985, mức độ hài lòng cuộc sống thấp hơn đều được ghi nhận ở cả đàn ông và phụ nữ.[36] Một phần nguyên nhân có lẽ là bởi vì mức độ stress tăng cao trong vòng ba mươi năm qua.[37] Sử dụng thuốc quá liều gần đây ở vào mức cao nhất mọi thời đại khi cơn khủng hoảng thuốc giảm đau đã hủy hoại phần lớn Hoa Kỳ và Canada.[38] Trong toàn bộ dân số Hoa Kỳ, cảm giác cô đơn và cô lập xã hội đang tăng lên. Gần một nửa số người dân Mỹ giờ đây cảm thấy bị cô lập, bị bỏ rơi, hay cô đơn trong cuộc sống của họ.[39] Niềm tin xã hội cũng không chỉ giảm xuống tại các quốc gia phát triển mà còn tụt dốc nữa, có nghĩa là có ít người hơn bao giờ hết tin vào chính phủ của họ, các phương tiện truyền thông, hay tin tưởng lẫn nhau.[40] Vào những năm 1980, khi các nhà nghiên cứu hỏi những người tham gia khảo sát rằng họ đã trao đổi những vấn đề cá nhân quan trọng với bao nhiêu người trong sáu tháng vừa qua, hầu hết trả lời rằng “ba.” Vào năm 2006, câu trả lời phổ biến là “không.”[41]

Trong khi đó, môi trường đang hoàn toàn bị hủy hoại. Những kẻ điên rồ hoặc có quyền tiếp cận với vũ khí hạt nhân hoặc là cố công chạy khỏi nó. Chủ nghĩa cực đoan tiếp tục lớn mạnh trên toàn thế giới — dưới mọi hình thức, khắp mọi ngõ ngách, cả trong tôn giáo lẫn thế giới trần tục. Những người theo thuyết âm mưu, lực lượng dân quân, người theo chủ nghĩa sinh tồn, và các “prepper[42]” (như trong, chuẩn bị cho ngày Tận thế) đang trở thành những tiểu văn hóa phổ biến hơn, đến mức chúng đang gần trở thành những dòng chính thống. 

Về cơ bản, chúng ta là những con người an toàn và thịnh vượng nhất trong lịch sử thế giới, vậy mà ta lại cảm thấy vô vọng hơn bao giờ hết. Mọi việc càng biến chuyển tốt đẹp hơn, ta dường như lại càng tuyệt vọng hơn. Đấy chính là nghịch lý của sự tiến bộ. Và có lẽ điều này có thể được tóm tắt lại trong một thực tế đáng ngạc nhiên: bạn càng sống ở nơi thịnh vượng và an toàn hơn, bạn càng có khuynh hướng tự sát hơn.[43]

Những tiến bộ đáng kinh ngạc về sức khỏe, sự an toàn, và sự dồi dào về của cải vật chất trong vài trăm năm qua là không thể phủ nhận. Nhưng đó là những thống kê về quá khứ, không phải là về tương lai. Và đó là nơi mà hy vọng chắc chắn phải đươc tìm thấy: trong tầm nhìn của chúng ta về tương lai.

Bởi vì hy vọng không hề dựa trên những con số thống kê. Hy vọng chẳng bận tâm đến khuynh hướng thuyên giảm của những ca tử vong vì súng đạn hay tai nạn giao thông nghiêm trọng. Nó chẳng bận tâm tới việc không hề có một chiếc máy bay thương mại nào bị rơi vào năm ngoái hay là đất nước Mông Cổ có tỷ lệ biết đọc và viết rất cao (ờ, trừ phi bạn là một người Mông Cổ).[44] 

Hy vọng không quan tâm tới những vẫn đề đã được giải quyết. Hy vọng chỉ quan tâm tới những vấn đề vẫn cần phải giải quyết. Bởi vì thế giới càng trở nên tốt đẹp hơn, thì chúng ta càng phải đánh đổi nhiều hơn. Và ta càng mất đi nhiều, thì ta càng còn lại ít điều hơn để mà hy vọng.

Để xây dựng và duy trì hy vọng, chúng ta cần tới ba điều: một cảm giác về sự kiểm soát, một niềm tin vào giá trị của một điều gì đó, và một cộng đồng.[45] “Kiểm soát” có nghĩa là ta cảm thấy như thể ta đang làm chủ cuộc đời mình, rằng ta có thể tác động tới số phận của mình. “Các giá trị” có nghĩa là ta tìm thấy một điều gì đó đủ quan trọng để thực hiện, một điều gì đó tốt đẹp hơn, xứng đáng để ta cố gắng vì nó. Và “cộng đồng” có nghĩa chúng ta là một phần trong một nhóm người cùng coi trọng điều giống với chúng ta và hành động để đạt tới điều đó. Không có cộng đồng, chúng ta cảm thấy bị cô lập, và các giá trị của chúng ta không còn ý nghĩa gì nữa cả. Không có các giá trị, chẳng điều gì còn có vẻ xứng đáng để theo đuổi nữa. Và không có sự kiểm soát, chúng ta cảm thấy bất lực khi theo đuổi bất cứ điều gì. Mất đi một trong ba điều này, và bạn cũng sẽ mất nốt hai điều còn lại. Mất đi một trong ba điều này, và bạn sẽ mất đi hy vọng.   

Để có thể hiểu vì sao ta lại khổ sở trong cơn khủng hoảng về hy vọng như hiện nay, chúng ta cần phải hiểu được cơ chế của hy vọng, rằng nó được hình thành và duy trì như thế nào. Ba chương tiếp theo sẽ nhìn vào việc chúng ta phát triển ba khía cạnh này trong cuộc sống của mình như thế nào: cảm giác của chúng ta về sự kiểm soát (chương 2), các giá trị của chúng ta (chương 3), và các cộng đồng của chúng ta (chương 4).

Sau đó chúng ta sẽ quay trở lại với câu hỏi ban đầu: điều gì xảy ra trong thế giới của chúng ta đã khiến cho ta cảm thấy tệ hơn bất chấp việc mọi thứ đang không ngừng trở nên tốt đẹp hơn?

Và câu trả lời có thể sẽ làm bạn ngạc nhiên.

------------------------

Chú thích

[1] Công viên Trung tâm (Central Park) là một công viên công cộng ở trung tâm Manhattan thuộc Thành phố New York, Hoa Kỳ. Công viên ban đầu mở cửa năm 1857, trên 843 mẫu Anh trên khu đất thuộc sở hữu thành phố.

[2] Chăn Snuggie: một loại chăn nỉ có ống tay của hãng Snuggie

[3] Witold Pilecki (13/5/1901 – 25/5/1948) là sĩ quan kỵ binh người Ba Lan, đặc vụ tình báo, và lãnh đạo kháng chiến. Ông từng là một Rotmistrz (đội trưởng) trong quân đội Ba Lan trong cuộc chiến tranh Ba Lan – Liên Xô, và Thế chiến 2. Ông còn là người sáng lập ra Quân đội Bí mật Ba Lan (Tajna Armia Polska), một nhóm kháng chiến trong vùng lãnh thổ Ba Lan bị quân Đức chiếm đóng, và sau này là một thành viên của Quân đội nội địa (Armia Krajowa) hoạt động ngầm. Ông là tác giả của các báo cáo Witold, báo cáo tình báo toàn diện đầu tiên về trại tập trung Auschwitz và nạn diệt chủng. Pilecki được xem là “một trong những vị anh hùng chiến tranh vĩ đại nhất” bởi vì những đóng góp của ông trong nỗ lực mang lại hòa bình cho thế giới.

[4] Trại tập trung Auschwitz là một mạng lưới các trại tập trung và trại hủy diệt do Đức Quốc xã dựng lên tại vùng lãnh thổ Ba Lan bị nước này thôn tính trong chiến tranh thế giới thứ hai. Trại bao gồm Auschwitz I (trại đầu tiên), Auschwitz II–Birkenau (tổ hợp trại tập trung và trại hủy diệt), Auschwitz III–Monowitz (trại lao động cung cấp nhân lực cho nhà máy của IG Farben), và 45 trại vệ tinh.

Auschwitz I ban đầu được xây dựng để giam giữ tù nhân chính trị Ba Lan, những người bắt đầu đến trại vào tháng 5 năm 1940. Đợt hành quyết tù nhân đầu tiên diễn ra vào tháng 9 năm 1941 và Auschwitz II–Birkenau đã tiến đến trở thành địa điểm thực thi chính của kế hoạch "Giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái". Giai đoạn từ đầu năm 1942 đến cuối năm 1944, những chuyến tàu vận chuyển đã đưa người Do Thái từ khắp mọi vùng lãnh thổ châu Âu do Đức chiếm đóng đến các phòng hơi ngạt của Auschwitz, nơi họ bị giết bằng thuốc trừ sâu Zyklon B. Có ít nhất 1,1 triệu tù nhân đã bỏ mạng ở Auschwitz, khoảng 90% trong số đó là người Do Thái; những thành phần khác bị trục xuất đến trại gồm có 150.000 người Ba Lan, 23.000 người Di-gan, 15.000 tù binh chiến tranh Liên Xô, 400 tín hữu Nhân chứng Jehovah, và hàng chục ngàn người sở hữu các quốc tịch khác nhau, trong đó có một số lượng không rõ người đồng tính. Hầu hết những người không bị giết trong các phòng hơi ngạt đã chết vì đói, lao động quá sức, bệnh tật, hành quyết đơn lẻ, và các thí nghiệm y khoa.

[5] Blitzkrieg, (hay được dịch là chiến tranh chớp nhoáng) là một từ tiếng Đức mô tả cách thức tiến hành chiến tranh của Quân đội Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nhắm đến mục tiêu nhanh chóng bao vây tiêu diệt chủ lực đối phương bằng các mũi vận động thọc sâu của các đơn vị xe tăng - cơ giới hoá hợp thành tập trung sau khi đã phá vỡ phòng tuyến với sự hỗ trợ của không quân

[6] MacGyver (tựa tiếng Việt là Siêu đặc vụ MacGyver) là một bộ phim truyền hình hành động, phiêu lưu được phát triển bởi Peter M. Lenkov với sự tham gia của Lucas Till trong vai Angus MacGyver. Đây là tác phẩm khởi động lại của loạt phim truyền hình cùng tên được sáng tạo bởi Lee David Zlotoff phát sóng từ năm 1985 đến 1992 trên kênh ABC. Bộ phim công chiếu vào ngày 23 tháng 9 năm 2016 trên kênh truyền hình CBS.

[7] “Nhà tắm” (nguyên văn tiếng Anh: “shower” barrack) dùng để chỉ phòng hơi ngạt trong trại tập trung Auschwitz, có thiết kế giống với phòng tắm. Phòng hơi ngạt là một thiết bị dùng để giết chết người hoặc động vật bằng khí độc, bao gồm một buồng kín trong đó một khí độc hoặc khí gây ngạt được phun vào. Các khí độc thường được sử dụng nhất là HCN; CO2 và CO cũng đã được sử dụng.

Các phòng hơi ngạt đã được sử dụng như một phần của chương trình trợ tử của Đức Quốc xã nhằm loại bỏ những người khuyết tật về thể chất và trí tuệ. Ngoài những người khuyết tật, những trung tâm này cũng được sử dụng để giết các tù nhân được chuyển từ các trại tập trung ở Đức, Áo và Ba Lan. Bắt đầu từ năm 1941, các phòng hơi ngạt đã được sử dụng tại các trại hủy diệt ở Ba Lan để giết người Do Thái, Roma và các nạn nhân khác của Holocaust. Để tìm kiếm các phương pháp giết người hiệu quả hơn, Đức quốc xã đã thử nghiệm sử dụng chất khử trùng Zyklon B dựa trên hydro cyanide tại trại tập trung Auschwitz. Phương pháp này đã được áp dụng cho các vụ giết người hàng loạt tại các trại ở Auschwitz và Majdanek. Có tới 6000 nạn nhân bị giết bằng Zyklon-B mỗi ngày tại Auschwitz.

 

[8] Dwight David "Ike" Eisenhower (14/10/1890 – 28/3/1969) là một vị Thống tướng Lục quân Hoa Kỳ và là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34 từ năm 1953 đến 1961. Trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai, ông phục vụ với tư cách là tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh tại châu Âu, có trách nhiệm lập kế hoạch và giám sát cuộc tiến công xâm chiếm thành công vào nước Pháp và Đức năm 1944 – 1945 từ mặt trận phía Tây. Năm 1951, ông trở thành tư lệnh tối cao đầu tiên của NATO.

 

[9] Sir Winston Leonard Spencer-Churchill (30/11/1874- 24/1/1965) là một nhà chính trị người Anh, nổi tiếng nhất với cương vị Thủ tướng Anh trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai. Ông từng là một người lính, nhà báo, tác giả, họa sĩ và chính trị gia. Churchill, nói chung, được coi là một trong những nhà lãnh đạo quan trọng nhất trong lịch sử Anh. Ông là Thủ tướng Anh duy nhất nhận giải Nobel Văn học và là người đầu tiên được công nhận là Công dân danh dự Hoa Kỳ

[10] Tweetstorm (bão bài đăng Twitter) là một chuỗi các tweet, thường được đánh số, từ một người dùng duy nhất, nói về một chủ đề dài. Trước đây nhiều người dùng phải chia sẻ các bài đăng có đánh số trên một chủ đề với bạn bè và người theo dõi. Nhưng với tính năng Threats mới, các bài đăng theo chủ đề này sẽ được liên kết với nhau gọn gàng và dễ theo dõi hơn.

[11] Cơn giận dữ đồi bại (outrage porn): còn được gọi là nền văn hóa giận dữ (outrage culture) chỉ tất cả các hình thức truyền thông được xây dựng nhằm khiêu khích sự giận dữ của khán giả nhằm mục đích thu hút lượng truy cập hay sự chú ý trên mạng. Cụm từ ‘outrage porn’ được kiến tạo bởi họa sĩ vẽ tranh biếm họa về chủ đề chính trị Tim Kreider của tờ The New York Times. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2009, cụm từ này sau đó trở nên phổ biến bởi tác giả và nhà bình luận xã hội Ryan Holiday.

[12] Starbucks là một thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới. Hãng cà phê Starbucks có trụ sở chính ở Seattle, Washington, Hoa Kỳ.

[13] A. J. Zautra, Emotions, Stress, and Health (New York: Oxford University Press, 2003), trang 15–22.

[14] Tôi không sử dụng từ hy vọng trong cuốn sách này theo cái cách mà nó thường được sử dụng trong học thuật. Hầu hết các học giả sử dụng từ “hy vọng” để diễn tả một cảm giác về sự lạc quan: một sự kỳ vọng hoặc niềm tin về tính khả thi của những kết quả tích cực. Định nghĩa này chỉ là một phần và bị hạn chế. Tinh thần lạc quan có thể nuôi dưỡng hy vọng, nhưng nó với hy vọng không phải là một. Tôi có thể không có kỳ vọng nào về việc một điều tốt đẹp hơn sẽ xảy ra, nhưng tôi vẫn có thể hy vọng vào nó. Và niềm hy vọng đó vẫn có thể mang đến cho cuộc đời tôi một cảm giác về ý nghĩa và mục đích bất chấp mọi bằng chứng về điều ngược lại. Không, với nghĩa“hy vọng”, tôi muốn ám chỉ một động lực hướng đến một điều gì đó được xem như là có giá trị, mà đôi khi được diễn tả là “mục đích” hay “ý nghĩa” trong các tài liệu học thuật. Như là một kết quả, với thảo luận của tôi về hy vọng, tôi sẽ viện dẫn nghiên cứu về lý thuyết động lực và giá trị, và trong nhiều trường hợp, cố gắng hợp nhất chúng lại với nhau.  

[15] M. W. Gallagher and S. J. Lopez, “Positive Expectancies and Mental Health: Identifying the Unique Contributions of Hope and Optimism,” Journal of Positive Psychology 4, số 6 (2009): 548–56.

[16] Đây gần như chắc chắn là một lời nói quá.

[17] Mời đọc Ernest Becker, The Denial of Death (New York: Free Press, 1973)

[18] Tôi có được phép trích dẫn lời của mình không nhỉ? Mẹ nó chứ, tôi sẽ trích dẫn lời của mình. Hãy đọc Mark Manson, “7 Strange Questions That Help You Find Your Life Purpose,” Mark Manson.net, 18/9/2014, https://markmanson.net/life-purpose

[19] Về các số liệu về tín ngưỡng và tự tử, hãy đọc Kanita Dervic, MD, bài “Religious Affiliation and Suicide Attempt,” American Journal of Psychiatry 161, số 12 (2004): 2303–8. Với các số liệu về tín ngưỡng và trầm cảm, hãy đọc Sasan Vasegh bài “Religious and Spiritual Factors in Depression,” Depression Research and Treatment, phát hành online vào ngày 18/9/2012, tại 10.1155/2012/298056.

[20] Các nghiên cứu được thực hiện trên hơn 132 quốc gia cho thấy một đất nước càng thịnh vượng hơn, thì người dân ở đó càng phải vật lộn nhiều hơn với cảm giác về ý nghĩa và mục đích. Đọc thêm Shigehiro Oishi và Ed Diener, “Residents of Poor Nations Have a Greater Sense of Meaning in Life than Residents of Wealthy Nations,” Psychological Science 25, số 2 (2014): 422–30

[21] Sự bi quan đang lan rộng trong thế giới giàu có, phát triển. Khi công ty thu thập dữ liệu công chúng YouGov khảo sát người dân ở mười bảy quốc gia vào năm 2015 về việc họ có tin rằng thế giới đang trở nên tốt đẹp hơn, hay là vẫn y như vậy, chỉ có ít hơn 10 phần trăm số người ở những quốc gia giàu nhất tin rằng nó đang tốt đẹp hơn. Ở Mỹ, chỉ 6% số người làm khảo sát nói rằng nó đang tốt hơn. Ở Úc và Pháp, con số này chỉ là 3%. Đọc Max Roser, “Good News: The World Is Getting Better. Bad News: You Were Wrong About How Things Have Changed,” World Economic Forum, số phát hành 15/8/2018, https://www.weforum.org/agenda/2018/08/good-news-the-world-is-getting-better-bad-news-you-were-wrong-about-how-things-have-changed

[22] Cuốn sách mà tôi nhắc đến là Enlightenment Now: The Case for Reason, Science, Humanism, and Progress (New York: Viking, 2018) của Steven Pinker, và Factfulness: Ten Reasons We’re Wrong About the World—And Why Things Are Better Than You Think (New York: Flatiron Books, 2018) của Hans Rosling. Ở đây tôi ghim hai tác giả này lại với nhau, nhưng đó là hai cuốn sách quan trọng và xuất sắc khác nhau.

[23] Cụm từ “điểm đến điểm” là một ý trong bài viết xuất sắc cùng chủ đề của Andrew Sullivan. Đọc thêm Andrew Sullivan, “The World Is Better Than Ever. Why Are We Miserable?” Intelligencer, số phát hành ngày 3/9/2018

[24] Max Roser và Esteban Ortiz-Ospina, “Global Rise of Education,” xuất bản online tại OurWorldInData.org, 2018, https://ourworldindata.org/global-rise-of-education

[25] Để hiểu thấu đáo về sự giảm thiểu của bạo lực trong lịch sử, không thể bỏ qua cuốn sách của Pinker. Mời đọc Steven Pinker, The Better Angels of Our Nature: Why Violence Has Declined (New York: Penguin Books, 2012).

[26] Pinker, Enlightenment Now, trang 214–32.

[27] Ibid., trang 199–213.

[28] “Internet Users in the World by Regions, June 30, 2018,” biểu đồ tròn, InternetWorldStats.com, https://www.internetworldstats.com/stats.htm

[29] Diana Beltekian và Esteban Ortiz-Ospina, “Extreme Poverty Is Falling: How Is Poverty Changing for Higher Poverty Lines?” ngày 5/3/2018, Our WorldInData.org, https://ourworldindata.org/poverty-at-higher-poverty-lines

[30] Pinker, The Better Angels of Our Nature, trang 249–67.

[31] Pinker, Enlightenment Now, trang 53–61.

[32] Ibid., trang 79–96

[33] Vaccine có lẽ sự tiến bộ vĩ đại nhất của loài người trong một trăm năm qua. Một nghiên cứu cho thấy chiến dịch tiêm chủng vaccine toàn cầu của WHO vào những năm 1980 đã giúp ngăn ngừa hai mươi triệu ca bệnh nguy hiểm trên toàn cầu và giúp tiết kiệm $1.53 nghìn tỷ tiền chi phí chăm sóc sức khỏe. Đây là một phần lý do tại sao phong trào chống vaccine lại đáng giận đến thế. Đọc thêm Walter A. Orenstein và Rafi Ahmed, “Simply Put: Vaccinations Save Lives,” PNAS 114, số 16 (2017): 4031–33.

[34] G. L. Klerman và M. M. Weissman, “Increasing Rates of Depression,” Journal of the American Medical Association 261 (1989): 2229–35. Đọc thêm J. M. Twenge, “Time Period and Birth Cohort Differences in Depressive Symptoms in the U.S., 1982–2013,” Social Indicators Research 121 (2015): 437–54.

[35] Myrna M. Weissman, PhD, Priya Wickramaratne, PhD, Steven Greenwald, MA, “The Changing Rates of Major Depression,” JAMA Psychiatry 268, số 21 (1992): 3098–105.

[36] . M. Herbst, “‘Paradoxical’ Decline? Another Look at the Relative Reduction in Female Happiness,” Journal of Economic Psychology 32 (2011): 773–88

[37] S. Cohen và D. Janicki-Deverts, “Who’s Stressed? Distributions of Psychological Stress in the United States in Probability Samples from 1983, 2006, and 2009,” Journal of Applied Social Psychology 42 (2012): 1320–34

[38] Đọc thêm Andrew Sullivan, “The Poison We Pick,” New York Magazine, tháng 2/2018, http://nymag.com/intelligencer/2018/02/americas-opioid-epidemic.html

[39] “New Cigna Study Reveals Loneliness at Epidemic Levels in America,” Cigna’s Loneliness Index, 1/5/2018, https://www.multivu.com/players/English/8294451-cigna-us-loneliness-survey/

[40] Edelman Trust Index nhận thấy một sự tiếp tục giảm niềm tin xã hội ở thế giới phát triển. Đọc thêm “The 2018 World Trust Barometer: World Report,” https://www.edelman.com/sites/g/files/aatuss191/files/2018-10/2018_Edelman_Trust_Barometer_Global_Report_FEB.pdf

[41] Miller McPherson, Lynn Smith-Lovin, và Matthew E. Brashears, “Social Isolation in America: Changes in Core Discussion Networks over Two Decades,” American Sociological Review 71, số 3 (2006): 353–75.

[42] prepper: chỉ cộng đồng người luôn tích cực chuẩn bị để ứng phó với những thảm họa toàn cầu như: khủng hoảng kinh tế, chính trị, biến đổi khí hậu, bệnh dịch tràn lan hay thậm chí là... tận thế

[43] Các quốc gia giàu có, nhìn chung, có tỉ lệ tự sát cao hơn so với các nước nghèo. Dữ liệu có thể được tìm thấy trên website của WHO, “Suicide Rates Data by Country,” http://apps.who.int/gho/data/node.main.MHSUICIDEASDR?lang=en  Tự sát ở những khu vực giàu có cũng cao hơn so với khu người nghèo. Đọc thêm Josh Sanburn, “Why Suicides Are More Common in Richer Neighborhoods,” Time, 8/11/2012, http://business.time.com/2012/11/08/why-suicides-are-more-common-in-richer-neighborhoods/

[44] Nhân tiện thì mỗi một điều này đều đúng cả.

[45] Định nghĩa ba phần của tôi về hy vọng là sự hợp nhất các lý thuyết về động lực, giá trị và ý nghĩa. Kết quả là, tôi đã kết hợp một vài mô hình học thuật khác nhau để phù hợp với mục đích của mình.

Đầu tiên là lý thuyết tự quyết, trong đó nêu rõ rằng chúng ta cần tới ba điều để cảm thấy có động lực và thỏa mãn trong cuộc sống: tự chủ, năng lực và sự liên quan. Tôi đã hợp nhất quyền tự chủ và năng lực dưới chiếc ô "làm chủ bản thân" và, vì những lý do sẽ trở nên rõ ràng trong chương 4, tôi định hình lại sự liên quan thành "cộng đồng". Một điều tôi tin là bị thiếu trong lý thuyết tự quyết - hay, đúng hơn, điều được ngụ ý nhưng chưa bao giờ tuyên bố - là có một thứ đáng để thúc đẩy, rằng có một thứ gì đó có giá trị trên thế giới này đang tồn tại và xứng đáng được theo đuổi. Đó là nơi mà thành phần thứ ba của hy vọng xuất hiện: các giá trị.

Để hiểu được giá trị hoặc mục đích, tôi đã rút ra từ mô hình "ý nghĩa" của Roy Baumeister. Trong mô hình này, chúng ta cần tới bốn điều để cảm thấy rằng cuộc đời của mình có ý nghĩa: mục đích, các giá trị, hiệu quả, và tự tôn. Một lần nữa, tôi lại đưa "hiệu quả" vào dưới chiếc ô của "tự tôn." Ba thứ khác, tôi đưa vào phần "giá trị", những điều mà chúng ta tin là có giá trị và quan trọng và khiến chúng ta cảm thấy tốt đẹp về bản thân. Chương 3 sẽ phân tích sự hiểu biết của tôi về các giá trị. Để tìm hiểu thêm về lý thuyết tự quyết, mời đọc R. M. Ryan và E. L. Deci, “Self-Determination Theory and the Facilitation of Intrinsic Motivation, Social Development, and Well-being,” American Psychologist 55 (2000): 68–78. Đối với mô hình của Baumeister, mời đọc Roy Baumeister, Meanings of Life (New York: Guilford Press, 1991), trang. 29–56.

 

(hết chương 1)

Dịch bởi: Hương Đào

menu
menu