Khi nào không nên cho nửa kia cơ hội thứ hai

khi-nao-khong-nen-cho-nua-kia-co-hoi-thu-hai

Người tốt bụng, bao dung dù bị tổn thương vẫn sẵn sàng tha thứ cho nửa kia nhưng không phải ai cũng xứng đáng có cơ hội thứ hai.

Bị nửa kia làm tổn thương dẫn đến đau đớn và tâm trạng rối bời. Bạn có thể cố gắng hiểu nguyên nhân đằng sau hành động của đối phương thay vì rời bỏ họ, nhưng việc tin tưởng thêm một lần nữa không hề dễ dàng, thậm chí gây căng thẳng.

Theo tiến sĩ tâm lý học Erin Leonard, để kiểm tra xem đối phương có đáng nhận cơ hội thứ hai không, bạn hãy tự hỏi: "Liệu mình có đối xử với anh/cô ấy theo cách anh/cô ấy đối xử với mình không?". Nếu câu trả lời là "Không", người kia hẳn có vấn đề. Lúc này, bạn hãy tìm kiếm thêm một số dữ liệu như khả năng nhận lỗi của người kia để đánh giá lại mối quan hệ.

Source: Anna Tarazevich/Pexels

Lời khuyên trên được tiến sĩ Leonard minh họa bằng một câu chuyện như sau.

Lisa đang hẹn hò Dave. Họ cùng tham dự bữa tiệc của công ty Dave. Sau khi ăn vài phần tôm, Dave bị buồn nôn và bảo Lisa mình cần vào nhà vệ sinh. Vài phút trôi qua, Dave cảm thấy mình không đủ sức quay lại bữa tiệc nên nhắn tin từ nhà vệ sinh cho Lisa rằng anh bị ốm, cần về nhà. Lisa không trả lời tin nhắn. Đến lúc Dave gọi điện, cô cũng không nhấc máy. Dù rất khó chịu, Dave vẫn cố chờ bạn gái phản hồi và hy vọng sếp cùng đồng nghiệp không vào nhà vệ sinh để thấy anh đã nôn ra áo.

Một tiếng sau, Dave tự làm sạch áo và loạng choạng ra cửa. Anh gặp một nhóm bạn và hỏi họ Lisa ở đâu. Họ cho biết Lisa đã đi đến một quán bar gần đó với đồng nghiệp của Dave. Người đàn ông nhận ra bạn gái giữ chìa khóa xe nên đành đi tìm cô. Vừa mệt mỏi vừa mất nước, Dave đi qua hai dãy nhà mới thấy Lisa.

Thấy Dave, Lisa tỏ vẻ khó chịu. Cô đỡ bạn trai ra xe, nhưng chỉ hỏi thăm một - hai câu, sau đó khoe rằng mình đã vui thế nào. Đến lúc Dave hỏi vì sao không trả lời điện thoại, Lisa cười đáp: "Em biết anh ốm, nhưng em không muốn anh nôn ra xe. Em cũng đang giữa cuộc vui nên phải để anh chờ".

Dave bị sốc. Anh vui khi bạn gái dự tiệc của công ty mình và thân thiết với đồng nghiệp nhưng thất vọng vì cô không giúp anh khi anh cần. Dave cố bày tỏ tâm trạng của mình nhưng Lisa nói: "Xin lỗi, nhưng ai bảo anh ăn nhiều tôm. Đừng như người yêu cũ của em. Anh ta bắt em rời tiệc sớm vì lên cơn ghen trong khi lâu lắm em mới được vui vẻ".

Dave cố suy nghĩ về những gì Lisa nói. Anh nghĩ chúng cũng có lý nhưng rồi dừng lại và hỏi bản thân: "Liệu mình có bỏ mặc Lisa khi cô ấy ốm không". Câu trả lời của Dave là "không".

Chưa kể, Lisa không thừa nhận sự ích kỷ của mình, thậm chí không thấy hối hận. Sự thiếu đồng cảm của bạn gái khiến Dave lo ngại.

Tuy vậy, Dave vẫn tự trách bản thân đã ăn quá nhiều và thông cảm với Lisa về kỷ niệm tồi tệ với người yêu cũ. Anh quyết định không chia tay nhưng nhận ra mình cần xây dựng ranh giới để bảo vệ bản thân trong tương lai.

Cách Lisa phản ứng với ranh giới Dave đưa ra cũng sẽ cho thấy sức khỏe cảm xúc của cô ấy. Ví dụ, nếu Lisa nổi cơn thịnh nộ, Dave có thể xác nhận ngay rằng Lisa thiếu trưởng thành về mặt cảm xúc.

Ranh giới Dave đưa ra bao gồm việc nói rõ rằng khi cần rời khỏi một bữa tiệc, anh sẽ đi mà không chờ đợi. Nếu Lisa không muốn về, cô sẽ tự gọi taxi sau.

Lisa đồng ý, nhưng một tuần sau, cô lại tức giận vì Dave bỏ về sớm. Lisa gọi bạn trai là "ích kỷ". Dave nhận ra bạn gái tự cho mình là trung tâm và thái độ gây hấn của cô sẽ gây hại cho anh nên cuối cùng chia tay.

Những người hiểu biết, tốt bụng và bao dung thường sẵn sàng cho nửa kia thêm cơ hội dù bị tổn thương. Họ hy vọng rằng các phẩm chất tốt của nửa kia sẽ vượt lên một số hành động sai trái. Sự lạc quan này dũng cảm nhưng về lâu dài, bạn có thể trở thành nạn nhân bạo hành cảm xúc.

"Dành thời gian với kiểu người này sẽ gây bất lợi cho sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của bạn", tiến sĩ Leonard khuyến cáo.

Thu Nguyệt dịch

Nguồn: When to Give a Partner a Second Chance

menu
menu