Hiệu ứng Einstein: Khi con người ta sẵn sàng tin vào những thứ ngớ ngẩn, miễn là... khoa học bảo thế
Bạn đã bao giờ tin vào những thứ mà bản thân không hề hiểu về nó chưa?
"Sự gián đoạn là phản đề của cảm hứng. Sự phức tạp của hiện tại dường như đòi hỏi sự tiết lộ của hy vọng nếu chúng ta muốn tồn tại. Cuộc sống này chẳng có gì ngắn ngủi bằng sự thẩm thấu hiểu biết về thần thoại..."
Đoạn văn trên, nếu bạn thấy nó nhảm nhí thì... đúng rồi, nó nhảm thật. Đó là đoạn văn từ cỗ máy "Sản xuất điều nhảm nhí thế hệ mới", với thuật toán cho phép kết hợp các từ ngữ thông dụng và có vẻ học thuật để tạo ra những đoạn văn đầy hầm hố, nhưng... vô nghĩa.
Nhưng để làm gì? Một nhóm các nhà nghiên cứu đã sử dụng đoạn văn được tạo ra từ cỗ máy này và đưa cho nhiều người, xem liệu họ có thấy chúng đáng tin nếu như biết rằng chúng đến từ một nhà khoa học, hoặc lãnh tụ tôn giáo.
Tổng cộng, có hơn 10.000 người từ 24 nước tham gia vào thử nghiệm này. Họ phải trả lời những câu hỏi liên quan đến độ tin cậy của chúng, đồng thời tiết lộ mức độ tín ngưỡng của bản thân.
Kết quả cho thấy, đa số cho rằng các thông điệp nhảm nhí trên đáng tin hơn nếu chúng do một nhà khoa học tuyên bố, thay vì lãnh tụ tôn giáo. Trong đó 74% tin vào khoa học, trong khi lãnh tụ tôn giáo chỉ là 55%.
Thậm chí, những người có tín ngưỡng tôn giáo cao cũng có xu hướng tin vào tuyên bố của khoa học hơn là lãnh tụ tôn giáo, dù tỉ lệ có thấp hơn một chút.
Albert Einstein in 1947. (Public Domain)
Các tác giả nghiên cứu cho rằng kết quả trên có liên quan đến "Hiệu ứng Einstein" - khi độ tin cậy của một thông tin phụ thuộc vào độ tin cậy của người đưa ra nó.
"Từ góc độ tiến hóa, việc tôn trọng những ý kiến từ người đáng tin như giáo viên, bác sĩ, khoa học gia là chiến lược phù hợp để thu nhận và truyền tải kiến thức hiệu quả. Trên thực tế, nếu nguồn tin được cho là từ một chuyên gia đáng tin, mọi người sẽ tin vào nguồn tin ấy, bất kể có thực sự hiểu về nó hay không," - tác giả nghiên cứu cho biết.
Nó giống như Einstein vậy. Những gì thiên tài vật lý hiểu được nằm ngoài tầm hiểu biết của công chúng. Nhưng người ta buộc phải tin tưởng những gì ông nói, vì ông đáng tin.
Dĩ nhiên, các thông tin đến từ khoa học nhìn chung là đáng tin cậy. Và cũng thật may mắn là giới khoa học vẫn luôn khuyến khích các ý kiến hoài nghi và phản bác mỗi khi họ đưa ra kết luận gì đó.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Human Behaviour.
Nguồn: Science Alert
Theo J.D - Pháp luật và bạn đọc