Khi ai đó cho ta biết cuộc đời đã đối xử với họ ra sao

khi-ai-do-cho-ta-biet-cuoc-doi-da-doi-xu-voi-ho-ra-sao

Chúng ta hiếm khi trải qua cả một tuần mà không va phải những hành vi vô tâm hay gây tổn thương.

Chúng ta hiếm khi trải qua cả một tuần mà không va phải những hành vi vô tâm hay gây tổn thương. Đồng nghiệp nào đó khiến ta cảm thấy mình chẳng có giá trị, bỏ qua thông điệp mà ta đang cố gắng chia sẻ. Một người bạn cho thấy sự nghiệp của họ quan trọng hơn mối quan hệ với ta. Hay một người ta đang để ý lại lúc thì nhiệt tình, lúc lại lạnh nhạt, khiến ta chẳng hiểu mô tê gì mà chỉ thấy tủi thân.

Những lúc như vậy, ta dễ rơi vào suy nghĩ bi quan về con người, chỉ muốn phủ chăn kín đầu và bỏ mặc thế giới ngoài kia. Nhưng có một cách nhìn khác có thể giúp ta hiểu rõ hơn tình huống đang diễn ra:

Ai đó đang cho ta biết cuộc đời đã đối xử với họ ra sao.

Điều này nghĩa là cách họ đang gây rối lòng ta thực chất là sự lặp lại trong vô thức những gì mà chính họ từng phải chịu đựng từ ai đó trong quá khứ – có thể là một người thân thiết trong thời thơ ấu. Họ đang diễn theo một kịch bản vô hình, một kịch bản được truyền lại từ một người thầy, người mẫu không hoàn hảo, nhưng có sức ảnh hưởng lớn.

Isaac Israëls, Portrait of a Wounded KNIL Soldier, 1882

Suy nghĩ này mang lại hai lợi ích tức thì. Đầu tiên, nó giúp ta nhận ra rằng hành vi gây khó chịu đó chẳng liên quan gì mấy đến ta. Nó đã bắt đầu từ lâu trước khi ta xuất hiện và không hề bùng phát bởi điều gì “không ổn” trong con người ta như ta hay lo sợ. Ta không phải chịu đựng vì tội lỗi nào của mình hay bị phán xét bởi những thiếu sót bí mật trong tâm hồn; ta chỉ vô tình là người hứng chịu nỗi đau đã khởi nguồn từ nơi khác, vì những lý do đầy buồn bã từ lâu lắm rồi.

Hơn nữa, câu nói này cho ta quyền tự mình điều tra, làm “thám tử tâm lý” của chính mình. Thay vì thụ động chấp nhận những lời xúc phạm hay cách đối xử tệ bạc, ta có thể xoay ngược tình thế, lấy lại sự chủ động và bắt đầu ghép nối những mảnh ghép để giải đáp bí ẩn về động cơ của người khác.

Dù có thể không biết nhiều về quá khứ của ai đó, nhưng ngay cả với ít thông tin, ta vẫn có thể suy đoán ra vài mẩu chuyện xúc động, sáng tỏ. Đồng nghiệp không buồn lắng nghe ta, dù hiện giờ đang ở vị trí cao với quyền lực, chắc hẳn đã từng là đứa trẻ bất lực mà nhu cầu chẳng ai đoái hoài. Dù khó hình dung, ta đang đối mặt không phải là một kẻ đối địch cứng nhắc, mà là mảnh tâm hồn rệu rã, bị lãng quên của một đứa trẻ bị ngó lơ.

Còn người bạn liên tục từ chối gặp mặt với lý do bận công việc có lẽ từng biết rõ cảm giác bị đẩy ra khỏi cuộc đời người khác với lý do “bận làm”. Họ có thể đang gạt ta qua một bên, nhưng phần lớn là vì (nhiều khả năng) mẹ hoặc cha họ đã từng khước từ họ vào chính những lúc họ cần nhất. Tương tự, trong quá khứ của người tình nay gần gũi, nay hờ hững chắc hẳn đã có ai đó cho họ nếm trải nỗi đau bị thu hút vào rồi lại bị đẩy ra, khi họ còn bé xíu chỉ bằng chiếc ghế.

Ta có thể tự hỏi vì sao con người dường như bị thôi thúc phải tái diễn những tình huống bất công như vậy. Câu trả lời đơn giản nhất là: chúng ta có xu hướng bắt chước những gì đã trải qua, ngỡ rằng đó là cách thế giới phải và sẽ vận hành. Một lý do khác có thể là ta áp đặt nỗi đau lên người khác với hy vọng giảm bớt đi nỗi đau của chính mình. Ta tin rằng đẩy gánh nặng lên vai ai đó sẽ kỳ diệu làm nhẹ đi gánh nặng của bản thân, tương tự như tâm lý của kẻ bắt nạt, người vô thức cho rằng nếu mình trêu chọc kẻ yếu hơn ở trường, sẽ bớt cảm thấy tổn thương bởi sự chế giễu mà họ hứng chịu ở nhà.

Khi hình dung rằng hành vi khó chịu của người khác phản ánh những khó khăn trong quá khứ của họ, ta có cơ hội nhìn lại chính mình để xem liệu ta có đang vô tình gây rắc rối cho người khác. Việc tự nhìn nhận mình hành xử không tốt là điều rất khó, nhưng câu nói này khơi gợi ta bắt đầu – một cách gián tiếp – từ những vết thương của mình. Nó mời ta nhớ lại cách mà những người có trách nhiệm chăm sóc ta đã làm tổn thương ta trong những năm tháng hình thành, có thể là khi ta bị làm cho cảm thấy không quan trọng, bị bỏ qua khi cần lắng nghe, hoặc cảm thấy bản thân đáng ghét hay “quá phiền phức.” Những ký ức này hé lộ những manh mối quan trọng giúp ta nhận ra mình có đang vô tình truyền nỗi đau ấy lên người khác xung quanh hay không. Liệu ta có đang khiến người khác thấy mình nhỏ bé? Ta có đang ngầm ám chỉ rằng ai đó không đáng để ý? Một cơ chế đủ mạnh để giải thích hành vi của người khác cũng có thể – đồng thời – chiếu sáng lên những gì ta vô tình làm với người khác.

Cuối cùng, câu nói “ai đó đang cho ta biết điều thế giới đã làm với họ” mở ra con đường đến một xã hội đầy lòng trắc ẩn hơn. Rất ít người cố tình làm tổn thương người khác; hầu hết những kẻ bắt nạt đều không biết mình là kẻ như thế. Tất cả chúng ta chỉ là đang mù quáng theo những kịch bản tổn thương và vô tâm từ quá khứ. Ta sẽ trên con đường trở nên tử tế hơn khi bắt đầu cố gắng, trong nhiều hoàn cảnh, cư xử với người khác theo cách mà trước kia không ai đặc biệt đối xử với ta – nhưng lẽ ra phải thế.

Nguồn: WHEN PEOPLE LET US KNOW WHAT THE WORLD HAS DONE TO THEM

menu
menu