"Good enough parent: CHA MẸ ĐỦ TỐT"
Cụm từ này được tôi sửa đổi đi từ thuật ngữ gốc "Good enough mother: Người mẹ đủ tốt" của nhà phân tâm học D. W. Winnicott, được ông đề xuất lần đầu trong cuốn sách "Playing and Reality".
Cụm từ này được tôi sửa đổi đi từ thuật ngữ gốc "Good enough mother: Người mẹ đủ tốt" của nhà phân tâm học D. W. Winnicott, được ông đề xuất lần đầu trong cuốn sách "Playing and Reality". Vậy như thế nào gọi là "Cha mẹ đủ tốt" và tại sao nó nên được sử dụng để thay đổi cho cái gọi là "Nuôi dạy con cái chuyên sâu: Intensive Parenting"?
Được thổi bùng thành một phong trào tại Mỹ và sau đó lan ra rất nhiều các quốc gia khác (tôi cho rằng cũng hiện diện tại Việt Nam), khái niệm "Intensive Parenting" bao gồm các đặc điểm chính như sau:
- Lấy trẻ làm trung tâm (Child-centered): trẻ em phải là trung tâm của sự chú ý của cha mẹ, ngay cả khi cha mẹ phải trả giá bằng các nhu cầu của chính mình.
- Được hướng dẫn bởi chuyên gia (Expert-guided): đề cập đến áp lực buộc cha mẹ phải dựa vào kiến thức của các chuyên gia về cách để nuôi dạy con cái được tốt nhất.
- Sử dụng nhiều nguồn lực chuyên sâu: đề cập đến thời gian và tiền bạc dự kiến đầu tư vào trẻ em, bao gồm tầm quan trọng của việc "hiện diện với trẻ: being there for the children", cũng như tầm quan trọng của việc đầu tư vào trẻ em để mang lại một khởi đầu thuận lợi trong cuộc sống (ví dụ: đăng ký rất nhiều các lớp học ngoại khoá cho trẻ).
- Thẩm thấu cảm xúc: đề cập tới những cảm xúc, sự xấu hổ, lo lắng, và cảm giác tội lỗi liên quan tới quá trình nuôi dạy con cái một cách tốt/ hiệu quả.
Ảnh: Hideaki Takemura/Unsplash
Vậy, làm cha mẹ chuyên sâu (Intensive) có mang lại lợi lạc cho cha mẹ và trẻ nhỏ hay không? Kết quả là rất phức tạp. Mặc dù rất nhiều nghiên cứu đã ủng hộ sự tham gia của cha mẹ vào việc giáo dục con cái (Parental Involvement) được coi như là một chỉ báo cho sự thành công trong tương lai của trẻ. Tuy nhiên, sự tham gia ở một mức độ cực hạn, trong trường hợp của Intensive Parenting (vd: hy sinh nhu cầu của bản thân mình hoặc đầu tư cho trẻ một cách quá mức mà gia đình có thể đáp ứng được trong thực tế) lại dường như phản tác dụng. Nghiên cứu của Schiffrin và cộng sự (2015) đã cho thấy việc Làm cha mẹ chuyên sâu (Intensive) đã dự đoán sự gia tăng các hành vi chống lại việc giải quyết vấn đề (anticipatory problem solving) ở cha mẹ, và cũng không mang lại lợi thế gì cho trẻ trong các kết quả phát triển.
Trong khái niệm "Cha mẹ đủ tốt" của mình, Winnicott chống lại ý niệm rằng "Trẻ em mong muốn có một bậc cha mẹ hoàn hảo". Ông cho rằng, một "người cha mẹ đủ tốt" sẽ:
- Trong những năm tháng/ giai đoạn ban đầu: Người cha mẹ đủ tốt sẽ thích nghi hoàn toàn với nhu cầu của đứa trẻ. (Họ) trở nên nhạy cảm với các tín hiệu từ trẻ và sẽ đáp ứng một cách tận tình, chu đáo các yêu cầu từ trẻ.
- Tuy nhiên, trong những tháng năm sau đó, cha mẹ phải dần dần trì hoãn việc đáp ứng nhu cầu của trẻ ngay tức khắc. Cha mẹ cần tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm "khoảnh khắc chờ đợi" và những sự độc lập nhất định. Winnicott nhấn mạnh rằng, những khoảnh khắc chờ đợi này phải đi từ ngắn rồi dần dần tới dài - và nó không được đánh đồng với việc "thờ ơ với nhu cầu của trẻ".
Tiến sĩ Marilyn Wedge cho rằng, ý tưởng về "Cha mẹ đủ tốt" của Winnicott phù hợp với mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái theo từng giai đoạn phát triển của trẻ. Trong những năm tháng đầu đời, khi đứa trẻ "nhập thể" với cha mẹ của chúng, không phân tách giữa cái tôi của chính mình và hình ảnh cha mẹ thì việc cha mẹ trở nên nhạy cảm với nhu cầu của trẻ và đáp ứng chúng là rất cần thiết. Bởi lúc này, đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sự đáp ứng của cha mẹ (từ các nhu cầu sinh học, cho tới tình thương). Nếu cha mẹ trì hoãn nhu cầu của em bé quá lâu, hoặc ngó lơ em trong giai đoạn này thì có thể sẽ làm "vỡ tan" niềm tin của em về thế giới bên ngoài. Bởi (với trẻ) trong giai đoạn này, niềm tin vào cha mẹ "nhập làm một" với niềm tin vào thế giới.
Tuy nhiên, khi đứa trẻ dần lớn lên, và có được các kỹ năng cụ thể cho việc "tồn tại một cách độc lập hơn", thì cha mẹ cần để cho trẻ có không gian để độc lập, và tách mình ra khỏi hình ảnh phụ thuộc vào cha mẹ, dần dần có nhận thức về thực tại (vượt ra bên ngoài) hình ảnh của cha mẹ. "Tóm lại, với sự nuôi dạy đủ tốt của cha mẹ, đứa trẻ có khả năng sống trong hai thế giới: một bên là thế giới ảo ảnh, kỳ ảo và phép thuật, và một bên là thế giới thực, nơi mà không phải lúc nào cũng phù hợp với mong muốn của trẻ."
Winnicott cũng chống lại ý tưởng rằng "Có một công thức chung dành cho tất cả các bậc cha mẹ: One-size-fits-all". Ông cho rằng "Luôn có một không gian cho tất cả các kiểu nuôi dạy con cái cùng tồn tại" và thậm chí Winnicott còn đi xa tới việc nhắc nhở cha mẹ rằng "Bạn (mới) chính là chuyên gia trong việc nuôi dạy con cái của mình. Tôi khuyến khích bạn giữ gìn và che chở cho những kiến thức này. (vì việc nuôi dạy con cái) là không thể được dạy (bởi người khác)". (Lời người viết: Ý tưởng của Winnicott về kiến thức của cha mẹ về chính bối cảnh nuôi dạy con cái của mình là đúng đắn. Tuy nhiên, không thể phủ định rằng có những giai đoạn, tình huống mà trong đó cha mẹ cần tới sự trợ giúp chuyên nghiệp từ chuyên gia/ hoặc người khác. Tuy nhiên, ở đây Winnicott sử dụng từ "dạy" là rất chính xác. Bởi, chuyên gia hay người khác chỉ có thể trợ giúp, trở thành nguồn lực thứ cấp cho cha mẹ. Họ không thể "dạy" cha mẹ nuôi dạy con cái).
Việc nuôi dạy con cái ngày càng được truyền thông đẩy lên một cách quá mức. Những hình ảnh về "người cha mẹ hoàn hảo: vừa đảm việc nhà, dạy con giỏi, xinh đẹp, độc lập tài chính, cư xử nhẹ nhàng, thành công trong sự nghiệp, có vợ/ chồng yêu thương hết mực", hay những lời hiệu triệu rằng "cha mẹ luôn phải hiện diện ngay-tại-đây-và-bây-giờ với trẻ", hay "cha mẹ là phước đức của con cái"... đã ếm lên thân thể cha mẹ một lá bùa "Hoàn hảo và Kiệt sức". Những điều này có thể khiến cha mẹ luôn cảm thấy "mình làm như thế này là chưa đủ tốt" hoặc "mình là cha mẹ tồi", hay "con mình sẽ không phát triển được tốt như con nhà người ta" và rồi, chính những điều đó, quay ngược trở lại, như một "lời tiên tri tự hoàn thành" đưa cha mẹ, con cái, và gia đình đi vào đúng con đường mà họ đang lo sợ.
- Hãy chấp nhận rằng không bao giờ tồn tại một hình ảnh cha mẹ hoàn hảo
- Hãy chấp nhận rằng tiêu chí nuôi dạy con cái của mỗi gia đình là khác nhau
- Hãy chấp nhận rằng "con cái của chúng ta là khác nhau" nên không bao giờ có một công thức chung cho việc nuôi dạy con cái
- Hãy trở nên thực tế và chú ý tới bối cảnh mà gia đình đang tồn tại để trở nên phù hợp
- Hãy cho phép bản thân mình và con cái được nghỉ ngơi, được phạm sai lầm, được có cơ hội để sửa chữa những sai lầm ấy
- Hãy tìm kiếm những nguồn lực trong chính bản thân mình, người bạn đời của mình, con cái của mình, gia đình và các mối quan hệ của mình... để trợ giúp cho những lúc khó khăn trong việc nuôi dạy con
- Hãy tìm tới chuyên gia khi thực sự cần thiết, và hãy từ chối tất cả những ai tự xưng là chuyên gia, nhưng lại làm cho bạn cảm thấy "kém giá trị" "xấu hổ" và "tội lỗi" về chính bản thân và gia đình của mình để rồi sau đó bán cho bạn một công thức duy nhất dạng Bước 1 là, bước 2 là.
"Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
đêm qua, sân trước, một nhành Mai"
* Người viết: Nguyễn Minh Thành, NCS.TS tâm lý học (Clinical), Thạc sĩ khoa học trong tâm lý học Phát triển và Giáo dục.
* Tài liệu tham khảo
1: Gauthier, A. H., Bryson, C., Fadel, L., Haux, T., Koops, J., & Mynarska, M. (2021). Exploring the concept of intensive parenting in a three-country study. Demographic Research, 44, 333-348.
2: Marilyn Wedge. (2016). What Is a "Good Enough Mother"? Psychology Today.
3: Schiffrin, H. H., Godfrey, H., Liss, M., & Erchull, M. J. (2015). Intensive parenting: Does it have the desired impact on child outcomes? Journal of Child and Family Studies, 24, 2322-2331.